Chuyến thăm của Tập – Đảng Cộng sản Việt Nam thoát Trung hay tiếp tục lún sình?

Tập Cận Bình sắp sang Việt Nam.

Mối quan tâm của người Việt không nhằm tìm hiểu Tập nói gì, mà thật sự chú ý vào những ai trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ nói gì, và thái độ ứng xử ra sao trước Tập.

Người Việt Nam đã biết quá nhiều về mưu đồ xâm lược của dòng máu Đại Hán, nói ngắn gọn từ thời khoác áo ngụy trang xã hội chủ nghĩa của Mao, Đặng, và đến nay là Tập.

Tập đã ra đề, Việt Nam sẽ giải đáp?

Cái đề của Tập đưa ra không ngoài mục tiêu kiên định “giấc mơ” bành trướng của mình, thông qua từng bước thắng lợi đã đạt được, từ Hội nghị bí mật Thành Đô” đến các “Thông cáo chung” mà hai Đảng đã ký kết, đến kế hoạch “hợp tác chiến lược và toàn diện”, kể cả cẩm nang 16 chữ vàng, và phương châm 4 tốt cũng đã vạch ra, để khai đường dẫn lối cho Đảng Cộng sản Việt Nam theo cách mà họ muốn. Về thực tế, thì họ đã thu được nhiều kết quả trên đất liền, Biển Đông và hải đảo. Lần này, Tập Cận Bình sang Việt Nam có nói gì cũng không ngoài mục đích trên, mà trọng tâm là củng cố và phát triển cuộc xâm chiếm Biển Đông, gần nhất là âm mưu “gây ảnh hưởng” vào nhân sự Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam với khẩu hiệu “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Đối sách của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào trước mặt Tập Cận Bình, và trước mặt nhân dân, thể hiện qua thái độ và nội dung ứng xử?

Trước hết, người ta chờ xem về hình thức bên ngoài, thái độ của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ qua hay chưa, những động tác rất bi hài, thảm hại (cúi gập người, ôm hôn thắm thiết, trịnh trọng bắt hai tay, vẫy cờ 6 sao…), và những lời lẽ hoa mỹ đến nhàm chán lâu nay, từng gây nhức đầu trong nhân dân, không ngoài việc thể hiện tinh thần “4 tốt” mà không một ai trong lãnh đạo Đảng không thấm nhuần, để ứng xử mỗi khi tiếp sứ thần Trung Quốc.

Nếu lãnh đạo trên cao còn tiếp tục bày tỏ những đường cong mềm mại như thế, thì ở dưới, khắp nơi trong nước, sẽ tiếp tục mọc lên những “phố Tàu” nhiều thêm nữa. Nếu đem bút đỏ tô lên những vùng mà Tàu đang hiện diện dưới các hình dạng khác nhau, thì bản đồ Việt Nam hiện lên nham nhở một màu máu. Đó là chưa nói đến việc không thể tô màu các luồng tư tưởng mà Tàu đã xâm nhập vào chất xám trong bộ máy lãnh đạo từ nhiều thập kỷ qua. Những từ ngữ kiểu đỉnh cao trí tuệ, bất khuất, kiên cường…, và các thứ thuộc loại “muôn năm khác, nhằm che giấu sự thật lịch sử, mà lâu nay đang biến thành những từ ngữ ngày càng mang ý nghĩa mỉa mai và cay đắng trong lòng người dân khắp nước. Với một tấm dư đồ rách nát như thế, mà có người còn kêu lên với niềm tự hào ngớ ngẩn, lại vừa lộng ngôn với Lịch sử, với Tổ tiên mình: “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội(Nguyễn Phú Trọng, Phát biểu tại lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ít ai hiểu nổi cái rực rỡ ấy có màu sắc thế nào, và cái kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở đâu ra? Hiếm có một lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới dám nói về một thời kỳ – mà mình có dự phần ít nhiều – là nhất Lịch sử cả. Người ta thường nói, kẻ điếc thì không sợ súng, kẻ đui thì không thấy đường, người ngông thì coi trời bằng vung. Ở Việt Nam, trong cái làng “Vũ Đại ngày ấy”, duy có Chí Phèo là người chỉ nhìn nhận ngôi làng của mình, và buổi ấy mình thỏa mãn, nên cho là nó rực rỡ nhất. Một trẻ trâu trèo lên tảng đá trong một thung lũng, lại tưởng mình cao hơn cả núi non!

Ngày nay dân chúng Việt Nam, “ai ai cũng ghét Trung Quốc” là lời xác nhận tình cờ về một sự thật hiển nhiên của chính Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, cho dù lời xác nhận ấy khá nông nổi vì nó tréo ngoe với nguyện ước của riêng mình, nhưng rất nổi tiếng vì đúng sự thật.

Lòng dân đã như thế, cách giao tiếp bộc lộ “nghĩa tình” kiểu “anh em một nhà” của một thời, nay có thể khẳng định đã dứt khoát qua rồi. Thà đứng thẳng như con số 1, còn hơn là tác phong khiêm tốn ẻo lả, như vô tình minh họa cho bộ phim hoạt hình có tên là Bầy khỉ Việt Nam với những con khỉ đầu đàn nhảy nhót, mà Trung Quốc vừa sản xuất và phát tán trên mạng. “Bầy khỉ Việt Nam” – chỉ là một trong vạn cách – đang chuẩn bị tâm lýcho dân họ về một cuộc thánh chiến vì Đại Hán.

Người dân sẽ chú ý về cung cách giao tiếp để thẩm định giá trị của từng người lãnh đạo thể hiện trách nhiệm, đồng thời cũng là tư cách của riêng mỗi nhân vật trong tình thế đất nước hôm nay. Quanh co úp mở trong ngôn từ, núp bóng vào tập thể, là một cách che giấu thân phận được chăng?

Phó Thủ tướng Trung Quốc vừa sang Hà Nội để bàn bạc kế hoạch đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình sao cho chu đáo.

Sự đón tiếp chu đáo ấy sẽ ra sao?

Về nghi thức

1– Có cần phải đón chào Tập Cận Bình bằng 21 phát đại bác hay không, để trả lễ cho cái mà ông Tổng Bí thư Trọng đã lỡ thụ hưởng trước đây mấy tháng ở Bắc Kinh? Hay nó đã “bù” cho 20 cú điện thoại đường dây nóng mà Tập không nhấc máy? Nếu có các phát đại bác ấy, thì hẳn là người dân sẽ rất khó chịu vì tính khôi hài của bản thân nó. Để giảm bớt stress, anh nông dân Đoàn Văn Vươn có thể dùng súng hoa cải mà chào đón bầy chim thú ở cái đầm của mình, và mời bà con lại xem, thì có thể tạm vui hơn.

2– Ông Tập có đi cùng cùng phu nhân Bành Lệ Viện không? Nếu có, thì có tứ đại phu nhân của tứ trụ triều đình ta cùng nghinh tiếp, hay chỉ một ai trong số đó? Và người ấy cũng phải biết chút ít về nghệ thuật để đối đáp, hoặc có thể thi thố nhan sắc hay đọ xiêm y? Xét kỹ thì bề nào cũng rất gay go! Giá như có thể mời vào thăm một trường đại học nào đó, nói chuyện về nghệ thuật, về triết lý ca múa, có thể được hoan nghênh nồng nhiệt, vì đó là chuyên môn của bà ấy, mà dân ta cũng thích văn nghệ. Để bớt lúng túng, giá như bà ấy đừng qua thì tốt hơn.

3– Hẳn là Chủ tịch Tập sẽ không đến từng cơ quan của mỗi vị trong tứ trụ (bốn cột) để “chào xã giao”, vì như thế sẽ không cân xứng với địa vị “chiếu trên” của nước lớn, thì hẳn “bốn cột của Việt Nam phải tề tựu nghênh đón, có thể tận cầu thang máy bay? Điều này chắc không khó lắm, nhưng cái khó là đứng đi đối đáp thế nào? Mà dù thế nào cũng nên luôn nhớ đến lòng dân hôm nay, không còn như trước.

Về nội dung chuyến “thăm”

1– Ít có khả năng Tập Cận Bình sẽ tiếp tục những lời ngoại giao khuôn sáo như lâu nay, trong cái khung “hợp tác chiến lược và toàn diện”, “Thông cáo chung”… để cùng tiến lên thực hiện “đại cục”. Nếu có, thì ta có phải xuôi chiều hảo hảo, đầu mày cuối mắt nói suông theo chăng?

2– Có thể, Tập sẽ không lặp lại cái phát ngôn trơ trẽn về quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa rằng do tổ tiên y để lại từ thời cổ đại, thì Việt Nam có dámđối mặt Tập mà lên tiếng bày tỏ lập trường của mình một cách rõ ràng? Còn như cái cách nói hàng hai, mang vẻ khách quan của ông Chủ tịch nước vừa qua tại Mỹ, tuy cũng làm báo chí nước ngoài vui nhộn hơn đôi chút, nhưng người dân trong nước không mấy hài lòng: “Một anh đứng ở bên đây sông thì nói là của tôi, và một anh đứng ở bên kia sông thì nói là của anh” và lời ta thán: không thể nói mãi như thế này được!”. Quả thật, ta thì có như thế, nói mãi, chứ họ không nói suông, họ vừa nói vừa làm, mà làm kịch liệt, tiến độ rất nhanh đến kinh ngạc. Dù sự lên tiếng của ông Chủ tịch thuộc loại khá muộn màng bởi cái tính cẩn thận, nhưng lại không kém phần tẻ nhạt về nội dung, vì cái phát biểu ấy thiếu tính quyết đoán, giống như mình là người trung gian vậy. Lời khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì đúng rồi, vì đó là khẩu hiệu và biểu ngữ dân chúng Việt Nam đã từng biểu thị trong các cuộc xuống đường, và đã từng bị ai đó đàn áp khốn khổ, ngay tại Thủ đô Hà Nội. Vả lại, ông Thủ tướng cũng đã từng khẳng định rõ ràng hơn, từ vài năm trước trên các diễn đàn. Đáng tiếc, nhân vật quan trọng khác thì lại im như thóc. Nhưng có lẽ, chưa có vị nào đã nói thẳng, khi trực diện với Tập Cận Bình ở diễn đàn công khai mà người dân có thể chứng kiến, để hiểu ra cái “dũng khí” của một người lãnh đạo ở mức nào? Có hy vọng nghe và thấy điều ấy trong dip này chăng?

3– Có thể, Tập sẽ không nhắc đến điệp khúc của “bài thơ 16 chữ” mà ta đã biến thành vàng, vì đó là sản phẩm đã cũ của Giang Trạch Dân, mà y đang là tội đồ đối với Tập. Vì thế, Việt Nam chắc cũng không nhắc lại chuyện thơ phú ấy. Lại nữa, Tập không từng tỏ ra là người thích làm thơ, không mấy thích việc lẩy Kiều, vốn là sở trường ưa thích của lãnh đạo Đảng ta. Có thể ông ta chỉ thích ca múa nhạc hiện đại (vì thế mới kết duyên cùng Bành nghệ sĩ?).

4– Có thể, Tập sẽ mạnh mẽ kêu gọi cùng nhau giữ hòa bình ở Biển Đông, gác tranh chấp cùng nhau khai thác trong bối cảnh “đại cục” mà Trung Quốc là ông anh cả, với lời lẽ nặc mùi hòa bình giả trá, và rằng các bên không được manh động gây thêm phức tạp, để yên việc đắp đảo xây hào, chiếm cứ Biển Đông được tiến hành êm xuôi, như ông ta đã tuyên bố hẳn hòi trước Liên Hiệp Quốc: “cam kết phát triển một cách hòa bình”. Cụ thể là y phát triển ở Biển Đông một cách bình yên, nếu ai gây sự, thì sẽ có biện pháp bảo vệ để giữ bình yên cho sự phát triển đó. Lời đường mật đã bay ra từ miệng Tập không khác lời lẽ Hitler trước khi mở cuộc chiến tranh (*): “[…] khi làm như vậy, chúng ta nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trao ngọn đuốc hòa bình cho các thế hệ mai sau… Chúng ta nên xây dựng một tinh thần hợp tác qua đó các quốc gia đối xử nhau công bằng, cam kết để tham khảo lẫn nhau và bày tỏ sự hiểu biết hỗ tương.” (diễn văn của Tập trước Liên Hiệp Quốc ngày 28/9/2015).

Liệu Việt Nam sẽ nói gì khi mà Tập mồm mép linh tinh đến thế? Hay ta lại hô “thần chú”: “6 điều mà lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí”? Nếu thế, chắc hẳn Tập sẽ mỉm cười như cố hữu, và vỗ tay nhè nhẹ tán thưởng. Việc hai bên nhất trí về “6 nguyên tắc” và việc “phát triển” bình yên ở Biển Đông là hai việc chẳng mâu thuẫn gì về phía họ. Còn Việt Nam thì sao? Nếu trung thành với “thần chú” nói trên, thì làm sao dám đưa vụ việc ra kiện ở tòa án Quốc tế hoặc nói và làm điều gì khác? Cái “thần chú” ấy sẽ trói chặt Việt Nam thêm một vòng dây nữa, trong cái nhà tù mang “lý tưởng xã hội chủ nghĩa”?

5– Có thể, Tập bất ngờ tung ra một con số hợp tác bằng cách tăng cường thêm một loạt công trình quan trọng (cùng vài sư đoàn công nhân xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc), từ bờ biển trọng yếu đến vùng cao nguyên chiến lược, cho người anh em thân thiết cùng nhau vì “đại cục”, và ngầm dọa sẽ “lấy đầu” những ai chống đối, thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “tự diễn biến hòa bình” ra sao?

6– Điều quan trọng gần nhất mà Tập nhắm tới, cũng là điều mà nhân dân quan tâm trước mắt, là Đại hội XII sắp đến. Tập sẽ tác động gì, nhất là hiệu ứng gì từ Đảng Cộng sản Việt Nam về Đại hội này? Dân chúng Việt Nam muốn biết được hình dạng của Đại hội sắp tới ra sao, nó ngả nghiêng hay đứng vững, để nhìn thấy bộ dạng của những nhân vật sẽ có mặt hay vắng mặt trong bộ tứ tương lai? Những ai sẽ là người mà Tập gật đầu: “người ấy thì tôi an tâm!”, như cái gật đầu của Giang Trạch Dân ở các đại hội trước đã từng diễn ra?

Tập Cận Bình sang Việt Nam không ngoài mục đích “đại cục của mình, bằng nhiều biện pháp cứng mềm, để kéo Việt Nam ra khỏi thế kết giao với thế giới, để biến Việt Nam chính thức thành chư hầu, mà điều kiện về nhân sự chỉ cần vài “ngụy quan cốt lõi là đủ.

Cái giảo hoạt khó chơi của Tập Cận Bình sẽ là bài diễn văn ngọt ngào nhưng chứa đầy đao kiếm, thể hiện bản lĩnh vừa là đại ca đủ sức chơi giang hồ, vừa là “quân tử Tàu” đại lượng, làm ra vẻ bênh vực kẻ yếu và dạy đời, như ông ta vừa hé lộ ở Liên Hiệp Quốc. Để ám chỉ Mỹ, và chiêu dụ thiên hạ, Tập tố cáo: “Luật rừng đã làm cho số phận kẻ yếu nằm trong tay kẻ mạnh. Đó không phải là cách thức mà các nước nên dùng trong bang giao”. Chiếc lá nho không thể nào che nổi, thế giới cả cười vì thấy chính ông ta là đối tượng trong lời ông ta nói. Thật quá đỗi hài hước! Y còn đe dọa: “Những ai đã chọn cách tiếp cận nặng tay khi dùng vũ lực, sẽ thấy rằng họ đã chỉ nâng một tảng đá lên để thả xuống chính chân của mình”. Không phải rằng chính ông ta đã là người đang nâng tảng đá đó sao? Lời này có thể không dọa được Mỹ hay ai khác, nhưng có sức nặng của một tảng đá với ai đó, như Việt Nam chăng?

Nhưng thật sự thì Việt Nam tiếp Tập Cận Bình với mưu lược gì đây?

Hay là cái tiếp bắt buộc, chẳng đặng đừng?

Phải chăng, đây là cái nút thắt gay go cuối cùng của một giai đoạn sai lầm có tính lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam? Trong bối cảnh này, sẽ là sự mở đầu, hay là sự kết thúc của cái “Thời kỳ rực rỡ nhất” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa “chém gió” một cách rất hùng hồn, đầy tự mãn với trời và đất?

Thật là khó nghĩ!

Tình thế cho thấy là “bất khả thi” về nhiều mặt, nếu Việt Nam không quyết liệt phá vòng vây để tìm đường thoát hiểm!

Nói hữu hảo thì đã rất kiên trì. Nói hữu nghị thì đã rất viển vông. Nói lý thì họ đã có cái lý của kẻ mạnh. Nói luật thì họ cũng đã tỏ rõ rồi, rằng đã, đang và sẽ tiếp tụcphát triển [Biển Đông] trong hòa bình”, vốn là nơi mà cha ông họ có từ đời xưa, chứ không xâm chiếm hay có ý gây hấn với ai, và xin đừng ai cản trở làm mất đi mọi điều tốt đẹp!

Khóc than có được chăng?

Lẽ nào dùng dao búa trên bàn hội nghị?

Hay ôm nhau ra chiều thân thiết mà nước mắt chảy ngược vào lòng?

Đó là nói đến tâm tư của những người có chí khí, thật sự vì dân tộc vì đất nước, với người có lương tâmkhông muốn hổ thẹn với tiền nhân”. Còn những Lê Chiêu Thống tay đang đu theo Tàu mà hồn thì đã chạy qua Tây thì vô phương đề cập.

Chỉ tiếc một lẽ, để đến nỗi này, như một học giả đã nói: “Ông K. Marx thì hay, nhưng giá như đừng có ông ta thì hơn”. Đó là điều dành riêng cho Đảng Cộng sản Việt Nam cần ngẫm nghĩ, đặc biệt là các “ lão lý luận”.

Nhưng e rằng, đã quá muộn để nghĩ ngợi, và để “giá như’, trước thềm chuyến “viếng thăm” của Tập Cận Bình, mà dường như ông ta đã kích hoạt khá đầy đủ tâm lý của nhân dân Trung Quốc để bước qua đầu Việt Nam, đồng thời “tập quán hóa từng phần sở hữu Biển Đông. Tập cũng đã chuẩn bị dư luận quốc tế với lời lẽ khoa trương chính nghĩa hòa bình, tương tự Hitler trước ngày nổ súng (diễn văn Hitler). Và cũng dường như, với chuyến đi để thẩm định lần cuối này, ông ta đã đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam phải tự trả lời dứt khoát câu hỏi “Thoát Trung hay tiếp tục lún sình?”. Đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam thôi, chứ nhân dân Việt Nam thì đã có câu trả lời dứt khoát từ lâu rồi.

Diễn tiến Đại hội XII sẽ hiển lộ câu trả lời.

Còn ở thời điểm này thì chưa biết Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ứng xử với Tập như thế nào. Hay là Đảng xin Tập đừng qua, vì nhỡ lại bộc lộ ê chề cái “chiếu dưới” của mình trước mắt nhân dân, ngay trong cái “thời kỳ rực rỡ nhất này, sao tiện!

Một đề nghị nhỏ

Ngày mà Tập Cận Bình qua, dân chúng nên nghỉ làm việc, tập trung thời gian và tâm trí – không phải để đón chào Tập – mà để theo dõi thái độ đón tiếp và nội dung ứng xử của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ra sao? Đặc biệt là nhân dân Thủ đô Hà Nội – từng được mệnh danh là “trái tim” của cả nước – phải theo dõi xem “cờ 6 sao” có xuất hiện lần nữa? Cơ quan trách nhiệm phía Việt Nam đã từng giải thích việc này, xem như một sơ suất nhỏ. Người dân ngược lại, xem là biểu hiện một khốn nạn lớn của khách và chủ. Giá như ai đó trong bóng tối, hoặc trong Sứ quán Trung Quốc, cứ làm cờ 6 sao tung ra, thì sao? Thì Công an Nhân dân hãy bắt lấy nó – cái đứa nhận cờ ấy phân phát cho thiếu nhi ta – công trạng sẽ đáng giá hơn gấp nhiều lần việc kết án tù tay phóng viên làm “gián điệp” cho Tàu, về cái tội bán tin rác quanh Đảng để đãi bôi với tình.

H.Đ.N.

8/10/2015

Chú thích

(*) Xem bài của Trần Trung Đạo so sánh phát biểu của Tập mang tinh thần “hòa giải và hòa hợp nhân loại” tại Liên Hiệp Quốc ngày 28-9-2015 và của Hitler “hòa giải và hòa hợp châu Âu” tại Quốc hội Đức ngày 21-5-1935 và ngày 7-3-1936, chỉ vài năm trước ngày nổ súng xâm chiếm Ba Lan, mở đầu Thế chiến II, giết 6 triệu người riêng Ba Lan.

Hitler: “Đức Quốc, và đặc biệt là chính phủ Đức hiện nay không có mong muốn nào khác hơn là được sống trong điều kiện hòa bình và thân hữu với các nước láng giềng”. Tôi muốn nhân dân Đức học hỏi để thấy những thực tế lịch sử của các quốc gia khác, trong đó một người hoang tưởng có thể muốn chúng rơi vào quên lãng, nhưng không thể bị lãng quên. Tôi muốn nhân dân Đức ý thức rằng thật là phi lý khi cố gắng mang những thực tế thuộc về lịch sử vào vị trí đối lập với quyền lợi sống còn và những đòi hỏi về quyền được tồn tại rất dễ hiểu của họ.

– Tập Cận Bình: “Lịch sử là một tấm gương soi. Rút ra những bài học từ lịch sử là cách duy nhất để nhân loại tránh được việc lập lại tai họa đã xảy ra. Chúng ta nên nhìn lịch sử bằng một lương tâm trong sáng và kính trọng. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai có thể được làm tốt đẹp hơn. Khắc ghi lịch sử không phải để dưỡng nuôi thù hận lâu dài. Nhưng đúng hơn là để nhân loại không quên những bài học lịch sử. Khắc ghi lịch sử không có nghĩa để rồi bị ám ảnh với quá khứ. Nhưng đúng hơn là, khi làm như vậy, chúng ta nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trao ngọn đuốc hòa bình cho các thế hệ mai sau…Chúng ta nên xây dựng một tinh thần hợp tác qua đó các quốc gia đối xử nhau công bằng, cam kết để tham khảo lẫn nhau và bày tỏ sự hiểu biết hỗ tương. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền củng cố Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào sự đóng góp của mọi quốc gia. Tất cả quốc gia đều bình đẳng. Những nước lớn, mạnh, giàu không nên hiếp đáp các nước nhỏ, nghèo và yếu.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.