Tượng đài: một chỉ số khách quan để đo trình độ độc tài của một nước

Trên thế giới có rất nhiều tranh cãi về cách đo lường trình độ dân chủ hay độc tài của một nước, và các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau hay còn gọi là chỉ tiêu dân chủ (democracy indicators): cơ chế chính trị, bình đẳng giới tính, chủng tộc, nhân quyền, hệ thống kinh tế, xã hội dân sự, tự do ngôn luận và báo chí, internet, facebook… Mỗi người có những chỉ tiêu khác và dù chỉ tiêu giống nhau thì người ta vẫn có thể tranh cãi về tầm quan trọng (hay trọng lượng) của mỗi chỉ tiêu. Trang http://www.democracybarometer.org/links_en.html liệt kê hàng trăm bảng xếp hạng khác nhau về nền dân chủ của các nước.

Theo tôi, có một chỉ số đo lường trình độ dân chủ hay độc tài rất dễ dàng nhanh chóng, và chính xác không kém hay còn hơn hẳn những chỉ tiêu rắc rối hơn mà các học giả đã đề nghị. Chỉ tiêu này hoàn toàn khoa học, khách quan, cụ thể, nhìn được sờ được. Vì không dựa lên sự đánh giá chủ quan của con người nên nó không gây tranh cãi.

Chỉ số độc tài mà tôi đề nghị tùy thuộc phí tổn xây các tượng đài công cộng, tức là các tượng đài xây bằng thuế của người dân. Chính xác hơn:

Chỉ số độc tài = Tỷ lệ ngân sách chính phủ (sau khi trả lương cho lãnh đạo, công nhân viên, cảnh sát, quân đội) dùng để xây tượng đài.

Chỉ số dân chủ = 1 / Chỉ số độc tài.

Dĩ nhiên, tượng đài do tư nhân tự nguyện đóng góp xây không kể tới.

Một nước mà nhà nước không bao giờ dùng tiền để xây tượng đài là một nước dân chủ tuyệt đối, lý tưởng. Ở Mỹ, những tượng đài vĩ đại và nổi tiếng nhất là tượng Thần Tự Do và tượng đài tổng thống Washington (“cha già dân tộc” lãnh đạo chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ). Tượng thần Tự Do thì Pháp tặng, còn tượng Washington thì tư nhân khởi sự và đóng góp, bắt đầu xây năm 1848 (49 năm sau khi ông mất). Năm 1877 thì hết tiền mà mới xây được có 1/4, Quốc hội mới quyết định trợ cấp cho xây nốt. Mỹ còn một số tượng đài nữa chủ yếu ở thủ đô Washington như Lincohn Memorial, Jefferson Monument, tượng đài Thế Chiến 2, nhưng ngoài ra, khi đi thăm nước Mỹ ta thấy số tượng đài rất ít. Ở Tây Âu cũng ít có những tượng đài xây thời dân chủ, tuy rằng tượng đài xây thời quân chủ phong kiến thì rất nhiều. Ở những nước được coi là dân chủ nhất như các nước Bắc Âu hay New Zealand hầu như chẳng có tượng đài nào đáng kể.

Một nước mà nhà nước dùng 100% ngân sách công còn dư sau khi trả lương để xây tượng đài là một nước độc tài tuyệt đối. Dĩ nhiên, không có nhà nước nào độc tài đến mức đó, nhưng ta có thể thấy là những nước cộng sản như Liên xô, Trung Quốc, Việt Nam thì đều vô số tượng đài vĩ đại. Iraq thời Saddam Hussein hay các nước Phi châu dưới những chế độ độc tài Bokassa hay Idi Amin cũng vậy. Bắc Hàn, mà ai cũng công nhận là độc tài toàn trị nhất thế giới, cũng là nước có những tượng đài vĩ đại nhất, xây trong khi dân chết đói.

Chỉ số độc tài này có căn bản lý thuyết rõ ràng:

  1. Một chế độ xây dựng tượng đài thay vì lo những cái thực tế cho dân thì đương nhiên là gây bất mãn, và nếu chế độ đó muốn tồn tại thì phải nhờ vào những biện pháp độc tài.
  2. Xây dựng tượng đài là một biện pháp mị dân bằng sự hoành tráng. Do đó những vùng nghèo nhất ở Việt Nam như Tây Nguyên (tượng đài Bác Hồ lớn nhất nước), Tây Bắc (tượng đài Sơn La đang dự định), Bắc Trung bộ (tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng) lại thường có những tượng đài lớn nhất nước. Chính sách mị dân thường đi đôi với chính sách ngu dân, vì dân trí thấp sẽ dễ bảo tồn chế độ độc tài hơn.
  3. Xây dựng tượng đài bằng của công thường rất khó được sự đồng tình của dân chúng (như kinh nghiệm cho thấy ở các nước dân chủ). Nhà nước có khả năng tiêu nhiều tiền vào tượng đài tức là có khả năng tự tiện sử dụng ngân sách mà không cần ý kiến của dân (thông qua Quốc hội), tức là nhà nước độc tài.
  4. Trong một nước dân chủ, chính khách nào cũng có người yêu người ghét, có đối lập, và do đó rất khó có sự đồng tình để xây nhiều tượng đài vĩ đại cho họ. George Washington được coi là “cha già dân tộc” Mỹ (father of the nation), nhưng cũng phải đợi 78 năm sau khi ông chết Quốc hội mới chấp thuận dùng tiền thuế xây tượng đài cho ông, vì những năm đầu đảng đối lập của Thomas Jefferson phản đối.
  5. Một chế độ phải dùng tượng đài để củng cố hình ảnh của mình đương nhiên là không có gì khá hơn để đóng góp cho dân cho nước. Ham quyền lực mà thiếu tự tin là công thức đưa đến độc tài.
  6. Xây dựng tượng đài bằng của công dễ đưa tới tham nhũng, đi đôi với độc tài.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây tượng dài càng ngày càng nhiều và càng vĩ đại, tốn kém, và mấy chục tượng đài (chỉ riêng cho Hồ Chí Minh) đã được nhà nước chính thức quy hoạch cho 15 năm tới (http://www.tienphong.vn/van-nghe/hang-chuc-de-xuat-xin-dung-tuong-dai-bac-851973.tpo). Ngân sách cho những tượng đài này không bao giờ được đem ra bàn cãi ở Quốc hội và hoàn toàn là quyết định của Đảng. Đó là bằng chứng hùng hồn, cụ thể và rõ rệt của khuynh hướng chính trị hiện nay ở nước ta. 

Chỉ số dân chủ của Ai Cập cổ chắc là rất thấp!

P. Q. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế, Lên Tiếng. Bookmark the permalink.