Bước ngoặt giúp Hoàng Xuân Vinh thành công: Bỏ Trung Quốc…

Huy Đăng (từ Rio)

Thoát Trung không phải chuyện bàn suông, mà đã được thực tiễn kiểm nghiệm: nhờ đó Việt Nam có một Hoàng Xuân Vinh, huy chương vàng và huy chương bạc Olympic Rio 2016. Bao giờ Thoát Trung được thực hiện trong kinh tế, và nhất là trong chính trị?

Bauxite Việt Nam

 

TT – Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không thể có được thành công như hôm nay nếu thiếu một trong hai người đã gắn bó cùng anh nhiều năm qua: HLV trưởng tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung và chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun.

clip_image002

Từ trái qua, bộ tứ làm nên kỳ tích lịch sử của môn bắn súng: HLV Park, Xuân Vinh, HLV Nhung và Quốc Cường

Và nếu không có một quyết định sáng suốt của HLV Nguyễn Thị Nhung cách đây gần 10 năm, Hoàng Xuân Vinh cũng không có được cơ hội làm việc cùng ông Park Chung Gun. Và môn bắn súng VN có lẽ cũng chưa chắc gặt hái được thành công như hôm nay: quyết định bỏ nơi tập huấn quen thuộc là Trung Quốc để chuyển sang Hàn Quốc.

Theo Hàn Quốc, bỏ Trung Quốc

Đó là thời điểm đầu năm 2007, theo lời kể của HLV Nguyễn Thị Nhung, chị đã quyết định chấm dứt việc đi tập huấn tại Trung Quốc của tuyển bắn súng VN vì “không thu được lợi ích gì”.

“Người Trung Quốc rất mạnh trong bắn súng nhưng lại không thật tâm, nhiệt tình với chúng ta. Ở Trung Quốc, họ chỉ cho đội tập ở những phòng tập bình thường, trang bị cũ kỹ và cả đời chẳng biết mặt mũi đội tuyển Trung Quốc. Tập huấn như vậy không thu được lợi ích nào cả. May mắn là lúc đó Liên đoàn Bắn súng VN có mối liên hệ với Liên đoàn Bắn súng của Hàn Quốc và sau vài lần làm việc, tôi nhận thấy người Hàn rất thực tâm. Vì vậy tôi quyết định chuyển sang tập huấn ở Hàn Quốc. Ở đây, chúng tôi được tập trong phòng tập hiện đại cùng các thành viên của đội tuyển Hàn Quốc” – HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết.

Thời điểm ấy, chị Nhung chỉ mới làm HLV trưởng khoảng một năm. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng chị đã đưa ra những cải cách mạnh mẽ với đội tuyển bắn súng VN, đúng với tính cách đầy quyết đoán của một người phụ nữ có cuộc sống cá nhân, công việc thay đổi xoành xoạch.

Là con nhà nòi, HLV Nguyễn Thị Nhung đam mê và theo nghiệp bắn súng từ nhỏ. Nhưng đến tuổi 18, nhận thấy sự nghiệp của mình không có nhiều tương lai, chị Nhung xin nghỉ tập bắn súng để thi vào ĐH Thể dục thể thao (Từ Sơn) năm 1982. Ba năm sau, chị được đưa sang Nga học tại ĐH Thể dục thể thao Moscow. Năm 1989, chị trở về nước và trở lại với sự nghiệp tập luyện, thi đấu. Nhưng rồi cũng chỉ một năm sau đó, chị Nhung có em bé và lần thứ hai chị quyết định rút lui khỏi nghiệp VĐV.

Nghỉ thi đấu, nữ xạ thủ này xoay sang kinh doanh, mở lớp thể dục thẩm mỹ, lớp trang điểm, spa làm đẹp và bắt đầu có được tài chính ổn định. Những tưởng đã hoàn toàn chuyển sang cuộc sống của một nữ doanh nhân thì chị Nhung một lần nữa đột ngột trở lại với bắn súng, khi được tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng VN lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Hùng mời gọi. Năm 1997, chị quay lại bắn súng với vai trò trọng tài.

“Khi ấy công việc kinh doanh của tôi rất ổn định, nên tôi nghĩ mình có quyền trở lại với đam mê. Lúc bấy giờ là làm lại từ đầu nên có việc gì thì làm việc đó. Tôi kiên nhẫn theo dõi, mày mò, tìm hiểu trở lại với bắn súng từ công việc trọng tài” – chị Nhung nói. Và rồi đến năm 2003, chị được mời sang làm việc với bộ môn trong tư cách chuyên gia, trước khi trở thành HLV trưởng vào năm 2006.

“Bà chị khó tính” của Hoàng Xuân Vinh

Sau khi lập nên chiến tích lịch sử ở Olympic, một trong những lời đầu tiên mà Hoàng Xuân Vinh nói cùng chúng tôi là sự tri ân dành cho HLV Nguyễn Thị Nhung. “Không có sự giúp đỡ của chị ấy trong cả tập luyện lẫn cuộc sống tinh thần, cá nhân, tôi đã không thể gặt hái được nhiều thứ như ngày hôm nay. Chị Nhung như một người chị ruột của tôi vậy” – xạ thủ 42 tuổi này cho biết. Trong tuyển bắn súng, mọi người vẫn thường đùa Vinh là “học trò cưng” của HLV Nhung.

Thân nhau là vậy nhưng ít ai biết được đã có những lúc mối quan hệ cô – trò của hai người muốn đổ vỡ, gần như là “từ mặt nhau” theo lời kể của chị Nhung. Tất cả đến từ sự khắt khe quá mức của vị nữ HLV cá tính này.

“Là mẫu người nghiêm túc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong công việc nên tôi cũng đặt ra vô số giới nghiêm cho các VĐV. Điển hình như việc cấm tiệt họ sử dụng điện thoại di động, không chỉ trong giờ tập mà cả ở những lúc rảnh rỗi, sinh hoạt đời thường. Với tôi, đôi mắt của một xạ thủ cực kỳ quan trọng nên làm sao có thể cứ mãi cắm vào những smartphone rồi chơi game… Nhiều VĐV của tôi không đồng tình với điều này và rời khỏi đội tuyển. Ngay cả Vinh cũng nhiều lần như vậy”.

Nhưng rồi với sự chuyên nghiệp của mình, Xuân Vinh luôn vượt qua mọi khúc mắc để đáp ứng được đòi hỏi khắc nghiệt từ HLV trưởng. Bỏ qua những lần cãi vã trong công việc, Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung rất hợp tính nhau và có cùng đam mê mà “không ai chịu nổi” theo lời chị Nhung: có thể nói chuyện về bắn súng cả ngày không biết chán.

Cùng nhau, bộ đôi cô trò nhưng tình nghĩa như chị em này đã vượt qua biết bao nhiêu sóng gió, thử thách, những phen buồn nản đến mức muốn bỏ cuộc. Như khi Asiad Quảng Châu 2010 hay Olympic London 2012, các đấu trường mà Xuân Vinh thất bại đầy nuối tiếc. Những khi đó, Vinh tưởng chừng muốn giã từ nghiệp thi đấu, “người chị HLV” mạnh mẽ của anh lại trở thành nguồn trợ lực mạnh mẽ, hối thúc Xuân Vinh phải đứng dậy từ thất bại.

Người hàng xóm tốt bụng

Trong thành công của Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung ví như người chăm bón gốc rễ thì vị chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun lại chính là người tỉa cành, nâng tài năng của Xuân Vinh lên tầm cao mới.

Chính thức sang VN làm việc từ năm 2014, nhưng thật ra ông Park đã gắn bó với tuyển bắn súng VN từ năm 2006. Lần đầu gặp tuyển bắn súng VN tại Giải vô địch thế giới 2006 ở Croatia, ông Park khi đó là HLV tuyển bắn súng thành phố Bucheon. Và một tình cảm đặc biệt khó hiểu dành cho các xạ thủ Việt bỗng nhiên đến với ông.

“Trong lần đầu thấy họ tập luyện, tôi bỗng thấy thân cận một cách khó hiểu. Họ rất có tài nhưng lúc ấy hơi lúng túng, ngượng ngập ở giải thế giới. Có lẽ vì vậy mà tôi nảy sinh tâm lý muốn giúp đỡ họ” – ông Park kể lại. Và từ đó ông Park trở thành người đứng ra thiết lập các mối quan hệ giữa hai liên đoàn bắn súng VN và Hàn Quốc, cũng như trợ giúp tuyển VN rất nhiều trước thềm các giải đấu quốc tế trong vai một “người hàng xóm tốt bụng”. Cảm kích trước sự chân thành của ông Park, đến năm 2014 HLV Nguyễn Thị Nhung đề xuất mời hẳn ông Park sang VN trong vai trò chuyên gia.

Bên cạnh những bài tập chuyên môn, ông Park còn đóng một vai trò rất thú vị – “người phụ trách truyền thông quốc tế” cho tuyển bắn súng VN. Là cộng tác viên của hai đài truyền hình MBC và KBS (Hàn Quốc), ông Park chuyển tải tin tức về thành tích thi đấu của tuyển VN cho giới truyền thông quốc tế ở các giải đấu lớn. Sau kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh, cánh phóng viên “bao vây” lấy anh rồi sau đó “đổi mục tiêu” sang ông Park khi nhận thấy khả năng ăn nói hoạt bát của vị chuyên gia này.

Nhiệt tình với đội tuyển như vậy nhưng ông Park cực kỳ khiêm tốn. Ngay khi tôi tìm đến xin phỏng vấn, ông lập tức khoát tay lia lịa: “Không, không, tôi chẳng đóng góp được gì nhiều đâu. Hoàng Xuân Vinh đã quá giỏi rồi, cậu ấy là mẫu người làm việc chăm chỉ không biết mệt mỏi, khá giống với những người Hàn Quốc nhưng lại thân thiện, vui vẻ hơn. Toàn đội VN cũng vậy, tôi yêu người Việt và hi vọng sẽ còn được cùng các bạn trải qua nhiều kỳ Olympic nữa”.

Đừng quên Trần Quốc Cường

Còn một nhân vật nữa đã sát cánh cùng Hoàng Xuân Vinh trên đất Brazil cũng như hơn 10 năm qua tại đội tuyển bắn súng VN được xạ thủ này tri ân. Đó là người đồng đội cùng tuổi Trần Quốc Cường. Theo chia sẻ của HLV Nguyễn Thị Nhung, Cường có kỹ thuật còn tốt hơn Xuân Vinh, điển hình là thành tích tốt nhất ở nội dung 10m súng ngắn của anh cao hơn Xuân Vinh (583 so với 582 điểm).

“Vấn đề của Cường là cậu ấy hiền quá, thiếu một chút gì đó quyết đoán như Vinh. Nhưng chúng tôi phải cảm ơn cậu ấy vì tại nhiều giải đấu lớn, khi Vinh thất bại thì chính Cường là người thi đấu thành công mang về vinh quang cho đội. Chính sự xuất sắc của Cường là nguồn trợ lực rất lớn cho tinh thần của Vinh, mất người này thì còn người kia. Mọi người không biết, cũng chính Cường là người luôn theo sát an ủi Vinh những lần thất bại” – chị Nhung cho biết.

Hôm nay (10-8), Xuân Vinh tìm kiếm huy chương Olympic thứ 2

Hôm nay, mọi kỳ vọng, chú ý lại đổ dồn vào Hoàng Xuân Vinh khi anh cùng đồng đội Trần Quốc Cường thi đấu ở nội dung 50m súng ngắn nam. Vòng loại diễn ra từ 19g ngày 10-8 (giờ VN) và chung kết diễn ra lúc 22g cùng ngày. Đây cũng là nội dung thi đấu cuối cùng của tuyển bắn súng VN tại Olympic Rio 2016.

Một môn khác cũng có “trận đánh cuối” trong hôm nay là đấu kiếm với hai tay kiếm Vũ Thành An (nội dung kiếm chém nam) và Đỗ Thị Anh (nội dung kiếm liễu nữ) cùng xuất trận. Theo lịch, Đỗ Thị Anh thi đấu trước với trận đấu ở vòng 64 diễn ra lúc 18g30, còn Vũ Thành An thi đấu sau đó ở vòng 32.

H. Đ.

Nguồn: http://thethao.tuoitre.vn/tin/20160810/buoc-ngoat-giup-hoang-xuan-vinh-thanh-cong-bo-trung-quoc/1152157.html

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.