“Mùa thu nay khác rồi” (Mênh mông thế sự 14)
Tuy vẫn “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội / Những phố dài xao xác hơi may”, vẫn “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (1) và lòng người Hà Nội đang ở nơi xa da diết nhớ về thủ đô thì vẫn vậy, Hà Nội vẫn luôn là nơi hướng về, để mà vấn vương, để mà bùi ngùi lưu giữ những hoài niệm đẹp. Nhất là những người đã từng có may mắn trong đoàn quân chiến thắng “trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về” (2). “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng” (3) nếu còn sống cũng đã là những lão trượng ngoài 90 tuổi và trẻ hơn một chút thì cũng ngoại 80.
Với họ, vào những ngày thu, những ngày tháng 10 của Hà Nôi nhiều kỷ niệm, ngày họ từng nghĩ “khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần” rồi sẽ chỉ còn bắt tay vào “…ươm lại hoa sắc hương say ngày xa, Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu” như Văn Cao mơ mộng. Thế rồi, họ bỗng vỡ ra rằng, nỗi mơ mộng ấy chỉ còn là vang bóng một thời của “những ngày thu đã xa” (1).
Vâng đã xa, xa lắm vì “mùa thu nay khác rồi” (1). “Những phố dài xao xác hơi may” bỗng hiện ra trần trụi với những cây cổ thụ bị đốn gục được cưa từng khúc đem đi bán trong “chiến dịch thảm sát cây xanh” không tiền khoáng hậu. Những xác cây kia đối với họ nào khác xác người nằm dài trên đường phố? Trong cảm hứng đắm say Hà Nội của “gió thổi mùa thu hương cốm mới” (1) càng bàng hoàng không sao hiểu nổi não trạng và tâm địa của những nhà cầm quyền Hà Nội phũ phàng phê duyệt chủ trương đốn hạ cây xanh. Quả thật không sao hiểu nổi.
Hình ảnh những cây cổ thụ bị cưa, chặt nằm ngổn ngang trên đường phố Thủ đô tương phản một cách ghê rợn với hình tượng “Năm cửa ô đón mừngđoàn quân tiến về / Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào” (2), làm băng hoại biểu tượng nhân văn mà người nghệ sĩ thiên tài kia đã tạc vào tâm hồn người Hà Nội. Càng day dứt hơn với người Hà Nội đang ở nơi xa ngái mà nhịp đập trái tim luôn nhạy cảm với nhịp sống Hà Nội muôn quý ngàn yêu.
Vậy là hơn nửa thế kỷ sau ngày 10 tháng 10 của mùa thu lịch sử, thay vì “chảy dòng sương sớm long lanh” (2), Hà Nội đã phải lai láng chảy “dòng nước mắt thương cây”. Và câu thơ Chính Hữu: “Phố phường xưa gạch ngói ngang đường / Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang” (3) bỗng xốn xang lòng người Hà Nội khi “ngang đường” không phải là gạch ngói từng dựng thành chiến luỹ chống giặc ngoại xâm mà là ngổn ngang những gốc cây cổ thụ bị đốn hạ, những khúc gỗ còn tươi rói đang trở thành món hàng có giá. Cái giá được cân đong đo đếm bởi sự táng tận lương tâm.
Xem ra, cuộc chiến chống giặc “nội xâm” không kém phần ác liệt so với cuộc chiến chống “ngoại xâm”. Có khi còn dai dẳng hơn, hiểm nghèo hơn.
Với chủ trương mở rộng Thủ đô, Hà Nội trở thành một trong số 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Mỗi km2 Hà Nội có khoảng từ 3.500 đến 4.000 người nhưng tính ra Hà Nội chỉ có 1 m2 cây xanh/người, trong khi Hồng Kông là 105,3 m2/người; Singapore là 60 m2/người; Kuala Lumpur 43,9 m2/người. Thế mà người ta đang tâm đốn hạ không thương tiếc hàng nghìn cây cổ thụ ngay trước mắt người Hà Nội! Đốn hối hả, đốn tàn nhẫn vì họ biết nếu không cấp tập thực hiện chủ trương của lãnh đạo thành phố thì dân Hà Nội sẽ xuống đường ngăn chặn cuộc thảm sát. Và thế là,
Bao bài hát hay một thời
“Xào xạc” thành lời khó hiểu (Hà Nội và cây… Lê Thống Nhất)
Càng “khó hiểu” hơn khi biết ra rằng
Không còn cây sẽ không còn Hà Nội
Sẽ không còn lãng mạn nhạc và thơ
…..
Xin cứ việc chặt mùa thu cách mạng
Chặt bóng râm hết chỗ trẻ con chơi
Cứ việc bê tông hóa cả chính quyền, cả đảng
Chặt cây xanh thà chặt trụi hồn người… (Ra lệnh chặt mùa thu, Trần Mạnh Hảo)
Cũng chẳng phải “thà” đâu! Cái não trạng hạ lênh “chặt cây xanh” kia cũng là cái não trạng đã từng “chặt trụi hồn người” chứ nào có ai khác.
Thì chẳng phải lịch sử đã đi những bước oái oăm để khiến cho biểu tượng Văn Cao dựng lên “khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần” trong lâu đài nghệ thuật của ông để rồi cái bóng đêm ấy không tan, đúng hơn, tan ở mảng này nhưng lại tụ ở mảng khác của cuộc sống con người, để trở thành bóng đêm định mệnh phủ lên chính thân phận người nghệ sĩ thiên tài ấy.
Trước khi người ta “chặt bóng râm hết chỗ trẻ con chơi” thì cái bóng quyền lực đã phủ lên tất cả, quyết định tất cả mọi sự sống xã hội và cuộc sống con người? Đây là lời Nguyễn Khải khi về cuối đời mình cố đi tìm cái tôi đã mất: “Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả, thì số phận những cá nhân sẽ ra sao”?
Nói rằng lịch sử đi những bước oái oăm vì những cá nhân ấy không ai khác những người từng “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa / Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” (3) để hẹn ngày về sẽ “ươm lại hoa sắc hương say ngày xa” (2). Vì thế mới có cái hào khí trong cảm xúc “Nguy nga sao cái buổi lên đường / Súng chuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc” (3). Và rồi cái bóng đen của quyền lực bị tha hoá, cái quyền lực được giành lại từ máu xương của triệu triệu con người ấy lại phủ bóng đêm lên thân phận con người, đặc biệt là những con người hiểu rõ cái sứ mệnh làm người của mình. Chỉ xin dẫn thêm ra đây một ví dụ điển hình về một người Hà Nội từng là chính uỷ của Mặt trận Hà Nội “đất trời bốc lửa” năm 1946. Trần Độ, người chỉ huy cuộc chiến đấu của những người con Hà Nội ưu tú nhất đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Và từ đó, con người kiên trung ấy luôn là người chỉ huy can trường có mặt nơi gay go gian khổ nhất chốn đầu sóng ngọn gió của hai cuộc kháng chiến. Con người ấy đã đau đớn nói về cái bóng đêm oái oăm kia: “đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng và của một kiếp người”!
Và rồi chính cái não trạng thảm sát cây xanh kia không chỉ bằng lòng với việc đốn gục thân cây lấy gỗ mà còn ra đòn răn đe kiểu đào tận gốc trốc tận rễ nên trong đám tang ông, người ta tìm mọi cách để gỡ bỏ và huỷ hoại những lời tốt đẹp mà cuộc đời trao tặng cho vị chính uỷ của Mặt trận Hà Nội, một trong những người Hà Nội đẹp nhất. Táng tận lương tâm hơn nữa, người ta đã dùng một con rô bốt vô hồn đóng vai một tên hề trơ tráo chà đạp lên đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của truyền thống dân tộc để kể tội người đã khuất trong điếu văn! Xem ra đó cũng chính là một bước đi oái oăm của lịch sử, thường phải có những tên hề như thế để cuộc đời có cái để mà so sánh, đối chiếu đặng làm ngời sáng lên vẻ đẹp của những nhân vật làm nên lịch sử.
Sốt dẻo hơn, e phải mời mấy vị giáo sư ở cái học viện oai vang nọ vừa nhân danh “người làm khoa học” khẳng định “tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc là không bao giờ lệ thuộc và viển vông”, ai nói khác điều đó là “tiếp sức cho lực lượng thù địch đang vu cáo đảng ta…” để nhờ các ngài giảng giải về vai trò của những tên hề đang diễn trò hề đó. Trò hề mà Mác đã nói trong “Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte”, các vị giáo sư uyên bác học mòn sách Mác-Lênin chắc phải đọc đến nhập tâm đoạn nói về “vua của lũ hề” và kết thúc bằng hình ảnh “Nhưng nếu như cuối cùng chiếc hoàng bào được khoác lên vai Louis Bonaparte thì pho tượng đồng của Napoléon sẽ đổ nhào từ trên cột Vendôme xuống!” (4).
Di căn của cái não trạng đốn chặt cây xanh, hạ gục nhân phẩm của người dám sống và thực thi sứ mệnh làm người len lỏi trong sự sống người và trong toàn bộ cơ thể xã hội đang cần một cuộc đại phẫu thuật. Thế còn những cái xác chưa kịp chôn đã bốc mùi nhưng vẫn còn tiếp tục đầu độc cuộc sống thì tính sao đây? Chúng còn tệ hơn những tên hề đang diễn trò để giúp người ta vui vẻ từ bỏ cái quá khứ buồn chán để mà đi tới như Mác đã nói một cách hài hước. Xét đến cùng thì, bổ sung cho sự hài hước đó, những cái xác đang bốc mùi kia cũng đang góp phần đẩy nhanh lên sự từ bỏ khá muộn màng này.
Rồi cuộc sống tự nó đang vạch ra con đường đi cho chính nó. Vì, bao giờ sức sống của cái mới cũng mạnh hơn cái đang suy tàn. Những bước đột biến của lịch sử sẽ đưa tới những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải trên đường đi của nó. Cho nên, vào lúc này đây, cái cảm hứng về “mùa thu nay khác rồi” đang trở lại với “trời thu thay áo mới trong biếc nói cười thiết tha”.
Bỗng nhớ đến câu của anh bạn tôi khi viết về TPP đã gợi lên một ý tưởng khá thú vị gọi dậy những suy tư liên quan đến bước đột biến này: “Có một sự trùng lặp đến kỳ lạ trong lịch sử cận đại Việt nam – nhiều sự kiện nổi bật mang ý nghĩa sâu sắc đều diễn ra vào những năm có con số 5 tận cùng”!Trời thu thay áo mới (1) hay đất nước của những ngày thu tháng 10 này đang có những chuyển động mới hướng về một chân trời mới? Vâng, “mùa thu nay khác rồi”. Đã mấy ai nắm bắt được gió, nhưng khi cây cối quanh ta rung động cúi đầu chào, thì chính là gió đang đi qua đấy. Cho dù có những kẻ đã hạ lệnh đốn hạ cổ thụ, thảm sát cây xanh thì rồi rừng cây mới sẽ mọc. Cây sẽ mọc, phải mọc và đang mọc để đón chào những ngọn gió đến từ mọi phương trời.
Gió của khát vọng dân chủ và tự do. Khát vọng của Hà Nội, khát vọng của Việt Nam.
Ngày 10.10.2015
T. L.
_________
(1) “Đất nước” – Nguyễn Đình Thi.
(2) “Tiến về Hà Nội” – Văn Cao.
(3) “Ngày về” – Chính Hữu.
(4) C.Mác và Ph Ăngghen toàn tập, tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 277.
Tác giả gửi BVN.