Thanh Duy
Ông Trần Đại Quang đã trở lại, dù khuôn mặt có phần nhợt nhạt. Câu chuyện Chủ tịch nước Trần Đại Quang “biến mất” trước đó, cùng với sự vắng mặt của ông Đinh Thế Huynh dấy lên nhiều tiếng đồn về sự biến động chính trị sắp tới. Thậm chí, có cả quan điểm về việc, sự biến mất lần này là một bước đệm để ông Nguyễn Phú Trọng kéo dài hơn nhiệm kỳ đảng của mình (thay vì nghỉ ½ nhiệm kỳ như trước đó).
Người dân: Quyền được biết
Về mặt truyền thông mà nói, câu chuyện vắng mặt trở thành một chủ đề nóng để bàn luận, và đề ra nhiều thuyết âm mưu khác nhau. Sai hay đúng thì nó cũng cho thấy, người dân Việt Nam đã háo hức hơn với tình hình chính trị nước nhà.
Nhưng một mặt khác, sự truyền tai nhau hay bàn luận về sự biến mất đó hiện diện ở mạng xã hội và các báo lề trái hơn là một nguồn tin rõ ràng hơn từ phía Nhà nước. Hoặc là Nhà nước muốn giấu kín thông tin, hoặc là họ muốn tránh bị mất thêm uy tín như nhiều lần “khẳng định” về sức khỏe lãnh đạo trước đó.
Dù như thế nào đi chăng, thì câu chuyện Trần Đại Quang lại mở ra một góc khuất liên quan đến quyền công dân: quyền được thông tin.
Bởi theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin (Điều 3), mọi công dân đều bình đẳng trong việc thực hiện tiếp cận thông tin. Và thông tin chỉ được hạn chế trong điều kiện cần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự xã hội, cụ thể là Điều 6 có dẫn ra là những thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin mà nếu tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích nhà nước.
Vậy sức khỏe của lãnh đạo và sự hiện diện của lãnh đạo có thuộc phạm trù bí mật nhà nước hay không? Theo Quyết định số 56/2015/QĐ-TTg quy định, chỉ có “kế hoạch, hồ sơ, tài liệu bảo vệ sức khỏe của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước” mới là bí mật quốc gia. Điều này có nghĩa, tình trạng sức khỏe lãnh đạo hiện tại và nhất là Chủ tịch nước hiện giờ đang ở đâu không mang tính cấp thiết đến độ người dân không được nhận biết.
Hay đúng hơn, việc công khai Chủ tịch nước ở đâu là hoàn toàn đúng luật định. Kể cả việc vịn cớ quyền riêng tư của lãnh đạo trong trường hợp này cũng hoàn toàn không mang nhiều ý nghĩa, khi mà quyền được biết về tình hình quốc gia (trong điều kiện thiếu lãnh đạo đứng đầu Nhà nước) phải được đặt cao hơn. Và ngay cả việc nhận biết được lãnh đạo ở đâu cũng đã giúp cho trật tự xã hội được đảm bảo, cũng như gián tiếp giúp đảm bảo quyền lợi của người dân (như khả năng được đặc xá đúng thời hạn).
Việc Nhà nước cố tình duy trì, hoặc là làm nhiễu thông tin nhằm làm cho lề trái bị suy giảm tính ảnh hưởng (như cách Nhà nước từng tung tin liên quan đến ông Phùng Quang Thanh tại Pháp) hoặc là một trò chơi đổi chác quyền lực dựa trên sức khỏe “đồng chí”.
Nhà nước: quyền không được im lặng
Vấn đề là Nhà nước vẫn giữ một thói quen “im lặng”. Và dường như qua đó cho thấy, chính trị vẫn là một địa hạt của một nhóm nhỏ người, và việc thông tin sức khỏe hay cả sự biến mất của một nhân vật cấp cao trong hệ thống chính trị Việt Nam chưa bao giờ là vấn đề được chú trọng đến (cho đến tận thời điểm này) của Nhà nước. Trong khi đó, nó phải là trách nhiệm và là nghĩa vụ mà Nhà nước phải đáp ứng cho người dân, bởi nó không chỉ là nhận biết được tình hình, mà còn là một biểu hiện cho sự giám sát quyền lực chính trị nhà nước.
Sự độc đoán có thể khiến chính trị biến dạng, nhưng biến dạng đến mức biến từng cá thể hay cụm nhóm người thuộc chính trị trở nên “bí ẩn” thì đó không còn hữu hình là một nhà nước.
Tính “thụ hưởng” của dân chính là thụ hưởng những giá trị Pháp luật và một Nhà nước hiện đại thực thụ. Nhà nước hiện đại như đã đề cập trên, là nhà nước tuân thủ theo pháp luật và là nhà nước thực sự, nó không phải là Nhà nước Mafia hay hoạt động theo cách thức Mafia.
Và như thế, rõ ràng, Nhà nước hoàn toàn không có quyền im lặng trong trường hợp này.
Việc công khai – minh bạch tình trạng của các lãnh đạo cấp cao, kể cả tình hình hiện tại của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính là phương cách tối ưu nhất để đảm bảo sự thụ hưởng và niềm tin của người dân vào nhà nước, chứ không phải là tiếp diễn trò chơi “trốn tìm” như hiện nay.
T.D.
Tác giả gửi BVN