Tội đồ và nạn nhân của chế độ bao cấp

FB Trần Quốc Quân

Tội đồ

Tự nhận mình là tội đồ của chế độ bao cấp e rằng huênh hoang quá, vì tôi chưa đủ tuổi. Nhưng những năm tồn tại cuối cùng của thể chế kinh tế quan liêu này thì ở vị trí công việc của mình, tay tôi cũng nhúng chàm vì tham gia chút đỉnh.

Trừ thời gian bị tổng động viên làm lính đánh Tàu (oai chưa), gần như cả thập niên 80, tôi ngồi làm việc tại tòa nhà 5 tầng cong như cánh diều tại số 6B Hoàng Diệu – Hà Nội (trụ sở của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trước là Ủy ban Kế hoạch nhà nước và Tổng cục Thống kê), một trong những tổng hành dinh đầu não bóp nặn số liệu và đưa ra các quyết sách chủ quan về quản lí kinh tế của chế độ XHCN Việt Nam. Vậy không phải là tội đồ tham gia vào việc đẩy nền kinh tế quốc dân xuống hố thì là gì?

Toàn cảnh

Thời bao cấp, toàn dân từ thành thị đến nông thôn ngắc ngoải vì nghèo đói. Một nghịch lí diễn ra là người nông dân trồng lương thực nuôi cả xã hội nhưng rất hiếm khi trong bữa ăn họ có nổi nồi cơm trọn vẹn từ gạo mà phải độn thêm rất nhiều phần ngô, khoai, sắn… Ai thoát li đi ra khỏi lũy tre làng là diễm phúc lớn bởi vào biên chế, làm cán bộ – viên chức nhà nước là được tiêu chuẩn 13 kg gạo/tháng, công nhân được nhiều hơn, từ 15-19 kg/tháng, khỏi lo chết đói. Thậm chí ở nhiều nơi, với nhiều người, tình nguyện đi bộ đội cũng là một cách cứu đói. Tiêu chuẩn gạo bộ đội là 21 kg/tháng nhưng lính ở đơn vị thường bị ăn bớt, nhất là thời gian chiến tranh chống Tàu. Nửa năm ở đơn vị huấn luyện, tôi bị đói kinh hoàng đến nỗi nghiện mà phải bỏ thuốc lá, chuyển sang hút thuốc lào để có tiền mua thêm bắp ngô, củ khoai, củ sắn… để ăn.

Thời bấy giờ, ở Hà Nội có câu thành ngữ rất phổ biến: “Trông mặt như mất sổ gạo”. Đối với hầu hết gia đình thành thị và cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, mất sổ gạo là một thảm họa. Bởi trong thời gian (rất dài) chưa được cấp lại sổ cung cấp gạo, gần như chắc chắn cả nhà phải đối đầu với nạn đói vì không đủ tiền mua gạo thị trường tự do (rất đắt so với thu nhập).

Thời bấy giờ, tất cả các đồ ăn, thức uống, vật dụng thông thường không chỉ thiếu thốn mà còn kém phẩm chất. Gạo mì thì mủn mốc, thịt thì bèo nhèo, cá thì tanh ươn, vải thì bục mục… nhưng người tiêu dùng không có quyền lựa chọn. Trong xã hội gần như không có hàng hóa trao đổi nên hầu hết mọi thứ cần thiết để duy trì cuộc sống đều được phân phối. Tem phiếu được thực hiện không chỉ đối với lương thực, thực phẩm, vải, chất đốt mà đến cả săm, lốp, xích, líp xe đạp, pin đèn, phụ tùng radio, vô tuyến… Theo tiêu chuẩn cấp bậc, cán bộ tương đương bộ trưởng được bìa A, thứ trưởng bìa B, vụ trưởng bìa C, trưởng phòng phiếu D, cán sự và kĩ sư phiếu E… Phe (mua đi bán lại) tem phiếu lúc đó là một nghề tuy bị coi thường nhưng có thu nhập khá giả.

Nạn nhân

Xếp hàng mua gạo, thịt cá, dầu hỏa… là nỗi vất vả kinh hoàng đối với nhiều đứa trẻ thuộc lứa tuổi tôi. Để mua được những thứ đồ phân phối theo tiêu chuẩn, không đến nỗi chất lượng quá xấu, nhiều khi người đi mua phải dậy sớm, xếp hàng từ 3-4 giờ sáng.

Sáu năm công chức nhà nước, tôi đi làm phải đem theo cặp lồng cơm để ăn trưa. Tiêu chuẩn ba tôi trước là bìa C, sau lên bìa B khá cao nên cơm trưa còn có miếng thịt, miếng cá. Nhìn vào cặp lồng cơm của đồng nghiệp cùng phòng, cùng vụ thì hầu như bữa nào cũng chỉ toàn rau, dưa, lạc rang, tép kho, khá thì có vài miếng đậu phụ, còn thịt cá thì rất hiếm khi. Cơ quan tôi, thời đó có anh đồng nghiệp đến nhà bạn gái, mùa đông bên trong bu-dông mặc cái áo len để khoe giàu, nhưng thực ra chỉ có cái cổ và 2 ống tay đan bằng len đính vào cái áo phông dệt sợi. Có lần tôi đứng trên cửa sổ phòng làm việc nhìn xuống đường thấy một bạn ở vụ bên cạnh, tan tầm không may săm xe đạp bị thủng, không có tiền vá, bạn ấy dắt xe đi bộ 4 km từ phố Hoàng Diệu về tận Trần Cao Vân.

Thời bao cấp có bài thơ nhạo bọn công chức, nghe mãi đến nhàm cả tai: “Một yêu anh có may-ô / Hai yêu anh có cá khô ăn dần / Ba yêu rửa mặt bằng khan / Bốn yêu anh có hai quần để thay…”. Xe đạp hay đài thu thanh cũng được coi là tài sản quý, ti-vi thì quá xa xỉ. Ai đời, xe đạp cũng phải treo biển số đăng kí như ô-tô, xe máy bây giờ. Tôi vào đại học, được ba cho cái xe đạp nam hiệu Pacific của Pháp, biển số XQ637 dựng trong nhà xe giảng đường Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Hết giờ học, tìm cả khu giảng đường mãi không thấy đâu, đoán thằng bạn mượn xe trước đó 3 ngày đánh chìa khóa ăn cắp, tuy tiếc ngẩn ngơ, buồn muốn chết cả tháng nhưng chẳng thèm báo công an.

Thời bấy giờ, cả xã hội đói ăn, nhưng càng đói càng quẫn. Nhà nhà nuôi lợn, nuôi gà, thả cá trê Phi, trồng rau… Tôi thì chọn cách làm sang chảnh hơn là câu điện bao cấp không phải trả tiền của khu tập thể quân đội để điện phân phân kali làm thành nguyên liệu sản xuất thuốc nổ, bỏ mối cho cò mồi đem đến xã Bình Đà – Hà Tây bán cho bọn làm pháo. Tường nhà tôi toàn xi măng mà cũng mủn ra vì bị hóa chất ăn mòn.

Không hiểu từ đâu sinh ra cái chỉ thị cho phép và khuyến khích bộ đội, công an, nhà máy, thậm chí cả cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của nhà nước tăng gia sản xuất, tự túc cải thiện miếng ăn từ lương thực đến thực phẩm. Khi là trung sĩ ở Phòng Quân lực – Bộ Tham mưu – Quân khu Thủ đô, tôi phải đi trồng ngô, trồng lúa ở bãi sông Hồng thuộc địa phận xã Lĩnh Nam – huyện Thanh Trì để gây quỹ cho đám sĩ quan trong phòng. Vì là lính, tôi trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng không được chia cân nào, chỉ được bao nhậu ké, không phải trả tiền mỗi khi có dịp đánh chén. Hết 3 năm nghĩa vụ quân sự, tôi trở về cơ quan cũ đúng lúc phong trào tăng gia sản xuất lương thực cải thiện đời sống cán bộ dâng cao. Đang là đảng viên dự bị, thời gian thử thách 1 năm mới được chuyển chính thức, tôi lại phải hăng hái tham gia trồng lúa ở cánh đồng xã Cổ Nhuế. Tinh thần nhiệt huyết hăng say cao độ nhưng kĩ năng trồng lúa không có, bỏ bao công sức đạp xe, đắp bờ, tát nước, nhổ cỏ… cuối năm đó tôi được chia những 6 kg gạo.

Có hôm vụ tôi phơi lúa trên hè phố Hoàng Diệu cạnh tường Bộ Quốc phòng (sau này là trụ sở Công ty Vaxuco) còn được cụ Tổng bí thư Lê Duẩn cùng 2 bảo vệ đi từ nhà bên kia đường sang hỏi thăm tình hình tăng gia sản xuất gạo, “nâng cao” đời sống. Sau một hồi chuyện trò, cụ cười hì hì khen “giỏi hỉ!” rồi chắp tay sau đít, thủng thẳng băng qua đường vào nhà.

Đã bao cấp lại còn bắt nông dân phải chia ruộng cho bọn dài lưng không biết canh tác để chúng bỏ bao công sức nhưng chỉ thu được vài cân lúa, cân ngô một vụ mà vẫn còn khen “giỏi hỉ” thì đúng là… giỏi thật!

Nguồn: https://www.facebook.com/quanjim/posts/1652883468068096

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.