Thêm bằng chứng xài tiền ODA sai mục đích ở Việt Nam

Phạm Chí Dũng

clip_image002

Bằng chứng mới

Vừa có thêm bằng chứng cho thấy vốn ODA bị chi sai mục đích.

Tại một phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 22/12/2016, phía Chính phủ đã đề nghị dùng 4,482 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhưng “may mắn” là trong bối cảnh ngân sách cực kỳ eo hẹp, cơ quan thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị phía Chính phủ phải giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không, hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản – đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng – có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho hai ngân hàng hay không…

Câu hỏi đặt ra là ai và cơ quan nào đã tham mưu cho chính phủ để lấy vốn ODA cấp cho ngân hàng – vmột cơ chế thuần túy kinh doanh? Chẳng lẽ giới lãnh đạo chính phủ không hề biết rằng đó là chi sai mục đích, là “cố ý làm trái các quy định quản lý tài chính của nhà nước”, và sẽ khiến các tổ chức cho vay như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, Nhật Bản… phẫn nộ ra sao khi họ biết về sự thật bừa bãi và đầy tính lợi ích nhóm này?

Chắc chắn việc vừa nêu không phải xảy ra lần đầu tiên.

‘Ăn vặt quen mồm’

Từ trước tới nay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế “đúng quy trình” của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tục ngữ Việt Nam có câu “ăn vặt quen mồm” …

Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cấp vốn ODA cho giới chủ ngân hàng cũng là một bằng chứng mới cho thấy dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ rất có thể đã quen với việc dùng tiền ODA để chi cho những mục đích khác, như thay vì sử dụng đúng mục đích ODA cho các dự án hạ tầng cơ sở và môi trường, họ đã cắt nguồn vốn này cho các khoản chi tiêu thường xuyên của chính phủ, thậm chí còn có thể cắt ODA cho các dự án xây dựng trụ sở hành chính và tượng đài từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đầy tai tiếng và cực kỳ đáng lên án.

Ngay vào thời điểm nền kinh tế đang có nguy cơ bị phá sản, nhóm lợi ích ODA ở Việt Nam vẫn quyết liệt thực hiện chiến dịch không nương tay với những món vay mượn khổng lồ từ nước ngoài.

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn lên đến 40% – được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 – 2010.

Có rất nhiều bằng chứng về lãng phí và “ăn dày” ODA.

Trong một lần hiếm hoi, báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học và đường sá thì có một phụ nữ – mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An – đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.

Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80.000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn trắng trợn đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng.

Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có “thiện cảm” với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền “ăn của dân không chừa thứ gì”.

‘Đi đêm có ngày gặp ma’

Mặc dầu nhiều lần quốc tế đã đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án về dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức.

Các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng tài trợ cho chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để “cải cách luật pháp” và “chống tham nhũng”, nhưng việc này dường như cũng không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam.

Nhưng “đi đêm có ngày gặp ma”.

Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại Giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.

Năm 2013, phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

Vào đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi Úc để “khuyến mãi” nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam.

Năm 2016, sau vài chục năm “vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ,” ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế thì thẳng tay “cấm cửa” vay mượn ODA đối với chính thể vừa hoan hỉ nhận tín dụng quốc tế vừa thẳng tay đàn áp nhân quyền.

Dù các bộ ngành vẫn cố tuyên truyền là còn đến 22 tỷ đô la mà Việt Nam đã ký với đối tác quốc tế nhưng chưa giải ngân, sự thật là từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh khắt khe hơn hẳn, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.

Sau vài chục năm tận tình đào mỏ ODA, cuối cùng mọi thứ đã đắt gấp đôi.

Tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 22/12/2016, sự an ủi và may mắn còn lại, dù đã quá muộn, để Bộ Tài chính không chấp nhận dùng ODA năm 2016 cấp cho hai ngân hàng Phát triển Việt Nam và Chính sách xã hội chỉ còn là tình trạng ngân sách đã khốn đốn đến mức không còn bất cứ khoản kết dư nào để vung tay quá trán. Bởi nếu còn kết dư, hẳn Bộ Tài chính rất có thể vẫn tiếp tục làm theo yêu cầu của chính phủ, bất chấp việc chi xài đó là “bất hợp hiến”.

Trong cơn mê sảng vào giai đoạn cuối, quả báo đã ứng nghiệm với gia tốc ngày càng nhanh.

P.C.D.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/them-bang-chung-xai-tien-oda-sai-muc-dich-o-vn/3673325.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.