Báo VN cắt phần Phó Đại sứ Đức nói về ‘khủng hoảng lòng tin’

clip_image002Chính phủ Đức cập nhật diễn biến ngoại giao với Hà Nội trên mạng xã hội sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Bìa phải là Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel

Bộ Ngoại giao Đức tiếp tục khẳng định các hồi đáp của chính phủ Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh là ‘vô căn cứ và không đầy đủ’, trong lúc Phó Đại sứ Wolfgang Manig nói quan hệ Việt – Đức ‘khủng hoảng lòng tin sâu sắc’.

“Chính phủ Đức đã nêu rõ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh là vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và quốc tế, và điều này sẽ không được chấp nhận. Chúng tôi đã chuyển các yêu cầu của phía Đức đến Chính phủ Việt Nam vài lần và nói rõ rằng chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra những biện pháp phù hợp,” một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức nói với BBC Tiếng Việt hôm 9/10.

“Cho tới nay, các hồi đáp của chính phủ Việt Nam là vô căn cứ và không đầy đủ. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là không thay đổi,” nguồn tin này tái khẳng định chủ trương Đức tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Cũng trong ngày 9/10, tờ báo bằng tiếng Anh Vietnam Investment Review (VIR) đăng bài phỏng vấn ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội.

Tuy nhiên, VIR bỏ không đăng đoạn cuối về căng thẳng ngoại giao Việt-Đức.

clip_image004

Ảnh chụp toàn văn bài phỏng vấn ông Phó Đại sứ Đức được đăng trên Vietnam Investment Review hôm 9/10. FACEBOOK GERMAN EMBASSY IN VIETNAM

Trong bài phỏng vấn, ông Phó Đại sứ Đức trả lời nhiều câu hỏi về quan điểm của các công ty Đức về Việt Nam, vốn coi đây là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Ông Manig cũng nói về Hiệp định Tự do Thương mại EU -Việt Nam (EVFTA).

Tuy nhiên, phần trả lời cho câu hỏi cuối cùng, trong đó ông Manig nhắc tới “cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin” giữa chính phủ hai nước Đức-Việt, đã bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi bài đăng trên VIR.

clip_image006

Ảnh chụp màn hình đoạn cuối bài phỏng vấn ông Phó Đại sứ Đức trên trang Facebook của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam. FACEBOOK GERMAN EMBASSY IN HANOI

Phần hỏi – đáp này sau đó đã được đăng trọn vẹn cùng các nội dung khác của cuộc phỏng vấn trên trang Facebook của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Trước câu hỏi Ông có khuyến nghị gì cho chính phủ Việt Nam để các nhà đầu tư Đức có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam?”, ông Manig nói:

“Tôi không phải đưa ra khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam. Mỗi nước phải phát triển một hệ thống mà người dân nước họ có thể chấp nhận được. Tôi không thể áp đặt một mô hình nước ngoài. Nhưng chúng tôi, Liên hiệp Châu Âu và các nước thành viên trong đó có Đức hết sức quan tâm đến việc Việt Nam tiếp tục là một đối tác năng động và luôn luôn thịnh vượng.”

“Hiện nay, chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam đang đối mặt một cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin xuất phát từ việc vi phạm luật quốc tế và do đó vi phạm những giá trị cốt lõi của Châu Âu. Chúng tôi trông đợi rằng chính phủ Việt Nam, cùng với Đảng [Cộng sản Việt Nam] sẽ có những hành động cụ thể để thuyết phục phía Đức rằng Việt Nam vẫn là một đối tác đáng tin cậy.”

“Tôi chắc rằng, khi lòng tin đã được phục hồi, điều đó sẽ có kết quả tích cực đến hoạt động của các công ty Đức tại Việt Nam và các đối tác thương mại Việt Nam tại Đức.”

clip_image008

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu. JOHN MACDOUGALL/AFP/GETTY IMAGES

Hôm 22/9, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí, tuyên bố Berlin “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Cho đến nay, đã có hai nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin bị trục xuất sau cáo buộc của Đức theo đó nói Việt Nam đã tiến hành vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn EVFTA vào năm 2018.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau khi chính quyền Đức liên tiếp công khai các tuyên bố trừng phạt Việt Nam, gồm cả việc “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” thì tương lai của EVFTA đang bị đặt câu hỏi.

VIR là tờ báo bằng tiếng Anh ra đời năm 1991, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hiện nay là ông Nguyễn Chí Dũng.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41566442

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.