Phát hoảng!

Nếu chịu khó tổng hợp những thông tin từ các báo lề phải trong mấy ngày vừa qua, chỉ những báo lể phải thôi, cũng khiến cho người dù vô cảm nhất cũng cảm thấy phải phát hoảng! Tại sao vậy?

Ngôn từ ngoại giao …lạ!

Người được xem như có chức vụ to nhất nước ta hiện nay vừa đưa ra một lời phát ngôn thật lạ. Trên thế giới này, có nguyên thủ quốc gia nào có được cái cảm xúc dạt dào với một lân bang đến độ dùng tới từ “nguyện” như người chấp chính của ta hay không? Nguyện, theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là: cầu, xin, ước muốn. Như vậy câu nói “nguyện mãi mãi là láng giềng tốt” của người có chức to nhất nước khiến cho chúng ta cảm thấy phát hoảng thật sự! Một quốc gia phải “nguyện” với một quốc gia khác, cho dù lời “nguyện” đó là gì thì cũng đã tự xác lập tầm vóc và vị trí của mình đối với quốc gia kia? Chúng ta là gì của quốc gia kia khi chúng ta “nguyện mãi là láng giềng tốt”? Trong ngôn ngữ ngoại giao cấp cao, đã có thông lệ nào về việc dùng từ như thế này chưa? Chỉ chắc chắn một điều, tuyên bố ngoại giao lạ kiểu này không phải là phát ngôn đại diện cho dân tộc Việt Nam.

Tư duy điều hành và quản trị…lạ!

Kế người có chức to nhất nước là những người cũng có chức to thuộc hàng nhất nước.

Các vị có đầy quyền lực của Quốc hội, các Bộ trưởng của Chính phủ đã khiến cho nhiều người phát hoảng bởi những tuyên bố rất lạ trong vụ dự án đường xe lửa cao tốc đang làm dư luận xã hội bận tâm.

Một vị là Bộ trưởng Tài chính thì đem cái tư duy vay nợ xây nhà của một gia đình ra để biện minh cho lý luận đầu tư một đại dự án quốc gia. Các yếu tố tác động lên chuyện nợ nần của một gia đình là hoàn toàn khác chuyện nợ nần của một quốc gia. Nhưng nếu giả định là có nhiều điểm tương đồng thì hẳn chúng ta đã từng chứng kiến không ít gia đình vay tiền xây nhà hay mua nhà để đầu tư đã dẫn đến phá sản trong thời gian qua; vậy muốn vay nợ xây nhà thì hãy tính rất – rất kỹ, thưa ông Bộ trưởng.

Một vị là Bộ trưởng GTVT thì muốn đầu tư đường sắt cao tốc vì “muốn đi ngay vào hiện đại”. Lạ thật, không lẽ đến giờ phút này, những người nắm vận mệnh đất nước vẫn chỉ thực hiện theo phương châm “tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu” bất chấp cái “hàng đầu” và sau cái “hàng đầu” đó điều gì sẽ xảy ra?

Tôi cũng tự hỏi cái tư duy của ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức là loại tư duy gì? Thưa ông, muốn cha mẹ ông đồng ý cho ông cưới vợ thì trước hết ông phải giới thiệu bạn gái của ông với cha mẹ. Cả hai, ông và bạn gái ông phải làm cho cha mẹ ông thấy quyết định chọn vợ cũng như ý định cưới vợ của ông là nghiêm túc và đứng đắn, sau đó nếu thấy hợp lý thì cha mẹ ông mới “ra chủ trương đồng ý” để cho ông tiến hành “bàn những việc cụ thể”, đúng không? Làm gì có chuyện con cái dám ra bài với bố mẹ rằng: “bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể” khi mà bố mẹ còn chưa hình dung cái mặt tròn mặt méo gì về cuộc hôn nhân sắp tới của con mình. Tôi không tin cuộc hôn nhân thực tế của ông lại làm theo cái quy trình rất lạ mà ông đem ra làm cơ sở tư duy cho một công việc có tầm vóc quốc gia.

Người xưa đã dạy “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đó thôi. Theo thứ bậc của tư duy đó, chuyện gia đình nhỏ bé và dễ dàng hơn chuyện quốc gia đại sự nhiều lắm thưa các ngài.

Bên lập pháp, tư duy của ông Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Quốc hội, và có lẽ không chỉ mình ông khiến tôi giật mình. Chẳng cần phải có tư duy đến tầm học cao hiểu rộng như các vị, một người dân bình thường cũng hiểu được rằng, mục tiêu của đường sắt cao tốc phải là đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách tối ưu nhất xét về mọi phương diện, tiếp đó là mang lại hiệu quả kinh tế xã hội một cách cao nhất. Mục tiêu đầu tư không phải là đem giá vé của tàu lửa cao tốc ra so sánh với giá vé máy bay hay phương tiện nào đó để làm cơ sở thuyết phục mọi người. Nếu theo trật tự của tư duy logic này, giá vé máy bay là cao hơn giá vé tàu lửa cao tốc, như vậy nên tập trung đầu tư cho tàu lửa cao tốc; giá vé tàu lửa cao tốc là cao hơn giá vé xe đò (kể cả xe chạy dù), vì vậy nên tập trung đầu tư cho xe đò (kể cả xe dù); giá vé xe đò cao hơn xe lôi… cuối cùng là chúng ta sẽ đầu tư vào cái gì? Ngoài ra, cái tư duy tính toán tăng trưởng GDP của ông mang đầy màu sắc “đếm cua trong lỗ” mà ông bà ta thường nói thưa ông.

Thêm một ông nghị rất to khác, ông Phó chủ nhiệm UBPL của Quốc hội lại “kỳ vọng quá cao” vào khả năng trả nợ của thế hệ mai sau. Hãy nhìn sang vùng đất đầy huyền thoại với những thiên sử thi như Iliad và Odyssey, nơi có nền kinh tế được xem là phát triển cao chứ không phải chỉ vừa mới thoát chuẩn nghèo như ta, GDP năm 2009 của họ là 32.100USD (theo CIA World Factbook) hoặc 29.361USD (theo WB). Thế nhưng, “thế hệ sau” của họ đang vỡ nợ! Không lo xa tất sẽ có họa gần, cần gì chờ đến thế hệ con cháu mai sau. Không những vậy, đám con cháu thiên tài mai sau nghe ông tuyên bố như vậy đang phát hoảng, chúng đang nghĩ rằng các ông đang chơi trò gắp lửa bỏ tay người đấy.

Thật lố bịch khi nghe nói có vị còn mang cả Tần Thủy Hoàng ra ca ngợi về sự dũng cảm khi quyết định xây Vạn lý trường thành. Hay vị này muốn Việt Nam ta cũng nên có một Tần Thủy Hoàng, có thêm một quyết định tàn bạo như quyết định của Tần Thủy Hoàng thuở xưa?

Xây đường xe lửa cao tốc ư? Quá tốt thưa các vị. Nếu đường xe lửa cao tốc xóa bỏ hay hạn chế được cảnh hổn loạt bát nháo, sự rối ren trong phân phối vé, cảnh chen lấn ăn chực nằm chờ để mua vé tàu xe, cảnh kẹt xe hàng đoàn, hay những tai nạn thương tâm do chạy và chuyên chở quá tải trong những dịp cao điểm hằng năm… người dân mơ ước chỉ cần đưa tiền vào máy bán vé tự động với giá cả hợp lý là lập tức cầm được tấm vé trên tay, chỉ cần chờ đợi ít phút đúng theo lịch, một con tàu lao tới, dừng lại chính xác, cửa mở, một đoàn người hối hả bước xuống, sau đó một đoàn người khác hối hả lên tàu và đoàn tàu lại lao đi mạnh mẽ. Nhưng trước hết các vị hãy chứng minh là nó sẽ tốt đã chứ không thể mới nghĩ rằng nó sẽ tốt mà quyết tâm làm bằng mọi giá.

Nói được chưa chắc đã làm được, nhưng nếu nói cũng không được thì chắc chắn là làm không được rồi. Vì vậy để làm cho dư luận xã hội bớt bất an và đánh mất niềm tin, thiết nghĩ các vị hãy nói cho tốt trước đã, để ít nhất trong mắt người dân, các vị công bộc thời nay của dân không tỏ ra quá kém cỏi và vô trách nhiệm với vận mệnh đất nước và các thế hệ mai sau.

HN

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.