Nhà xuất bản Tri Thức vừa phát hành cuốn “Luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên” của nhiều tác giả.
Ngoài các tác giả tên tuổi như Vũ Đình Hòe, Trần Đình Bút, Lưu Văn Đạt, Nguyễn Hữu Nghĩa… viết về ông luật sư Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa này, còn có bút tích thư riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh thì đương nhiên nó phải là một tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của một trí thức trong cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Nhưng có lẽ, người đọc hôm nay, tức 70 năm sau Cách mạng Tháng Tám, hứng thú nhất là những gì mà chính luật sư Vũ Trọng Khánh hồi tưởng về những ngày ấy. Những ngày ấy vô cùng éo le, đầy kịch tính vì lịch sử lầm lũi 80 năm dưới ách cai trị bệ rạc của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam bỗng bùng nổ dồn nén trong có mấy tháng trời. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, luật sư Vũ Trọng Khánh nhận chức Thị trưởng Hải Phòng trong chính phủ ấy vào giữa tháng 7.1945. Chỉ đến ngày 14 tháng 8 năm 1945 thì Nhật đầu hàng đồng minh. Ngày 23.8.1945 Cách mạng tháng Tám thành công ở Hải Phòng. Ba ngày sau Thị trưởng Hải Phòng được Võ Nguyên Giáp mời ra Hà Nội để nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy là luật sư Vũ Trọng Khánh làm Thị trưởng vừa tròn 49 ngày rồi làm Bộ trưởng 181 ngày (tính từ 28.8.1945 đến 2.3.1946) sau đó qua bao chức vụ, bao thăng trầm, biến động của lịch sử Việt Nam hiện đại, cho đến cuối cùng ông giữ chức Trưởng tiểu ban Vận trù học, thuộc Ban Khoa học và Kỹ thuật (tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ, thành phố Hải Phòng, tương đương với chức Trưởng phòng thuộc cấp Sở của một tỉnh, và nghỉ hưu năm 1977, mất năm 1996, hưởng thọ 84 tuổi.
Từ Thị trưởng, lên Bộ trưởng rồi hơn 30 năm sau “lên đến” chức trưởng phòng của một sở thuộc tỉnh… như vậy không bi hài, không hấp dẫn bạn đọc hay sao?!
Trong thời gian 181 ngày làm Bộ trưởng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Vũ Trọng Khánh đã soạn hơn 30 sắc lệnh, trung bình 6 ngày một sắc lệnh, đặt nền tảng cho nhà nước pháp quyền. Một công việc cực kỳ trọng đại là Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 34/SL ngày 20.9.1945 thành lập ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Và, luật sư Vũ Trọng Khánh là người chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất và là người chấp bút cuối cùng cho bản dự thảo hiến pháp đó. Có thể nói, cả đời luật sư Vũ Trọng Khánh đã chiến đấu không mệt mỏi cho mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Cuộc tranh luận về “Vấn đề tư pháp” trên báo Sự Thật hai năm 1948 – 1949 của ông với Quang Đạm là một sự kiện lịch sử và nó còn nguyên giá trị thời sự cho đến hôm nay, trước thềm Đại hội 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đang thực thi nhà nước Đảng trị phản dân chủ, phản dân tộc, quá lỗi thời.
Gần 70 năm sau, chúng ta hãy đọc lại vài câu tranh luận của luật sư Vũ Trọng Khánh: “Khi một người nào muốn ra lệnh cho tòa án phải xử thế này thế khác mà tòa án không nghe theo thì chúng tôi cho rằng đấy là giữ quyền độc lập. Nếu ông Quang Đạm cho như thế là một thái độ đối lập thì tôi muốn hỏi khi các thẩm phán can thiệp vào việc hành chính hay chính trị, các Ủy ban sẽ cư xử như thế nào để cho khỏi thành ra “đối lập”?” (trang 72).
Lý do luật sư Vũ Trọng Khánh ra làm Thị trưởng Hải Phòng như ông hồi tưởng: “Khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương: công chức và nhân dân tụ tập, bàn tán, nghe ngóng, không ai cầm đầu. Viên lãnh sự Nhật Nômi chịu trách nhiệm hành chính, thực ra chẳng biết làm gì… dịch vụ hốt rác, đổ thùng phân đình chỉ, điện nước chập chờn. Không có người nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương sẽ nhảy vào ghế thị trưởng…” (trang 55).
Là một nhà báo, tôi rất thích tư liệu mà luật sư Vũ Trọng Khánh để lại cho đời sau về một ông tướng huyền thoại Nguyễn Bình: “… Cũng sáng hôm đó, bộ đội Việt Minh từ hai ngả Đông Triều và Thủy Nguyên tiến vào, trẻ măng, có nam có nữ, binh phục du kích đủ kiểu… Tư lệnh Nguyễn Bình đi ủng, thanh kiếm Nhật cạnh sườn, một mắt bịt khăn (anh chột mắt trái) từng bước đi giữa đội hình… Nhân dân vệ đường nhìn thấy chính con em mình trong đó… thì ra đây là những con người thần thoại xuất quỷ nhập thần đã khiến quân thiện chiến của Nhật hoàng phải bó tay…” (trang 61).
Cảm ơn PGS TS Vũ Trọng Khải, con trai của luật sư Vũ Trọng Khánh, và gia đình đã có công sưu tầm để có một cuốn sách hay, như một nén hương thắp lên nhân ngày giỗ lần thứ 20 (mồng 3 tháng Chạp năm Ất Mùi) của luật sư Vũ Trọng Khánh.
L. P. K.
Tác giả gửi BVN.