Cái nhìn của một nhà báo

FB Nguyễn Tiến Tường

Ông đó ở phe nào?

Ông Nguyễn Viết Hiệp – nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội trước đây nhập 160 toa tàu cũ của Trung Quốc về Việt Nam gây lãng phí tiền tấn. Ông này bị ông Thăng khi đương nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải “trảm” mất chức. Thế nhưng ông vừa chính thức “quan về ghế cũ”, làm tổng giám đốc.

Tương tự, ông Phạm Tuấn Anh, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cũng vừa tiếp “ngai” sau một thời gian bị ông Thăng “trảm”. Việc gia đình trị ở doanh nghiệp này còn khủng khiếp hơn. Ông Vân là bố ông Anh, khi về hưu thì ông Súy là em ruột lên kế vị. Trước khi nghỉ 2 ngày, ông Vân bổ nhiệm con trai làm phó tổng giám đốc. Đây là một quyết định vượt thẩm quyền và trái quy định. Ông Thăng đã chỉ đạo doanh nghiệp thu hồi quyết định.

Đến thời điểm này, ông Anh không những được phục chức mà còn kiêm quản thêm vị trí xôi thịt khác, ăn lương hơn nửa tỉ bạc mỗi năm.

Điều này là không thể chấp nhận được vì sai phạm của các cá nhân là rất rõ ràng và ông Thăng khi đó chỉ đạo với tư cách người đứng đầu một bộ, không phải nhân danh cá nhân ông ta. Dù có nhân danh ai, thì việc phục chức này rất không hợp lí khi các sai phạm chưa được làm rõ. Đây là một hành động thách thức chính thể.

Ông Thăng là ông Thăng và nhân sự sai phạm là việc hoàn toàn tách bạch. Việc các nhân sự này trở lại sau khi ông Thăng bị bắt sẽ cho người dân có cảm giác công cuộc chống tham nhũng hiện tại là thanh trừng phe phái và tranh đoạt quyền bính.

Họ phải trả giá cho sai phạm của mình, nếu có, chứ không phải trả giá vì ông Thăng. Cũng như ông Thăng trả giá với nhân dân, đất nước chứ không trả giá cho bất cứ cá nhân nào.

Trong khi những nhân sự thượng tầng lần lượt thành củi thì những con tép riu không có lí do gì tác oai tác quái như thế này. Nếu những sai phạm này là có thật thì nó rất điển hình cho cái kiểu kỉ luật thuyên chuyển lòng vòng né dư luận hoặc bợ đỡ lẫn nhau, xem chốn công quyền như bếp nhà mình.

Củi khô, củi ướt không phân biệt thì củi to, củi nhỏ càng nên không. Càng phải xuống tay để thể hiện sự vô tư. Như vậy, niềm tin của dân mới có cơ sở.

Đừng để dân hỏi miết một câu hỏi đầy bất nhẫn: Ông đó ở phe nào?

2-1-2018

Lắm thày nhiều ma

Lại đề xuất nâng cấp Tổng cục Du lịch thành Bộ Du lịch. Theo các giàng là để đưa du lịch xứng với tiềm năng. Thật là vãi đạn. Các giàng chỉ nói trơn chứ chưa chứng minh được là lập bộ thì sẽ đưa du lịch đi lên như thế nào.

Cái ngành này bao năm chẳng thay đổi gì cả. Vẫn 70% du khách một đi không trở lại. Là vì họ sợ giao thông, sợ chặt chém, sợ cướp giật. Sợ các bồi bàn quốc doanh thả tô phở xuống bàn cái huỵch, mắt trừng gửi mộng về biên giới. Sợ nhất các yêng hùng canh cửa toilet như thần chết thu phí qua đò. Cái thực trạng khủng khiếp đó chà đạp, hiếp dâm, làm nhục tất cả vẻ đẹp Việt Nam.

Ở thượng tầng thì thế nào? Là hội thảo, là giao lưu, là mang tô phở với cái nón lá đi khắp thế giới, thợ đi thì ít thầy hít đi thì nhiều. Ngay cả cái đại sứ du lịch cũng trời ơi đất hỡi. Rước thằng cha râu xồm Kong đến, hết ôm em cô này đến lả lơi cô khác, vô quán bar bị nện cho vỡ đầu. Chọn cô Kỳ thì cô vung tiền ngồi chồm hổm trên hai chữ Việt Nam, giữa sân khấu quốc tế.

Đó. Vấn đề của du lịch là não trạng chứ không phải cơ thể. Cho các ông thành bộ rồi các ông vẫn cứ loay hoay lạc trôi duyên phận thì chỉ tổ tốn cơm dân canh nước. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có lần than: Du lịch không phải là com-lê, cà vạt, xắn tay vào mà làm. Ha!

Cái to hơn, chính tâm lí ông nào cũng muốn quyền nên bộ ngành ban bệ bây chừ nhan nhản, dân nghe ngán luôn. Thêm một bộ là thêm bao nhiêu ông bà, dân è cổ nuôi. Chẳng đâu như xứ mình, một bộ trưởng vài thứ trưởng, vài thứ trưởng lại thêm vài chục cục trưởng, vài chục cục trưởng lại thêm một lô một lốc cục phó. Đến cơ quan chào các sếp, chào xong hết cụ nó ngày.

Bộ máy công chức cồng kềnh, 30% sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Tính cả ban ngành đoàn thể, 11 triệu ăn tiền ngân sách. Toàn cổ cồn là lượt, kiến ăn thì lâu chớ trâu ăn thì chóng, chẳng mấy chốc mà hết gạo. Nước Mỹ 160 người nuôi 1 công chức, xứ An Nam 40 người nuôi một người. Trung Quốc có tỉ lệ ăn lương trên đầu dân chỉ 2,8%, ở ta 8,3% úi giời ơi là hoành tráng!

Vấn đề tinh giản bộ máy đặt ra nhiều năm. Bi hài là theo Nghị quyết 39, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện quyết liệt và nghiêm túc, chúng ta không những không giảm được 140.000 mà còn tăng thêm 96.000. Càng tránh thai càng đẻ thế này, giời ạ!

Nếu vẫn cứ não trạng kiểu chia tách, lập bộ ngành ban bệ cho “xứng tầm” như ông du lịch thì có tinh giản khướt. Nơi này nhặt một hạt thóc, nơi kia mang đổ cả thúng thì hô hào chi cho mệt. Cái cần là cải thiện não trạng cán bộ. Làm thì ít mà cứ thích kiếm chỗ mát đít ngồi. Ai cũng làm sếp rồi ai làm lính?

Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng. Đẻ cho lắm lãnh đạo rồi mai mốt tốn công dí bắt chứ được gì.

25-12-2017

Họ đã làm giàu như thế nào?

Thị trường chứng khoán sôi sục thông tin anh Quyết còi bán chui 57 triệu cổ phiếu. Với hành vi này ở các nước, anh Quyết đã xem K+ trong ngục thất từ lâu. Ở đây là Việt Nam và anh vẫn mím chi điệu cười trọc phú.

Đầu năm, anh đã đạo diễn một cuộc bơm thổi thần kì bằng cách biến Faros, một doanh nghiệp hạt đậu trong thị trường xây dựng thành cây cổ thụ bằng cách ghi nhận doanh thu và lợi nhuận kinh khủng từ các dự án FLC mà ai cũng biết là chưa hoàn thiện và thanh khoản cực thấp. Khi cơn điên lên đến đỉnh điểm là lúc anh luồn ra từ cửa hậu, để lại một đám đông láo nháo hỗn mang. Lần này, anh thổi giá chính FLC, lại lẻn bằng cách bán chui 57 triệu cổ phiếu. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến sự hoảng loạn trong các nhà đầu tư, nhất là nhóm margin cầm chính cổ phiếu để mua thêm cổ phiếu với lãi suất Năm Cam.

Giá cổ phiếu sẽ rơi thẳng đứng và người chơi đang chuyền nhau trái banh lửa. Cừu cứ cắn nhau nhé, lông bố mày xén rồi. Bán ngần ấy, anh Quyết thu vài trăm tỉ. Chưa xong đâu, khi những con cừu tươm máu kiệt sức bán tháo cổ phiếu, anh lại mỉm cười mua vào bơm tiếp. Cứ thế, dây thông lọng sẽ quàng vào cổ những kẻ ngờ nghệch.

Một sự kiện khác mà nếu không nhắc, sẽ thiếu sót vô cùng. Đó là chị Thảo Vietjet, cũng đồng thời là thành viên HĐQT HD Bank – ngân hàng vừa thực hiện một cú áp-phe tăng vốn lạ kì. Đại khái thế này, HD Bank sắp lên sàn để chào đại chúng, nhưng trước khi lên, một lượng lớn cổ phần ưu đãi sẽ được phát hành theo nghị quyết. Theo đó, chị Thảo sẽ được mua hơn 17 triệu cổ phần. Sovico được mua 38 triệu, một cá nhân khác tại Sovico được mua 42 triệu. Mà Sovico thì cũng có gì lạ đâu, là nơi chị Thảo cũng là chủ tịch và chồng chị, Hùng aka là phó! HD Bank chưa lên sàn nhưng giao dịch ngầm 31 ngàn đồng mỗi cổ phiếu. Với quyền mua có 10 ngàn/cổ phần, nhóm Sovico chốt lời cả nghìn tỉ. Kiếm tiền dễ như trẻ ranh hái lá mít, nhỉ?

Vấn đề của những việc kiếm tiền này là tham nhũng, là đánh lận con đen, là dúi lưỡi dao vào người khác khi làm tăng giá trị ảo vốn hoá. Có người được thì có người mất, có người giàu lên thì có kẻ nhảy lầu. Và thị trường chứng khoán Việt không khác gì cá độ đá banh. Ở đó có những người giàu lên rất nhanh. Với họ, doanh nghiệp không khác gì một gheisha hoặc cave để đào lợi trên lưng nó cả. Với doanh nghiệp còn như vậy thì đừng mong họ vì quốc kế dân sinh. Những người như họ, nếu vo tròn đất nước để bán được. Chắc họ cũng không thiếu dã tâm.

Và, thật bi hài, họ đang sắm vai những nhà đạo đức lung linh!

20-12-2017

Sự im lặng bạo tàn

Phương, người tài xế bị công an thốc nách ở BOT Cai Lậy là cha của hai đứa con. Chỉ vì dùng tiền lẻ mà anh bị đưa về đồn. Bây giờ, bằng lái bị thu, anh mất thu nhập.

Bây giờ, Phương bỗng dưng mang thân phận “đại bàng” trong mắt dân chúng. Dù việc anh làm không có gì sai trái. Dư luận nhìn anh như một kẻ hổ báo. Con gái anh nhìn mặt bạn bè với một sự hổ thẹn. Những đứa trẻ chịu sự phán xét cay nghiệt và vô căn nguyên của xã hội. Cuộc sống an lành của họ bắt đầu biến dạng!

Bây giờ, những người tài xế tìm những người xe cẩu. Máu đã chảy. Những giọt máu hằn học của cùng đinh bất lực trước cường quyền.

Tất cả chuyện này không nằm trong dòng văn học hiện thực của thời buổi ngổn ngang. Nó diễn ra vào thời đại 4.0 và kỉ nguyên kiến tạo. Quyền lực biến dạng của thượng tầng đã tha hoá con người hạ tầng. Một thực tại không thể phong kiến hơn.

Tất cả diễn ra trước mắt Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, người kí duyệt BOT Cai Lậy.

Ông vẫn im lặng. Như chúa sau bức rèm. Sự im lặng này cho thấy khi đặt bút kí, có thể ông đã lường trước các xung đột. Nhưng có lẽ ông không lường được hậu quả của một quyết định hành chính lên thân phận con người. Ông nghĩ rằng sức chịu đựng của nhân dân là vô hạn chăng?

Xã hội đã phá vỡ quan hệ nhưng ông Thể chưa phá vỡ sự im lặng của chính mình. Kì thật, đó là một sự máu lạnh hơn bất kì hôn quân nào của các triều đại tàn khốc.

Thưa ông Thể, có thể ông chưa đủ xót đau cho chúng dân nhưng nhìn những gì đang diễn ra, ông không có chút nào sợ hãi hay sao?

Ông hãy lên tiếng trước khi sai lầm thành tội ác. Đây không còn là tiền nữa. Đây là những thân phận, là thực tại mà ông ít nhiều góp phần kiến tạo nên.

Chẳng bức rèm nào che được nhân quả đâu ông!

4-12-2017

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyentuong.tuongnguyen.5

This entry was posted in kinh tế, Xã Hội. Bookmark the permalink.