Tôi từng suy nghĩ về phương thức chỉnh đốn hệ thống hành chánh nặng nề và nhiêu khê đảng CSVN để lại cho một đất nước hậu cộng sản như một di sản tệ hại. Tôi nghĩ phương thức chỉnh cây vì ngọn gió tả khuynh này cũng áp dụng được tốt cho hệ thống hành chánh cộng sản.
Vườn tôi có một cây Protea ra hoa rất lớn và rất đẹp. Cây cao khoảng 3-4 thước và thỉnh thoảng những người bộ hành đi qua, ngưng lại chiêm ngưỡng và chụp hình.
Cây đã trồng được 10 năm từ lúc nhỏ xíu mua từ nursery về và phát triển rất tốt. Tuy nhiên có một khuyết điểm tiềm tàng. Đó là nhà tôi tại Constitution Hill, là một ngọn đồi và từ nhà nhìn ra, thì rất thường xuyên gió thổi tương đối mạnh từ phải sang trái. Ngọn gió “tả khuynh” này bề mặt thì vô hại, nhưng một cách âm thầm từ từ làm cho những cây không được chú ý trong vườn, nghiêng về phía trái. Cây protea của chúng tôi lớn lên, nghiêng về phía trái và càng phát triển đẹp đẽ thì càng trở nên một gánh nặng cho hệ thống rễ của chính nó. Nếu tiếp tục như thế, chúng tôi dự tính sẽ có ngày chắc chắn tróc rễ và dĩ nhiên là cây sẽ chết.
Sáng hôm nay, bà xã và tôi quyết định phải hành động. Chúng tôi dùng cưa, cắt bỏ và hy sinh một nửa cây quá nghiêng. Làm như thế sức nặng trên hệ thống rễ giảm đi 50%. Thêm vào đó, sử dụng những chảng ba của các nhánh chặt bỏ của chính cây này, làm thành những nhánh chống cho thân cây còn lại, giảm đi sức thổi của ngọn gió tả khuynh. Tôi nghĩ đây là một biện pháp rất tốt cho cây hoa xinh đẹp này.
Thêm vào đó, những hoa đẹp từ những nhánh bỏ đi được chọn lựa để trên bàn thờ cúng Phật, được thêm phước đức.
Tôi từng suy nghĩ về phương thức chỉnh đốn hệ thống hành chánh nặng nề và nhiêu khê đảng CSVN để lại cho một đất nước hậu cộng sản như một di sản tệ hại. Tôi nghĩ phương thức chỉnh cây vì ngọn gió tả khuynh này cũng áp dụng được tốt cho hệ thống hành chánh cộng sản.
Tương tự như cây Protea của chúng tôi, ý thức hệ Mác-Lê là một ngọn gió tả khuynh nguy hiểm đã thổi qua hệ thống hành chánh cồng kềnh, lãng phí và nhiêu khê của đất nước từ nhiều thập niên.
Khối lượng người sống bám vào hệ thống hành chánh này quá đông đảo so với dân số, thiếu hiệu năng, tham nhũng tận răng và nghiên hẳn về “hồng hơn chuyên” vì ngọn gió tả khuynh Mác Lê liên tục thổi, sẽ tróc rễ trong nay mai và trở thành đại họa của dân tộc, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác trên thế giới.
Bài học từ kinh nghiệm chỉnh cây là:
- Giảm số lượng nhân viên (tương tự như nhánh cây) hầu giảm gánh nặng cho ngân khố quốc gia (như gốc cây)
- Có nhiều phương thức giảm số nhân viên (như đơn phương cắt giảm nhân viên 50% hay ít hơn) nhưng có 2 phương thức chính không gây xáo trộn xã hội: một là khi có người thôi việc thì không mướn người thay thế gọi là giảm tự nhiên (natural attrition) và hai là trên bình diện kinh tế vĩ mô (macro economics), giảm thiểu tối đa các doanh nghiệp nhà nước và khuyếch trương tối đa doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân khi phát triển sẽ cần thêm người và trả lương tốt cho nhân công, nhiều nhân viên nhà nước hơn sẽ tự nguyện rút ra làm tư và sẽ giảm đi gánh nặng cho công quỹ.
- Huấn nghệ trau dồi khả năng chuyên môn và tăng lương cho số nhân viên còn lại (tương tự với sử dụng chính nhánh của cây để chống cho cây)
- Tuy nhiên cần phải rất khéo léo và quân bình giữa 3 tác động “giảm nhân viên”, “huấn nghệ” và “tăng lương”. Mục tiêu chính là phải làm sao giảm chi phí cho ngân khố, tăng cường hiệu năng và không gây những xáo trộn xã hội. Chẳng hạn nếu giảm được chi phí 20% qua số người ngưng việc, thì có thể đầu tư 5% cho huấn nghệ và 5% cho tăng lương. Như vậy ngân sách sẽ tiết kiệm được 10%.
- Những con số trên chỉ là ví dụ. Thực tế có thể nhiều hay ít hơn. Phải vô cùng nhạy cảm và uyển chuyển hầu giữ thăng bằng cho hệ thống.
- Tăng cường hiệu năng qua huấn nghệ và tăng lương vô cùng quan trọng vì khi chuyên môn giỏi thì một nhân viên sẽ làm được nhiều việc và có hiệu năng hơn, tránh lãng phí. Khi có lương bổng cao thì nhân viên sẽ quý nghề hơn và nhất là áp lực nhận hối lộ, vốn là một quốc nạn sẽ thuyên giảm. Ngoài việc cải tổ hệ thống pháp luật, giám sát, thì tăng lương cho công chức mọi ngành vô cùng quan trọng cho công tác chống tham nhũng.
Nếu áp dụng như thế, trong vòng một thập niên chẳng hạn, khi nền kinh tế tư nhân phát triển, cần nhiều người làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, lương bổng tốt, thì sẽ có cạnh tranh hài hòa giữa công chức và tư chức. Lúc đó, chỉ trừ một vài lãnh vực như kỹ nghệ quốc phòng, an ninh, các lãnh vực pháp lý hoặc tư pháp, các chính quyền địa phương và các dịch vụ hiến định căn bản khác của chính quyền, toàn bộ nền kinh tế quốc gia sẽ thuộc tư nhân và nền tảng của nền kinh tế sẽ hoàn toàn trung thực với tính khách quan của thị trường.
Tuy nhiên hành chánh hay quản trị quốc gia (national or public administration) là một trách nhiệm lớn lao và trọng đại, luôn cần phải duyệt xét và trau đồi, cũng như tính dân chủ của một chế độ vậy. Nếu tự mãn sẽ có tai họa. Chính vì thế tại các nước dân chủ, hệ thống hành chánh luôn được duyệt xét, giám sát và trau dồi hầu phục vụ tốt cho toàn dân. Việt Nam hậu cộng sản cũng sẽ làm như thế.
Dĩ nhiên là quản trị quốc gia khó hơn chỉnh cây nhiều. Chỉ một vài suy tư đơn sơ xin chia sẻ cùng bạn bè mà thôi. Xin quý bạn lượng thứ nếu có sai sót.
Đ.T.D.
Tác giả gửi BVN