NÓI THẬT KHÔNG SỢ MẤT LÒNG  (kỳ 6)

6- Câu chuyện thứ 6 :    Chúng ta đang rất cần những sự TỬ TẾ ở tầm cao hơn, để Việt Nam vẫn mãi là một đất nước Tử tế!

      Hôm họp nhóm biên tập đầu quý để bàn công việc sưu tầm và biên tập trong quý III, tôi hỏi nhóm trưởng :

– Chúng ta vẫn tiếp tục cái “phi vụ” “VIỆC TỬ TẾ” đang tiếp diễn trên VTV1 đấy chứ anh?

– Chúng ta chưa bao giờ từ bỏ một ý tưởng nào đã được xác định. Riêng “phi vụ” này mình đã giao cho anh Sắc Ly, người chấp bút biên tập ngay từ đầu, sẽ theo đuổi đến cùng. Cậu có ý kiến gì đóng góp thì cứ gặp anh Sắc Ly!

   Sau khi tôi gặp Sắc Ly trao đổi một số ý mới của chủ đề, anh đồng ý để tôi biên tập kỳ này. Và sau đây là phần tóm lược những ý kiến trao đổi của hai anh em chúng tôi.

H.M. 

– Anh thử đoán xem, các biên tập viên của VTV1 nói chung và của chương trình “Chuyển động 24h” nói riêng, có đọc bài viết của chúng ta, do anh biên tập, cách đây hơn nửa năm không? Nếu có đọc thì tại sao họ vẫn không chịu thay đổi, dù chỉ là chút xíu?

– Việc gì phải đoán, và không riêng gì đối với bài viết của chúng ta, mà tất cả các bài viết phản biện trên các trang báo và trang mạng, họ đều có nhiệm vụ tìm đọc hết, nhằm tìm cách đối phó. Còn sự tiếp thu để thay đổi thì hầu như rất ít, thậm chí là chưa hề thấy. Vì đó là bản chất cố hữu của Truyền thông Nhà nước mà: vừa là bảo thủ, vừa là bệnh sĩ, trịch thượng! Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước, bỏ cuộc, bởi mục đích công việc của chúng ta khác với họ: Vì lợi ích chung của nhân dân và đất nước, vì chân lý khoa học.

– Anh thử điểm lại mà xem, chuyên mục “Việc Tử Tế” của chương trình “Chuyển động 24h” vẫn cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, đến mức nhàm chán cái kịch bản đã cũ. Nhiều bạn đọc đã nhận xét đó vẫn chỉ là những tấm gương “người tốt, việc tốt” mà trước đây đã từng có mặt trên các báo. Những tấm gương ấy đáng quý thật, đáng học theo thật, và tuy ngày càng hiếm đi, nhưng không phải là quá ít trong cả một cộng đồng hơn 90 triệu dân. Do vậy báo chí không thể vinh danh hết mọi đối tượng, mà phải lựa chọn theo từng chủng loại phẩm chất tiêu biểu, nhất là những điển hình ở tầm cao. Vì báo chí là một phương tiện giáo dục, nên cần phải có phương pháp giáo dục khoa học thì mới mang lại hiệu quả.

– Điều quan trọng hơn là, các nội dung chứa đựng ở bên trong các tấm gương được vinh danh đó, không thấy có sự nâng cấp, nâng tầm. Cách phản ánh của phóng viên và biên tập viên cứ như là “gặp đâu viết đấy”, không có một ý tưởng rõ ràng theo yêu cầu giáo dục được nâng dần lên đối với bạn đọc.

– Bạn đọc chỉ nắm câu chuyện mà không thể tự rút ra được bài học tương ứng về nhân cách, nghĩa là không đạt đến được mục đích giáo dục.

– Có một khía cạnh về kiến thức, tôi thấy cần phải nêu ra là: hai khái niệm Tử TếLòng Tốt tuy rất gần gũi nhau, có liên quan với nhau, chứa đựng trong nhau, nhưng không phải là một, không thể đồng nhất. Thế mà VTV lại cố tình nhầm lẫn? VTV nêu ra một chủ đề mới (Việc Tử Tế) chứ không dùng tên cũ (Người tốt, việc tốt), nhưng nội dung thể hiện lại vẫn giống hệt như cũ! Hóa ra là, VTV bắt bạn đọc phải hiểu TỬ TẾ = LÒNG TỐT. Theo nhiều bạn đọc thì đó là một cách hiểu sai, không thể chấp nhận.

– Tại sao nhà đài chỉ rặt phản ánh những Việc Tử Tế xoay quanh những câu chuyện trợ giúp người khó khăn, cơ nhỡ, gặp nạn…, mà không dám đụng đến các khía cạnh khác, quan trọng hơn, liên quan đến rất nhiều đối tượng cư dân, rất đa dạng trong đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng rộng lớn? Ở đó luôn luôn có rất nhiều “điểm nóng” mà lại không thấy xuất hiện những Việc Tử Tế và những Người Tử tế.  Phải chăng là ở đó không có gì để tôn vinh, mà chỉ có điều ngược lại?

– Hình như các tác giả có ý định muốn khẳng định với bạn đọc rằng : Việt Nam là đất nước của Sự Tử tế, hàng ngày toàn thấy Việc Tử Tế, ra đường toàn gặp Người Tử tế! Quả là rất lãng mạn, theo chiều hướng tích cực, nhưng hiện nay chưa có đâu. Rõ ràng là bạn đọc chỉ rặt thấy nhà đài đưa ra những Việc Tử Tế của dân thường, mà không thấy Việc Tử Tế của giới lãnh đạo ? Bạn đọc chỉ rặt thấy những Việc Tử Tế ở tầm vi mô, diễn ra trong phạm vi các cộng đồng nhỏ hẹp, mà không thấy các Việc Tử Tế ở tầm Vĩ mô, trong phạm vi rộng lớn toàn quốc, liên quan đến lợi ích của đất nước, của toàn dân? Chả nhẽ VTV lại cũng bắt bạn đọc phải hiểu tất cả giới quan chức đều là Người Tử tế rồi, tất cả việc mà Đảng và Nhà nước làm đều là Việc Tử Tế rồi sao? Chả nhẽ VTV định chối bỏ thực tiễn đang hiện hữu sờ sờ ra đó sao?

– Cho đến hôm nay, sau hơn nửa năm lên sóng, thì có thể thẳng thắn nhận định đây là một nội dung tuyên truyền không có hiệu quả thuyết phục, và hơn thế còn là vô trách nhiệm đối với người xem. Cách làm ấy vừa thiếu tính khoa học, vừa không trung thực nên ngay lập tức đã phủ định luôn cái ý tưởng lãng mạn vừa nói ở trên, nếu có thật. Và đương nhiên đó không thể là một Việc Tử Tế, mặc dù họ vẫn đang dẻo mồm nói về chủ đề này.

– Hiện tình đất nước đang rất cần nhiều Việc Tử Tế, nhiều Người Tử tế ở tầm cao hơn, bắt đầu từ cấp cao nhất, bắt đầu từ việc làm của Đảng và Nhà nước cho cả hai nhiệm vụ phát triển và giữ nước. Vì chính những điển hình đó mới đủ sức lan tỏa rộng, và quan trọng hơn vì chúng đang là đòi hỏi cấp bách của đất nước, liên quan đến mọi người. Người ta đang rầm rộ quảng cáo, tuyên truyền cho Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, cho Đại hội XII của Đảng (CSVN)…, rất hoành tráng, rất rùm beng, rất tốn kém, hòng làm mờ đi, che khuất đi cái thực trạng xám xịt, u buồn của toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội. Nhưng những câu chuyện Việc Tử Tế mà nhà đài đưa ra, mặc dù rất đáng trân trọng và rất cần trong cuộc sống, nhưng đâu đủ tầm, đủ sức để tô hồng lại cái màu xám xịt đó.

– VTV hãy nêu lên, càng nhiều càng tốt, những việc đáng gọi là Việc Tử Tế của Đảng và Nhà nước nhằm hóa giải thực trạng nguy cấp nói trên, nhằm tháo gỡ những thách thức đang đầy rẫy nói trên, xem nào! VTV hãy thử vinh danh lấy dăm vị quan chức đáng được dân thừa nhận là Người Tử tế, xem nào! Tổng Bí thư là điển hình cao nhất của Người Tử tế Việt Nam sao? Thủ tướng là một tấm gương chói sáng về Người Tử tế của thời đại à? Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên của BCHTW, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Bí thư tỉnh ủy, các Chủ tịch tỉnh…, đều là những Người Tử tế đúng “mác”, đúng chuẩn cả sao? Nếu đúng như vậy, và chỉ cần như vậy thôi, thì quả là đại phúc cho nhân dân Việt Nam dưới thời của Đảng (CSVN) cầm quyền!

– Mặc dù đã nói rồi, nhưng có lẽ ở đây vẫn rất cần phải nhắc lại những nội dung cơ bản nhất, xung quanh nội hàm của khái niệm Tử tế và các khía cạnh liên quan, để tiện đường theo dõi và bàn thảo cho sáng tỏ thêm vấn đề mà bạn đọc đặt ra. Tính cách Tử tế thường được hiểu là Sự biết điều, nghĩa là không hành động sai với các quy chuẩn của cuộc sống, trước hết là các chuẩn giá trị xã hội về đạo đức và pháp luật. Tính cách Tử tế thường gắn liền với Sự trung thực, không dối lừa, không mưu mô, không thủ đoạn. Tính cách Tử tế luôn đồng hành với Sự tôn trọng người khác, không xâm hại đến lợi ích của người khác, biết đối xử bình đẳng và dân chủ với mọi người. Người mang tính cách Tử tế bao giờ cũng Nói đi đôi với làm, không nói suông, nói xạo, nói mép, nói mà không làm. Tính cách Tử tế còn bao hàm cả Sự bao dung, rộng lượng. Đỉnh cao của tính cách Tử tế là Lòng vị tha, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì người khác, kể cả sinh mạng. Cội nguồn sâu xa của tính cách Tử tế là Lòng nhân ái, là Tính hướng thiện, là Ý thức trách nhiệm với cộng đồng, là sự thiết tha, gắn bó  với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ.  Kẻ thù của tính cách Tử tế là Lòng Tham. Đối lập với tính cách Tử tế (tức thói xấu Phản Tử tế) là Sự lật lọng, xảo trá, dối lừa, đểu cáng

– Rất nhiều bạn đọc muốn góp ý với nhà đài: Hãy thay đổi cái tư duy bảo thủ và cách thức chuyển tải thông tin rất xơ cứng và không thật, như họ đang làm trong chuyên mục này đi! Đừng dựa vào vị thế độc quyền hiện nay mà muốn làm gì thì làm với người xem truyền hình. Trình độ dân trí bây giờ khác xưa lắm rồi, đừng có áp đặt, đừng có bưng bít, đừng có bóp méo, đừng có nhồi sọ người dân nữa. Họ sẽ không nghe, sẽ không tin, và sẽ đến lúc họ quay lưng lại với nhà đài đấy. Bởi bên cạnh nhà đài còn có cả một hệ thống internet phủ sóng khắp nơi, mà ở Việt Nam đã có đến 1/3 dân số sử dụng kia đấy. Đó là một sự cảnh báo rất thật. Cứ hãy nhìn vào cái gương “tày liếp” của báo Nhân Dân và tạp chí Cộng Sản (và có lẽ còn nhiều ấn phẩm “lề phải” nữa) mà tự điều chỉnh cách nghĩ và cách làm của mình đi. Các loại ấn phẩm trên bây giờ ai mua và ai xem, ngoài các cơ quan và đoàn thể dùng tiền công quỹ, để rồi cuối quý hoặc cuối năm dồn lại bán giấy lộn cho dân gói hàng. Lý do đơn giản chỉ vì nội dung không thật, không đúng và thiếu tầm trí tuệ, chỉ thiên về mục đích tuyên truyền một chiều mà nhẹ hẳn mục tiêu đáp ứng quyền được thông tin và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân. Chúng ta rất mong VTV hãy khiêm tốn lắng nghe những góp ý xác đáng của người dân để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

– Xin phép hỏi lại nhà đài: Các vị có muốn Việt Nam ta sẽ trở lại là, và vẫn mãi là một đất nước Tử tế không nào?

Tháng 8 năm 2015

H.M.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.