Chính Bắc Kinh mới khó lường được sức mình

Nguyễn Xuân Nghĩa

clip_image002

Giới quan sát quốc tế cứ nói đến Tổng Thống Tân Cử Donald Trump như một nhân vật làm Trung Cộng khó tính được cách ứng phó vì tính chất thất thường của mình. Thật ra, chính Bắc Kinh cũng chưa tự lường được sức mình trước những bài toán quá lớn sẽ nổi cộm trong năm nay…

Sau khi đắc cử, ông Donald Trump gây lên một trận bão trong dư luận thế giới vì cho biết là từ nay Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận luật chơi của Bắc Kinh trong quan hệ giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới tại hai bờ Thái Bình Dương. Những người quá quen với hình ảnh Trung Cộng như một cường quốc kinh tế đang lên và sẽ qua mặt Hoa Kỳ thì cho rằng ông Trump lấy rủi ro lớn khi gây ra một cuộc chiến mậu dịch với Bắc Kinh. Ðối diện, một số người khác thì cho là trong mấy chục năm qua, Trung Cộng hưởng lợi nhờ Mỹ và đã đến lúc Hoa Kỳ cần tính lại.

Nhưng thay vì nhìn vào trận thế Mỹ-Hoa theo thế chiến hay hòa, tại sao ta không nhìn vào sự thật của kinh tế Trung Cộng?

Về bối cảnh thì sau khi Ðặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế, từ năm 1980 tới sau này, Trung Cộng có khoảng 36 năm tăng trưởng ngoạn mục, trung bình là 10% một năm trong ba chục năm liền. Nhưng, kể từ năm 2008 thì tình hình hết còn tốt đẹp như xưa. Những cây trái ngon ngọt nhất trong tầm tay đã được Thiên triều hái trọn. Thế rồi, khi thế giới bị Tổng suy trầm năm 2008-2009, Bắc Kinh phải tăng chi và bơm tín dụng kích thích kinh tế với hiệu quả ngày càng thấp và nay đang chất lên một núi nợ.

Nếu vụ khủng hoảng 2008 tại Hoa Kỳ và nạn Tổng suy trầm sau đó đã gây chấn động tại Âu Châu và đưa ông Barack Obama lên làm tổng thống Hoa Kỳ thì di hại kế tiếp lại dẫn đến hiện tượng Donald Trump. Rồi vì quá chú ý đến các biến cố ấy ở nhà, người ta không thấy ra tình hình kinh tế quá tệ tại Hoa lục. Một số người hiếm hoi đã sớm báo động về nguy cơ khủng hoảng tài chánh tại Hoa lục rồi họ bị thực tế phủ nhận vì dường như Bắc Kinh vẫn có giải pháp thoát hiểm.

Sự thật thì khủng hoảng chưa xảy ra nhưng ngày càng cận kề, trong khi gánh nợ và nghĩa vụ hoàn trái ngày càng cao đang thu hẹp khả năng xoay trở của Bắc Kinh. Vì vậy, chưa cần nhìn vào “hiệu ứng Donald Trump”, bài này sẽ phân tích khả năng thoát hiểm của Trung Cộng kể từ năm nay. Với kết luận là… bất khả.

Kể từ năm 2016 là khi thế giới chờ đợi một vụ khủng hoảng tài chánh vì gánh nợ quá cao thì kinh tế Trung Cộng vẫn có đà tăng trưởng khoảng 6-7%. Dù hết là 10% như trong 30 năm liền, tốc độ trên vẫn được coi là khả quan hơn khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đang “giãy chết”. Nhưng đấy chỉ là con số biểu kiến khó tin, là chuyện cột báo này đã viết nhiều lần tới độ nhàm chán.

Mà để đạt mức tăng trưởng giả tạo ấy, Bắc Kinh lấy nhiều rủi ro lớn: lượng tín dụng bơm ra lại cao gấp ba chục lần sản lượng và việc chuyển hướng kinh tế dự kiến từ sau Ðại Hội Khóa 18 vẫn bị đình hoãn trong thực tế.

Ngay từ năm 2007, lãnh đạo Bắc Kinh thuộc thế hệ trước đã hiểu ra nhược điểm của chiến lược phát triển dựa trên đầu tư để xuất cảng bằng mọi giá. Nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo gọi đó là “kinh tế bốn không”, không cân đối, không phối hợp, thiếu công bằng và không bền vững. Chủ trương mới được đề ra sau đại hội đảng vào cuối năm 2012 là phải tìm lực đẩy ở sức tiêu thụ nội địa thay cho đầu tư và xuất cảng. Muốn có tiêu thụ nội địa thì phải có lợi tức, việc tái phân lợi tức có thể dẫn tới một đà tăng trưởng thấp hơn, chỉ còn khoảng 3% một năm. Ðấy là giải pháp “lý tưởng” của nền kinh tế trưởng thành là thà ăn ít no lâu, dù chỉ có 3% thì vẫn còn khá hơn cả.

Nhưng vì “kinh tế cũng là chính trị,” lãnh đạo Bắc Kinh vẫn duy ý chí đề ra chỉ tiêu 6-7% và ráo riết bơm tín dụng mà không kịp chuyển hướng lên trình độ sản xuất khác. Khi cả thế giới nói đến nạn Tổng suy trầm và khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa tại các nước Tây phương với đà tăng trưởng chưa tới 1-2% thì tốc độ của Trung Cộng vẫn là ngoạn mục và gây ra sự khâm phục nên chẳng mấy ai tin là nạn khủng hoảng tài chánh có thể bùng nổ vì núi nợ xấu.

Sự thật kinh tế là tín dụng và đầu tư lại không có hiệu năng mà cứ trút vào khu vực doanh nghiệp nhà nước để sản xuất thừa. Và sự thật xã hội là các hộ gia đình không thể tiêu thụ những gì họ sản xuất ra vì có lợi tức quá thấp. Tại một quốc gia tự xưng danh xã hội chủ nghĩa thì đấy là một nghịch lý chính trị, và là mầm loạn.

Khi ra sức tập trung quyền lực, và vừa rồi còn công khai hài tội các đảng viên cao cấp nhất là có ý đồ chính trị – chứ không chỉ có hành vi tham nhũng – Chủ tịch Tập Cận Bình hiểu rõ yêu cầu của đảng. Thứ nhất là phải tái phân phối lợi tức từ khu vực kinh tế nhà nước – tại các đảng bộ địa phương trở đi – cho các hộ gia đình để nâng sức tiêu thụ nội địa. Thứ hai, phải khuyến khích tiêu thụ các loại hàng hóa và dịch vụ sản xuất theo phương thức thâm dụng nhân công hơn là tư bản và kỹ thuật, thì mới tránh được nạn thất nghiệp. Thứ ba, phải phá vỡ sự cấu kết chính trị và kinh doanh của tầng lớp đảng viên cao cấp trong khu vực kinh tế nhà nước dù biết thành phần này cũng là tay chân thân tộc của các ủy viên trong Bộ Chính Trị.

Nếu không thể đáp ứng ba yêu cầu trên, lãnh đạo Bắc Kinh phải chấp nhận thực tế là kinh tế sẽ bị đình trệ trong dăm bảy năm tới! Nếu lại tiếp tục bơm tín dụng để đạp xe cho mạnh thì cỗ xe chỉ dẫn tới mé bờ khủng hoảng, là chuyện sẽ xảy ra từ năm nay trở đi.

Như trường hợp đã xảy ra trong các nước Tây phương, một vụ khủng hoảng tài chánh, hay một chuỗi ngân hàng vỡ nợ dây chuyền, sẽ chưa thể làm chế độ sụp đổ. Khủng hoảng tài chánh chỉ là phản ứng trục độc cần thiết để cơ thể kinh tế có nền móng kế toán tài chánh lành mạnh hơn. Nhưng trong một chế độ độc tài, với quyền lực tập trung và tuyên truyền trải rộng, việc hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng vỡ nợ sẽ khiến người dân hoài nghi khả năng lãnh đạo của đảng.

Khủng hoảng niềm tin của các nước dân chủ Tây phương có thể dẫn tới chuyện thất cử và thay đổi lãnh đạo cùng chánh sách. Tại một nước độc tài, người dân không có quyền chọn lựa ấy. Và trong khung cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, chính là các thị trường mới phán đoán khả năng lãnh đạo qua quyết định mua hay bán, làm lãi suất và phân lời tăng vọt. Khả năng ứng xử của Bắc Kinh đang được các thị trường phán đoán như vậy!

Ðiều ấy mới giải thích vì sao tuần qua phân lời trái phiếu đồng Nhân Dân Tệ giao dịch qua đêm ở hải ngoại bỗng tăng vọt lên mức cực kỳ bất thường là 105%. Hóa ra, giới có tiền tại Hoa lục đang ào ạt tháo chạy làm Bắc Kinh phải mất mấy trăm tỷ đô la trong dự trữ để giữ cho đồng bạc khỏi sụt giá. Trong khi ấy, Donald Trump và ban tham mưu cứ tri hô là Bắc Kinh can tội lũng đoạn tài chánh khi phá giá đồng Nguyên cho rẻ! Ngày mai này, Bắc Kinh còn bị kết tội là để cho các đại gia bơm tiền thổi lên bong bóng đầu cơ về gia cư và địa ốc tại Mỹ, Canada hay Úc Ðại Lợi nữa. Ðúng là bị oan vì ương…

Chưa ai thấy Donald Trump ra quân với các kiện tướng chuyên trị về đấu luật với Bắc Kinh, như Wilbur Ross, Peter Navarro và Robert Lighthiser trong các chức vụ tổng trưởng thương mại, chủ tịch hội đồng thương mại quốc gia và đại sứ thương mại, thì đã thấy Bắc Kinh hụt hơi đối phó với những biến động của thị trường!

Kinh tế chính trị học mà cũng có chuyện Giời Quả Báo ư?

N.X.N.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/chinh-bac-kinh-moi-kho-luong-duoc-suc-minh/

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.