Còn nhiều sách cổ khẳng định Hoàng Sa của Việt Nam

Trang đầu cuốn sách Compendio di Geografia (trái) in năm 1850 và phần viết về chủ quyền của Việt Nam trong cuốn sách cổ - Ảnh: Trần Doãn Trang chụp lại

Trang đầu cuốn sách Compendio di Geografia (trái) in năm 1850 và phần viết về chủ quyền của Việt Nam trong cuốn sách cổ - Ảnh: Trần Doãn Trang chụp lại

TTCT – Sau bài “Đi tìm Hoàng Sa trong tu viện cổ Ý” (TTCT số 19, ngày 16-5-2010), một bạn đọc ở Milan – ông Nam Tuân – đã cung cấp thêm những thông tin khác khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam đang lưu trữ ở Ý và nhiều nước khác, được viết từ đầu thế kỷ XIX. TTCT trích đăng bài viết.

Những điều thú vị về những cuốn sách của Adriano Balbi với Hoàng Sa vẫn chưa dừng lại. Kiến thức địa lý của Adriano Balbi quá nổi tiếng và không ít cuốn sách của ông được in bằng các ngôn ngữ khác vào thời đó.

Cuốn Abrégé de géographie (tập 2) của Adriano Balbi xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris năm 1838, trang 768 nói đến vương quốc Cochinchine (Drang-trong hay Nam Annam) có các địa danh chính là Huế, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Hội An (Faifo), Đà Nẵng (Touron hay Hansan) và quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Quyển này được lưu trữ tại một thư viện Mỹ (Library of the American Bible Society). Cuốn A.Balbi’s Allgemeine Erdbeschreibung, oder: Hausbuch des geographischen Wissens xuất bản bằng tiếng Đức năm 1842 cũng dành nhiều dòng nói về Hoàng Sa. Quyển này được lưu trữ tại Thư viện Astor, New York (Mỹ).

Ngoài ra, có ít nhất năm cuốn sách cổ tiếng Ý nói về Hoàng Sa của Việt Nam đang được lưu trữ rải rác ở Ý và nhiều nước khác. Trong cuốn La cosmografia istorica, astronomica e fisica tập 6 của Biagio Soria in tại Napoli năm 1828, phần 4 nói về đế chế An Nam (trang 128-131) có câu cuối cùng ghi rằng: “Thuộc về đế chế này là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) bao gồm các đảo và đá ngầm ở phía Đông bờ biển nước này”. Cuốn này hiện được lưu trữ tại Thư viện ĐH California (Mỹ).

Cuốn Geografia Fisica e Politica của Luigi Galanti (tập 3) bản in lần thứ 5 tại Napoli năm 1834 đang được lưu trữ tại Thư viện Biblioteca Walter Bigiavi dell’Università degli studi di Bologna ở Bologna và Thư viện Biblioteca S. Antonio Dottore ở Padova.

Trang 197 và 198 có đoạn: “Cuối cùng, chúng tôi phải nói tới một mê cung các hòn đảo nằm ở phía Đông của Đàng Trong (Cochincina) có tên gọi là Hoàng Sa (Parcel hay Percels) bao gồm các đảo đá nhỏ và vùng nước nông… Chúng thuộc quyền cai trị của vương quốc An Nam, cũng như quần đảo Pirati ở phía Đông của Đàng Ngoài (Tonchino)”.

Cuốn sách tiếng Ý Nuovo compendio di Geografia của Balbi và một số tác giả khác in tại Milano năm 1865 cũng có đoạn viết: “Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa (Paracels), quần đảo Pirati và quần đảo Côn Sơn (Pulo Condor)” ở trang 642 và 643. Đây không phải là cuốn sách mà ông Trần Doãn Trang tìm thấy ở tu viện Torino. Bản in năm 1847 của cuốn này (in tại Torino, tức Turin) đang được lưu trữ tại Thư viện Biblioteca dell’Archivio generale della Regione del Veneto ở Venezia (tức Venice), quê hương của Adriano Balbi.

Cuốn bách khoa địa lý hiện đại Geografia moderna universale, tập 3 (viết về Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Dương) của G. R. Pagnozzi xuất bản tại Firenze (tức Florence) năm 1823 dành rất nhiều trang (182-212) viết về vương quốc Annam. Phần mô tả về các hòn đảo của Annam (Isole dell’Annam) ở trang 207, 208 nói đến các đảo Pulo Condor (Côn Đảo), Bientson (trước kia là đảo Biện Sơn hay đảo Nghi Sơn, ngày nay tỉnh Thanh Hóa đã làm một con đường nối liền đảo với đất liền và trở thành bán đảo Nghi Sơn), Pracel (Hoàng Sa), Callao (Cù Lao Chàm). Cuốn này được lưu trữ tại Thư viện Astor (New York) và các thư viện ở Firenze, Livorno, Roma.

Một cuốn khác cũng bằng tiếng Ý là Del vario grado d’importanza degli stati odierni của Cristoforo Negri, xuất bản tại Milano năm 1841, trang 421 ghi rõ: “…Đảo Hòn Hải (phương Tây gọi là Pulo Sapata, nằm ở phía Đông Nam đảo Phú Quý, có điểm A6 trong tuyên bố đường cơ sở của Việt Nam) nằm cách bờ biển Đàng Trong 100 hải lý. Nước này năm 1816 đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa (Paracelso), nhóm các đảo đá nguy hiểm nằm xa bờ trên biển Đông mà Thuyền trưởng Ross người Anh đã tiến hành khảo sát…”.

Thật ra đây là một ghi nhận sự kiện vua Gia Long ra long trọng cắm cờ, đặt bia, bắn đại bác để thông báo sự chiếm hữu chính thức, xét theo tiêu chí phương Tây. Con tàu Amphitrite khi qua vùng biển này năm 1701 (theo luận án của Tiến sĩ Nguyễn Nhã) chẳng phải đã ghi nhật ký rằng Paracels là quần đảo của vương quốc An Nam hay sao, đâu phải đến năm 1816 Việt Nam mới sở hữu nó!

Trong cuốn Storia delle Indie Orientali (tập 1 viết về Đông Ấn) của Felice Ripamonti in tại Milano năm 1825, đang được lưu trữ tại Thư viện Đại học Michigan, Mỹ (theo Google), phần “Libro XXII” từ trang 124-143 dành riêng để viết về Đàng Trong (Cochincina).

Trang 127 viết: “…Thuyền trưởng các tàu buôn phải thường xuyên qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở ba cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hằng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracel) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20-30 dặm…”. Đó có phải là những đội hùng binh Hoàng Sa, Thanh Châu ra đảo thuở nào để giữ gìn mảnh đất đã được cha ông nhọc công khai phá?

NT

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/381095/Con-nhieu-sach-co-khang-dinh-Hoang-Sa-cua-Viet-Nam.html

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Liệu. Bookmark the permalink.