Bằng một trái tim mẫn cảm với thời cuộc của người nghệ sỹ, “Khóc cây” là những dòng thơ đau đớn và bất lực mà Ly Hoàng Ly viết ra trong một đêm đi dọc suốt con đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), ngày 16.1.2018. Thời gian này, con đường này đã trở nên trống hoang hoác, xa lạ với đa phần người dân thành phố; với những gốc cây cổ thụ cụt, và một bông hồng mà người dân nào đã đặt lên nó.
Năm 2016, khi một lần nữa rộ lên thông tin 258 cây xanh trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ, Ly Hoàng Ly cùng nhiều bạn trẻ đã lặng lẽ trình diễn tại đây một buổi nghệ thuật trình diễn “Ôm cây – Ôm người ta yêu thương – Ôm chính mình”.
Con đường khi ấy trở thành bảo tàng không gian sống/phòng triển lãm ngoài trời cho tác phẩm này. Khối hình người ôm cây là installation (tạm dịch: nghệ thuật sắp đặt). Thời gian triển lãm là toàn bộ thời gian ôm 300 cây.
Dự án này đã được khởi xướng từ năm 2015, trong ba ngày liên tiếp của tháng 3 – khi Hà Nội công bố chặt 6.700 cây xanh.
“Tôi tin rằng khi quy hoạch thành phố, nếu coi trọng việc bảo tồn cây xanh và các di sản xung quanh, thì chính quyền sẽ giải được bài toán vừa giải quyết được việc kết nối giao thông với Thủ Thiêm, vừa không phải triệt hạ cây như vậy”, Ly Hoàng Ly nói.
Như Người đô thị đã từng đặt vấn đề thời gian qua, việc chặt 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2 chưa được dựa trên một chiến lược tốt. Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, nếu không làm cầu Thủ Thiêm 2 cao và rộng như hiện tại, thành phố có thể giảm được ít nhất ½ số lượng cây phải chặt, di dời; thậm chí có thể tránh được việc chặt cây.
Theo nhiều chuyên gia khác, đây cũng không phải là một giải pháp giao thông phù hợp trong nội thành.
Một phương án khả thi hơn hoàn toàn có thể tìm ra, nếu thành phố có một độ lùi để giải quyết. Bởi bài toán cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ cần được nhìn ở góc độ kết nối giao thông, mà còn cần nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, bảo tồn, hiệu quả kinh tế,…
Người đô thị trân trọng giới thiệu bạn đọc bài thơ của Ly Hoàng Ly. Nghệ thuật không đâu xa, đó không chỉ là tiếng lòng của người dân, mà là sự nhân bản, rung cảm với xã hội – thời cuộc…
Lê Quỳnh
Khóc cây
Tôi ngước lên cao
Bầu trời thủng
nghĩa trang
Thất thểu
***
Phẫn nộ – những chồi xanh nhỏ nhoi
Vẫn biếc bên gốc cây cổ thụ bị ép chết tức tưởi
Những chồi xanh nhỏ nhoi vẫn biếc – phẫn nộ
quanh phần còn lại của cơ thể khổng lồ khỏe mạnh vừa bị cắt cụt
Vẫn biếc – phẫn nộ – những chồi nhỏ nhoi xanh
niềm tin nào sáng rực trong đêm
***
Tôi ngước lên cao
Bầu trời màu chì ôi
Cảm thấy mười dòng lệ tứa ra từ mười đầu ngón chân
Xoắn vào những mẩu rễ trăm năm trồi lên mặt đất
***
Này các anh xẻ cây xanh
Các anh đâu vui, đúng không?
***
Này các anh vẽ cây cầu bắc qua giấc mộng tương lai
Các anh không mừng đâu, nhỉ?
***
Cắt phăng trăm năm cần bao nhiêu công?
Cần bao nhiêu máy móc thiết bị?
Nói cho tôi nghe
Để tôi viết vào sổ tay lịch sử
***
Bầu trời thâm tím sưng vù vì ứ nước không khóc ra được
Không thể khóc được
Vừa đi vừa hụt
hẫng
***
Cơn mưa đâu sao không xuống
Thấm cho mềm cơn đau
***
Con đường nghẹn cái chết không xác và thân thể tàn tật
Vài nhánh lá tê liệt không còn sức rì rào thở than
Những hố bom không rên rỉ
***
Cơn mưa đâu sao không xuống
Rửa màu máu xanh lênh láng khắp không trung khắp không khí tôi đang thở
Tôi còn đang thở không?
***
Người ta khoét thịt bầu trời
Người ta moi tim mặt đất
Người ta xẻ linh hồn phố trăm năm
***
Vừa đi vừa thảng thốt:
Tim tôi bị thủng nhiều lỗ
Nhưng tôi vẫn đi được!
Chắc tôi đã hóa thành cỗ máy chạy bằng nhiên liệu có tên bất lực
***
Mọi người và tôi đi trong nghĩa trang không bia mộ
Ô tô xe tải
Xe gắn máy
Xe đạp
lừ lừ chúng tôi những cái xác
ướp bảo tàng diệt chủng bằng chất liệu thờ ơ
***
Giao thông vẫn cứ giao thông
lừ lừ đi vào ngày mai
Trong bia mộ khổng lồ
***
Này anh chị em, có phải tất cả chúng ta đã chết rồi
Ai xẻ tâm trí chúng ta ra
Ai đào tâm trí chúng ta lên
Ai phủ đất lên tâm trí chúng ta?
chằng chịt rách
sâu hoắm
u mê
***
Nhìn pháp trường hành quyết những tiền nhân đương xanh um vào mỗi nửa đêm
Bầu trời Tôn Đức Thắng
hoang hoác
Nước mắt trở nên hèn hạ quá
Nên không khóc đâu
Không khóc đâu
Không
khóc
***
Sài Gòn – Tôn Đức Thắng
Ly Hoàng Ly (khuya 16.1.2018)
Ly Hoàng Ly hiện là biên tập viên NXB Trẻ; nhà thơ; đoạt nhiều giải thưởng văn học; theo học Học viện Mỹ thuật Chicago (Hoa Kỳ) với học bổng Fullbright cho chương trình thạc sĩ mỹ thuật; thực hiện nhiều triển lãm nhóm, trình diễn, sắp đặt trong và ngoài nước…
Nguồn: Người đô thị