World Bank: Việt Nam có tốc độ tăng biên chế cao hơn tốc độ tăng dân số, 10 năm tăng lương 8 lần

Đức Minh

Nếu duy trì tốc độ tăng biên chế cao hơn tốc độ tăng dân số thì chỉ ít năm nữa, toàn bộ dân Việt Nam – kể cả các cụ già gần đất xa trời lẫn các cháu nhỏ vừa mới lọt lòng – đều là “người nhà nước” và Việt Nam sẽ có không phải chủ nghĩa xã hội mà là chủ nghĩa cộng sản… nguyên thủy.

Bauxite Việt Nam

Tỉ trọng quỹ lương chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách do tốc độ tăng chi lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chi bình quân.

Theo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam (báo cáo do World Bank phối hợp Chính phủ Việt Nam thực hiện), cơ cấu chi ngân sách nhà nước (NSNN) cũng thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỉ trọng ngày càng lớn. Tỉ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư khoảng 70:30 trong giai đoạn 2011-2015 so với 63:37 giai đoạn 2006-2010.

Chi thường xuyên tăng lên là do tăng chi cho các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp, chi trả lãi các khoản vay. Tốc độ chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng bình quân 18%/năm (giai đoạn 2011-2015), cao hơn tốc độ tăng thu và chi ngân sách.

Trong giai đoạn 2009-2012, tỉ trọng chi lương so với GDP tăng từ 6,2% năm 2009 lên 7,3% năm 2012. Tốc độ tăng chi lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chi bình quân, nâng tỉ trọng quỹ lương lên khoảng 20% tổng chi ngân sách.

Quỹ lương tăng nhanh chủ yếu do tăng lương cơ sở (kể từ năm 2006, Chính phủ đã tăng lương cơ sở và phụ cấp 8 lần) và tăng biến chế. Lương cơ sở và phụ cấp tăng khoảng 12%, trong khi đó số lượng công chức và viên chức tăng nhanh, đặc biệt là số lượng cán bộ ở địa phương. Cá biệt, có năm tăng đến 20% do đưa cán bộ xã và giáo viên mầm non vào biên chế. Tốc độ tăng biên chế cao hơn tốc độ tăng dân số (1,1%). Mặc dù so sánh quốc tế cho thấy tỉ lệ chi lương cho công chức, viên chức của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy cần phải thận trọng. Do đó, cần phân tích thêm về diễn biến chi lương trước khi tiếp tục điều chỉnh tăng lương và biên chế của Chính phủ.

Bên cạnh đó, chi trả nợ ngày càng trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. Chi trả lãi tăng nhanh so với cả GDP và thu NSNN, chiếm khoảng 8% tổng thu (bao gồm cả viện trợ không hoàn lại) vào năm 2015, so với 4,3% năm 2010. Chi trả nợ bao gồm cả trả gốc đã tăng lên đến 15% thu NSNN trong năm 2015, đang tiệm cận ngưỡng an toàn và cho thấy những rủi ro ngày càng lớn cho ngân sách.

Về chi đầu tư từ ngân sách, theo đánh giá, dù giảm tỉ trọng so với GDP và so với tổng chi tiêu của của Chính phủ nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Nếu so với tổng đầu tư xã hội trong nền kinh tế, chi đầu tư từ ngân sách chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011-2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kì 2006-2010. Như vậy, có thể nói NSNN vẫn tiếp tục đóng góp lớn vào đầu tư hạ tầng công cộng. Tỉ lệ chi đầu tư từ NSNN so với GDP ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức khoảng 9% trong giai đoạn 2011-2015, thấp hơn Mông Cổ (13%) nhưng cao hơn đáng kể so với Indonesia (3,3%), Hàn Quốc (4,2%) và Singapore (6,1%). Tỉ lệ chi đầu tư so với tổng chi tiêu của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia này.

Đ.M

Nguồn: http://cafef.vn/world-bank-viet-nam-co-toc-do-tang-bien-che-cao-hon-toc-do-tang-dan-so-10-nam-tang-luong-8-lan-20171004150010729.chn

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.