Kỉ niệm 50 năm Đặng Kim Giang bị bỏ tù và 100 năm ngày sinh Kim Ngọc, nhìn lại tình hình nông nghiệp Việt Nam những năm 60 thế kỉ trước – hai quan điểm, hai chủ trương

Kim Trần

Lê Duẩn

Tại Đại hội III (5 à 10-9-1960) Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị có đoạn: “Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, mở đường cho sức sản xuất phát triển” (Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội toàn quốc Đảng Lao Động Việt Nam lần thứ III, ngày 5-9-1960. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, trang 531. NXB Chính trị quốc gia. 2002).

Tháng 12-1960, Chính phủ kiểm điểm kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá (1958-1960), đánh giá: “Công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh đã thu được thắng lợi có tính chất quyết định”. Kinh tế quốc doanh bắt đầu trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Số lượng nông trường quốc doanh từ 16 năm 1957 đã tăng lên 59 năm 1960. Công nghiệp quốc doanh năm 1960 chiếm 89,9% giá trị sản lượng công nghiệp. Nhờ quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp tư nhân nên công nghiệp quốc doanh tăng trưởng tới 49,6%/năm. Vận tải quốc doanh chiếm 79,7% tổng khối lượng vận tải hàng hoá. Thương nghiệp quốc doanh chiếm 49,5% lưu chuyển bán lẻ, nếu kể cả thương nghiệp hợp tác xã và tư bản nhà nước thì chiếm 92% tổng ngạch bán buôn.

Những con số tuyệt vời làm nức lòng người.

Nhưng…

Sau khi hoàn thành hợp tác hóa và phát triển nông trường quốc doanh, sản xuất nông nghiệp Bắc Việt Nam lập tức tuột dốc. Năm 1959, năng suất lúa từ 2,9 tấn/ha tụt xuống còn 1,8 tấn/ha năm 1960. Tương tự, sản lượng lúa từ 5,2 triệu tấn tụt xuống còn 4,2 triệu tấn, sản lượng bình quân đầu người giảm từ 335 kg thóc/người xuống còn 261kg/người (Tổng cục Thống kê dẫn theo Võ Trí Nhân – Viện Nghiên cứu châu Á, 1990). Cho đến năm 1960, khi hoàn thành hợp tác hóa trên phạm vi cả nước thì năng suất lúa miền Bắc tụt xuống hàng thấp nhất các nước Đông Nam Á từ mức kỉ lục cao nhất Đông Nam Á của Việt Nam năm 1958. Cân đối lương thực phải dựa hẳn vào viện trợ nước ngoài.

Những kẻ phá rào:

Kim Ngọc

Tại Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất), nhiều hợp tác xã dù đã trải qua hai vòng cải tiến quản lí nhưng càng mở rộng quy mô thì làm ăn càng sa sút. Vụ đông xuân năm 1965-1966, thời tiết xấu, sản lượng lương thực giảm 20%, nhiều hộ dân đói. Không chịu bó tay chờ chết, nông dân một xã của huyện Lập Thạch tự chia ruộng hợp tác xã cho các hộ để họ chủ động tổ chức sản xuất. Nạn đói lập tức được giải quyết. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc khảo sát tình hình, thấy đó là kinh nghiệm tốt, liền cho phép hợp tác xã Thôn Thượng – xã Tuân Chính – huyện Vĩnh Tường làm thí điểm giao khoán sản xuất cho nhóm, lao động và hộ nông dân trong vụ mùa 1966, sau đó mở rộng ở 12 xã khác trong toàn tỉnh dưới hình thức “điều tra thực tế”. Ngày 10-9-1966 Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thông qua nghị quyết số 68 “Về một số vấn đề quản lí lao động nông nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp hiện nay”, chính thức hoá chủ trương với nhiều cách khoán: a- Khoán hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất; b- Khoán hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ; c- Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm; d- Khoán trắng ruộng đất cho hộ. Chỉ sau hai vụ năm 1967 đã có 75% số hợp tác xã trong tỉnh thực hiện khoán hộ. Kết quả: sản lượng lương thực tăng thêm 4000 tấn, tình trạng thiếu đói chấm dứt, có 4 huyện, 46 xã và 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã trong tỉnh) đạt năng suất lúa kỉ lục 5-6 tấn/ha. Tổng sản lượng quy ra thóc năm 1967 toàn tỉnh Vĩnh Phú đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm 1966 là 4.000 tấn. Đàn lợn tập thể nhờ khoán chăn nuôi cũng tăng 20% đầu con so với năm 1966 và tăng 38% so với năm 1965. Đây là những thành tích chưa từng có trong các hợp tác xã ở miền Bắc khi đó.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 16 năm 1969, bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhận xét: “Hiện bây giờ trên Vĩnh Phúc khoán cho hộ, thế là thế nào? Hợp tác hoá ở Việt Nam không phải là máy móc mà tổ chức lao động là chính. Đó là nội dung hợp tác hoá của ta. Đất ruộng vẫn ở đây, chủ yếu là tổ chức lao động lại để năng suất có thể lên 15-20%. Lê-nin nói như vậy, mà ta cũng nói như vậy, nói từ đầu rằng đó là nội dung hợp tác hoá. Bây giờ lại ra mấy chỗ giao khoán là sai đấy… Bóc lột là tư bản chứ không phải xã hội chủ nghĩa. Có những vấn đề quan trọng như vậy đã nói rồi mà vẫn cứ sai. Cho nên nông nghiệp có khó khăn như vậy”.

Ngày 17- 2-1955, Chính phủ ban hành Nghị định số 2 quy định việc tổ chức các “cơ quan nông lâm trung ương và quốc doanh nông nghiệp ở địa phương” với nội dung: “Các nông trường quản lí công nhân như trong nhà máy, lương theo thang bậc cố định, làm việc theo tổ đội. Nông trường có quy mô đất đai rộng, được trang bị nhiều máy móc, quản lí sản xuất như trong công nghiệp. Số lượng nông trường quốc doanh tăng nhanh từ 16 năm 1957 lên 59 nông trường năm 1960 nhưng về chất lượng thì rất yếu” (Báo cáo nghiên cứu hỗ trợ giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lí sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004- 2015. Hỗ trợ giám sát tối cao của Quốc hội năm 2015).

Đặng Kim Giang

Không phải chỉ thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhận thấy ” các nông trường… kế hoạch không thực hiện được, sản lượng thấp, phẩm chất xấu, giá thành cao, lãng phí nhiều, thua lỗ lớn” (Chỉ thị 366 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-8-1957). Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông trường quốc doanh Đặng Kim Giang đã nhận thấy tình trạng đó từ lâu – đó là chủ trương duy ý chí, muốn quản lí nông nghiệp theo kiểu công nghiệp.

Việt Nam là nước đất chật người đông, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,5 – 0,6 ha nên quỹ đất của các nông lâm trường quốc doanh chiếm đến 1/4 diện tích đất tự nhiên của cả nước là một sai lầm chết người. Khốn nỗi Đảng lại muốn hình thành một hệ thống nông trường quốc doanh “đóng vai trò chủ đạo đối với kinh tế tập thể, kinh tế gia đình” trong nông nghiệp giống như đã áp đặt vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước nói chung cho toàn nền kinh tế.

Nhìn thấy đời sống cơ cực của công nhân các nông trường, ngay từ năm 1963, tại nông trường mang tên “1-5”, với tư cách thứ trưởng Bộ Nông trường, Đặng Kim Giang mở “Hội nghị bàn về công tác đời sống” của Bộ Nông trường, chính thức đề nghị cho phép áp dụng “hình thức tăng gia cá nhân, mỗi gia đình tăng gia riêng tùy theo điều kiện, khả năng của mình”. Theo đề nghị này, các nông trường cho phép nông trường viên được dùng đất hoang hóa, đất đầu lô, đầu bờ tổ chức sản xuất với mục tiêu tăng gia, tự cấp, tự túc để cải thiện đời sống, giao đất ở cho công nhân nông trường về sinh hoạt theo gia đình, bỏ bếp ăn tập thể như trong nhà máy, mọi sản phẩm tăng gia được “thuộc quyền sở hữu cá nhân, hoa lợi tăng gia thuộc quyền sử dụng cá nhân”. Ông cũng đề nghị khoán các vườn cây ăn quả, cây công nghiệp của nông trường theo từng hàng cây, từng khu vườn cho cán bộ công nhân chăm sóc. Tương tự, đối với chăn nuôi, ông đề nghị khoán từng đàn gia súc cho người lao động, phần vượt khoán thuộc về người được giao hưởng, một phần dành cho quỹ phúc lợi. Trong báo cáo chính thức, nội dung này được trình bày dưới dạng hiền lành: “Một số vấn đề cần nghiên cứu”. Lần đầu tiên trong cơ chế kế hoạch ở Việt Nam, khái niệm “khoán” được nói đến trong quản lí kinh tế.

Đề xuất của ông bị coi là hành động phá hoại. Không phải tới khi khởi lên vụ “nhóm xét lại chống đảng” Đặng Kim Giang mới bị quy kết là một tên “xét lại”. Một tháng sau Hội nghị Đời sống ngành nông trường (1963), Trưởng ban Tổ chức trung ương Lê Đức Thọ đã đến Bộ Nông trường quốc doanh kết tội Đặng Kim Giang là “chủ trương xét lại” và hạ lệnh chấm dứt áp dụng. Ngày 2-9-1963, báo Nhân Dân đăng bài “Phát huy truyền thống cách mạng” của Lê Đức Thọ. Bài báo kết tội “tư tưởng hữu khuynh” và “chủ nghĩa xét lại” cho các đảng viên phản đối chiến dịch tập thể hóa trong nông nghiệp. Nguyễn Chí Thanh cũng viết bài “Nâng cao lập trường, tư tưởng vô sản” trên tạp chí Học Tập tháng 10-1963, tố cáo một số đảng viên có tư tưởng “hữu khuynh”. Trong báo cáo của Đảng đoàn Bộ Nông trường “Về hoạt động phá hoại của Đặng Kim Giang trong ngành nông trường”, trong hoạt động đó ngoài kiến nghị về cải tiến quản lí trong nông trường còn có cả những đề nghị về hợp tác xã: “Việc xây dựng hợp tác hóa của ta, y cho là sớm quá, thiếu cơ sở vật chất kĩ thuật, do đó mà đời sống của nông dân bị sút kém, hợp tác xã bị vỡ hàng loạt, nông dân không phấn khởi sản xuất. Cuộc vận động quản lí hợp tác xã của ta chưa phải là vấn đề căn bản mà căn bản là vấn đề cơ sở vật chất kĩ thuật kia” (Đảng đoàn Bộ Nông trường. Báo cáo về hoạt động phá hoại của Đặng Kim Giang trong ngành nông trường. Hà Nội ngày 5-7-1968)

Đột phá khoán hộ của Kim Ngọc sau khi bị cấm 12 năm mới có Chỉ thị 100 (xem: https://thuvienphapluat.vn/…/Chi-thi-100-CT-TW-1981-Cai-tie…) và đến tận 8 năm sau, năm 1988 Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 10, chính thức giao trả đất đai, tư liệu sản xuất cho hộ xã viên. Mất 20 năm người ta mới thấy được hợp tác hóa nông nghiệp đã thất bại hoàn toàn, Đảng lẳng lặng sửa chữa sai lầm tập thể hóa sản xuất nông nghiệp. Đề xuất khoán trong nông trường quốc doanh của Đặng Kim Giang bị cấm áp dụng năm 1963 thì mất 21 năm sau Ban Bí thư mới ra Chỉ thị 35 cho áp dụng việc tăng gia và khoán sản xuất trong nông trường. Và chỉ đến khi các nông trường đã phá sản hẳn thì năm 1995, vị chi là mất 32 năm Đảng mới chịu chấp nhận xóa bỏ mô hình nông trường quốc doanh.

Kim Ngọc được chiêu tuyết nhưng Đặng Kim Giang vẫn nằm trong sách tội đồ của chính quyền. Ông bị bắt năm 1967, sau 6 giam năm cầm và 3 năm lưu đầy biệt xứ, ông bị bắt lần thứ hai năm 1981 và khi bệnh tình nguy kịch mới được trả về nhà để chết. Những nỗ lực của ông ít người biết đến vì những người dính dáng đến cuộc đấu tranh này đều bị vùi dập nặng nề. Không kể đến hàng chục, hàng trăm người bị xử trí tàn bạo trong vụ án “Nhóm xét lại chống Đảng”, chỉ riêng ở Bộ Nông trường quốc doanh và trong các nông lâm trường đã có nhiều người bị liên lụy đến việc thử nghiệm khoán trong nông trường. Ông viết trong thư gửi Đại hội V – Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1981: “Tôi bị bắt, được trên gợi ý, một số cán bộ Bộ Nông trường vốn thèm khát địa vị, muốn tạo thêm vây cánh, mượn gió bẻ măng lập ra danh sách 40-50 người “do Đặng Kim Giang tổ chức” gồm chánh, phó văn phòng, thanh tra, cục trưởng, cục phó… Các đồng chí khốn khổ này bị treo giò, bị kiểm điểm, đưa đi “hạ phóng” hàng năm trời. Sau khi bị vùi dập chán chê, mọi sự bịa đặt trở nên quá vô lí thì tất cả anh em mới được phục hồi, lẳng lặng công nhận sự “lầm lẫn” này. Nhưng những tháng năm tủi nhục, đã in đậm nét trong cuộc đời, uy tín, vị trí xứng đáng của họ đã mất hẳn đi. Ai phải giải quyết vấn đề này?” (Đặng Kim Giang. Thư gửi Ban trù bị Đại hội và các đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V, năm 1981).

Đúng 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Đặng Kim Giang bị bắt giam vào tháng 10-1967, nó cũng trùng vào dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Kim Ngọc. Cả hai ông sớm hoạt động cách mạng giành độc lập rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Điểm khác biệt ở những nhân vật can đảm dám “phá rào” vì nhân dân, vì đất nước là lòng yêu nước trong sáng, luôn vì nhân dân, khiến họ nhìn ra được những sai lầm có quyền bắt nhân dân cả nước phải tuân theo.

Tháng 10-2017

K.T

Nguồn: https://www.facebook.com/thuhienvu222222/posts/10214363095815047

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.