Tô Văn Trường
BVN xin trân trọng chuyển đến bạn đọc bài viết của học giả Tô Văn Trường, phân tích sâu một gương mặt quan trọng trong Chính phủ tiền nhiệm và Chính phủ khóa này – đó là ông Nguyễn Văn Bình mà những hoạt động sôi nổi một thời gọi là “giải cứu nợ xấu ngân hàng” của ông ta hiện đang đẩy đất nước vào một núi nợ khủng khiếp khiến chế độ đứng trước nguy cơ “sụp đổ” nói như tác giả (“hậu quả của nó sẽ rất trầm trọng gây sụp đổ chế độ và mất ổn định xã hội”).
Không riêng gì ông Nguyễn Văn Bình. Tất cả những gương mặt Bộ trưởng cùng vây cánh, phe nhóm của họ, tập hợp xung quanh ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đều rất cần được các chuyên gia kinh tế, chính trị, xã hội phanh phui, cày xới thật sâu vào từng lĩnh vực thuộc hoạn lộ của mỗi người, nhằm xé toang bức màn tối, lật ra đầy đủ cái thực tiễn lở loét, nham nhở mà họ đang hết sức che đậy, trên con đường thi nhau lợi dụng thể chế độc tài này để cho phe nhóm của họ thả sức hoành hành, vơ vét, mặc cho đất nước Việt Nam rơi nhanh xuống vực.
Có làm được một sự phê phán triệt để như thế thì may ra mới có thể giúp ông Nguyễn Xuân Phúc đặt được vài viên gạch bước đầu nhằm kiến tạo một chính phủ liêm chính. Bằng không thì chỉ là bát nước đường mà ông Phúc càng khuấy lên dân chúng càng đau.
Xin mời quý vị, những ai có đủ lương tâm, trách nhiệm, dũng khí, và sự hiểu biết, hãy tham gia vào công cuộc “mổ xẻ” hữu ích của chúng tôi.
Bauxite Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Bình thăng tiến khá nhanh và đá khắp sân như một libero thực sự, hiện nay ngoài chức Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, ông Bình còn làm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc nữa, v.v…
Nhưng “công trình khoa học” làm ông nổi tiếng nhất để ông có thể lăm le giật giải Nobel chính là “mua lại ngân hàng” giá 0 đồng. Ông cũng khiêm tốn, trong khi trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội năm 2012 trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông chỉ tự nhận “điểm 8” và xin “nửa giải Nobel” cho toàn bộ công tác điều hành hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam kể từ khi nhận chức. Nhưng e khó, bởi Giải Nobel là để trao cho những đóng góp thực sự mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại. Đằng này cái công trình “mua lại ngân hàng” lại thuộc loại ăn tàn phá hại góp phần đưa hàng loạt đại gia ngân hàng ra trước vành móng ngựa. Vậy ông Bình dù có nổ mấy cũng khó có được nửa giải Nobel thật, may ra có thể được giải “Ig Nobel”, trao cho những ý tưởng kỳ cục vốn chỉ để gây cười mà thôi!
Ông Nguyễn Văn Bình là một “ảo thuật gia” làm trò trước toàn dân của xứ toàn trị – U tỳ quốc như VN thì mới dễ qua mặt số đông ngoạn mục và trắng trợn như vậy.
Trong thời đại ngày nay, sức khỏe nền kinh tế ở mỗi quốc gia được điều hành và kiểm soát hiệu quả bởi chính sách tài chính và hoạt động ngân hàng của Chính phủ. Một nền kinh tế đảm bảo phát triển bền vững ổn định đòi hỏi một chính sách tài chính và hoạt động ngân hàng phải được kiểm soát bởi một bộ máy tin cậy, minh bạch.
Ngược lại, thiếu các điều kiện đó sẽ dẫn đến suy sụp, hậu quả không thể lường hết như đang diễn ra ở đất nước giàu tài nguyên Venezuela hay một số nước khác. Với các nhà kinh tế có đủ kiến thức và lương tâm, những vấn đề bất bình thường/bất cập của chính sách điều hành tài chính ngân hàng có thể báo trước để Chính phủ có những biện pháp kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Bình (Ảnh trên mạng xã hội)
Phạm trù kinh tế rất rộng, đi vào từng chuyên ngành kinh tế thì đòi hỏi hiểu biết sâu, nhất là lĩnh vực quản trị của ngân hàng nhà nước. Tôi không phải là chuyên gia kinh tế. Đầu thập niên 90, tôi theo học khóa ngắn hạn về kinh tế cơ bản ở nước ngoài, còn chủ yếu là tự học, nên chỉ dám mạn đàm dưới góc nhìn của người dân quan tâm đến nền kinh tế xã hội của nước nhà một cách trung thực và thẳng thắn, khách quan để thấy trách nhiệm quản trị ngân hàng thuộc về ai?
Tôi mới đọc bài “Khi người ta nói dối” của tác giả Thơ Phương đăng ngày 24/08/2017 trên mạng Bauxit Việt Nam rất đáng suy ngẫm , trong đó có đoạn phân tích nguyên văn như sau:
”Có nơi nào trên thế giới như Việt Nam người ta thô bạo như vậy không nhỉ, đó là GDP quý I đạt mức 5,15%, trong khi GDP quý II chưa hết quý đã đạt mức tăng khá ấn tượng theo chỉ tiêu đề ra là đúng con số 6,17%, và mới đây ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu chốt sổ là GDP còn lại của 2 quý nữa (6 tháng cuối năm) phải tăng 7,42% đúng mục tiêu về đích chênh nhau con số 6,8% theo chỉ tiêu đề ra.
Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, nợ xấu cũng đặt chỉ tiêu đề ra, nhưng vế bên kia là đặt mục tiêu tăng cung tiền, tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu đề ra với con số cao chót vót, tức là đang làm tăng tiền vào kinh tế, là tạo ra nợ chỉ có tăng chứ không giảm thì làm sao mà nói giảm nợ được.
Về nợ xấu thì còn mỉa mai hơn là “không dùng ngân sách giải quyết nợ xấu”. Thậm chí trước đây người ta còn tuyên bố mua nợ xấu có lời chứ không bị lỗ. Trên thế giới, tôi chưa từng nghe có cái nghiệp vụ nào mua nợ xấu mà có lời hay huề vốn cả. Khi nói đến nợ xấu thì có cụm từ “nợ xấu khó đòi và sẽ mất”, là chỉ có bị lỗ vốn chứ không thể thu hồi được vốn, và ngân sách nhà nước phải rót ra cứu các món nợ xấu độc hại ấy. Một ví dụ của sự dối trá là các dự án của các “quả đấm thép vina” thua lỗ cả “nghìn tỉ”, mà trong đó các khoản vay ngân hàng rót ra là rất lớn thì làm sao mà đòi được nợ, làm sao mà nói có lời. Nhà nước Việt Nam phải hoặc bơm vốn vào đó để cứu nó, hoặc bán đi với giá trị thấp hơn giá trị thị trường. Chẳng lẽ đòi bán giá cao hơn hay bằng giá ban đầu? Nếu bán như vậy thì mấy cái dự án nghìn tỉ kia đâu có bị lỗ vốn? Đúng là dối trá quá mức đến thô bỉ”. v.v… (Xin xem toàn văn ở đây).
Tác giả Thơ Phương am hiểu về tài chính nhưng nhận định “Trên thế giới, tôi chưa từng nghe có cái nghiệp vụ nào mua nợ xấu mà có lời hay huề vốn cả” là không chuẩn xác.
Minh chứng, chương trình cứu trợ công ty, qua đó cứu trợ người mua nhà và nền kinh tế Mỹ năm 2008 chi phí bỏ ra là 455 tỷ US (trong tổng số tiền dự định chi là 700 tỷ US) của Tổng thống Obama, tính toán toàn bộ thì lỗ 33 tỷ (có chỗ lãi, có chỗ lỗ), tức là mất 7%, nhưng cứu được nền kinh tế của Mỹ.
Nhà nước lãi khi mua cổ phần và cho các công ty tài chính gần phá sản vay, sau khi tổ chức lại, bán lại cổ phiếu và thu hồi tiền cho vay. Kết quả là có lãi. Hai phần lỗ lớn nhất là phần bảo trợ người mua nhà không bị vỡ nợ mất nhà và phần cứu các công ty sản xuất xe hơi. Cách tính là dựa vào tính theo giá ở thời điểm hiện tại, tức là tính các lãi có thể có được nếu như số tiền bỏ ra có thể đem cho vay.
Có thể tham khảo bản báo cáo vào tháng 7/ 2017
https://www.cbo.gov/system/files/115th-congress-2017-2018/reports/ 52840-tarp.pdf
Phương cách giải cứu của Mỹ là cứu các công ty tư và ngân hàng tư, và cả người mua nhà để cứu nền kinh tế. Khi thực hiện giải cứu như thế, những người quản lý trước đó, đều bị bãi nhiệm. Ngân hàng Trung ương cử người kiểm soát công ty và ngân hàng được cứu cho đến khi giải quyết được vấn đề.
Thảo luận với chuyên gia Vũ Quang Việt nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, chúng tôi có chung nhận xét:
Cách giải cứu của VN “tiền mất tật mang” bởi vì:
-
Công ty thua lỗ phải bán vẫn tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước thì làm sao có vấn đề bán lại và cũng không ai biết rõ giá trị của nó?
-
Không có Hội đồng chuyên môn kiểm soát giải pháp đề xuất giải cứu của người lãnh đạo ngân hàng nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư như một số ngân hàng mất khả năng chi trả nợ thì Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình khi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã xông vào cứu ngân hàng tư với giá 0 đồng để gánh thêm khoản nợ, đặt nó dưới sự kiểm soát đặc biệt, tức là đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Trung ương (bằng cách cử người thay thế mình điều hành). Trớ trêu là ông Bình tiếp tục cho những người điều hành trước đó mắc nhiều khuyết điểm vẫn ở lại, đưa đến tình hình phá sản, là việc làm vô trách nhiệm và ở nước khác là vi phạm luật.
-
Không rõ tư duy, tầm nhìn, vai trò và trách nhiệm của các vị lãnh đạo cả bên Đảng và Chính phủ, những ai ủng hộ giải pháp giải cứu “mua nợ” của Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình?
Khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình ở đâu?
Cách mua nợ của VN là một hình thức che giấu mới nghe có vẻ hợp lý vì lợi dụng mục đích giải cứu, không đem lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn chồng thêm gánh nợ sẽ lộ ra ở nhiệm kỳ sau, là một sự trục lợi mà người vi phạm trắng trợn luật, chính là Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình mà ở những nước luật pháp nghiêm minh thì đã vào nhà đá. Theo luật, nhân viên hay ban giám đốc và gia đình không được sở hữu hơn 20%. Nhưng ông Nguyễn Văn Bình không cần biết.
Ngân hàng Trầm Bê phá sản, tài sản âm vì nợ nhiều hơn có. Ông Nguyễn Văn Bình phải cứu nó bằng cách mua lại nó 0 đồng, ai cũng hiểu tức là gánh chịu về tất cả món nợ của nó. Thật kỳ lạ chỉ có ở nền quản trị vô trách nhiệm VN thế mà ông Nguyễn Văn Bình vẫn có quyền quyết định để cho Trầm Bê điều hành, và mua một ngân hàng khác Sacombank, lớn hơn rất nhiều ngân hàng của Trầm Bê, và Trầm Bê lại vay nợ của Sacombank cho đến giờ chưa trả được. Nhẽ ra, phải tước bỏ mọi chức tước của Trầm Bê, cấm anh ta hoạt động trong ngành ngân hàng. Cần phải điều tra vai trò trách nhiệm về việc quyết định cho Trầm Bê tiếp tục điều hành ngân hàng đã thua lỗ.
http://www.thesaigontimes.vn/163445/Ong-Tram-Be-Sacombank-va-Ngan-hang-Nha-nuoc.html
Để cho quản lý ngân hàng thực hiện tăng vốn bằng tự cho mình vay là thuộc tội “self-dealing”, mà luật pháp mọi nước đều cấm. Ngân hàng làm nhiệm vụ trung gian, thu hút tiến của anh A rồi để cho anh B vay. Để cho chính mình (hay họ hàng, nhân viên mình) vay là tội self-dealing.
https://en.wikipedia.org/wiki/Self-dealing
http://www.sgalaw.com/news-and-views/2014/11/24/self-dealing-is-it-ever-permissible.html
Những hành động này xảy ra dưới sự điều hành của ông Nguyễn Văn Bình. Vậy thì rõ ràng ông Bình cần bị xem xét, xử lý. Nếu xem kỹ lại luật ngân hàng tín dụng, luật doanh nghiệp… chắc chắn Trầm Bê và Nguyễn Văn Bình còn phạm nhiều luật khác.
Và ai phải lo việc kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng? Việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, HTX tín dụng, nhưng xem nhẹ hoặc bỏ qua thẩm định, kiểm chứng vốn? Những thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng dù toàn bộ báo chí cùng cất bản đồng ca “Tiền ơi hãy về lại với ta”, thì có lẽ cũng chỉ là vô vọng.
Lời kết:
Vấn đề nợ công, nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng vượt ngưỡng cho phép là nguy cơ, thách thức đang hiện hữu và hậu quả của nó sẽ rất trầm trọng gây sụp đổ chế độ và mất ổn định xã hội. Với nền quản trị nhà nước kém hiệu quả, thiếu minh bạch và vấn đề sở hữu doanh nghiệp hiện nay, các giải pháp giải cứu hoàn toàn không có tác dụng mà nó còn bị lợi dụng bởi nhóm lợi ích thâu tóm làm cho nợ công ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Bình nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đã đề xuất các biện pháp giải cứu mua lại ngân hàng và quyết định người điều hành ngân hàng, phương thức quản lý tăng vốn bằng tự cho mình vay,.. càng gây thất thoát và tăng thêm nợ xấu là những hành vi, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế cần được xem xét, xử lý theo đúng pháp luật của Nhà nước tự nhận của dân, do dân và vì dân.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN