Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Tượng đài Hồ Chí Minh ở Sài Gòn
Trên mạng xã hội Facebook và trên truyền thông cả trong và ngoài nước đều đang “nóng” lên với “quần thể dự án” 1.400 tỷ ở Sơn La, trong đó xây tượng đài cụ Hồ ‘chỉ có’ 200 tỷ.
Lá bùa hết thiêng
Cả quần thể dự án với điểm nhấn là tượng đài cụ Hồ tốn 1.400 tỷ rõ ràng vẫn chưa thể nào so sánh với những dự án “trên mây” khác như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 11.277 tỷ đồng.
Thế nhưng, trên mạng xã hội, người dân phản đối chuyện quần thể dự án xây tượng cụ Hồ còn quyết liệt hơn xây bảo tàng nhiều.
Tại sao như vậy?
Câu trả lời là một thông điệp không thể rõ ràng hơn của người dân đến nhà cầm quyền: không thể tiếp tục đem một người đã mất ra để làm lá bùa hộ mệnh, bào chữa cho tính chính danh của đảng cầm quyền.
Thậm chí có cả những thanh niên chưa bao giờ lên tiếng công khai về các vấn đề quốc gia như cậu Lê Nam cũng đứng ra chụp ảnh với tấm bảng phản đối dự án dựng tượng cụ, và đến thời điểm tôi viết bài này đã thu hút 156 ngàn lượt Likes, 12 000 bình luận và 26 ngàn lượt chia sẻ trên trang Facebook của bạn đó.
Con số này sẽ còn tăng lên theo thời gian. Cậu Lê Nam bây giờ đã được biết đến không thua gì một ngôi sao ca nhạc hoặc một diễn viên nổi tiếng.
Tượng đặt trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội
Khó có ai trong giới dân chủ, với cùng một hành động chụp ảnh như vậy có thể đạt tới con số đó. Sức hút của những gương mặt mới thật mãnh liệt.
Rõ ràng rằng giới trẻ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung không thể nào im lặng được nữa. Nó cũng cho thấy “dân trí” người dân không hề thấp, và người dân không hề thờ ơ với chính trị.
Một bức hình và thông điệp của Lê Nam đã nói thay cho biết bao nhiêu người muốn là “công dân” nhưng vẫn đang chịu thân phận “thần dân”.
Gốc rễ vấn đề
Đã có nhiều trí thức khác, thậm chí cả những tên tuổi lừng lẫy toàn cầu như GS Ngô Bảo Châu cũng đã lên tiếng về các dự án “trời ơi đất hỡi” khác như bôxit Tây Nguyên, thế nhưng kết quả đạt được vẫn là đảng cầm quyền tiếp tục làm dự án, bất chấp mọi cảnh báo đã thành sự thật về thua lỗ, tàn phá môi trường, lao động từ Trung Quốc tràn vào…
Tượng đài Hồ Chí Minh ở Tuyên Quang
Chuyện xây quần thể dự án với điểm nhấn là tượng đài cụ Hồ này cũng vậy.
Giữa lúc ngân sách quốc gia bội chi hơn 100 ngàn tỷ (4,5 tỷ USD), Bộ Tài chính đang muốn vay 30.000 tỷ từ Ngân hàng Nhà nước, 95.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, và còn muốn vay thêm nữa để chi tiêu, giữa lúc dân sinh đang khốn khó với hạn hán rồi bão lụt, thậm chí còn phải giành nhau từng gói mì tôm, đảng cầm quyền đủ can đảm để đưa ra dự án xây tượng đài chỉ với một lời biện minh đầy cảm tính của ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Sơn La:
“Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc thì không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân:
“Số tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỉ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, ngày 5/8, nhà cầm quyền đã cho họp báo lại và cho rằng có sự “hiểu nhầm”, rằng chi phí cho riêng tượng đài “chỉ có” 200 tỷ, thế nhưng điều đó chỉ nói lên rằng nhà cầm quyền vẫn quyết tâm thực hiện dự án tới cùng.
Tượng đài Hồ Chí Minh ở Cần Thơ
Tại sao đảng cầm quyền có thể bất chấp ý chí và nguyện vọng của nhân dân?
Bởi vì họ độc quyền nhà nước, độc quyền chính trị. Các vị trí lãnh đạo đều do cơ cấu, quy hoạch của một nhóm nhỏ trong giới lãnh đạo cộng sản, không phải do dân bầu. Người dân hoàn toàn không có tiếng nói ở những vấn đề quốc gia.
Dân bị mất quyền làm chủ đã dẫn đến chuyện giới cầm quyền tha hồ làm những dự án chỉ có lợi cho một số ít người nhưng đem lại gánh nặng nợ cho tất cả mọi người dân.
Đảng cầm quyền đang làm chuyện mà họ lên án ở các nước tư bản: Dân chủ tư sản chỉ đem lại lợi ích và quyền lực cho một thiểu số người giàu có.
Như thế, “dân chủ tập trung” không hề khá hơn “dân chủ tư sản” theo định nghĩa của các nhà lý luận cộng sản.
Tượng đài dân chủ
Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx và Engels cho rằng, dân chủ là hình thái biểu hiện của quyền lực nhà nước mà nhân dân phải tổ chức và kiểm soát được.
Lê-nin lại nhấn mạnh sự tham gia của quần chúng vào công việc quản lý nhà nước.
Lê-nin được dựng tượng ở nhiều nơi tại các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Trong hình là bức tượng đặt tại Quảng trường Lê-nin ở Donest, đông Ukraine
Trong tác phẩm nổi tiếng Dân vận (năm 1949), ngay ở phần mở đầu tác phẩm, cụ Hồ đã viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích thuộc về dân. Bao nhiêu quyền đều là của dân. Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân”.
Nếu thật sự tôn sùng Karl Marx, Engels, Lenin và cụ Hồ thì hãy làm theo những lời các cụ ấy nói, đừng dựng lên những tượng đài bê tông vô hồn, vô nghĩa, vô ích nữa, hãy dựng lên những tượng đài trong lòng dân bằng việc thực sự tôn trọng quyền làm chủ của người dân.
Đó mới thực sự là những tượng đài bền vững với thời gian, vì ‘nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ’.
“Nhân dân làm chủ” không thể chỉ nói miệng suông được, nó phải được thể chế hóa qua pháp luật chuẩn mực bắt đầu từ bản Hiến pháp dân chủ của toàn dân, đảm bảo không tổ chức nào được độc quyền nhà nước, đứng trên luật pháp.
Tuy nhiên, tượng Lê-nin cũng bị giật đổ ở nhiều nơi
Cùng nhau ủng hộ
Như trên đã nói, một cá nhân phi thường như GS Ngô Bảo Châu không thể giải quyết được vấn đề, vì đây là vấn đề độc quyền chính trị của giới lãnh đạo cộng sản, là một vấn đề mang tầm vóc quốc gia.
Đã ở tầm quốc gia thì vấn đề chỉ có thể giải quyết khi có sự tham gia của rất đông người, những con người – công dân bình thường cùng chủ động bắt tay nhau đồng nhất hậu thuẫn cho Việt Nam có được ‘nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực’.
Những đảng viên cộng sản yêu nước, có tư duy dân chủ, có tinh thần dân tộc, không chấp nhận bất công xã hội, cũng cần chủ động tham gia ngay vào công cuộc cải tổ này, thúc đẩy giới lãnh đạo của đảng cộng sản phải thực thi Dân chủ, Công bằng, Văn minh.
Tư duy trông chờ để có được minh quân, quan thanh liêm hay một anh hùng nào đó xuất hiện sẽ chỉ đẩy tiếp đất nước vào con đường độc tài, vì đó là tư duy phong kiến, thụ động. Không thể xây dựng một thể chế dân chủ, công bằng, văn minh với tư duy đó.
Riêng với giới lãnh đạo cộng sản, trước thông điệp hết sức rõ ràng của người dân qua việc phản đối quyết liệt quần thể dự án có tượng đài cụ Hồ, nên cân nhắc và chọn con đường tốt đẹp nhất cho chính họ và cho cả đất nước, đó là con đường cùng phối hợp với mọi thành phần trong xã hội để cải tổ dân chủ.
Vì cải tổ không phải để lật đổ, mà để tránh sự sụp đổ đầy đau đớn cho đất nước này, cho dân tộc này, và cho chính đảng cầm quyền.
Do đó, hậu thuẫn cho công cuộc “phối hợp cải tổ” là trách nhiệm chung của mọi người, kể cả đảng viên cộng sản.
N.T.T.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhà vận động dân chủ, cựu tù nhân lương tâm, hiện sống tại Sài Gòn.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150806_nguyen_tien_trung_views_xay_tuong_dai