Vâng, rất mừng! Nhưng giá Hải quân chúng ta không cần tuyên bố này khác mà cứ lặng lẽ và cần mẫn làm đúng chức trách của mình như Hải quân Malaysia thì hay biết mấy. Người dân sẽ tin các anh ở tư cách người lính, những con người hành động, chứ không phải cố lọc lấy niềm tin trong những lời phát ngôn to tát của các anh. Bởi họ đã nghe bao nhiêu lời phát ngôn của các vị tai to mặt lớn rao giảng khắp đó đây mà cuối cùng, chỉ một từ cỏn con thôi, rằng “tôi đang nói thật”, mỏi mắt chờ cũng không thấy.
Bauxite Việt Nam
Tư lệnh Hải quân Việt Nam kêu gọi ngư dân ra khơi đánh cá bình thường bất chấp lệnh cấm biển bất hợp pháp của Trung Quốc.
Gặp gỡ báo chí tại hành lang Quốc hội hôm 25/5, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến khẳng định trong vùng biển 200 hải lý tính từ đất liền ra, chiến hạm của Hải quân thường xuyên tuần tra bảo vệ tàu cá của ngư dân Việt Nam, cũng như đuổi tàu nước ngoài không cho vào khai thác thủy sản. Vietnamnet và Tuổi trẻ Online đưa tin này, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến xác định Trung Quốc không có thẩm quyền cấm đánh bắt cá trong vùng biển không phải của mình, về việc này Việt Nam phản đối quyết liệt.
Tư lệnh Hải quân Việt Nam kêu gọi ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt cá bình thường, trừ các đảo có sự hiện diện của binh lính Trung Quốc thì ngư dân không nên vào quá giới hạn 12 hải lý, không kể trường hợp gặp bão cần vào lánh nạn. Tướng Hiến trấn an ngư dân: “Bà con hoàn toàn không nên lo lắng, tàu Hải quân đi vòng quanh Biển Đông, sẽ cấp cứu tất cả tàu gặp nạn”.
Cần tuần tra xa hơn
Ngư dân nghĩ gì về sự hứa hẹn của Tư lệnh Hải quân Việt Nam? Chúng tôi hỏi chuyện ông Thái Đình Long, một chủ tàu cá loại lớn ở Đà Nẵng, tàu của ông chuyên đánh bắt xa bờ:
“Hải quân ủng hộ cho dân làm ăn đánh bắt xa bờ ở biển xa… xa một tí đến những ngư trường có cá chất lượng nhiều hơn trong vùng biển Việt Nam mình… Đi làm thí dụ không thấy Trung Quốc thì mình có thể đi xa thêm chút nữa còn thấy Trung Quốc thì mình né mình tránh.
Tùy theo ngư trường, thí dụ Trung Quốc “hắn” tuần tra từ 112 lên 118 Bắc thì mình đi dưới 15 Bắc rồi mình đi ra, sau đó lên 18-19 Bắc rồi đi ra 15 Đông, mình đi xuống Trường Sa mình về. Đi có tập đoàn chứ, tập đoàn đang ở ngoài biển rồi, tàu của em đang ở trong đất liền chuẩn bị lấy đá ngày mai đi, 1 thuyền trưởng và 11 lao động là 12 người tất cả. Trong ngư trường Trung Quốc “nó” tuần tra, ngư dân Đà Nẵng Thanh Khê mình quá rành để né tránh”.
Hôm 16/5 vừa rồi Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm tại Biển Đông kết thúc vào ngày 1/8. Theo đó đội tàu Ngư chính giám sát ngư nghiệp của Trung Quốc sẽ thực thi lệnh cấm 10 tuần ở vùng biển đông, nơi nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam công bố chủ quyền. Cụ thể vùng cấm bao phủ khu vực đánh bắt cá thương mại từ vĩ tuyến 12 độ Bắc tức vùng biển quần đảo Trường Sa đang tranh chấp cho tới duyên hải Trung Quốc kể cả khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam Cộng hòa năm 1974.
Chúng tôi trao đổi nhanh với ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, ông Hoàng tán dương quyết tâm bảo vệ ngư dân của Hải quân Việt Nam:
“Ngư dân vẫn đi đánh bắt bình thường, đây là mưu sinh của người ta, ngư dân chúng tôi vẫn đi biển trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam nếu có chuyện gì thì có sự giúp đỡ bảo vệ của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Trung Quốc cấm biển như vậy là đã chồng lấn vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã tuyên bố đó là hành vi đơn phương và vi phạm chủ quyền”.
Bà con hoàn toàn không nên lo lắng, tàu Hải quân đi vòng quanh Biển Đông, sẽ cấp cứu tất cả tàu gặp nạn.
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến
Trở lại cuộc gặp gỡ báo chí của Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến được Tuổi trẻ Online và Vietnamnet đưa lên mạng. Tư lệnh Hải quân Việt Nam cho biết trong vài năm gần đây lực lượng thuộc quyền ông đã thực hiện tuần tra chung với Hải quân các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan. Cụ thể 9 chuyến với Trung Quốc, 8 với Campuchia và 20 chuyến với Thái Lan.
Tướng Hiến cho rằng, các cuộc tuần tra chung mang lại nhiều lợi ích. Sự có mặt của Hải quân Việt Nam giúp bà con ngư dân an tâm làm ăn trong vùng biển chủ quyền, khuyến khích bà con ra khơi. Tướng Hiến nhấn mạnh, ở vùng biển Tây Nam, trước đây khá căng thẳng giữa lực lượng Việt Nam và Thái Lan, đã có nhiều nổ súng xảy ra, ngư dân bị thiệt thòi. Sau khi có hợp tác tuần tra hỗn hợp, vùng biển này đã khá yên tĩnh.
Tam không với ngư dân
Riêng với Trung Quốc, Tướng Hiến mong muốn Hải quân Trung Quốc cũng ứng xử như Hải quân Việt Nam, nghĩa là không bắt, không phạt, không bắn vì ngư dân là những người rất khó khăn trên biển. Theo lời Tư lệnh Hải quân, phía Việt Nam chỉ xua đuổi tàu Trung Quốc vi phạm ra khỏi phạm vi 12 hải lý ở Trường Sa và ở khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trong trường hợp cứu hộ cứu nạn thì phải cho phép tàu vào các đảo.
Năm 2009 tỉnh Quảng Ngãi có 33 tàu và 433 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc. Từ đầu năm 2010 tới nay Trung Quốc đã bắt giữ 4 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi và gần 50 ngư dân, vụ sau cùng xảy ra ngày 4 tháng 5 vừa qua. Ông Phan Huy Hoàng Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho biết thêm:
“Hiện nay ngư dân Quảng Ngãi vẫn còn bị giam giữ ở nhiều nước, riêng Trung Quốc không còn giữ người nào, có điều họ giữ tàu, qua đấu tranh hoặc nộp tiền phạt thì từng đợt người ta thả người về nhưng vẫn còn giữ một số tàu”.
Hiện nay ngư dân Quảng Ngãi vẫn còn bị giam giữ ở nhiều nước, riêng Trung Quốc không còn giữ người nào, có điều họ giữ tàu, qua đấu tranh hoặc nộp tiền phạt thì từng đợt người ta thả người về nhưng vẫn còn giữ một số tàu.
Ông Phan Huy Hoàng
Trung Quốc bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam trở thành vấn đề lớn vì sự tự hào dân tộc và lòng yêu nước của người Việt, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thời xa xưa.
Trên thực tế ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ bị bắt giữ ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trong 4 năm gần đây, hơn 7 ngàn ngư dân cùng gần 1.200 tàu cá đã bị các nước bắt giam trong khi hoạt động ở các vùng biển tranh chấp.
Bên cạnh tuyên bố thể hiện sự quyết tâm của Tư lệnh Hải quân Việt Nam trong vấn đề bảo vệ ngư dân trên Biển Đông, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn chuẩn bị thực hiện dự án “giám sát tàu cá sử dụng công nghệ vệ tinh”. Tiền phong Online ngày 27/5 trích lời ông Đặng Hữu Kiên thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết dự án có mục tiêu nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, giám sát hoạt động khai thác hải sản hiệu quả an toàn, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh chủ quyền biên giới trên biển.
Sang năm 2011 dự kiến 3.000 tàu cá công suất lớn sẽ được trang bị miễn phí thiết bị vệ tinh đầu cuối trị giá mỗi chiếc 1.000 euro. Ngoài các lợi ích khoa học về tìm kiếm ngư trường, mỗi tàu cá hoạt động trong hệ thống sẽ lập tức được báo động khi tàu ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam, vùng bảo tồn, vùng cấm khai thác. Với thiết bị vệ tinh, việc xác định tọa độ con tàu khi gặp nạn cũng dễ dàng hơn cho công tác cứu hộ.
Việt Nam hiện có 131.000 tàu cá đánh bắt trên biển, bao gồm hơn 16.000 tàu có công suất lớn từ 90 CV trở lên. Việc lắp đặt thiết bị vệ tinh đầu cuối cho 1/5 số tàu công suất lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu ngư dân hợp tác và hoạt động theo tổ đội 5 hay 6 con tàu. Một số chủ tàu cá nói rằng, do cách làm ăn theo tập quán sẽ có nhiều chủ tàu không muốn tham gia dự án “giám sát tàu cá sử dụng công nghệ vệ tinh” dù được trang bị miễn phí. Hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ đều che giấu vị trí trong khi hoạt động nếu gặp được ngư trường tốt, cũng vì lý do này tàu cá đi thành nhóm nhưng là trong thân tộc gia quyến với nhau để chia sẻ quyền lợi. Thay đổi nhận thức của ngư dân không phải là chuyện dễ làm.
Nguồn: RFA