Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KHCN
Dear All
Tôi nhận được nhiều ý kiến đề nghị bình luận bài báo của Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV) đăng trên báo Lao động ngày 4/4 về “hiệu quả kinh tế của dự án bô xit Tân Rai” và vì sao GDP quý này tăng đột biến.?
Riêng về cách tính GDP của Việt Nam, muốn tìm hiểu sâu, xin mời đọc lại bài tôi phỏng vấn chuyên gia Vũ Quang Việt đã đăng báo và trên mạng xã hội.
Đọc các thông tin trên báo chính thống của nhà nước về GDP quý 1 năm 2015, nếu nói tăng dầu thô thì thật ra sản lượng tăng 9% tức là góp phần vào tăng GDP nhưng trong trường hợp này thì có lẽ dù tăng GDP theo giá cố định nhưng giá hiện hành lại giảm vì giá dầu thô giảm 1/2. Như vậy điều này chỉ ra là VN “cố đấm ăn xôi”, do giá giảm quá sâu nên phải tăng sản lượng để bù vào.
Theo anh Việt nhận định đây là tình trạng chung của nhiều nước để cho thu nhập cho chính quyền. Làm thế, giá trên thế giới lại càng giảm. Tăng GDP vì bơm thêm dầu hoả kiểu này thì chỉ đúng cho thời gian qua, và sẽ không tiếp tục được lâu dài.
Không có số liệu cụ thể nên rất khó đánh giá. Nói chung , so sánh với các quí 1 tăng khoảng 4 phần trăm, mà lần này tăng là 6% thì tức là tăng thêm 2%. Tổng cục thống kê bảo là do xây dựng và dịch vụ có tăng thế không.? Không thể là xây dựng vì về cơ cấu xây dựng bình thường bằng khoảng 5,4% GDP nếu tăng thêm 2% tức là tăng 30%, rất khó tin. Về dịch vụ thì dịch vụ gì tăng? Tổng cục thống kê không giải thích vv…
Tô Văn Trường
Ca dao Việt Nam có câu :
“Khôn ngoan chẳng lọ thật thà,
Lường thưng, tráo đấu, chẳng qua đong đầy”.
“Thưng” và “đấu” là hai dụng cụ đo lường thời xưa . Thưng thường dùng để đong gạo, còn đấu dùng để đong thóc lúa. Báo Lao Động ngày 4/4/2015 đăng bài báo: “Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV): Dự án alumina Tân Rai đang chứng minh hiệu quả kinh tế”. Có ý kiến bình luận nội dung bài báo chỉ thấy có tính chất đối phó, “đong đẩy” tránh né, chối quanh … thì sẽ “hết khôn, dồn đến dại”!
Tôi đã đọc kỹ bài báo nói trên, đây không phải là văn bản trả lời từ Bộ Công thương và TKV (theo chỉ đạo của Thủ tướng) về 12 điểm của các nhà khoa học gửi từ tháng 10/2014 và hàng loạt các câu hỏi mới nêu ra trong buổi tọa đàm về dự án bô xít Tây Nguyên do Pannature tổ chức cuối tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, khách quan đánh giá, đây là bước đầu đáng hoan nghênh TKV đã công khai đối thoại dù mới là gián tiếp và chưa trực tiếp đi vào những vấn đề cụ thể đã được các nhà phản biện nêu ra..
Về đấu thầu “7 chọn 3, rồi chọn 1”:
7 công ty tham gia đấu thầu này thì 4 là của Trung Quốc. MCC (Metallurgy Construction Company) là công ty luyện kim Trung Quốc. MCC cũng đã tham gia xây dựng Gang Thép Thái Nguyên. Vì VN không có vốn, nên thường yêu cầu các bên tham giá thầu phải giúp thu xếp vốn, thậm chí còn yêu cầu lãi suất thấp.
Nhìn danh sách đấu thầu, có 3 “anh Tây” nhẩy vào cho vui thôi. Các công ty phương Tây thì “tiền trao-cháo múc”, không thể thu xếp vốn được, các chính phủ của họ cũng không có “văn hóa kiểu Trung Quốc”.
TKV và Bộ Công thương đừng quên rằng ABB Switzerland Ltd là công ty chuyên kỹ thuật điện, không có làm bauxite. Machahon Construction là công ty khai khoáng và dịch vụ kỹ thuật ở Australia. JGC-Technip là hai công ty kỹ thuật, chuyên nhiều về hóa dầu, họ tham gia thiết kế, cung cấp kỹ thuật cho Dung Quất.
Mặt khác, khi các nước phương Tây nghe nói có 4 công ty Trung Quốc nhẩy vào rồi, thì họ rút lui ngay vì biết không thể cạnh tranh với chào thầu kiểu Trung Quốc. Nhất là, họ biết được Chính phủ Trung Quốc có chính sách thu xếp vốn cho các dự án mà các công ty Trung Quốc thắng thầu ở nước ngoài, với điều kiện thiết bị phải từ Trung Quốc vv… và Trung Quốc còn miễn các loại thuế cho các công ty này. Thủ thuật bỏ thầu giá rẻ, nhưng khi ký kết hợp đồng và quá trình thực hiện dự án tìm mọi cách để đội vốn, “xỏ mũi” phía Việt Nam (kể cả dự án bô xit Tây Nguyên) là chuyện “thường ngày ở huyện” của các đối tác Trung Quốc.
Về công nghệ và tính kinh tế
Tôi tin là TKV sẽ không bao giờ đề cập một cách cụ thể, do năng lực hạn chế, họ không nắm bắt được thực chất vấn đề và cũng vì đã leo lên lưng “cọp” thì phải cố bám cho khỏi ngã và bị ăn thịt. Để chứng minh quan điểm xây dựng là đúng, thì tốt nhất tìm cách làm cho đạt công suất thiết kế, đạt chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, quản lý tốt.
Muốn làm được như vậy phải minh bạch, công khai, lắng nghe phản biện, thuê tư vấn độc lập phương Tây đánh giá lại toàn bộ dự án. Những vấn đề về công nghệ hiện đại, yêu cầu đối với luyện alumina và các bất cập của dự án bô xít Tây Nguyên đã được đề cập phân tích rất rõ trong bài :”Nói lấy được” (tác giả Tô Văn Trường) .
Dự án Tân Rai chậm đi vào sản xuất 2 năm, có phải lỗi chủ yếu là do Trung Quốc? Như vậy, không rõ có khoản đền bù thiệt hại cho Việt Nam không, và thời gian trả nợ Trung Quốc như thế nào?
Yêu cầu công khai minh bạch
TKV luôn khảng định dự án bô xit Tây Nguyên là hiệu quả, thì hãy công khai minh bạch công bố các báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Hay nói cụ thể hơn là:
- Bản tổng kết tài sản (balance sheet). Trong bản tổng kết tài sản nói rõ phần vay vốn, có ghi chú điều kiện các hợp đồng vay (lãi suất, thời gian hoàn trả).
- Bản báo cáo lợi tức trong năm (income statement): doanh thu, chi phí (chi phí đầu tư, chi phí khai thác). Trong chi phí có ghi chú rõ phần giá điện, bù lỗ điện (công ty Trần Hồng Quân).
- Giá thành alumina theo khoản mục (chi phí nhân lực, lương, khấu hao, chi phí khác). Giá thành alumina theo công đoạn (khai thác, chế biến, vận tải vv…).
- Bản báo cáo ước tính lợi tức trong tương lai.
- Bản báo cáo về tác động môi trường và các hoạt động bảo vệ v.v…
Từ các thông tin nói trên, các chuyên gia phản biện sẽ giúp TKV tính toán cụ thể bài toán hiệu quả kinh tế của dự án, “nói có sách, mách có chứng”!
Văn hóa tiếp thu phản biện
Trong bài viết “Ai phải chịu trách nhiệm về tình hình đất nước hôm nay” tôi đã nêu rõ một bài học sâu xa là văn hóa tiếp thu phản biện xã hội (cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện đa chiều). Chân lý của quyền lực đã thắng quyền lực của chân lý hết lần này đến lần khác. Không chỉ là văn hóa tiếp thu phản biện mà còn là văn hóa tự chịu trách nhiệm cá nhân.
Tiếng nói phản biện xã hội của người dân, trí thức, chuyên gia về dự án bô xit Tây Nguyên đều xuất phát từ cái tâm và ý thức xây dựng nhưng không còn là những tiếng đàn bầu thánh thót du dương. Vì còn đâu những cánh đồng cỏ xanh non, những bờ xôi, ruộng mật, còn đâu những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên vươn lên từ đất để bảo vệ đất. Những tiếng nói phản biện xã hội đang trở thành tiếng cồng, tiếng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ, là tiếng sóng gầm trong bão của biển Đông đang ôm ấp đất nước còng lưng hình chữ S mảnh mai đầy đau thương, bất hạnh này.
Phản biện để kịp thời biết những điểm hay và cái dở, khuyết điểm để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa. Tiếng nói phản biện là tiếng lòng chắt lọc từ trí tuệ của các trí thức, người dân có trái tim hàng đêm nhỏ máu trước vận nước.
Thay cho lời kết
Bộ Công thương và TKV hãy nhìn lại hành động thức thời gần đây của Chính phủ trong việc sửa lại luật bào hiểm xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế cho dừng dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế ở đèo Hải Vân, Hà Nội dừng việc chặt cây xanh, và Đồng Nai dừng dự án lấn sông Đồng Nai v.v…
Dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đô la, không dễ dừng lại. Cần mời các chuyên gia tư vấn độc lập phương Tây có kinh nghiệm và chuyên môn sâu, đánh giá toàn bộ qúa trình hình thành dự án, quy trình sản xuất, công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường để làm cơ sở đối chứng quyết định cho bước đi tiếp theo.
Đương nhiên là TKV phải nói như nội dung bài báo nói trên. Nếu lãnh đạo sáng suốt thì phải yêu cầu TKV “đối thoại” trực tiếp, trả lời cụ thể từng câu chất vấn của những nhà phản biện để cùng nhau tìm cách giải quyết “lối ra” có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc.
T.V.T
Tác giả gửi BVN