Tâm huyết trong 20 năm của một vị Bác sĩ trước con sông Cửu Long sắp cạn dòng

Điều gì đáng lo ngại nhất hiện nay? Rõ ràng Việt Nam đã mất cảnh giác và thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến môi sinh “không tuyên chiến” của Trung Quốc. Lời kêu gọi Trung Quốc xả nước từ hồ chứa Vân Nam để cứu hạn cho ĐBSCL đã nói lên tình thế bị động của Việt Nam. Lẽ ra giới lãnh đạo phải tiên liệu nguy cơ này từ nhiều năm trước. Nay lại thêm 9 dự án đập dòng chính hạ lưu của Lào và 2 của Campuchia sẽ khiến bài toán cứu nguy ĐBSCL khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt Nam thì chưa có một chiến lược đối phó.
Vâng, BS nói rất đúng. Giới cầm quyền Việt Nam hiện nay đang nhấp nhổm như ngồi trên lửa, vì sau hơn 7 thập kỷ phá nát đất nước này, mọi thứ đều đã kiệt quệ, nay họ còn lòng dạ đâu để lo cho một con sông Cửu Long đang sắp trơ đáy, một đồng bằng sông Cửu Long đang sắp trở thành sa mạc nữa.
Huống chi họ đã quen chắp hai tay “hảo hảo” trước con sói Bắc Kinh có cái mõm cười kinh tởm luôn văng ra nước bọt hôi thối lẫn với tiền, cốt che giấu hàm răng sắc nhọn và chiếc lưỡi đỏ lòm những máu. Vậy thì bảo họ giờ phải thẳng lưng lên, khước từ nụ cười “vừa thối vừa thơm” kia hỏi họ làm sao nổi. Âu là nên mong mỏi một điều gần với hiện thực hơn: Mong cho các ngài ấy hết lớp này đến lớp khác cứ lèn cho chặt túi, để rồi đến một giờ G nào đó, cũng chẳng lâu nữa đâu, thì cùng với con cái, gia đình – và cả cái đảng của họ nữa – tự nguyện trèo xuống khỏi những chiếc ghế đã cố sức bám chặt trong bao nhiêu năm nay đi, để 90 triệu con dân Lạc Việt từ trong máu và nước mắt lại vùng dậy, một phen sống chết với lũ xâm lược Tàu Cộng, “gom góp dựng lại cơ đồ”.
Ấy, nguyện vọng của rất nhiều người từ lâu đến nay lên tiếng trên các phương tiện truyền thông lề dân mà chúng tôi đọc được chung quy là như vậy đó, thưa Bác sĩ.
Bauxite Việt Nam

 

1. Phỏng vấn Ngô Thế Vinh – người đi dọc 4.800km sông Mekong

Lê Quỳnh thực hiện
LTS. Gần 20 năm tâm huyết với các vấn đề trên dòng Mekong cũng như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bác sĩ Ngô Thế Vinh không chỉ là một nhà văn với hai tác phẩm Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóngMekong – dòng sông nghẽn mạch, ông còn là một nhà hoạt động môi trường bền bỉ. Ông đã có những chuyến đi dọc dòng Mekong dài 4.800km, từ Tây Tạng đổ xuống Biển Đông. Người Đô thị có cuộc phỏng vấn ông Ngô Thế Vinh về các vấn đề nóng bỏng hiện nay trên dòng Mekong và ĐBSCL.
Thưa, dù đã 17 năm trôi qua, từ những chuyến đi dọc dòng sông Mekong dài 4.800km, bức tranh sống động mà ông “phác họa” về những tác hại khủng khiếp do các con đập thủy điện gây ra cho đời sống người dân lưu vực sông Mekong đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Từ những dự cảm rất sớm về những hậu quả do các đập thủy điện gây ra trên dòng Mekong và cho ĐBSCL nói riêng, ông nhận định gì về thực trạng hiện nay?
Năm 2000, khi nói “Cửu Long cạn dòng”, nhiều người xem đó là phát biểu “nghịch lý” bởi đó là năm có lụt lớn ở miền Tây. Một vị tu sĩ đang tất bật lo việc cứu trợ, mới nghe tên cuốn sách đã phát biểu: “Đang lũ lụt ngập trời với nhà trôi người chết mà lại nói “Cửu Long cạn dòng” là thế nào?” Nhưng cần hiểu rằng lũ và hạn tương ứng với mùa mưa và mùa khô là chu kỳ tự nhiên đã có hàng ngàn năm trên dòng Mekong và các vùng châu thổ, và đến nay thì mức độ càng trầm trọng và gay gắt. Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho “thiên tai”, mà cần can đảm gọi cho đúng tên những yếu tố “nhân tai” bởi do chính con người gây ra qua suốt quá trình phát triển không bền vững và có tính tự hủy từ nhiều thập niên qua, đã làm gãy đổ sự cân bằng của cả một hệ sinh thái vốn phức tạp nhưng cũng hết sức mong manh của dòng Mekong.
clip_image001
Băng qua Biển Hồ đến khu Bảo tồn sinh thái Tonle Sap (nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh)
Một chuỗi những tai ương do chính con người gây ra đó là: (1) Phá hủy tự sát những khu rừng mưa trong toàn lưu vực. Những khu rừng mưa này có tác dụng như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước trong mùa mưa, xả nước trong mùa khô với chức năng điều hoà lưu lượng nước của dòng sông trong suốt hai mùa khô lũ, thì nay không còn nữa. (2) Xây các con đập thủy điện không chỉ trên dòng chính mà ngay trên khắp các phụ lưu sông Mekong từ thượng nguồn xuống tới hạ lưu, và đáng kể nhất là chuỗi những con đập bậc thềm (Mekong Cascades) Vân Nam của Trung Quốc. Hồ chứa các con đập ấy không những chỉ giữ nước mà còn ngăn chặn phù sa như một dưỡng chất xuống vùng châu thổ ĐBSCL. Nguồn thủy điện cũng đưa tới kỹ nghệ hóa, đô thị hóa với trút đổ các chất phế thải xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước sông Mekong. (3) Còn phải kể tới kế hoạch Trung Quốc cho nổ mìn phá các ghềnh thác khai thông lòng sông Mekong để mở thủy lộ từ Vân Nam xuống xa tới Vạn Tượng, Trung Quốc đã làm biến dạng toàn dòng chảy, gây xói lở trầm trọng các khu ven sông. (4) Cộng thêm những sai lầm về các kế hoạch thủy lợi tự phát ngay nơi ĐBSCL như be bờ ngăn đập rồi tới nạn “cát tặc” ngày đêm nạo vét lòng sông…
Tình trạng này gây thảm họa nhãn tiền: nếu lụt thì sẽ rất lớn ngay mùa mưa, hạn hán sẽ gay gắt hơn trong mùa khô và nạn ngập mặn ngày càng lấn sâu vào trong đất liền. Như vậy chủ yếu là do các nguyên nhân nhân tai, nay cộng thêm với biến đổi khí hậu, El Nino… là phần thiên tai cộng thêm vào. Không gọi đúng tên, đổ hết cho thiên tai là một thái độ chối bỏ nguy hiểm của giới chức Việt Nam hiện nay.
Trên dòng chính Mekong, Trung Quốc đã và vẫn tiếp tục xây đập thủy điện trên thượng nguồn, Lào xây đập dưới hạ nguồn, còn Thái Lan dẫn nước từ dòng Mekong vào ngay cả mùa khô… Trong tình hình ấy, điều ông lo ngại nhất là gì?
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, sau khi Trung Quốc hoàn tất hai con đập lớn nhất: Nọa Trác Độ (Nuozhadu) 5.850MW và Tiểu Loan (Xiaowan) 4.200MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thủy điện của họ trên suốt nửa chiều dài con sông Lan Thương (Lancang – tên Trung Quốc của sông Mekong). Theo Fred Pearce, Đại học Yale, con sông Mekong nay đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sông Mekong thuộc Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận ĐBSCL của Việt Nam”. Chỉ với sáu con đập dòng chính hoàn tất, Trung Quốc đã đạt được công suất 15.150MW – nghĩa là hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thủy điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, Trung Quốc sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu thế kỷ XXI.
Chúng ta không thể chỉ dựa vào một con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc, để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam là không đáng kể. Xây chuỗi đập Vân Nam, Trung Quốc đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Dung lượng các hồ chứa Vân Nam ngoài khả năng giữ hơn 30 tỉ mét khối nước còn chặn lại một trữ lượng rất lớn phù sa không cho xuống tới ĐBSCL. Thiếu nước, thiếu phù sa lại thêm ngập mặn với nước biển dâng, cả một vùng đất phì nhiêu ĐBSCL, cái nôi của một nền văn minh miệt vườn, có tương lai trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa.
clip_image002
Biển Hồ: mùa khô 2.500km2 (trái), mùa mưa 12.000km2 (phải). Biển Hồ nay thoi thóp, không còn co giãn với hai mùa mưa nắng và đang cạn dần
(nguồn: Tom Fawthrop)
Điều gì đáng lo ngại nhất hiện nay? Rõ ràng Việt Nam đã mất cảnh giác và thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến môi sinh “không tuyên chiến” của Trung Quốc. Lời kêu gọi Trung Quốc xả nước từ hồ chứa Vân Nam để cứu hạn cho ĐBSCL đã nói lên tình thế bị động của Việt Nam. Lẽ ra giới lãnh đạo phải tiên liệu nguy cơ này từ nhiều năm trước. Nay lại thêm 9 dự án đập dòng chính hạ lưu của Lào và 2 của Campuchia sẽ khiến bài toán cứu nguy ĐBSCL khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt Nam thì chưa có một chiến lược đối phó.
Hiệp định Mekong 1995 được xem là một cơ sở kiểm soát bảo vệ dòng Mekong, tuy nhiên Trung Quốc từ chối tham gia. Tương tự, Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia, Việt Nam thuận ký năm 2014, được biên soạn đặc biệt nhằm bổ sung và hạn chế những bất cập trong các hiệp định lưu vực hiện có như Hiệp định Mekong 1995, cũng thiếu tên Trung Quốc. Trong diễn tiến đó, Trung Quốc nay lại khởi xướng một diễn đàn mới: Hợp tác Lancang – Mekong ra mắt tháng 11.2015. Ông nhận định như thế nào về cơ chế này? Cơ hội của Việt Nam cũng như các nước trên lưu vực tham gia có thể là gì? Theo ông, liệu Trung Quốc có động cơ gì đằng sau đó không?
Uỷ ban Sông Mekong (MR Committee) được Liên Hiệp Quốc thành lập từ 1957, nhưng mọi dự án phát triển hầu như bị tê liệt do cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau 1975, bước vào thời bình, con sông Mekong trở lại là mục tiêu khai thác của các quốc gia trong lưu vực. Nhu cầu phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự Ủy ban Sông Mekong trước đây là cần thiết. Ngày 5.4.1995, bốn nước hội viên gốc thuộc lưu vực hạ lưu Mekong đã họp tại Chiang Rai – Bắc Thái, để cùng ký kết Hiệp ước Hợp tác phát triển bền vững hạ lưu sông Mekong và đổi sang một tên mới là Ủy hội Sông Mekong (MR Commission).
Đại diện Việt Nam đặt bút ký vào Hiệp định Mekong 1995 là Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm với chấp nhận một thay đổi cơ bản trong hiệp ước mới: thay vì như trước, mỗi hội viên trong Ủy ban sông Mekong (1957) có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong, nay theo nội quy mới (1995), không một quốc gia nào có quyền phủ quyết. Phát biểu trong Hội nghị Mekong 1999 tại Nam California (Mỹ), chúng tôi nhận định đây là khởi điểm một bước sai lầm chiến lược của Việt Nam, vì là quốc gia ở cuối nguồn.
Sáu nước lưu vực sông Mekong đang đứng trước nhiều vấn đề bức thiết liên quan đến kinh tế, xã hội cũng như bảo tồn môi trường sinh thái. Tuy nhiên, những khác biệt về yếu tố địa chính trị lại là rào cản không nhỏ trong tiến trình hợp tác, và đặt ra bài toán phải giải quyết hài hòa lợi ích của mỗi quốc gia. Theo ông, diễn biến chính trị ảnh hưởng như thế nào trong vấn đề hợp tác vùng và phát triển vùng trên dòng Mekong? Viễn cảnh phát triển Mekong sẽ là như thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu?
Nhắc tới sự kiện Trung Quốc mới đây cho thành lập khối Hợp tác Lancang – Mekong, một cơ chế bao gồm 6 nước cùng sử dụng sông Mekong, nhiều người vội lạc quan cho rằng đó có thể là một phương tiện tốt để buộc Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của các nước hạ nguồn. Mối lạc quan đó có thể đúng có thể không. Nhưng cần nhận thức rõ một điều: từ 1995, Trung Quốc chọn đứng ngoài Ủy hội Sông Mekong chỉ gồm 4 nước hạ lưu: Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Tới nay với 6 con đập dòng chính, về tổng thể, Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch thủy điện trên khúc sông Mekong 2.200km của họ.
Nay nếu có mở ra thêm khối Hợp tác Lancang – Mekong thì đó cũng chỉ là một bước chiến lược của Trung Quốc, tạo cho mình một hình ảnh hữu nghị nhưng thực tế là nhằm tăng cường ảnh hưởng đưa tới khống chế toàn bộ lưu vực sông Mekong. Trung Quốc sẵn có khả năng kỹ thuật, có nguồn tài chính hầu như vô hạn, Bắc Kinh thừa sức để gạt ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Nhật Bản ra khỏi lưu vực sông Mekong, cũng như họ đã đánh sập thế thượng phong của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ trên Biển Đông bằng các đảo chiếm của Việt Nam rồi mở rộng xây dựng căn cứ quân sự trên đó.
Tương lai khối Hợp tác Lancang – Mekong ra sao, vẫn tùy thuộc thiện chí rất đáng ngờ của Trung Quốc. Những ai từng theo dõi cách hành xử của Trung Quốc trong bao năm nay, cũng nhận thấy là Bắc Kinh chưa hề có Hồ sơ theo dõi tốt (Good track records).
clip_image003
BS. Ngô Thế Vinh trước khu Bảo tồn sinh thái Tonle Sap – Campuchia. Ảnh CTV
Nhưng rồi cũng phải kể tới tiềm năng “chất xám” mỗi quốc gia thành viên khi tham dự khối Hợp tác Lancang – Mekong, và quan trọng hơn hết là liệu có được một mẫu số chung đoàn kết của các nước nhỏ hay không. Thiếu một “tinh thần sông Mekong” nơi các quốc gia hạ lưu như hiện nay (vẫn cái cảnh “đồng sàng dị mộng”), lại thêm ác ý như từ bao giờ (Trung Quốc luôn luôn chia để trị), thì khối Hợp tác Lancang – Mekong chỉ là chiếc dù tạo thêm ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc trên mỗi quốc gia hạ nguồn.
Nếu Trung Quốc có thực tâm, phải đòi hỏi Bắc Kinh đi đến một Hiệp ước Lancang – Mekong theo đó mỗi quốc gia thành viên phải được tôn trọng và đối xử bình đẳng, có thể xem đây như một Ủy hội Sông Mekong mở rộng bao gồm thêm Trung Quốc và Myanmar.
Điểm qua tình hình hiện nay: Thủ tướng Campuchia Hunsen gần như hậu thuẫn vô điều kiện chính sách của Trung Quốc; Lào thì bất chấp mọi khuyến cáo vẫn từng bước thực hiện xây 9 con đập dòng chính Mekong (đang xây hai đập Xayaburi và Don Sahong); Thái Lan không ngừng lấy nước từ sông Mekong cung cấp cho các vùng khô hạn của họ; Myanmar thì không phải là yếu tố quan trọng khi chỉ tiếp cận một khúc sông Mekong vùng Tam giác vàng; riêng Việt Nam gần như bị động và chưa có “một chiến lược trên bàn cờ Mekong” khi quyết định tham dự khối Hợp tác Lancang – Mekong.
Điều cần làm ngay, là cấp thiết di chuyển Ủy ban Mekong Việt Nam từ Hà Nội về ĐBSCL để cùng bắt tay hình thành một phân khoa Mekong nơi Đại học Cần Thơ, giúp phái đoàn Việt Nam có một hồ sơ Mekong mang tính chiến lược, có cơ sở pháp lý khi họ tới dự những hội nghị thượng đỉnh Mekong. Mekong Delta SOS phải là ưu tiên số một trong nghị trình của Hội đồng Chính phủ, của Quốc hội và cả của Bộ Chính trị. Thảm hoạ đại hạn nơi ĐBSCL nếu cần phải đưa ra trước Diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của tiếng nói cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong bối cảnh các quốc gia lưu vực sông Mekong còn nhiều quan điểm khác biệt? Ở Việt Nam, theo ông, vai trò tiếng nói này hiện nay thế nào, và cần như thế nào?
Khi nhìn chung vào lưu vực 5 nước sông Mekong hạ nguồn (thêm Myanmar), một ký giả ngoại quốc nhận xét: tiếng nói của các cộng đồng dân sự, các mạng xã hội Việt Nam về vấn đề sông Mekong được kể là “khá hiếm” so với những tiếng nói của cư dân Bắc Thái Lan, người dân Lào và ngay cả dân Campuchia. Điều này hầu như lại càng rất hiếm thấy nơi cộng đồng 20 triệu cư dân ĐBSCL. Cũng dễ hiểu, đa số nông dân bị thiếu học với một nền giáo dục thấp hơn cả Tây Nguyên, lại thêm bị bưng bít thông tin thì làm sao bảo họ có tiếng nói ngoài thái độ cam chịu. Tiếng nói của những “tổ chức được gọi là NGO” thì luôn luôn luôn bị kiểm soát và định hướng bởi Nhà nước, và những định hướng thiển cận như hiện nay đã triệt tiêu mọi sáng kiến từ các nguồn trí tuệ. Nhưng dẫu sao, quan sát từ bên ngoài, đã thấy ánh sáng cuối đường hầm, đang có những nỗ lực tích cực từ trong nước để hình thành những cộng đồng dân sự xã hội thực sự có tiếng nói, nhưng dĩ nhiên có một cái giá phải trả cho những bước tiên phong ấy. Đó là một tiến trình không thể đảo nghịch và cũng đã đến lúc Nhà nước ý thức được rằng họ không thể tạo nút chặn cho cả một xu thế thời đại.
Cảm nhận của ông như thế nào về vai trò của các nhà khoa học Việt Nam hiện nay trong “bài toán” sông Mekong nói chung và ĐBSCL nói riêng? Họ cần có “cơ chế” gì để tiếng nói thực sự đạt hiệu quả?
Tuy chưa có dịp được gặp hết, chúng tôi vẫn theo dõi sinh hoạt của các nhà khoa học Việt Nam từ những năm qua. Họ đã và đang phải làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng nỗ lực của các anh chị ấy để cất tiếng nói bảo vệ một hệ sinh thái lành mạnh cho Việt Nam, tuy thầm lặng, đã được nhiều người biết đến. Từ bên ngoài, chúng tôi luôn quan niệm “bài toán” sông Mekong và cứu nguy ĐBSCL phải từ các nhà khoa học và giới trẻ trong nước. Việt Nam không hề thiếu chất xám nhưng giới khoa học ấy không có phương tiện, không có tự do hoạt động ngay cả trong môi trường đại học. Có thể đi tới một kết luận: “dân chủ và môi sinh” phải là bộ đôi không thể tách rời.
Tôi cũng cho rằng, cứu vãn được nhịp đập của “trái tim Biển Hồ” là giải pháp khả thi cứu nguy cho các vùng châu thổ Tonle Sap của Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam, dĩ nhiên với cái giá rất cao mà Việt Nam không thể không hợp tác với Campuchia đầu tư vào.
Ông có một kho dữ liệu quý về văn hóa, lịch sử, môi trường… liên quan đến 4.800km dòng Mekong, từ Tây Tạng đổ xuống Biển Đông, nơi hơn 65 triệu cư dân sinh sống. Đó là những tư liệu chuyên ngành chẳng liên quan gì đến nghề bác sĩ của ông cả. Nên nếu được tự nói về mình, ông nhận mình là một bác sĩ, nhà văn, nhà báo, hay là một nhà khoa học?
Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1968, hành nghề y khoa trong nước rồi ra hải ngoại hơn 40 năm, y khoa đã như một phần đời sống không dễ tách rời của tôi. Khi còn là sinh viên, tôi viết văn, làm báo, hoạt động xã hội cùng với những người trẻ đồng trang lứa. Thế hệ chúng tôi không chỉ có học tập mà còn rất quan tâm tới các vấn đề đất nước, riêng tôi về sau này còn có mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề môi sinh, trong đó có con sông Mekong và ĐBSCL. Cùng với nhóm Bạn Cửu Long, chúng tôi đã thực sự khởi đầu hoạt động từ 1995, đến nay cũng đã 21 năm rồi. Tôi đã được gán cho nhiều căn cước khác nhau, nhưng một cách khái quát, nói như ký giả Long Ân, có lẽ đúng nhất tôi chỉ là con người xanh của môi sinh.

BS. Ngô Thế Vinh: Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn, làm báo sinh viên Tình thương, y sĩ liên đoàn 81 Biệt cách dù, Bác sĩ nội trú các trường đại học New York, hiện là Bác sĩ điều trị tại một bệnh viện Nam California, Mỹ. Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng là một dữ kiện tiểu thuyết liên quan tới môi sinh và phát triển lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Nối tiếp sau đó là ký sự Mekong dòng sông nghẽn mạch ra đời; bên cạnh bản tiếng Việt, ký sự này được dịch sang tiếng Anh, thu hút khá nhiều quan tâm của giới khoa học, nhà báo, nhà hoạt động môi trường thế giới…

L.Q. thực hiện

2. Có còn con sông nước lớn, nước ròng?

Lê Quỳnh
20/06/2016 – 06:18 AM
Nằm ở phía cuối cùng của lưu vực sông Mekong, tiếp giáp với biển, đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được chính dòng sông này mang phù sa miệt mài bồi đắp trong 6.000 năm nay. Là một trong những vùng đất màu mỡ nhất thế giới, nét văn hóa và sinh kế của cư dân nơi đây chịu ảnh hưởng của sông nước và biển. Nhưng trong tương lai, đồng bằng có nguy cơ không còn thấy cảnh “con nước lớn, con nước ròng” do sự liên thông với biển đang dần bị cắt đứt. Đồng bằng có khi trở thành một vùng nước hồ tù đọng.
Rồi liệu gần 20 triệu dân sinh sống ở đây, cùng nền văn hóa sông nước có bị lụi dần?
Câu hỏi này cứ đau đáu chúng tôi trong suốt một hành trình điền dã một vòng từ Đồng Tháp Mười, qua Bạc Liêu dài theo Kênh Xáng Quản Lộ – Phụng Hiệp, vòng về Bến Tre theo đường ven biển qua phà Đại Ngãi, băng ngang Cù Lao Dung giữa dòng Hậu Giang.
Miền đất này đang đứng trước những “mất mát” lớn, không chỉ nguy cơ sạt lở dẫn đến tan rã dần do thiếu phù sa từ hệ lụy các đập thủy điện trên dòng Mekong, mà còn do tư duy xem nước mặn là kẻ thù, dẫn đến những công trình to lớn cắt đứt sự liên thông giữa sông và biển.
clip_image004
ĐBSCL có nguy cơ không còn thấy cảnh “con nước lớn, con nước ròng” do sự liên thông với biển đang dần bị cắt đứt – Ảnh: L.Quỳnh
Mâu thuẫn nguồn nước
Ở ấp 4 xã Bình Thới, huyện Bình Đại, Bến Tre, ông Tư Thiệt (Nguyễn Hoàng Thiệt) là người có nhiều ao nuôi tôm nhất quanh vùng: 6 ao trên khoảng 3 ha. Xưa ông nương theo con nước tự nhiên, mặn vô thì nuôi tôm, ngọt vào thì trồng lúa. Nuôi tôm từ năm 1989, ông bảo gia đình mình sống nhờ tôm, đến khi có kĩ thuật nuôi tốt hơn, gia đình ông lại được giàu từ tôm. Năm 2000, tỉnh xây cống đập Ba Lai, ngăn mặn từ cửa Ba Lai vào, trữ ngọt cho toàn khu vực bắc Bến Tre. Vậy là như mọi hộ nuôi tôm khác nằm bên trong cống đập, ông Tư Thiệt phải đào giếng lấy nước mặn ngầm. Ngặt nỗi, ngay nước giếng cũng bị nhiễm kim loại, phải khử độc trước khi vô ao. Toàn bộ hệ thống ao nuôi khép kín, tránh ô nhiễm từ bên ngoài vào. Hết vụ, 60% nước mặn được giữ lại trong ao, làm sạch dùng tiếp cho vụ sau, còn lại thải ra kênh mương bên ngoài. Vùng nước mặn mà hiếm mặn, năm nào mưa nhiều còn phải mua hàng tấn tấn muối đổ vào.
Khó vậy, nhưng ông Tư Thiệt bảo, nuôi tôm vẫn hơn trồng lúa. Như gia đình ông, một vụ lúa với 4 ha ruộng (cũng nhiều nhất vùng) mỗi năm thu được chừng 500 giạ lúa, khoảng 45 triệu đồng, còn thua cả một ao tôm nhỏ cỡ chừng 400mét vuông! Không vậy mà ở cả vùng này, dù nhà nước đã cấm đào giếng đào ao nuôi tôm, nhưng rất nhiều hộ gia đình vẫn đành lén đào ao mới nuôi tôm rồi xây tường cao lên để giấu, đào giếng trong tận phòng ngủ, dưới gầm giường… Tính ra, trong vùng ngọt hóa bắc Bến Tre có đến hàng ngàn cây khoan nước mặn nuôi tôm như vậy.
Là tỉnh cuối nguồn sông MeKong, Bến Tre giáp biển Đông nên những tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nước mặn xâm thực vào đất liền hơn 3/4 diện tích toàn tỉnh. Làm sao để trồng được lúa, cây trái? Một hệ thống cống đập Ba Lai hoành tráng với chín hạng mục ra đời. Khi dự án hoàn thành, sông Ba Lai hứa hẹn sẽ trở thành hồ nước ngọt khổng lồ với trữ lượng 90 tỉ m3, phục vụ tiêu úng, thau chua, rửa phèn 115.000ha đất tự nhiên, 88.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và phục vụ sinh hoạt cho hơn 2/3 dân số của Bến Tre!
Cống đập Ba Lai nằm gần cuối dòng Ba Lai – một trong chín nhánh của sông MeKong đổ ra biển. Thế nhưng từ ngày “con rồng” Ba Lai bị con người chuyển hóa thành… con đập Ba Lai, toàn vùng bỗng chốc biến thành một vùng “xôi đậu”.
Dẫn chúng tôi tới ngay điểm chữ thập của dòng Ba Lai (có thượng nguồn rất bé, nơi lấy nước từ hai sông Hàm Luông và Mỹ Tho vào), ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL nói rằng, bên trong cống đập Ba Lai hiện nay vẫn bị mặn “tập hậu” từ sông Mỹ Tho và Hàm Luông. Con lộ chạy dọc cù lao An Hóa dài ngoài 20 km nhưng có hàng trăm con kênh lớn nhỏ dẫn nước mặn vào trung tâm vùng ngọt. Ông Trần Hữu Hiệp, tổ trưởng tổ Quản lý cống đập Ba Lai phân trần, đó là vì hai hạng mục âu thuyền An Hóa và Bến Tre đến nay vẫn chưa triển khai được, thì chưa thể tạo thành một hệ thống cống đập Ba Lai khép kín (!). Vậy nên mới sanh chuyện khóc cười. Bên trong cống đập, mặn khiến người dân trồng lúa, mía, dừa không mấy ăn, bèn đua nhau mặn hóa trong vùng quy hoạch ngọt hóa. Còn bên ngoài đập, vùng nước mặn nuôi tôm, sò, làm muối của người dân thì lại lao đao theo dòng ngọt từ trong Ba Lai xả ra mỗi tháng hai lần.
Hóa ra, mâu thuẫn nguồn nước không còn là câu chuyện nóng bỏng giữa các quốc gia trên cùng một dòng Mekong kéo dài từ Tây Tạng đến ĐBSCL, mà đã xảy ra ngay trong cùng một mảnh đất bởi đôi dòng mặn ngọt…
clip_image005
clip_image006
Nuôi tôm trong vùng quy hoạch ngọt hóa là một giải pháp đặng chẳng đừng, vì miếng ăn mưu sinh – ảnh: Chí Nhân
clip_image007
Dù trồng trong vùng ngọt hóa nhưng dừa vẫn bị chết vì mặn “tập hậu” từ sông Mỹ Tho và Hàm Luông vào – Ảnh: Chí Nhân
Chặn mặn trữ ngọt, Ba Lai ngừng chảy
Hoạt động đã được 10 năm, hệ thống công đập Ba Lai từng và vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học và nhà quản lý. Một loạt câu hỏi đang được đặt ra. Giá trị của mặn là gì? Giá trị của ngọt là gì?
Có nhất thiết phải trồng lúa khắp nơi không, khi chúng ta đang là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, ở phân khúc thị trường giá trị thấp và người nông dân trồng lúa không thể thoát nghèo?
Có nhất thiết phải chuyển đổi hệ thống canh tác ở nơi vốn là mặn, hay mặn ngọt luân phiên sang ngọt bằng mọi giá với những khoản đầu tư lớn, trong khi canh tác nước mặn có thể mang lại giá trị cao hơn?
Suy cho cùng, ngọt hóa là nhằm hai mục đích: nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và nước ngọt để chuyển sang hệ canh tác ngọt. Nhưng thực tế lại cho thấy cả hai mục đích đều khó đạt, thậm chí khi tất cả chín công trình của cụm công trình Ba Lai sẽ hoàn tất. Khi đó, vùng bên trong sẽ là vùng tù đọng, ô nhiễm, nước ngọt khó có thể sử dụng cho sinh hoạt. Còn mục tiêu thứ hai, chuyển sang canh tác ngọt, xem ra đắt đỏ, kém kinh tế, mà người dân cũng không muốn.
ThS Thiện tâm tư bảo, ngọt hóa bằng cách biến những dòng chảy liên thông với biển bằng các công trình khép kín, theo thời gian sẽ dần biến bên trong thành một vùng tù đọng, ô nhiễm, dù có xả nước định kì (Chưa kể, toàn vùng Bến Tre hiện nay vẫn chưa có hệ thống xử lý chất và nước thải, tất cả đều bị đổ thẳng xuống sông, kênh rạch). Môi trường nước mặn bị ngọt hóa hay ngược lại môi trường nước ngọt bị xâm nhập mặn có thể dẫn đến thay đổi thảm thực vật, thành phần các loài sinh vật, và hoạt động sống của con người. Bên bờ phía mặn của cống Ba Lai, người dân vẫn có nơi vung chài đánh bắt, nhưng phía bên kia, tuyệt nhiên không còn cảnh ấy nữa. Ông Tư Thiệt thì bảo với chúng tôi rằng, từ lâu ông không còn xài nước sông, vì nó “nhớt nhớt, tanh tanh”. Ông và đa số người dân ở đây quay về dùng nước mưa trữ lại trong lu, y như cái thời xưa ông bà mình vẫn vậy cho hai mùa mặn ngọt.
Dòng Ba Lai đã dần chết. Khảo sát của nhóm chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại VN gần đây cho thấy, hai bên bờ Ba Lai đang khép lại dần. Phân tích như Ths Thiện, khi Ba Lai nhận được một lượng nước vào mùa lũ vào, thì toàn bộ phù sa trong lượng nước đó sẽ lắng xuống đáy sông, qua nhiều mùa như thế sông Ba Lai sẽ chết hẳn. Rồi khi khép một dòng như Ba Lai, sẽ làm hai dòng hai bên (Hàm Luông và Cửa Đại) mạnh lên và tái phân phối dòng chảy, gây đảo lộn dòng chảy ven bờ biển, dẫn đến đảo lộn về sạt lở, bồi lắng ven bờ biển, chỗ thì sạt lở, chỗ thì bồi lắng cho đến khi nó đạt trạng thái cân bằng mới. Nghiên cứu của Viện Địa chất, và của nhóm tác giả Nguyễn Thọ Sáo (ĐH Quốc gia HN) cũng chỉ ra rằng, hệ thống thủy lợi Ba Lai đã khiến dòng sông này ngừng chảy. Vậy là, cùng với cửa sông Ba Thắc (Bassac, Bách Sác) ở Sóc Trăng đã ngưng chảy do bồi tụ từ đầu thế kỷ XX, Cửu Long nay đã thành “Thất Long”!
clip_image008
Nước trong mương ít, chỉ tới đầu gối, mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt, lại ô nhiễm nên không thể vào ao vào ruộng được – Ảnh: Chí Nhân
clip_image009
Từ ngày có cống đập Ba Lai, dòng Ba Lai dần trở thành dòng sông chết. Bên trong cống đập giờ vắng bóng người vung chài – ảnh: Chí Nhân
Vũng hồ đồng bằng?
ĐBSCL vừa phơi mình trong cơn hạn mặn lịch sử khốc liệt, khi theo NASA (Mỹ) năm 2016 là năm khô nóng cao nhất trong lịch sử 136 năm. Nên những ngày này, đi suốt nhiều tỉnh miền Tây lại càng dễ nghe người ta bàn, nói về chuyện phòng chống hạn mặn, bão lũ, đặc biệt là bằng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nuôi thủy sản. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã tuyên bố rằng sẽ tập trung đầu tư xây dựng các công trình lớn đến 2020, từ hoàn thiện hệ thống cống đập Ba Lai bắc Bến Tre, xây dựng hệ thống cống đập khu vực cống An Minh, An Biên, Măng An Thít đến Sông Cái Lớn, sông Cái Bé,…
Nhưng cứ nhìn từ bài học Ba Lai, nhiều nhà khoa học nhiều năm nay đã buộc phải lên tiếng trong tuyệt vọng rằng: nếu như vội vã xem tình hình hạn mặn năm 2016 là tình hình chung, làm cơ sở quy hoạch để từ đó xây dựng công trình kiểm soát mặn ở các cửa sông lớn như Sông Cái Lớn, Sông Cái Bé (sông lớn nhất biển Tây, cửa như nắm rễ đước từ Rạch Giá xuôi vô, tỏa chằng chịt nhiều nhánh khắp mấy tỉnh),… thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Các dòng sông ở ĐBSCL nhờ ăn thông với biển mà có nước lớn, nước ròng, nhờ đó dòng sông được làm sạch, có cá tôm và hình thành nền văn hóa sông nước. Khi có công trình thì sẽ không còn nước lớn, nước ròng mà bên trong sẽ tù đọng, ô nhiễm, không còn cá tôm, ảnh hưởng văn hóa sông nước. Ngoài ra, sinh thái biển cũng sẽ bị ảnh hưởng. Biển sẽ nghèo đi khi không còn giao lưu sinh thái được với đất liền qua các cửa sông, rạch này.
ThS Thiện nói những công trình, chương trình lớn như thế này, trên thế giới thường được Đánh giá môi trường chiến lược trước khi Đánh giá tác động môi trường cụ thể cho từng công trình. Đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành sớm và song song với quá trình ra quyết định là để giúp đưa ra những quyết định ở tầm chiến lược một cách đúng đắn và minh bạch.
Cũng hóa ra, thật thấm thía, nói như TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, ở vùng đồng bằng này, chung qui là vì chúng ta đã quên mất cái vai trò “liên kết” của nước. Bởi vì nước không chỉ liên kết về mặt môi trường sinh thái mà còn là liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau nhờ vào phong tục tập quán, liên kết giữa các cộng đồng sống rất xa nhau nhờ vào giao thương kinh tế, và nói rộng hơn là liên kết giữa các quốc gia nhờ vào việc sử dụng cùng một dòng sông. Vì vậy, nếu cái văn hóa chia sẻ bị mai một, thì “tình làng, nghĩa xóm” giữa các cá nhân trong một cộng đồng ắt sẽ phai nhạt; xung đột lợi ích giữa các cộng đồng sẽ trở nên gay gắt, và bất ổn trong toàn khu vực do mâu thuẫn giữa các quốc gia là điều khó tránh khỏi!…
L.Q.
This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.