Bảo vệ môi trường biển là bảo vệ chủ quyền

Nếu Việt Nam không ngăn ngừa ô nhiễm biển và không trừng phạt các thủ phạm, Trung Quốc có thể dùng lý lẽ này để bác bỏ chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Toà Trọng tài Thường trực Quốc tế, hành vi phá hoại môi sinh và không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường biển trong việc xây dựng đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp của Trung Quốc, đã bị phía Philippines lập luận là hành vi phản chủ quyền. Lý do là vì Trung Quốc đã đi ngược lại các điều khoản của Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà theo đó, các quốc gia phải cam kết thực hiện các luật, cũng như các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển [1]. Vụ kiện lịch sử này sắp có phán quyết trong những ngày sắp tới.

Nếu nhà nước Việt Nam muốn thể hiện chủ quyền trên biển Đông, thì hành vi bảo vệ môi sinh và hệ sinh thái biển chính là một cách trực tiếp chứng tỏ chủ quyền, đặc biệt là khi có các hành động tranh chấp.

Trong những ngày qua, dư luận đang nóng dần lên về vụ việc hàng loạt cá biển chết trôi dạt vào bờ với số lượng lớn dọc theo 4 tỉnh duyên hải vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Tuy nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được chính quyền chính thức công bố, kết quả xét nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Thừa Thiên – Huế (1 trong 4 tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp) cho biết: “Nước biển vùng cá chết bị nhiễm kim loại nặng”.

Chi tiết hơn, “hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+ -N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.”[2]

Cá chết có vẻ không chỉ dừng lại ở 4 tỉnh ven biển Việt Nam. Đà Nẵng đã bắt đầu có nhiều tin đồn xuất hiện hiện tượng này. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.

Chất kim loại nặng crôm (Cr) là một trong những chất thải công nghiệp phải bị kiểm soát hàm lượng nếu xả thải vào biển theo Phụ lục số 2 (Annex II) của Công ước London về việc Ngăn ngừa ô nhiễm biển do xả thải rác và các vật thể khác 1972 (The Convention on the Prevention of Marine Pollution by Dumping of Wastes and Other Matter of 1972), gọi tắt là Công ước London 1972, và Bản quy tắc Công ước London 1996 (The London Protocol).

Với tư cách là thành viên của Công Ước Luật Biển 1982, Việt Nam cũng buộc có trách nhiệm phải tuân thủ.

Vì sao Công ước London 1972 ra đời?

Theo Cục Bảo Vệ Môi Trường Mỹ (Environmental Protection Agency – EPA), trong suốt hai thập niên từ 1950 cho đến 1970, các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, ngày càng lo ngại về những hoạt động sản xuất của con người đã gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên những hậu quả tai hại cho môi trường nói chung, cũng như hệ sinh thái biển nói riêng, khi thải các các chất thải chưa qua xử lý ra biển. Công ước London 1972 là một trong những hiệp ước quốc tế đầu tiên đã được ký kết nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển do những hoạt động của con người gây ra. Công ước London bắt đầu hiệu lực từ năm 1975 đến nay.

Công ước London được áp dụng cho tất cả các công đoạn xử lý chất thải và các vật thể khác (wastes and other matter) vào nguồn nước biển. Những thành viên của Công ước London đã đồng ý thành lập các chương trình cấp quốc gia nhằm quy định việc xử lý chất thải xuống lòng đại dương trong các vùng biển chủ quyền nhằm đánh giá nhu cầu, cũng như sức ảnh hưởng của việc xả thải.

Một danh sách thường được nhắc đến là danh sách “đen-và xám” (“black-and grey” list), chính là một cách phương pháp tiếp cận để xử lý các chất xả thải dựa theo nội dung của Công ước London. Theo đó, những chất nằm trong danh sách đen (black-list items) sẽ hoàn toàn bị nghiêm cấm xả thải vào lòng biển. Đó là những chất nguy hiểm và độc hại (hazardous materials), ví dụ như thủy ngân (mercury) hay các chất phóng xạ (radioactive materials).

Việc xả thải của những chất nằm trong danh sách xám (grey-listed) chính là các chất mà theo Công ước London, những nước thành viên bắt buộc phải có cơ chế cấp phép cho những hoạt động xử lý xả thải các chất này xuống lòng biển, cũng như xác định hàm lượng cho phép có thể xả thải một cách khắt khe và chặt chẽ với những điều kiện bắt buộc, thông qua một cơ quan chính phủ có thẩm quyền (designated national authority). Chất kim loại nặng Crôm (Cr) là một trong những chất nằm trong danh sách “xám”.

Công ước London và Bản quy tắc Công ước London là hai văn bản luật quốc tế duy nhất về chuẩn mực cũng như quy định về việc xả thải xuống lòng biển. Tính đến năm 2015, đã có 87 quốc gia là thành viên của Công ước London.

Bản quy tắc Công ước 1996 là gì?

Cũng theo EPA, vào năm 1996, các thành viên của Công ước London đã họp và thương thảo, bổ sung một bản quy ước nhằm tiến tới việc thiết lập một hiệp ước mới và hiện đại hơn để dần có thể thay thế được Công ước London 1972. Bản quy tắc London có hiệu lực từ năm 2006.

Bản quy tắc London 1996 không đơn giản chỉ là một bản sửa đổi của Công ước London 1972, mà nó chính là một phiên bản hoàn thiện hơn và mang lại nhiều sự bảo vệ hơn cho môi trường. Bản quy tắc 1996 nghiêm cấm mọi hành vi xử lý chất thải bằng việc thiêu hủy trên biển và cũng nghiêm cấm việc xuất khẩu chất thải và các vật thể khác với mục đích xả thải xuống lòng biển.

Theo Bản quy tắc 1996, ngoại trừ những chất được cho phép trong bản Phụ lục số 1 (Annex 1 of the London Protocol), tất cả chất thải và vật thể khác đều bị nghiêm cấm xả thải xuống lòng biển (reverse list approach). Bản quy tắc 1996 đã được soạn thảo và thông qua nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Các nước thành viên của Công ước London 1972 không bị bắt buộc tham gia vào Bản quy tắc London 1996 và ngược lại.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của Công ước London 1972, và cũng không rõ là Việt Nam đã tham gia Bản quy tắc London 1996 (hay còn gọi là Bản bổ sung Công ước London) hay chưa theo thông tin từ Trung Tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững [3]. Tuy nhiên, khi tham gia ký kết và thông qua UNCLOS 1982, Việt Nam đã đồng thời có trách nhiệm với việc thực thi các chuẩn mực cũng như quy định về xử lý xả thải xuống lòng biển theo điều kiện mà các công ước quốc tế này đã đặt ra.

UNCLOS 1982 có ảnh hưởng như thế nào đến các công ước quốc tế trên?

Thành viên của Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS 1982 bị ràng buộc bởi Điều 210 của công ước này, mà trong đó, các thành viên, về mặt pháp lý, bắt buộc phải ban hành các điều luật ở cấp quốc gia về quy định quản lý ô nhiễm môi trường do xả thải gây ra.

Định nghĩa về xả thải xuống lòng biển (dumping) nằm ở khoản 5 (a), Điều 1 của UNCLOS 1982. Các nước thành viên của UNCLOS 1982 cũng bị bắt buộc phải cấp phép cho tất cả các hoạt động xả thải trong vùng biển chủ quyền (territorial sea), trong khu vực đặc quyền kinh tế (EZZ), và bờ biển thềm lục địa (continental shelf.) Xem thêm UNCLOS 1982, Điều 210, khoản 5.

Trên hết và quan trọng hơn, theo khoản 6 của Điều 210, những điều luật cũng như các quy định cấp quốc gia đó không được thấp hơn chuẩn mực mà các công ước quốc tế về vấn đề xả thải xuống lòng biển đã quy định. (National laws, regulations and measures shall be no less effective in preventing, reducing, and controlling such pollution than the global rules and standards.)[4]

Ghi nhận về thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển theo UNCLOS. Nguồn: Xem trên ảnh.

Ngoài ra, Điều 216 của UNCLOS 1982 còn đòi hỏi các nước thành viên phải có trách nhiệm thực thi các điều luật và quy định về xả thải xuống lòng biển mà pháp luật của nước họ đã đặt ra, cũng như phải tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế.

Vì vậy, cho dù có đến 77 trong 145 nước tham gia UNCLOS 1982 không phải là thành viên của Công ước London 1972, các nước đó vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc của công ước này vì Công ước London và Bản Quy tắc London chính là các văn bản pháp lý của luật pháp quốc tế hiện hành (leading international laws) về các điều khoản quy định và chuẩn mực quốc tế (global rules and standards) trong vấn đề xả thải (dumping) mà khoản 6, điều 210 của UNCLOS quy định như đã nêu ở trên.

Nói đơn giản hơn, các nước thành viên của UNCLOS 1982 phải ban hành điều luật và quy định cũng như cấp phép về vấn đề xả thải xuống lòng biển trong vùng biển chủ quyền, khu vực đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa với mức độ quy định và xử phạt ngang bằng hoặc cao hơn so với các chuẩn mực của Công ước London 1972 và Bản quy tắc London 1996,  phải thực thi cũng như chấp hành nghiêm ngặt luật định mà chính họ đã đặt ra theo các chuẩn mực đó.

Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là bảo vệ chủ quyền biển

Sở dĩ UNCLOS 1982 đòi hỏi các nước thành viên phải chịu trách nhiệm ban hành các đạo luật và quy định về xả thải xuống lòng biển theo cùng một chuẩn mực của Công ước London và Bản quy tắc London để bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển vì đó là trách nhiệm đi cùng với chủ quyền.

Trong vùng biển chủ quyền quốc gia (territorial sea), khu vực Đặc quyền kinh Tế (EEZ), và bờ biển thềm lục địa (continental shelf), một quốc gia có quyền ban hành và thông qua, cũng như thực thi các đạo luật về bảo vệ môi trường và phòng chống ô nhiễm. (Xem thêm UNCLOS 1982, Điều 56, 61-64, 210-211.) Do đó, việc thực thi và xử lý các vi phạm về ô nhiễm môi sinh, ví dụ như các vi phạm về xử lý chất thải và xả thải xuống lòng biển trái luật định hoặc trái với luật pháp quốc tế, là một hành động trực tiếp khẳng định chủ quyền trên biển.

Bản quy tắc 1996 bao quát hai nguyên tắc cơ bản đó là nguyên tắc phòng chống (precautionary principle) và nguyên tắc “kẻ phá hoại môi trường phải trả giá” (“the polluter pays” principle.)

Trong Bản quy tắc 1996, nguyên tắc phòng chống đã được nhắc đến hơn 1 lần và các nước thành viên được khuyến nghị nên ngăn ngừa việc xả thải xuống lòng biển nếu như họ tin rằng khả năng gây thiệt hại đến môi trường biển là có thể xảy ra, cho dù một mối quan hệ giữa chất thải và mối hiểm họa tiềm ẩn vẫn chưa được chứng minh bằng khoa học.

Chương 3 (Article 3) của Bản quy tắc cũng khuyến nghị các nhà nước thành viên phải bắt những kẻ phá hoại môi trường chịu trách nhiệm bồi thường cũng như chịu sự trừng phạt của pháp luật khi gây ra thảm họa cho tài nguyên và môi trường biển.

Sự việc cá chết hàng loạt dọc khắp 4 tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ Việt Nam là sự thật. Theo các báo cáo sơ bộ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về hệ sinh thái biển ở các vùng thiệt hại, cũng như trên khắp vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc công khai các điều luật và quy định về việc xử lý chất thải xuống lòng biển, cũng như tất cả các tài liệu, chỉ số, thống kê có liên quan đến vấn đề này là cần thiết và cấp bách.

Một hành động rõ ràng và quyết liệt của chính phủ Việt Nam trong việc điều tra về ô nhiễm môi trường ở các vùng thiệt hại không chỉ là việc làm để an dân. Quan trọng không kém, đây là một hành động thực thi chủ quyền dứt khoát và mạnh mẽ trong một thời điểm mà chủ quyền trên biển của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khi Trung Quốc vốn chưa bao giờ từ bỏ ý định đòi hỏi sự công nhận của quốc tế về đường lưỡi bò trên biển Đông.

Nếu như chúng ta không có thái độ thể hiện chủ quyền trong vùng biển tranh chấp, chẳng hạn như việc thực thi các công ước quốc tế về xả thải xuống lòng biển và bảo vệ môi trường biển, hay truy tìm thủ phạm hủy hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên, thì liệu đó có phải là cơ sở pháp lý để đối phương dùng làm lập luận về chủ quyền trên cơ sở có lợi cho họ?

Đ.N.A.

Chú giải của người viết

[1] Permanent Court of Arbitration, “The Arbitral Tribunal Concludes Hearing on Jurisdiction and Admissibility,” Press Release, July 13, 2015.

[2] Nước biển vùng cá chết bị nhiễm kim loại nặng, 25/4/2016, Q. Nhật, Người Lao Động Online

[3] Tổng quan pháp luật về bảo vệ môi trường biển Việt Nam, 4/7/2014, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách bền vững

[4] Toàn văn Unclos

Nguồn tài liệu tham khảo

  1. http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm
  2. http://www.imo.org/en/OurWork/Environment/LCLP/Pages/default.aspx
  3. https://www.epa.gov/sites/production/files/2015-10/documents/lc1972.pdf
  4. https://www.epa.gov/sites/production/files/2015-10/documents/lpamended2006.pdf
  5. http://www.un.org/depts/los/nippon/unnff_programme_home/alumni/tokyo_alumni_presents_files/alum_tokyo_natova.pdf
  6. http://www.imo.org/en/OurWork/Environment/LCLP/Pages/default.aspx

Nguồn: http://luatkhoa.org/2016/04/bao-ve-moi-truong-bien-la-bao-ve-chu-quyen/

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.