Hạ Đình Nguyên
Lão giáo sư Tương Lai, đã qua tuổi 80, một con người đã chính chuyên theo Đảng từ thời còn xuân, bỗng dưng thành “phản động” cỡ 20 năm nay, rõ nét nhất từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bởi cái sự kiện “Hội nghị Thành Đô”. Thật ra chưa bao giờ ông nghĩ có một ngày mình lại mang tên là “phản động”. Ông có ý thức mình là người chống cái sai của Đảng Cộng sản, và cũng không tán thành – tự lúc nào không rõ – chủ nghĩa Mác-Lê-Mao. Ông không phủ định toàn bộ giá trị chủ nghĩa Mác, và ông đã từng viết; “Giá như đừng có chủ nghĩa Mac thì hơn”. Sau mút mùa “chống Pháp”, “chống Mỹ”, ông quay sang chống “Trung Quốc bành trướng”; tiếp theo, lại “chống cái sai của Đảng”. Đó là suốt chặng đường đời mà ông đã và đang đi. Và vì thế, ông là con người khó để đánh giá đơn giản về lý tưởng yêu nước, trình độ tri thức và lòng nhiệt thành cách mạng của ông. Một cuộc đời gắn bó vời dòng chảy gập ghềnh quanh co của vận mệnh dân tộc qua mọi giai đoạn. Đó gần như là định mệnh của những người trí thức Việt Nam
Ông kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền Cộng sản, chức vụ cuối cùng là Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam mà ông đã xin từ chức (31/12/1997), vì không đồng quan điểm với cấp trên về sự kiện (tỉnh) Thái Bình (7/1997). Sau khi rời chức vụ, ông vẫn tiếp tục một cách sống tích cực như thế, đấu tranh bằng ngòi bút và nhiệt huyết của mình.
Tuổi 80, ông từng có mặt trong các cuộc xuống đường chống Bành trướng Bắc Kinh, đòi Nhà nước Việt Nam phải thực thi dân chủ hóa từng bước, cùng với thanh niên và dân chúng Sài Gòn trong những năm qua. Ông viết liên tục trên các báo mạng, trả lời phỏng vấn của các nhà báo quốc tế, để bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về tình hình thời cuộc. Ông chịu đựng sự sách nhiễu các kiểu rất thô bạo của nhà cầm quyền.
Thế rồi, ông rất cảm xúc khi nghe tin nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba qua đời trong nhà tù Trung Quốc sau một thời gian bị lưu đày và hành hạ, ngày 16/7 ông đã tổ chức một lễ tưởng niệm nhà đấu tranh kiên cường ấy tại nhà riêng của mình, với sự tham dự của nhiều nhân sĩ trí thức Sài Gòn. Sau đó, ngày 23/8, ông bị chi bộ Đảng (phường Tân Phong, quận 7) tiến hành một cuộc họp để kiểm điểm ông – và đe dọa khai trừ – theo ba nội dung:
– Động cơ xuống đường biểu tình (chống Trung Quốc)?
– Động cơ viết bài đưa lên mạng?
– Động cơ trả lời phỏng vấn của các đài nước ngoài?
Không ai biết chuyện kiểm điểm này có liên quan đến lễ tưởng niệm kia hay không, nhưng ông cũng đã viết bản trình bày ba vấn đề trên, trong đó ông khẳng khái xác định rõ lập trường chính trị của mình, gởi chi bộ và đưa rộng rãi lên truyền thông mạng. Cuộc họp chi bộ nhằm kiểm điểm để khai trừ ông chưa đến một kết quả rõ ràng, và vào ngày lễ Độc lập 2/9, ông ra một bản tuyên bố, có hai điểm, và công bố:
1) Từ nay ông (giáo sư Tương Lai) không còn liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng thao túng (ông Trọng đang là Tổng Bí thư).
2) Ông tuyên bố vẫn trung thành với lý tưởng của Đảng Lao động do Hồ Chí Minh thành lập.
Sự kiện tiếp theo, ngày 23/9, chi bộ khu phố 4 phường Tân Phong đã gạch tên ông khỏi danh sách đảng viên của họ. Đó là một cách chấm dứt sự liên quan của đôi bên, gọi là từ bỏ đảng hay khai trừ khỏi đảng chỉ là các cách gọi hình thức theo ý thích mỗi bên. Sự thật, theo tôi, đây là cuộc chia tay nghiệt ngã, có phần không minh bạch và rất thiếu nhân văn. Mà phần thiếu ấy, rất tệ hại, thuộc về Đảng Cộng sản mà ông Nguyễn Phú Trọng đang là Tổng Bí thư. Ngoài ra, lời tuyên bố trung thành của ông giáo sư với cái đảng đã không còn nữa (Đảng Lao động), và với một nhân vật lịch sử còn mang nhiều ẩn khuất (ông Hồ Chí Minh), dù hiểu cách nào thì cũng không ổn, vì có nhiều cách nhìn khác nhau, nên đã gây ra dư luận trái chiều. Chiều nào thì cũng có quyền tồn tại.
Qua sự kiện này, người ta thấy gì?
Không phải là chuyện riêng của chi bộ khu phố 4 phường Tân Phong và một cá nhân đảng viên lão thành Tương Lai, mà tiếp tục là biểu hiện xu thế không sáng sủa trong nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay. Giáo sư Tương Lai từng là cán bộ cao cấp, có tầm nhìn rộng và bao quát. Chi bộ khu phố 4, phường Tân Phong, chỉ là chi bộ tận cấp cơ sở, dù có chức năng riêng, nhưng thực chất không khác gì việc quản lý an ninh trật tự thông thường như Tổ trưởng tổ dân phố vậy. Do đó chi bộ không can cớ gì để gây phức tạp về chuyện mà họ không biết lắm và cũng không quan tâm. Đao phủ không phải là kẻ giết người mà là kẻ thi hành lệnh, như lâu nay. Ba lý do đưa ra để kiểm điểm chỉ là cái cớ, nhằm thi hành một “chỉ thị mật”. Và bản trình bày của ông cũng đã rõ. Phải đem “Hội đồng Lý luận Trung ương” ra mà bàn cãi đúng sai, đồng thời để dư luận theo dõi. Nhưng chuyện hay ho đó chỉ xảy ra trong một xã hội có lý tưởng dân chủ (*1). Và thiết nghĩ, việc tổ chức lễ tưởng niệm nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, cũng có thể chỉ là nguyên cớ nhỏ.
Cái gì đã đưa đến chủ trương của ai đó tìm cách loại giáo sư Tương Lai ra khỏi Đảng? Câu trả lời nằm ở quan điểm lập trường của giáo sư Tương Lai là gì? Phe nào và ai muốn có ảnh hưởng trong dư luận của nhân dân, trong giới trí thức, và đặc biệt ở thành phố này? Ông Trọng có thể “trực tiếp”, hoặc được “tiếp tay”, hoặc được “mượn tay”, thì cũng là “nhất cử lưỡng tiện” trong đấu trường hôm nay. Đó là chuyện toan tính của kẻ “luồn gió bẻ măng” trong cuộc phe phái tranh quyền tạo thế, nếu tiếng nói của giáo sư Tương Lai là một trở ngại cho mình.
Tuy nhiên, vấn đề đạo lý thì thuộc về bộ máy cầm quyền của Đảng, nhưng lại là chuyện không mới, như nó từng diễn ra. Một quy luật nghiệt ngã “sóng sau xô sóng trước”, có là muôn đời chăng, it nhất cũng tỏ rõ trong 80 năm đời của Đảng, lớp lớp kiên trung đã ngã xuống vì lòng ghen tị được thắt nơ vàng. Thế nhưng, một số không nhỏ những người trẻ trong bộ máy ngày nay, với thông tin của thời đại, họ nhìn thấy rõ không những lô nhô chuyện sóng sau sóng trước, mà thấy cả những cơn sóng thần mênh mang trời biển. Cái nghiệt ngã ấy đã trở nên bình thường, nhưng lương tri của số đông thì đang thức dậy.
Ai có tấm lòng thì tất phải đắng lòng, dễ gì phôi pha một thời núi xương sông máu. U hoài thì phải có, nhưng sự và lý cứ quấn chặt khó phân. Hẳn là vị giáo sư muốn gợi lại ánh nắng nồng nàn của một mùa thu năm xưa để làm điểm tựa cho sức sống mới hôm nay? Nhưng Mùa thu ấy đã quá xa, lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần, và bạt ngàn nghĩa trang đầu xanh tuổi trẻ. Một chàng hát rong như một kẻ tiên tri, vô tình nhả ra những lời dường như phất phơ mà phù hợp: “Còn gì nữa đâu! Sương mù đã lâu!” (Trịnh Công Sơn).
Chiếc thuyền nan đã cũ, dù đã từng vượt qua những đoạn thác ghềnh, thì cũng không thể ra được biển cả, nó không chở nổi tư duy của thời đại, huống là nó đã bị người “thao túng”!
Niềm tin thì thật là quý, nhưng nhà văn Erich Maria Remarque từng nêu ý kiến:
“Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng.
Giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại. Chỉ có Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người”.
Hôm nay, có một hội nghị đang diễn ra, người dân gọi lãng mạn là: “Trung ương 6 – Hội Nghị Sương Mù”.
Và bài diễn văn khai mạc đã rất nhạt nhòa những con chữ giáo làng vùng cao.
“Còn gì nữa đâu. Sương mù đã lâu. Em đi về, cầu mưa ướt áo. Đường phượng bay
Mù Không Lối Vào!”.
6/10/2017
H. Đ. N.
(*) Voltaire: “Tôi không đồng ý điều anh nói nhưng tôi thề sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói của anh”.
Tác giả gửi BVN.