Từ Thiên An Môn đến Triển lãm Thượng Hải: Dân chủ bị phương Tây lãng quên

Tòa nhà Pháp quốc tại Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải 2010 biểu hiện ước muốn thắt chặt quan hệ Pháp Trung. REUTERS/Stringer

Tòa nhà Pháp quốc tại Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải 2010 biểu hiện ước muốn thắt chặt quan hệ Pháp Trung. REUTERS/Stringer

Ngay sau vụ chính quyền Trung Quốc dập tắt phong trào sinh viên đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, cố Tổng thống Pháp François Mitterrand từng tuyên bố: «Một chế độ bắn vào giới trẻ thì không có tương lai». Hai thập niên sau, vấn đề dân chủ đã trở thành thứ yếu, và Trung Quốc đã được cả thế giới ve vãn, thể hiện qua con số 189 quốc gia tham gia Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải.

Cách đây 21 năm, trong đêm mồng 3 rạng sáng ngày 4/6/1989, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội dập tắt phong trào biểu tình dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn. Vụ đàn áp đẫm máu đã khiến một số quốc gia cắt đứt bang giao với Bắc Kinh và ban hành lệnh cấm vận Trung Quốc. Ngay sau vụ thảm sát, Tổng thống Pháp thời đó, François Mitterrand đã tuyên bố: «Một chế độ bắn vào giới trẻ thì không có tương lai».

Nhưng hai thập niên sau, lời tiên đoán này đã không thành hiện thực. Trung Quốc nay đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, được cả thế giới ve vãn và đã dồn rất nhiều nguồn lực để đón tiếp 189 quốc gia đến Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải, khai mạc từ ngày 1/5.

Nước Pháp, quê hương của nhân quyền, đã rất tự hào là quốc gia lớn đầu tiên loan báo sẽ có một gian triển lãm ở Thượng Hải, bằng chứng cho thấy Paris «sát cánh» với Bắc Kinh. Ngay cả gian triển lãm của Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới, cũng không có bất cứ gì nhắc đến dân chủ. Như lời Giám đốc nghệ thuật của gian triển lãm Mỹ, Gred Lombardo, không ai muốn gây sự cố ngoại giao do trưng bày những cái có thể làm mích lòng Trung Quốc.

Chính các thành viên Ban Tổ chức Triển lãm Thượng Hải 2010 cũng nhấn mạnh rằng, ở đây không nói chuyện chính trị, mà chỉ nên thảo luận về chính sách phát triển đô thị theo đúng chủ đề của triển lãm năm nay: «Đô thị tốt hơn, cuộc sống tốt hơn».

Thành ra, để không đụng chạm đến nước chủ nhà, nhiều nước đề cập đến vấn đề dân chủ nhân quyền một cách rất nhẹ nhàng. Gian triển lãm của Liên hiệp Châu Âu chỉ nói chung chung là 27 quốc gia của khối này luôn bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Gian triển lãm của Brazil thì chọn chủ đề «các không gian dân chủ». Gian triển lãm của Canada thì khắc lên thép những nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách phát triển đô thị: «dân chủ, công lý và nhân quyền».

Tây Ban Nha cho chiếu một cuốn phim về lịch sử gần đây, đặc biệt về thời kỳ độc tài Franco. Một trong những đạo diễn của bộ phim, Isabel Coixet nói với AFP rằng: «Chúng tôi đã sống dưới sự lãnh đạo của một nhà độc tài trong suốt 40 năm. Nói lên điều đó là rất quan trọng. Chúng ta không nên sợ đối diện với quá khứ». Bà nói: «Không thể tưởng tượng được là trong các trường đại học Trung Quốc có những người không biết là có những sinh viên đã bị giết trên quảng trường Thiên An Môn». Nhưng Ban Tổ chức gian triển lãm Tây Ban Nha cũng cố tránh bị coi là muốn dạy đời Trung Quốc về mặt dân chủ.

Còn tại gian triển lãm của Nam Phi, nhiều khách Trung Quốc đứng chụp hình trước bức chân dung khổng lồ của Nelson Mandela, biểu tượng cho tiến trình dân chủ hóa tại quốc gia này. Khi viếng thăm gian triển lãm, Ngoại trưởng Nam Phi đã nói: «Chúng tôi mang theo thông điệp này khi đặt chân đến bất cứ nơi đâu, kể cả ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi không đi khắp thế giới để răn dạy mọi người».

Cũng như nhiều quốc gia có mặt ở Thượng Hải, Nam Phi chỉ muốn làm ăn với Trung Quốc, nước duy nhất có mức tăng trưởng lên tới 12%, trong khi hầu như cả thế giới đang suy thoái. Triển lãm Toàn cầu lại diễn ra ở Thượng Hải, cho nên mọi người sẽ chú trọng đến kinh tế, đến kinh doanh hơn là chính trị.

Như vậy, chắc sẽ không còn mấy ai quan tâm đến các buổi lễ tưởng niệm Thiên An Môn, như buổi lễ sẽ diễn ra tại Paris tối nay (3/6) ở quảng trường Trocadero, còn được gọi là Quảng trường Nhân quyền.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100603-tu-thien-an-mon-den-trien-lam-thuong-hai-dan-chu-bi-phuong-tay-lang-quen

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.