Cương lĩnh tranh cử của Nguyễn Quang A

Tôi, Nguyễn Quang A (xem tóm tắt tiểu sử đính kèm), tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14 xin nêu vắn tắt cương lĩnh tranh cử của tôi trước các cử tri.

Tôi đã, đang và sẽ phấn đấu liên tục để đóng góp cho việc xây dựng

  • một nước Việt Nam nơi người dân thực sự tham gia vào công việc quản lý đất nước; nơi nhân quyền được bảo đảm; nơi không một ai, một tổ chức nào được đứng trên pháp luật;
  • một nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, phát huy mọi nguồn lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới nhằm tạo điều kiện cho nhân dân có cuộc sống sung túc, giữ môi trường trong sạch cho mọi người và con cháu mai sau;
  • một bộ máy hành chính ổn định, chuyên nghiệp, tận tụy, được tuyển chọn theo năng lực và phẩm chất; chống sự tha hóa, sự mua quan bán tước, tham nhũng trong bộ máy nhà nước;
  • một xã hội văn minh, nhân bản nơi người dân có thể sống an bình, an toàn, phát huy văn hóa phong phú, đa dạng, không mê tín dị đoan, đồng cảm và chia sẻ nỗi đau và khó khăn của đồng loại;
  • một nền ngoại giao hòa bình, xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc và các nước Asean, các mối quan hệ tốt với các nước khác, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, EU nhằm giữ vững sự độc lập chính trị và phát triển kinh tế;
  • một nền quốc phòng vững mạnh, có khả năng đánh bại bất kể kẻ xâm lược nào để giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và sự độc lập chính trị.

Nếu trở thành đại biểu Quốc hội tôi có điều kiện thuận lợi hơn để đóng góp cho việc thực hiện những điều trên. Cùng với các đại biểu Quốc hội khác, tôi làm hết sức mình để:

  • xây dựng thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân thực thi các quyền con người và các quyền hiến định của mình, cụ thể là hủy bỏ mọi điều khoản trong Hiến Pháp và luật hiện hành vi phạm các quyền con người, vi phạm các luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ thi hành; xây dựng luật về đảng, luật biểu tình, luật về quyền tự do lập hội, luật về quyền tiếp cận thông tin, luật về quyền tự do báo chí, xuất bản, tín ngưỡng, … (chứ không phải luật để quản lý, cản trở các quyền tự do đó); đảm bảo sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau của ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp);
  • sửa đổi các luật về kinh doanh và luật dân sự để đảm bảo tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu tư nhân (kể cả quyền sở hữu đất đai), tháo dỡ mọi rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, chống độc quyền, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • sửa đổi các luật về giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo ai cũng được học hành, được bảo vệ sức khỏe và được hưởng phúc lợi xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế;
  • giám sát và động viên nhân dân giám sát buộc các tổ chức và quan chức (nhất là các quan chức nhà nước) tuân thủ pháp luật;
  • thường xuyên tiếp xúc với cử tri nhằm tập hợp và phản ánh trung thực ý nguyện của người dân.

TÓM TẮT TIỂU SỬ

  • Họ và tên: Nguyễn Quang A
  • Ngày sinh: 17-10-1946
  • Nơi sinh: Bắc Ninh
  • Kỹ sư điện tử viễn thông (1971), tiến sĩ (về điện tử viễn thông, 1975, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary), tiến sĩ khoa học (về lý thuyết thông tin, 1987, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary), cựu giáo sư Đại học Kỹ thuật Budapest –
  • Đã nghiên cứu hay làm việc tại:

+ Viện Kỹ thuật Quân sự (1976-1982)

+ Nhóm nghiên cứu công nghệ Thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (1983-1987) tại Đại học Kỹ thuật Budapest – Hungary

+ Tổng cục Điện tử và Tin học Việt Nam (3 tháng, 1987-88)

+ Tổng giám đốc công ty Genpacific (1988-1993)

+ Chủ tịch công ty Máy tính – Truyền Thông – Điều kiển – 3C (1989 -2012)

+ Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam khóa 3 (1996-2000)

+ Chủ tịch VPBank (1997-2002)

+ Chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Sư phạm Hà Nội (2002-2006)

+ Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam – Hungary (2007-2012)

+ Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển – IDS (2007-2009)

  • Hoạt động báo chí

+ Viết cho Tin học và Đời sống từ 1991 (chịu trách nhiệm về tạp chí Tin học và Đời sống từ 1999);

+ Với tư cách nhà báo tự do đã viết (bình luận chính sách) thường xuyên cho Vietnamnet (2000-2011), Kiến thức (2010-2012), Lao Động Cuối tuần (2006-2014), Nông thôn Ngày nay (Dân Việt: 2011-2016), đôi khi cho Sàin Tiếp thị, Tuổi trẻThời báo Kinh tế Sàin.

Tác giả gửi BVN.

 

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.