Quân đội, hãy buông tay khỏi Đồng Tâm

Nguyễn Anh Tuấn

Nên thông cảm với Nhà nước Việt Nam. Hình như sau những sai sót tày trời trong mấy bộ từ điển tiếng Việt của ông cụ Nguyễn Lân mà Chính phủ Việt Nam trót trao Giải thưởng Nhà nước, nay họ đang lo sốt vó. Lo toàn dân hiểu sai tiếng Việt thì nguy to, vì họ đã thấm thía những lời của nhà trí thức Phạm Quỳnh mà trước đây một thời họ từng lệnh cho đám học giả dưới trướng đả kích không thương tiếc: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Vì thế gần đây Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị cho Thủ đô Hà Nội cũng như cho Bộ Quốc phòng tổ chức thực hành thí điểm cách hiểu các từ vựng cơ bản trong từ điển, mà những từ được coi là quan trọng bậc nhất là phản bội, tráo trở, quay quắt có kèm theo thành ngữ Ăn cháo đái bát. Cho nên, chúng ta mới thấy các hoạt động rộn rịp của Bộ Quốc phòng và của Công an Hà Nội gửi công văn tới tấp về xã Đồng Tâm triệu tập những người trước đây đã được ông Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch Hà Nội cam kết không khởi tố.

Dân chúng Việt Nam nay sẽ được một phen thấm thía thế nào là phản bội, là tráo trở, là quay quắt,ăn cháo đái bát… qua hành vi của quân đội và của chính quyền Hà Nội đối với nhân dân xã Đồng Tâm, từ đó mà nắm chắc hơn từ vựng tiếng Việt, để mong sao cho nước Việt an toàn, cõi bờ yên ổn, không cần lo lắng gì về tình hình Biển Đông đang nóng như chảo lửa.

Có thế thôi.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017 – AFP

“Tát nước theo mưa”

Trong khi hàng chục giấy triệu tập của Công an Hà Nội gửi về Đồng Tâm còn chưa ráo mực, như thể “tát nước theo mưa” nhằm tăng thêm sức ép, mấy ngày nay Bộ Quốc phòng lại gửi giấy triệu tập cụ Lê Đình Kình và con của cụ là trưởng thôn Lê Đình Công.

Lý do triệu tập được đưa ra là “để làm rõ vụ án”. Nhưng vụ án ở đây là vụ án nào? Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án mới hay là đang khơi lại vụ án cũ – tức vụ án Chống người thi hành công vụ mà nhân đó Bộ Quốc phòng đã cùng Công an Hà Nội đánh gãy chân cụ Kình trong quá trình bắt giữ vào ngày 15/4? Vụ bắt người sai quy trình tố tụng, không lập biên bản, không đọc lệnh, còn gây thương tích nghiêm trọng cho cụ Kình tới nay vẫn chưa được xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cũng cần nhắc lại là Bộ Quốc phòng còn có dấu hiệu lạm quyền khi tiến hành khởi tố bất kỳ vụ án nào liên quan tới tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm bởi lẽ theo Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự 2015 thẩm quyền của Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc Phòng chỉ giới hạn trong “những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại” (Khoản 2, Điều 26).

clip_image003

Cụ Lê Đình Kình. Photo: youtube

Những gì diễn ra ở Đồng Tâm cho tới giờ phút này không phải tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lại chẳng xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu, mà cũng chẳng xuyên quốc gia, thì lãnh đạo Bộ Quốc phòng lấy lý do gì để biện minh cho việc khởi tố vụ án ở Đồng Tâm?

Quan trọng hơn, những người dân quê Đồng Tâm góp gạo góp quân là để Quân đội bảo vệ lãnh thổ quốc gia trước ngoại xâm, chứ không phải là để nhăm nhe vào đất đai – nguồn sống của họ, hoặc sử dụng bộ máy điều tra, tòa án quân sự để bỏ tù họ khi họ chỉ đang cố gắng giữ lại nguồn sống cho mình.

Súng là dân giao cho các anh, dù có thế nào đi chăng nữa, dù có dưới lệnh ai đi chăng nữa, các anh cũng không được phép chĩa nó vào những nơi mà các anh từ đó đi ra, vào những người đang đổ mồ hôi nuôi các anh.

N.A.T.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/nguyenanhtuan-blog-0828-08282017122010.html

Phụ lục:

Nhà cầm quyền Hà Nội trở mặt, trừng phạt dân Đồng Tâm

G.Đ.

clip_image005Đường ra khỏi xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Một viên Thượng tá bái tạ dân chúng xã Đồng Tâm sau khi được phóng thích. (Hình: Internet)

VIỆT NAM (NV) – Ngoài việc triệu tập cụ Lê Đình Kình, Cơ quan Điều tra của Bộ Quốc phòng Việt Nam mới triệu tập một số người khác, công an thành phố Hà Nội cũng đã triệu tập khoảng 70 người cư ngụ tại xã Đồng Tâm.

Sự kiện vừa kể trên khiến nhiều người tin rằng chính quyền Việt Nam bắt đầu trừng phạt những người có liên quan tới vụ phản kháng xảy ra cách nay bốn tháng.

Hồi trung tuần tháng 4, dân chúng xã Đồng Tâm đã bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương, rồi rào làng tử thủ suốt một tuần để phản đối việc bắt giữ ông Lê Đình Kình và bốn người khác, đồng thời đòi hỏi hệ thống công quyền phải làm rõ những điểm bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất ở xã này, biến đất nông nghiệp thành đất quốc phòng để né tránh thương lượng – bồi thường thỏa đáng.

Để hạ nhiệt, hệ thống tư pháp thành phố Hà Nội đã phóng thích và tuyên bố hủy các quyết định khởi tố ông Kình và bốn người khác vì “gây rối trật tự công cộng”. Chủ tịch thành phố Hà Nội và một số Đại biểu của Quốc hội Việt Nam đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết với dân chúng trong xã ba điểm: (1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. (2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. (3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình (gãy cổ xương đùi), xử lý theo đúng qui định pháp luật.

Vụ thương lượng và cam kết vừa kể được xem là chưa từng có. Vào thời điểm đó, nhiều viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tuyên bố vụ Đồng Tâm là một “bài học đáng giá” cho bộ máy công quyền, rằng hệ thống công quyền phải gần dân, lắng nghe “tâm tư, nguyện vọng” của dân kỹ lưỡng hơn,…

Tuy nhiên đến trung tuần tháng 6, cả dân chúng xã Đồng Tâm lẫn dân chúng Việt Nam chưng hửng khi công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra hồi tháng 4. Trung tuần tháng 7, chính quyền thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm, theo đó, chính quyền không sai, dân Đồng Tâm khiếu nại – phản kháng – bắt người thi hành công vụ là trái pháp luật.

Sau khi tin Cơ quan Điều tra của Bộ Quốc phòng Việt Nam triệu tập ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, được loan báo rộng rãi trên Internet, báo điện tử VietNamNet cho biết, cụ Lê Đình Kình chưa hồi phục sau chấn thương cách nay bốn tháng. Không có viên chức hữu trách nào giải thích vì sao hệ thống tư pháp Việt Nam lại làm như thế ngoài bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư xã Đồng Tâm, cho rằng, việc triệu tập cụ Kình “là điều bình thường” vì cụ ông này là người đại diện dân chúng xã Đồng Tâm khiếu nại về Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Trả lời tờ Tiền phong, bà Lan nói thêm rằng, nếu cụ Kình không đi lại được thì Cơ quan Điều tra sẽ cử Điều tra viên đến nhà làm việc với ông cụ.

VOA dẫn lời ông Trịnh Bá Phương – một trong những người chuyên hỗ trợ dân chúng Việt Nam khiếu nại, tố cáo chuyện cưỡng đoạt đất đai, cho biết, dân chúng xã Đồng Tâm đã loan báo với chính quyền rằng, nếu có bất kỳ ai bị bắt, họ sẽ dẹp bỏ chính quyền xã và không nhân nhượng lực lượng cưỡng chế nữa. Cũng theo lời ông Phương thì đại diện dân chúng Đồng Tâm đã tìm cách tiếp xúc với Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhưng bất thành vì bị công an Việt Nam ngăn chặn.

G.Đ.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nha-cam-quyen-ha-noi-tro-mat-trung-tri-dan-dong-tam/

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.