Sáng nay, mùng 5 Tết Bính Thân, trời Hà Nội bừng nhẹ nắng xuân, khí trời ấm áp, thời tiết dễ chịu, tôi tranh thủ ghé thăm và chúc Tết một người bạn vong niên đáng kính là lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sau khi tham dự lễ kỷ niệm Chiến thắng 227 năm ngày vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đại phá 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh tại gò Đống Đa lịch sử đầu Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Năm nay, tính theo dương lịch, lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa tròn 100 tuổi (cụ sinh năm 1916), song theo cách tính tuổi thọ của người Phương Đông thì cụ đại thọ 100 tuổi từ năm ngoái. Các con, cháu, chắt và bạn bè thân thiết, đồng đội, đồng chí chí gần xa đã trọng thị tổ chức lễ mừng cụ đại thọ bách niên từ năm ngoái 2015 trong không khí thấm đậm tình cảm ruột thịt, bạn bè, đồng đội,đồng chí. Như vậy, Tết Bính Thân năm nay, cụ đã thêm một tuổi thọ nữa và đạt mốc 101 tuổi đời! Nghe tiếng chuông, cụ trực tiếp ra mở cổng rồi thân tình pha trà, rót chén rượu Xuân mời tôi, nhanh nhẹn như một lão ông mới ở tuổi 80.
Cụ cho tôi biết, Tết Bính Thân năm nay, có 2 vị khách VIP đến thăm chúc Tết cụ. Rồi cụ hóm hỉnh đố tôi biết đó là những ai? Tôi lắc đầu nói, cháu xin chịu! Cụ chậm rãi nói: “Hai người này đều là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của thành phố. Người thứ nhất là tân Uỷ viên Trung ương Đảng, tân Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và người kia là nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị”. Tôi nói vui: “Như vậy là người ta vẫn trân quí cụ?”. Cụ chậm rãi nói: “Bề ngoài có thể là như vậy, song thực chất có đúng như vậy hay không, thì sao tôi biết được?” Rồi, với một phong thái của một cán bộ lãnh đạo lão thành, cụ thong thả nói: “Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc ông tân Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến thăm và chúc Tết tôi, mặc dù tôi và ông ấy chưa quen biết và gặp nhau bao giờ”. Rồi cụ chậm rãi thuật lại 2 buổi tiếp khách của cụ.
Hai vị khách đến trong 2 buổi khác nhau: Một vị sáng Mùng 1, vị kia chiều Mùng 3. Cả 2 đều chúc cụ sang năm mới dồi dào sức khoẻ, mọi sự may mắn tốt lành và mong cụ tiếp tục đóng góp ý kiến để xây dựng Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Cụ chúc lại 2 vị khách luôn mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc và hoàn thành mọi trọng trách mà Nhà nước và nhân dân giao phó, làm cho Hà Nội xứng đáng là thủ đô văn minh, hiện đại của cả nước và không hổ danh là “Thành phố vì Hoà bình” được UNESCO trao tặng 17 năm về trước. Cụ mong muốn Hà Nội phải sớm trở thành đầu tầu của cả nước về Đổi mới, không chỉ đổi mới về kinh tế mà nay phải đổi mới cả về chính trị nữa. Sao cho Hà Nội phải là thành phố thật sự dân chủ, kỷ cương, thượng tôn pháp luật, thực hiện theo đúng tiêu chí là “Nhà nước pháp quyền, Kinh tế thị trường và Xã hội dân sự”. Một thành phố mà ở đó, cả chính quyền và người dân, hai bên đều tôn trọng và quý mến nhau, cùng nhau tôn trọng và thực thi đúng Hiến pháp và pháp luật, không hành xử và tuỳ tiện áp dụng các quy định trái luật pháp.
Tôi đặt câu hỏi: “Thế trong 2 vị khách đến thăm chúc Tết bác, có vị nào chia sẻ với bác những suy tư, trăn trở và mong muốn của bác về Thủ đô Hà Nội …?”. Tôi chưa nói hết câu, thì cụ liền bảo: “ Như anh biết, tôi luôn có một ao ước cháy bỏng lâu nay là Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta từ nay sẽ không bao giờ để xảy ra những hiện tượng thất đức, vô chính trị, phản văn hoá như giật, cướp băng tang tại một số lễ tang trên địa bàn Hà Nội trong những năm qua. Nhất là Hà Nội phải mạnh tay dẹp bỏ những kẻ xấu và bọn lưu manh, côn đồ luôn tìm cách ngăn cản, gây sự và phá rối các buổi lễ hàng năm của người dân tưởng niệm và vinh danh những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược. Tôi tin rằng 2 vị khách VIP của thành phố đều hiểu được những ao ước xưa nay của tôi đối với Thủ đô Hà Nội. Đây cũng chính là nhiệm vụ chính trị của các thế hệ lãnh đạo thành phố Hà Nội mà”.
Cụ còn cho biết, cả 2 vị khách còn hỏi Đại hội Đảng 12 vừa qua, cụ có nhận được giấy mời đến dự lễ khai mạc và bế mạc không? Cụ cho biết là từ sau Đại hội IV (năm 1976) đến Đại hội XI (năm 2011), Đại hội nào cụ cũng đến dự 2 buổi: lễ khai mạc và phiên họp bế mạc, nhưng riêng Đại hội XII năm nay, thì cụ không đến dự, mặc dù cụ có nhận được giấy mời.
Tôi hỏi cụ: “Lúc nãy, bác nói ghi nhận và đánh giá cao việc tân Chủ tịch Hà Nội đến thăm chúc Tết bác chiều Mùng 1 Tết, thế còn việc chiều Mùng 3 Tết, ông Phạm…”. Tôi chưa hỏi hết câu, cụ phất tay ra hiệu để tôi dừng lại, rồi ôn tồn nói: “Tôi hiểu ý anh muốn nói gì. Đúng là ông Phạm Quang Nghị không chỉ là đồng hương Thanh Hoá với tôi mà giữa chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần, nhưng chưa khi nào ông ấy đến nhà thăm tôi khi còn đương chức. Thậm chí, cuối năm 2014, với cương vị là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông ấy còn phái Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ dẫn đầu một đoàn của Đảng bộ Thành phố đường đột đến tận đây hạch hỏi tôi là tại sao lại ký tên vào Thư ngỏ 61 gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, việc ký và gửi Thư ngỏ 61 là sai trái, là vi phạm Điều 1 và Điều 2 trong Quy định 19 điều cấm Đảng viên không được làm, ngầm doạ kỷ luật tôi, rồi định vin vào đó để không trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho tôi. Trong buổi gặp hôm đó, tôi không chỉ bác bỏ ý đồ của Thành uỷ Hà Nội yêu cầu tôi rút chữ ký khỏi Thư ngỏ 61 mà còn khẳng định việc tôi ký tên là đúng đắn, không vi phạm bất cứ điều gì! Tôi nhấn mạnh: Thư ngỏ 61 gửi BCT và BCHTW Đảng, không một cá nhân hay cấp uỷ nào có quyền tuỳ tiện kết luận Thư ngỏ đó là sai hay đúng, mà phải đợi ý kiến kết luận của Trung ương chứ, mà đến nay Trung ương hay BCT đã có kết luận gì đâu? Tôi còn vạch rõ “Quy định 19 điều Đảng viên không được làm” là vi phạm chính ngay Điều lệ của ĐCSVN, và ngay cả Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành theo Quyết định 244/QĐ/TW ngày 9/6/2014 cũng là việc làm sai trái, vì điều đó không chỉ làm mất dân chủ trong sinh hoạt nội bộ Đảng mà còn vi phạm ngay cả Điều lệ của Đảng nữa. Ấy vậy mà, anh biết không, khi đọc tham luận trong Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 16 cuối năm 2015 vừa qua, ông Chủ nhiệm UBKT Thành uỷ Hà Nội không hề xấu hổ khi tự đắc khoe khoang là Đoàn đã thuyết phục được tôi, rằng tôi đã nhận ra khuyết điểm, sai lầm, và hứa sẽ sửa chữa, khắc phục,v.v… Loại đảng viên như vậy, nếu còn trong hàng ngũ của Đảng, chính là những kẻ nguy hiểm, làm hại Đảng ghê gớm. Tôi ghê tởm những kẻ như vậy!”.
Tôi nói: “ Tự tâng bốc và tâng bốc lẫn nhau là một căn bệnh hiện nay trong Đảng. Chính căn bệnh này đã và đang làm hại Đảng, nhưng ít vị lãnh đạo nhận ra, thậm chí nhiều người trong họ còn đồng tình, phụ hoạ. Trở lại với buổi viếng thăm năm ngoái, cháu thấy họ đã cứng họng, phải im lặng trước các lập luận của bác, không ép được và cũng không dám kỷ luật bác. Họ buộc phải lùi và sau đó phải trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho bác đấy thôi, phải chăng họ đã thấy sai, và chịu thua bác?”.
Cụ Vĩnh trầm ngâm một lát, rồi chậm rãi nói: “Cũng có thể như vậy. Trong việc này, ít nhiều họ cũng đã thấy sai. Bởi, ngay sau khi trao tặng Huy hiệu cho tôi buổi sáng, thì ngay chiều hôm đó, chính ông Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cũng chuyển thư tay đến chúc mừng tôi. Ông ấy làm như vậy là rất chính trị, song có thật lòng không thì tôi không rõ. Còn việc anh vừa nói đến ai thua, ai thắng ư? Tôi thấy không nên đặt việc thua, thắng ra để xét đoán việc này. Có phải địch, ta đâu mà làm như vây. Anh biết tính tôi rồi, tôi luôn làm và bảo vệ đến cùng những gì mà tôi cho là phải, là đúng, còn ngược lại thì không bao giờ”. Cụ vừa nói đến đây thì có tiếng chuông ngoài cổng, nhìn ra thấy mấy vị khách cao niên, có lẽ đến chúc Tết cụ, tôi đành xin phép ra về, hẹn cụ một dịp khác trở lại thăm và hàn huyên thêm với cụ. Cụ thân ái xiết chặt tay, trìu mến tiễn tôi ra tận cổng, đồng thời đón khách mới vào nhà mừng Xuân.
Hà Nội, sáng Mùng 5 Bính Thân (12/2/2016).
N. Đ. Q.
Tác giả gửi BVN