Tự Lực Văn Đoàn xuất bản các truyện “Sách Hồng” với cuốn Ông Đồ Bể của Khái Hưng, nhà in ký nộp bản ngày 31 tháng Tám năm 1939 [Minh họa số 1]. Từ năm 1940 hai tháng in một tập Sách Hồng, mỗi cuốn có đánh số thứ tự, cho đến năm 1945, ngoài ra còn có thêm Sách Hồng Đặc Biệt không đánh số [Minh họa số 2]. Lấy tên “Sách Hồng” vì bìa trang trí màu hồng, vẽ bông hoa hồng trên một góc; giống loạt truyện tiếng Pháp của Nhà Xuất bản Larousse, mang tên “Sách Hồng cho giới trẻ” (Les livres roses pour la jeunesse, xuất bản từ năm 1909 đến 1939, tổng cộng 719 cuốn). Những sách Livres Rosesnày chắc cũng phổ biến ở Việt Nam, lúc đó do Pháp cai trị, và nhiều người Việt học trường Pháp đã quen đọc tiếng Pháp. Sách Hồng của Tự Lực Văn Đoàn nhắm vào trẻ em không biết tiếng Pháp hoặc biết nhưng cha mẹ muốn khuyến khích đọc tiếng Việt. Nội dung các cuốn Sách Hồng mang tính chất giáo dục tương tự Les Livres Roses. Cách trình bày bìa, minh họa bên trong cũng chịu ảnh hưởng của bộ sách Larousse in. Sách Hồng thường ghi do tên các nhà xuất bản Ngày Nay, Đời Nay. Sau năm 1952, Nhất Linh tái bản, đề tên nhà xuất bản Phượng Giang [Minh họa số 3]. Khoảng thập niên 1960 thành viên của gia đình Khái Hưng thành lập nhà xuất bản Văn Nghệ, và cũng cho tái bản Sách Hồng của Khái Hưng với tiêu đề “Sách-Hồng Khái-Hưng”, thí dụ:Để của bí mật, 1960, bìa màu đỏ cũng vẽ hoa hồng. [Minh họa số 4]
Trên trang bìa sau Sách Hồng do nhà xuất bản Phượng Giang ở Saigon ấn hành, do Nhất Linh tự chăm sóc về văn chương và đã khẳng định “Sách Hồng là loại tiểu thuyết lý thú và hữu ích cho Nhi-đồng và Thanh-niên nam nữ. Các bậc phụ huynh không phải lo ngại băn khoăn, cứ việc yên tâm mua Sách Hồng đưa ngay cho con em đọc. Sách Hồng lại vừa là sách giáo khoa Việt-ngữ, các giáo sư muốn trích dẫn những đoạn văn hợp trình độ học sinh đều cần có đủ bộ.”
Minh họa số 1: Ông Đồ Bể, 1939 (Sách Hồng số 1, in 10 ngàn cuốn,
hình dưới đây lấy từ microfilm, không màu)
Minh họa số 2: Bông Cúc Huyền. Đời Nay, 1943
(Sách Hồng Đặc Biệt, không đánh số)
Minh họa số 3: Thầy đội Nhất. Phượng Giang, 1961.
Minh họa số 4: Để của bí mật. Saigon: Văn Nghệ, 1960.
(Sách-Hồng Khái-Hưng)
Các nhà phê bình văn học và viết văn học sử Việt Nam thường bỏ qua Sách Hồng. Nếu có nhắc đến một cách sơ lược họ cũng không phân tích kỹ về nội dung các cuốn sách, vì coi đó chỉ là những “sách trẻ con.” Điều này đáng tiếc, vì bỏ qua bộ Sách Hồng thì không nhìn thấy một khía cạnh quan trọng trong chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn. Sau khi dùng tiểu thuyết tấn công mạnh vào các hủ tục, các quy tắc đạo đức lỗi thời thuộc nền văn hóa cũ, từ năm 1939 Tự Lực Văn Đoàn cũng dùng Sách Hồng để đề cao nhiều giá trị luân lý cũ, giúp các thanh thiếu niên hiểu biết thêm những quy tắc đạo đức trong truyền thống dân tộc.
Khi viết về Tự Lực Văn Đoàn trong cuốn Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan chỉ nhắc qua đến đến bộ Sách Hồng, không coi là những tác phẩm văn chương quan trọng. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn Học Giản Ước Tân Biên không nói tới các sách này. Trong Bảng Lược đồ Văn Học Việt Nam – Quyển Hạ – Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945) (Trình Bầy, Sài Gòn, 1967) Thanh Lãng chú ý đến Sách Hồng hơn, ông viết: “Hai loại xuất bản lớn ra đời do những nhà văn thời danh chủ trương: chúng tôi muốn nói đến hai tủ sách: Sách Truyền Bá và Sách Hồng. Các nhà văn thi nhau mà lục lọi tìm tòi trong di sản cũ những truyện biến ngôn, những truyện hoang đường để mặc cho chúng những bộ áo mới duyên dáng và thi vị hơn. Ngay trong loại Sách Truyền Bávà Sách Hồng, ta cũng có thể gặp nhiều tác phẩm quả thực có giá trị lâu bền. Những huyền truyện trên đây gây trong dân chúng một tiếng vang to tát: chúng là món ăn tinh thần hợp giọng của thanh thiếu niên đang ham mê những cảnh thần tiên, mơ mộng. Không nguyên giải trí, Sách Truyền Bá và Sách Hồng còn là những phương tiện hiệu lực vô cùng để truyền bá chữ quốc ngữ và phổ thông vào trong dân chúng nghệ thuật mới. So sánh với các huyền truyện của Huỳnh Tịnh Của, của Trương Vĩnh Ký, hay của Phan Kế Bính, các huyền truyện trong hai tủ sách Truyền Bá và Sách Hồng đã vượt hẳn lên một bậc : cách kết cấu chặt chẽ, mạch lạc ; ý tưởng sâu sắc; văn từ dễ dãi, nhất là lưu loát.” (trang 711-712; dẫn lại theo Luận văn chưa ấn hành viết về Khái Hưng của Tanaka Aki (田中 あき), sinh viên Đại học Ngoại ngữ Tokyo – tên chính thức là Đông Kinh Ngoại Quốc Ngữ Đại học).
Thực ra các bộ Truyền Bá và Sách Hồng không chỉ kể lại những “huyền truyện, truyện biến ngôn, những truyện hoang đường thuộc di sản văn chương cũ” như Thanh Lãng tóm tắt. Hai bộ sách này in những sáng tác mới, phần lớn nội dung là khung cảnh xã hội đương thời. Nhiều tác giả đã nổi danh trước khi tham gia trong các bộ sách thiếu nhi này. Một số tác giả viết theo lối văn kể chuyện cổ tích, huyền thoại, ngụ ngôn; nhưng đó là số ít và họ vẫn sáng tác những câu chuyện hoàn toàn mới.
Bộ sách Truyền Bá do ông Vũ Đình Long và nhà in Tân Dân chủ trương, quy tụ các nhà văn không thuộc Tự Lực Văn Đoàn nhưng nổi tiếng không kém. Trong đó có Nguyễn Công-Hoan, Tô-Hoài, Lê Văn-Trương, Thâm-Tâm, Trúc-Khê, Ngọc-Giao, và những nhà văn trẻ hơn như Mạnh Phú-Tư, Hoàng Cầm, Hữu-Mai, Phạm Bá-Đại, Mai-Phương, Vũ Bằng, vân vân. Bộ sách Truyền Bá in như một tạp chí, ra mỗi tháng hai lần, về sau in mỗi tuần một cuốn, gọi là tuần báo Truyền Bá. Trong mỗi số có một truyện ngắn đầy đủ và một truyện dài đăng liên tiếp nhiều kỳ, với nhiều bài ngắn cho trẻ em tìm hiểu, thí dụ trong số Báo Tết có những bài “Ý nghĩa của những bức tranh Tết” hoặc “Tại sao người ta lại luộc bánh chưng về ban đêm?” Người đọc thời nay chắc sẽ thú vị thấy cuốn Trên đảo Hoàng-Sa của Ngọc-Cư, in tháng Ba năm 1943, chứng tỏ các nhà văn nước ta đã chú ý đến quần đảo này trong khi cuộc Thế Chiến Thứ Hai còn đang diễn ra và nước ta còn do Pháp cai trị và bị quân Nhật chiếm đóng.
Các tác giả Sách Hồng
Trong số các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn hai tác giả viết cho loại Sách Hồng nhiều nhất là Khái Hưng, Hoàng Đạo và Thạch Lam, mỗi người trên 10 cuốn. Ngoại trừ Nhất Linh và Xuân Diệu, các nhà thơ, nhà văn khác trong văn đoàn đều góp tác phẩm trong bộ sách thiếu nhi này. Thí dụ Thế Lữ (Hai Thứ Khônin hai lần, Cuộc Đời Ly Kỳ và Gian Nan Của Rô-Bin-Sơn, dịch, in thành bốn cuốn); Thạch Lam – khi viết Sách Hồng còn lấy bút hiệu Thiện Sĩ (Hạt Ngọc của Thạch Lam, Quyển Sách của Thiện Sĩ, vân vân); Tú Mỡ kể chuyện bằng thơ lục bát (Bà Túng, số 26, tháng Sáu 1942; Vụ kiện Trê Cóc, số 27, tháng Giêng 1943), có viết kể truyện cổ tích như Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn (cuốn này ghi ở bìa là Truyện Cổ Tích, không phải là Sách Hồng, nhưng cũng là sách dành cho thiếu nhi). Nhiều tác giả ngoài Tự Lực Văn Đoàn được mời viết, phần lớn thuộc lớp tuổi trẻ hơn, như thi sĩ Huyền Kiêu (Đứa bé đi câu), V. Minh (Hai tháng đầy đủ của một Hướng đạo sinh, 2 cuốn), J. Lưu Ngọc Văn (Tiếng Chim Ca, tập 1 ), Đào Văn Thiết (Tiếng chim ca, Tập 2), Huyền Hà (Sách rừng, 1, 2, 3, 4), vân vân.
Sách cho trẻ em đọc thường in nhiều hơn các tác phẩm văn chương, loại Sách Hồng cũng vậy. Thí dụ, cuốn Con Cá Thần của Hoàng Đạo in ngày 18 Novembre 1939 tại nhà in Ngày Nay, “tirage” (số lượng in) do quản lý (gérant) của nhà in ký nộp bản ngày 15 Decembre 1939, ghi 10,000 cuốn, mỗi cuốn 32 trang [Minh họa số 5]. Ông Đồ Bể của Khái Hưng, in 30 Juin 1939, chứng nhận tirage của nhà in Ngày Nay, đề ngày 31 Aout 1939, in 10,000 cuốn. Một cuốn bán chạy, như Cóc Tía, kịch 2 hồi 2 cảnh của Khái Hưng, khi tái bản lần thứ ba năm 1940 vẫn còn in 5,000 cuốn [Minh họa số 6]
Minh họa số 5: bìa Con Cá Thần. Đời Nay. 1939 (trích từ microfilm)
Minh họa số 6: bìa Cóc tía. Đời Nay, 1940 (trích từ microfilm)
Với số lượng phổ biến cao như vậy, Sách Hồng gây ảnh hưởng trên lối viết, lối diễn đạt của độc giả nhiều hơn những tác phẩm văn chương của Tự Lực Văn Đoàn. Văn chương Sách Hồng rất giản dị, trong sáng như văn đoàn này vẫn chủ trương; các tác giả đều cố gắng đạt tới mức giản dị tối đa.
Từ năm 1952 Nhất Linh lập nhà xuất bản Phượng Giang tại Sài Gòn tái bản sách TLVĐ và Sách Hồng, đồng thời có thêm những tác phẩm mới của các tác giả không thuộc Tự Lực Văn Đoàn. Về Sách Hồng có các cuốn do Phượng Giang xuất bản lần đầu như Chiếc Áo Nhung Lam của Linh Bảo, Hoàng Tử Chột và Công Chúa Xứ Anh Đào, của Phạm Lệ Oanh (cũng dùng tên Lệ Oanh để viết Con Đường Mới, Đứa Trẻ Khốn Nạn, Lá số tử vi, Phật của bé Hương), của Bình Nguyên Lộc (Người đàn ông đẻ), của Đỗ Đức Thu (Bạn vàng) Bảo Sơn (Đảo san hô)…
Ngôn ngữ
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong Sách Hồng những chữ mà đến thế kỷ 21 ít người Việt Nam còn sử dụng như: “Đường đi trong làng quằn quèo” (Lên Chùa của Thiện Sĩ) cũng như “tìm nhẽ lý của cuộc đời,” hoặc “một giống chim cứng cát” (Hoàng Đạo, Con Chim Gi Sừng). Trong Hạt Ngọc của Thạch Lam, ông viết, “Bà Tú mời ông Ba ngồi trên chiếc trường kỷ kê liền một chiếc án thư.” Những đồ đạc như “trường kỷ” (ghế dài) và “án thư” (bàn nhỏ để sách) ngày nay ít người biết đến, nhưng chữ “liền” nghĩa là “ở bên cạnh” giờ cũng không mấy ai dùng, mặc dù chữ “liền” nghĩa là “ngay lập tức” vẫn còn thông dụng.
Cũng vậy, trong Sách Hồng viết nhiều chữ Hán, các chữ thời đó còn thông dụng, ai cũng hiểu, nhưng ngày nay rất ít người dùng, thí dụ gọi cha, bố làthân phụ. Trong Cóc Tía của Khái Hưng, “Con vẹt chào nhị vị đại huynh” nghe hài hước như các vai trò nói trên sân khấu. Trong Sơn Tinh của Hoàng Đạo ông viết “Ngọn cô phong,” (nghĩa là ngọn núi cao lẻ loi), “hiền khế” (gọi người con rể). Trong Con Hươu Sao của Hoàng Đạo, số 31, in năm 1944, ông kể: “Con chồn năn nỉ con chó săn của ông châu: Xin anh hãy nghĩ đến tình đồng hương, đồng xứ!” Trong sách dịch Cô Bé Đuôi Cá, Hoàng Đạo viết, “… tân lang và tân nhân xuống tầu. Tiếng súng thần công nổ vang …”
Ảnh hưởng của lối văn cổ điển thấy rõ trong thơ Tú Mỡ, khi ông mô tả nàng Bạch Tuyết, với ngôn ngữ phảng phất Cung Oán:
Miệng cười như đóa hoa xinh,
Con mắt đa tình đắm nguyệt say hoa
Một điều lý thú là ngay khi viết cho trẻ em đọc, các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn vẫn giữ cả lối viết hài hước, trào phúng với ngụ ý phê bình xã hội đương thời. Trong Cóc Tía (Sách Hồng số 8) Khái Hưng cho các con vật nói năng trịnh trọng, rõ ràng chế giễu một thói tục đương thời. Ông giải thích một vùng bị nạn hạn hán với lý do quên hối lộ các quan phụ trách làm mưa trên “thiên đình;” bọn họ tham ô, chỉ nơi nào dâng lễ nhiều mới cho mưa xuống. Các sinh vật họp nhau lại, đề cử Cóc Tía lên trời khiếu nại – vì Cóc có uy tín “là Cậu Ông Trời!” Cóc Tía đã “tuyển mộ anh tài đại náo thiên cung” vì thiên đình là một lũ thối nát! Khái Hưng mô tả Ông Trời cũng “mê đánh tổ tôm,” bỏ cả việc “triều đình” giống như ông “Quan Phụ Mẫu” trong truyện ngắn “Sống Chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn. Nhưng các vì sao “quần thần” cũng ham chơi: Bắc Đẩu quên không giữ “sổ tử,” Nam Tào bỏ “sổ sinh” không “cập nhật” không biết trong các loài sinh vật đứa nào còn sống, đứa nào đã chết. Ngòi bút Khái Hưng vẫn sắc xảo như khi viết tiểu thuyết phê bình xã hội. Khi cô Hằng Nga trên cung trăng nói có thể giúp cho tất cả loài người “hạ giới” bất tử; Bắc Đẩu hỏi: “Bất tử mà bệnh tật, nghèo đói thì bất tử làm gì?”
Đề tài
Nhiều Sách Hồng kể chuyện cổ tích, như Tú Mỡ kể lại chuyện Trê Cóc, Hoàng Đạo phóng tác chuyện Tấm Cám nhưng cả hai đều thay đổi nhân vật, bố cục và nhiều chi tiết. Nhiều cuốn là sáng tác mới viết nhưng viết theo lối chuyện cổ tích, như Ông Đồ Bể của Khái Hưng, Con Cá Thần của Hoàng Đạo. Nhưng phần lớn các Sách Hồng kể những câu chuyện trong khung cảnh thời đại của người đọc chứ không phải thuộc thời xa xưa. Những câu chuyện đoàn Hướng Đạo đi cắm trại, hoặc một gia đình về quê để những đứa trẻ có dịp quan sát nghề làm ruộng, hoặc một em bé lên chùa nghe giải thích về tôn giáo, đều nhắm vào việc giáo dục lớp thiếu nhi hiểu biết thêm về xã hội Việt Nam bên ngoài các thành phố.
Ngay trong chuyện thần thoại, nhân vật chính là các trẻ em bình thường, như một cậu học sinh trong Con Cá Thần, hoặc là một nho sĩ như Ông Đồ Bể. Theo lối kể chuyện thiếu nhi, các Sách Hồng cũng lấy những loài thú làm “nhân vật.” Như con Ong, con Kiến, và con Ve, cá Trê, Cóc với Nhái Bén, Ễnh Ương (Vụ Kiện Trê Cóc kể bằng thơ, của Tú Mỡ). Các “nhân vật” trong kịch Đạo sĩ của Khái Hưng là Hươu, Nai, Chim, Vượn, Gấu, Hổ, lại thêm các loài Hoa Đơn, Hoa Sim, Hoa Cúc, tất cả đều nói tiếng người. Cũng như con hươu, con bướm, con cú, cô chim khuyên, đến cô phong lan và cả giọt sương cũng biết nói, trong Con Hươu Sao của Hoàng Đạo, số 31, in tháng Bảy năm 1944. Con Chim Gi Sừng của Hoàng Đạo (số 15) là lời con chim già kể cuộc đời mình, từ lúc chui ra khỏi vỏ trứng, thấy mẹ bay lượn chào đón các con; trong truyện này các loài chim đều nói chung một tiếng nói. Trong Sách Hồng hay có thần thánh tham dự và phù trợ, thí dụ trong Bông Cúc Huyền của Khái Hưng, Con Cá Thần Hoàng Đạo.
Một số Sách Hồng đã dịch các truyện ngoại quốc phổ thông, đã mang tính chất quốc tế. Cuộc đời ly kỳ và gian nan của Rô-Bin-Sơn một mình trên hoang đảo được Thế Lữ dịch thuật, in thành bốn cuốn, số 11, 12, 13, và 22). Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn được Tú Mỡ kể lại bằng thơ, với các nhân vật được Việt Nam hóa. Con chim nói sự thực của Thiện Sĩ dịch nhiều truyện cổ tích quốc tế. Hoàng Đạo dịch chuyện Con Chim Họa Mi, số 32, có thêm truyện Cô Bé Thơm, in năm 1944, giới thiệu là “truyện thần tiên của Andersen.” Cô Bé Đuôi Cá do Hoàng Đạo dịch in xong tháng Năm năm 1945 là một ấn bản đặc biệt không đánh số; mỗi cuốn trên gồm nhiều truyện ngắn của Christian Andersen, dịch theo bản tiếng Anh. Truyện Con chim nói sự thực (số 21, in năm 1942) của Thiện Sĩ được tác giả giới thiệu là dựa trên một truyện của Y Pha Nho (nay gọi là Tây Ban Nha).
Trong thời gian các Sách Hồng ra đời Phong trào Hướng Đạo đã phát triển khá rộng. Hướng Đạo, từ Anh quốc qua Pháp rồi từ đó sang hoạt động tại Việt Nam từ năm 1930, đã lập những đoàn “Sói Con” cho trẻ em từ 6 tuổi đến 11 tuổi. Tên gọi này dựa trên một câu chuyện của nhà văn người Anh Rudyard Kipling, ông tả một em bé sơ sinh được đàn sói nuôi, sống chung với các con sói khác. Huyền Hà đã dịch 4 cuốn Sách Hồng mang tên chung là Sách Rừng tập I, II, III và IV. Cuốn Sách Rừng Tập I : Anh em của Mowgli của Kipling được Huyền Hà dịch từ bản gốc tiếng Anh, in năm 1943. Cuốn thứ nhì đặt tựa là Sách Rừng Tập II : Kaa Đi Săn, tên một điệu múa của các “sói con.” Cuốn thứ ba có tựa là: Sách Rừng Tập III : Có Hổ! Có Hổ. Cuốn thứ bốn có tựa là: Sách Rừng Tập IV : Rikki, Tikki,Tavi.
Tập truyện đưa ra những “nhân vật” trong đàn thú rừng, sống ở khu đồi Seeonee. “Thằng bé con người” lúc sơ sinh bị bỏ lại bên đống lửa giữa rừng khi người lớn bỏ chạy hết vì bị cọp tấn công. Cọp Shere Khan đã phạm “luật rừng cấm không được tấn công loài người” (cấm tấn công cả gia súc do loài người nuôi, vì sợ họ sẽ trả đũa). Shere Khan gặp lửa bị bỏng nên thất bại không bắt được người nào. Chú bé được một ông bố sói cứu đem về nuôi như một “sói con” đặt tên là Mowgli, vì nó trần trụi không lông, như một con ếch. Bầy sói tự gọi là “Dân Tự Do” do “sói xám cô đơn” đứng đầu, cũng gọi là “Akela hay Sói đầu đàn,” có những nhân vật tốt như con voi Hathi, con báo đen Begheera, con trăn Kaa, con gấu Baloo (không ăn thịt, chuyên dậy luật rừng cho các sói con), có con cọp Shere Khan và chó rừng Tabaqui là những nhân vật xấu. Huyền Hà đã góp công vào việc giáo dục Hướng Đạo cho các “sói con” Việt Nam chưa đọc được tiếng Pháp. [Minh họa số 6]
Minh họa số 6: Sách Rừng, tập I: Anh Em Của Mowgli,
Huyền Hà dịch truyện của R. Kipling
Nội dung
Tự Lực Văn Đoàn có chủ trương phục vụ xã hội qua việc phổ biến các hiểu biết mới và những giá trị luân lý cũ và mới. Tủ sách Sách Hồng đặc biệt viết cho các thiếu nhi đọc cũng theo lý tưởng chung đó. Các cuốn sách này không chỉ nhằm giải trí mà còn có mục đích giáo dục người đọc. Hai cuốn sách đầu tiên trong bộ Sách Hồng do Khái Hưng và Hoàng Đạo viết đều mang nội dung giáo dục. Có thể đoán, trước khi xuất bản bộ Sách Hồng trong Tự Lực Văn Đoàn đã thảo luận với nhau và hai tác giả được phân công viết những cuốn đầu tiên là Khái Hưng và Hoàng Đạo. Nội dung hai cuốn sách này có thể “làm mẫu” cho cả bộ sách sau đó. Trong Tự Lực Văn Đoàn Hoàng Đạo là người chú ý đến việc xây dựng lý tưởng mới cho thanh niên, như khi ông viết Mười Điều Tâm Niệm, một cuốn sách mang tính chất lý luận, và tiểu thuyết Con Đường Sáng. Độc giả của Mười Điều Tâm Niệm hoặc Con Đường Sáng là những người đã trưởng thành. Sách Hồng nhắm lớp trẻ trên dưới 10 tuổi, cho nên nội dung giáo dục cũng khác.
Đối với những người đã quen nhìn Tự Lực Văn Đoàn như một nhóm trí thức trẻ thể hiện chủ trương “theo mới” bằng cách đả phá những cái cũ, thì nội dung giáo dục trong Sách Hồng có thể đáng ngạc nhiên. Vì ngay trong những cuốn sách đầu tiên, do hai nhà văn chủ chốt, chúng ta thấy Tự Lực Văn Đoàn làm công việc xây dựng chứ không đả phá. Và để xây dựng một nếp sống mới, một nền luân lý vững vàng cho các thiếu niên, Khái Hưng và Hoàng Đạo đã đề cao những giá trị đạo lý cổ truyền của người Việt Nam.
Đề cao đạo đức cổ truyền
Tự Lực Văn Đoàn nổi tiếng về các tiểu thuyết mô tả và đả kích các phong tục cũng như các quy tắc luân lý hủ lậu trong xã hội Việt Nam. Nhưng bộ Sách Hồng lại chứng tỏ một cố gắng phục hồi những nền nếp tốt của Nho giáo và Phật giáo, qua những mẫu người, những tấm gương sống thể hiện tinh thần đạo Phật cũng như đạo Nho.
Trong cuốn sách đầu tiên của bộ Sách Hồng (mang số 1), Khái Hưng kể chuyện Ông Đồ Bể, một Nhà Nho chính trực mà giới trẻ Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21 vẫn có thể noi gương. Ông Đồ Bể lên đường về Thăng Long đi thi; ông đi qua một cái miếu có vị thần “rất thiêng,” nhưng ông không chịu vào lễ theo lời bà bán quán khuyên, để xin phù hộ may mắn và tránh bị thần phạt. Ông Đồ giải thích: “Chỉ những kẻ hèn hạ không biết tự trọng hay không chính trực quang minh mới khúm núm sợ hãi mà thôi.” Vị thần miếu tức giận lắm, hiện lên thành người, kết bạn với Ông Đồ, đi chung đường để thử xem ông ta có “chính trực quang minh” hay không. Nếu Ông Đồ để lộ tính xấu thì Thần sẽ trừng trị. Thần còn cố ý xúi giục Ông Đồ làm bậy, nhưng ông luôn luôn giữ tư cách đường hoàng. Trong khi khát nước ông từ chối không bẻ mía trên ruộng của người ta mà ăn; khi múc nước dưới giếng lên thấy cục vàng, ông cũng vứt xuống, không lấy. Tới một quán trọ chỉ có hai cô gái làm chủ, một cô còn liếc mắt đưa tình, Ông Đồ Bể không chịu vào ngủ trong quán trọ mà dựng lều lên ở ngoài đường qua đêm.
Tới Thăng Long, nghe các thí sinh nói viên đốc học làm chánh chủ khảo trường thi là người chuyên ăn hối lộ, ai đút tiền nhiều thì được đỗ cao, ai không đút lót thì rớt. Vị thần đã lấy tình bạn đề nghị giúp Ông Đồ đủ vàng bạc để hối lộ: “Tôi đã đem theo đây bốn nén vàng để phòng khi gặp phải ông chánh chủ khảo có máu tham đồng, đổi trắng thay đen, thì sẽ tùy cơ ứng biến. Đây bác cầm lấy hai nén rồi ngay đêm nay chúng ta cùng nhau tìm vào nơi nhà riêng của viên đốc học.”
“Ông Đồ Bể từ chối, nói thà rằng không đỗ chứ nhất định không chịu đút lót, lễ lạc để mất cả phẩm giá con người.” Thái độ và hành vi chính trực của Ông Đồ đã thay đổi thái độ của vị thần. “Đến đây ông thần mới tỉnh ngộ và hiểu rằng không có cách gì, không thể dùng mưu thần chước quỷ nào trị nổi một người chính trực quang minh như Ông Đồ Bể được. Lòng thù ghét của ông thần đối với ông đồ đổi ra lòng cảm phục.” Sau đó Ông Đồ Bể đã thi đậu, vào triều gặp ông vua, đi làm quan, vân vân, mà lúc nào cũng cho thấy một tư cách quang minh chính đại, theo đúng các tiêu chuẩn đạo đức của nhà Nho, mặc dù tác giả không nhấn mạnh đến những chữ “Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ,” vẫn thường được đề cao trong Nho giáo. Viết Ông Đồ Bể, Khái Hưng cũng nhằm một mục đích giống như Phan Bội Châu viết Khổng Học Đăng, hay Trần Trọng Kim viết Nho Giáo.
Con Cá Thần của Hoàng Đạo là cuốn số 2 trong bộ Sách Hồng, kể chuyện một cậu bé có lòng hiếu thảo và nhân từ. Cha chết năm 13 tuổi, “gia sản” dùng hết vào việc “thuốc thang,” cậu Minh phải bỏ học về ở nhà giúp mẹ. Cậu trở thành một người đánh cá. Một hôm, cậu câu được một con cá vừa lớn vừa đẹp, con cá biết nói tiếng người van xin cậu tha. “Cậu mơ màng nhớ đến thuyết luân hồi của đạo Phật mà mẹ cậu thường nói đến, và bỗng đem lòng thương con cá kia, có lẽ cũng biết đau khổ, cũng biết sống và vui như cậu. Cậu bèn thả con cá dị kỳ xuống biển. Con cá tỏ vẻ hoan hỉ, nhìn Minh gật đầu như để tỏ lòng cảm tạ rồi vẫy đuôi bơi đi.”
Đêm hôm đó Minh nằm mơ thấy một chàng thiếu niên, tự nhận là thái tử con của Long Vương (vị vua cai trị dưới biển), chính là con cá dị kỳ Minh đã tha chết. Hôm sau, chàng hoàng tử biển này đã dẫn Minh xuống “Thủy tinh cung,” giúp Minh tìm được kho tàng quý, nhờ thế trở thành giầu có. Trong chuyến du lịch dưới nước, Minh tỏ ra có lòng thương loài vật như người, khi có tiền chàng lập nhà thương giúp hàng xóm. Chàng cởi trói cho con cá chiên mắc bẫy, chính là long nữ dưới thủy cung; chàng nhường cơm cho người đói. Chàng không tham lam, tìm được kho báu bèn đem trả long vương; Long vương cho cả hộp châu báu nhưng chàng chỉ xin một ít vàng đủ để nuôi mẹ thôi. Minh can đảm, phải bước qua một cái ao nước sôi sùng sục nhưng không sợ. Khi thấy mình trở nên nhẹ nhàng, đi trên mặt nước “Minh mới hiểu rằng lòng can đảm là một lá bùa hộ thân rất hiệu nghiệm.”
Minh là người hiếu học, khi không phải lo kiếm tiền bèn đi học lại, rồi lập trường học giúp trẻ em cùng làng. “Bà mẹ Minh vốn là một hiền mẫu, … ngay hôm sau bà cụ mướn người dựng nhà, mua bàn ghế, mời giáo sư về mở trường dạy học. Không bao lâu bao nhiêu trẻ con trong làng đều đến trường ấy học tập, vì bà cụ nhân từ kia đi từng nhà khuyên mời và cấp giấy bút cho những học trò nghèo.”
Trong thập niên 1930 ở Việt Nam có phong trào phục hưng Phật Giáo, với các buổi diễn thuyết, với sách, báo, các hội Phật học và tổ chức “tăng già.” Những người lãnh đạo phong trào này chắc cũng không ngờ Tự Lực Văn Đoàn cũng đóng góp vào công cuộc đó, với những cuốn Sách Hồng cho trẻ em đọc.
Cuốn Lên Chùa của Thiện Sĩ (một bút hiệu khác của Thạch Lam), Sách Hồng số 14, không những giúp các bạn trẻ hiểu biết thêm về đạo Phật mà còn giải thích cho cả người lớn về nghi thức thờ phụng trong một ngôi chùa của Phật Giáo Bắc Tông. Trong câu chuyện, hai đứa trẻ Dung và Thạch xin đi theo mẹ đi lễ chùa nhân ngày rằm tháng Giêng; trong khi người mẹ chỉ tính đi lễ cùng các bà bạn – một thành kiến coi chùa chiền chỉ là việc của các “bà vãi.” Ông Thân, người cha đã dẫn các con đi. Tới chùa, các con được ông Thân giải thích cho hai đứa trẻ về sự tích đức Phật, từ lúc đi tu cho tới khi nhập Niết Bàn.
Ông Thân kết luận: “Đạo Phật là một đạo cao siêu và uyên thâm, bây giờ các con chưa hiểu được. Theo đạo Phật thì người ta kiếp này chết đi lại bắt đầu kiếp khác mãi không hết, như thế gọi là luân hồi. Mà việc gì cũng có liên lạc nhân quả với nhau; nếu làm việc thiện thì kiếp sau được hưởng điều thiện, làm việc ác thì phải chịu điều ác. Nếu muốn thoát khỏi cái vòng luân hồi để đến thế giới cực lạc, hay Nát Bàn, thì phải theo đạo Phật. Nghĩa là phải suy nghĩ cho sáng suốt, hiểu biết mọi lẽ để tâm hồn không bị tối tăm mê muội nữa. Và phải đem lòng từ bi, thương mến mọi người, mọi vật quanh mình, chớ làm điều ác bao giờ. Như các con còn bé bây giờ thì phải chăm chỉ học hành để hiểu biết thêm, phải giúp đỡ những người nghèo khó. Cứ làm như thế các con cũng là làm theo đạo Phật rồi.” Thiện sĩ viết thêm: “Thạch và Dung đều kính cẩn vâng lời, ghi nhớ lấy những lời cha dặn.”
Đi khắp ngôi chùa, ông Thân giảng giải với hai con về cách bầy biện các pho tượng Phật và Bồ Tát, các bàn thờ trong chùa, những kiến trúc từ Cổng Tam Quan vào Chính Điện, vào Tăng đường hay nhà Tổ, qua Nhà Bái Đường nằm ngang nối với chính điện, với hai vị thần Hộ Pháp. Sau cùng, ông Thân dẫn các con qua Điện, là nơi thờ “Thánh Mẫu” và “Đức Ông” và các “quan lớn” để cho “phái đồng bóng.” Ông giải thích: “Phái này không có liên lạc gì với Đạo Phật cả. Người ta sở dĩ lập ban thờ Chư Vị ở đây vì muốn chiều lòng những người muốn đến lễ bái, dâng bát hương, ngồi đồng, ngồi bóng. Nhưng cách thờ phụng như thế thực hỗn tạp và giảm mất cái cao quý tôn nghiêm của đạo Phật đi.”
Tự Lực Văn Đoàn không cổ động cho Nho giáo cũng như Phật giáo, họ chỉ quan tâm đến những giá trị nằm trong các nguồn văn hóa tổ tiên người Việt đã tiếp nhận để từ đó xây dựng nền đạo lý dân tộc. Tú Mỡ, trong tập truyện Bà Túng viết theo thể song thất lục bát, trong truyện Thằng Ăn Cắp Gà với Bà Già Đạo Đức với những niềm tin tưởng bình dân, trong đó các thần, phật đều ở trên thiên cung, mọi việc thế gian do ông Trời xếp đặt:
Vả chăng việc trên đời thiện ác
Đã có Trời thưởng phạt công minh
Trong chuyện Người Hóa Khỉ, Phật đóng vai một sứ giả của Trời, đã hiện xuống làm một ông già, bảo cô gái:
Ta là Phật Tổ Như Lai,
Trời sai ta xuống thử người trần gian
Vì cô gái hiền lành tử tế nên được Phật giúp đang xấu trở thành đẹp. Còn ông bà “trưởng giả” cha mẹ nuôi cô thì độc ác, cho nên Phật đã khiến họ biến thành khỉ, đó là “Nghìn xưa sự tích của con bù dù!”
Tú Mỡ không đề cao một tôn giáo, nhưng kết thúc câu tục ngữ diễn tả triết lý nhân quả trong đạo Phật đã thấm nhuần trong văn hóa Việt Nam:
“Ở hiền âu sẽ gặp lành
Ai hành ác nghiệt tội đành vai mang.”
Hoàng Đạo không “viết chuyện cổ tích” mà phóng tác để thay đổi cho chuyện cũ bớt người ác, nhiều người thiện hơn. Truyện Lan và Huệ của ông (số 10, in tháng Giêng 1941) kể chuyện mẹ ghẻ, con chồng, giống như chuyện Tấm Cám nhưng với kết cục rất nhân hậu. Lan đóng vai cô Tấm, giầu lòng từ bi, yêu thương cả các loài vật như con chim, con chuột. Nhưng tác giả đã thay đổi đoạn kết: Lan không trả thù mà đã rộng lượng tha thứ cho bà dì ghẻ và cô em tên là Huệ! Lan cảm hóa cả hai người, biến người ác thành người thiện!
Triết lý sống giản dị, lương thiện
Trong Cái Ấm Đất của Khái Hưng (số 9, 1940); một nhà cự phú trước khi chết đã thú tội với các con “Cha đã hà hiếp bóp hầu bóp họng người ta để có được cái tài sản ngày nay mà cha sắp đem chia cho các con. Cha xuất thân với nghề bán nước vối rong.”
Người cha để lại gia tài rất lớn, với một di sản đặc biệt là cái ấm đất: “Nó là người bạn hàn vi của cha. Nó là người bạn thân-mật của một quãng đời trong sạch của cha, vì ngày còn phải kiếm ăn với cái ấm đất, cha hiền lành, ngay thẳng, thành thực. Rồi sau, một ngày một thêm giàu có, cha cũng một ngày một thêm lừa lọc, gian trá, ác nghiệt, tàn nhẫn. …cái ấm đất thì nó hoàn toàn trong trắng, không hề nhuộm máu, (không) đựng mồ hôi nước mắt của một ai.”
Khi chia gia tài, người anh Cả nhận lấy ruộng và trâu; anh Hai lấy dinh cơ nhà cửa; chỉ cậu em út nhận cái ấm đất. Hai anh muốn giúp nhưng cậu em từ chối. Anh Ba đi bán nước vối, một ông cụ uống hết cả ấm mà không trả tiền, một bà cụ làm đổ hết cả nước vối, đổ hai lần, nhưng anh Ba vẫn vui vẻ. Vị thần thử thách anh xong mới nói: “Tôi là linh hồn của cái ấm đất này, tôi là Thần Ấm Đất,” và hỏi anh ước muốn gì sẽ giúp.
Anh Ba không thích giàu, không thích sang, chỉ thích sống “đủ ăn, không làm phiền ai và không bị ai làm phiền mình.” Giữa hai mục tiêu “giàu có hay sung sướng,” anh Ba chỉ mong sống sung sướng. “Ba sẽ sung sướng được sống một đời trong sạch. Ba sẽ sung sướng với sự giúp đỡ kẻ nghèo, vì không giàu có Ba cũng có thể giúp đỡ kẻ nghèo bằng một bát nước vối nóng, thơm ngọt. … Ba sẽ sung sướng vì một đời bình dị sẽ không thay đổi lòng Ba như một đời giàu có. Ba sẽ mãi mãi giữ được nguyên vẹn lòng tốt của mình.”
Cổ động nếp sống mới
Sống khỏe mạnh, sống gần gũi với thiên nhiên, đó là một phong trào mới ở các thành thị nước ta từ đầu thế kỷ 20. Tự Lực Văn Đoàn tích cực đóng góp cho cuộc vận động này.
Cắm Trại của Khái Hưng tả một đoàn Hướng Đạo đi cắm trại. Đây là những trang nhật ký của Lực, anh đoàn trưởng 16 tuổi; anh dẫn đoàn đi cắm trại từ ngày 28 tháng Sáu đến 20 tháng Bẩy, quá lâu ngày so với các cuộc cắm trại bình thường chỉ trong một cuối tuần. Cho nên trong kỳ trại này đoàn đã làm nhiều công việc hữu ích chứ không chỉ đi chơi. Mục đích của tác giả là diễn tả quan niệm sống mới.
Thí dụ, ông đề cao ý kiến “Làm việc bao giờ cũng thích, nhất là làm việc bằng chân tay.” Vì vậy, luật lệ của đoàn cắm trại là ai muốn nhập đoàn, muốn được đi cắm trại thì phải thông thạo một nghề chân tay. Trong câu chuyện chúng ta thấy các đoàn sinh biết đan tre, biết cắt áo, đóng bàn ghế, vân vân. Họ còn giúp ích xã hội, như làm cả một sân vận động cho ngôi làng nơi họ đóng trại, rồi giúp dân trong việc chài lưới. Trong một tháng ở gần nông dân họ được học về các loại thóc, được tập cầy, bừa, còn học cả cách làm nước mắm. Những điều này Hoàng Đạo cũng hay cổ động trong các sách của ông, cho thấy hai nhà văn đều thể hiện một chủ trương cải tạo xã hội của Tự Lực Văn Đoàn.
Hạt Ngọc của Thạch Lam (số 12) là một cuốn hay nhất trong bộ Sách Hồng. Lối viết của Thạch Lam giản dị, nhẹ nhàng rất thích hợp với đề tài và mục đích giáo dục thanh thiếu niên thành thị về đời sống của người nông dân, cho họ thấy muốn có những hạt cơm ăn (những hạt ngọc) thì bao nhiêu người phải góp công, góp sức. Các trẻ em ngày nay, năm 2015 muốn học về nghề làm ruộng, trồng lúa của tổ tiên từ thế kỷ 20 về trước nếu đọc Hạt Ngọc cũng đủ các thông tin cần thiết.
Câu chuyện bắt đầu khi Ban, một học sinh ở Hà Nội, phải làm bài luận tả một buổi gặt lúa ở nhà quê. Cậu bị điểm kém vì, cậu phân trần với cha, “con chưa thấy người ta gặt lúa bao giờ thì làm sao mà tả được?”
Ông Ba, người cha cậu bé thấy phải đưa hai con về quê, ở tỉnh Hưng Yên. Ông suy nghĩ: “Về quê để chúng biết công việc đồng áng ruộng nương ra sao … Để chúng biết sự làm ăn khó nhọc, chân lấm tay bùn của những người làm ruộng suốt ngày giãi nắng giữa cánh đồng; để chúng biết giá trị của một hạt thóc mà bao nhiêu công quả mới gặt được về. Ông thường thấy trẻ con các nhà giàu có ở Hà Nội không biết coi trọng hạt cơm … Ông lại thấy các cậu đó đối đãi với những người nhà quê rất là khinh bạc, tỏ ý khinh bỉ những người quần nâu áo vải….” Thạch Lam viết cuốn sách này nhằm mục đích giáo dục trẻ em thành phố như vậy.
Ông Ba đưa Ban và Hồng, cô con gái nhỏ, về quê. Họ vào quán nước đầu làng, gặp bà bán hàng tử tế. Hai đứa trẻ được ra đồng xem gặt lúa, chúng được cho thử gặt lúa để thấy công việc đòi hỏi kỹ thuật khéo léo. Những người thợ gặt được chủ ruộng cho phép đổi lúa mới gặt lấy bánh của cô hàng, cô này cứ mùa gặt mới làm bánh đem bán. Tối về nhà các em được xem đập lúa, cũng được tập dùng cái néo nhưng rất vụng về. Các em được thấy người ta dùng đôi đũa tre để “tuốt lúa” là gạt nốt thóc sót lại trên từng bông lúa, các em biết mỗi hạt thóc đều quý giá. Tác giả giới thiệu “cái hái” để cắt các bông lúa, “cái néo” để kẹp lúa lại khi “đập lúa,” mô tả kỹ lưỡng cả cách sử dụng những nông cụ này. Trong lúc ngoài sân đập lúa thì trong nhà có tiếng giã gạo, và có tiếng các cô thợ hát lên những bài ca dao mà cậu Ban đã được học trong sách.
Đoạn cuối câu chuyện ngắn, Bà Tú chủ nhà và cô con gái giảng cho Ban và Hồng những giai đoạn của nghề nông, từ lúc gieo hạt, trồng lúa cho đến việc xay thóc, giã gạo. Bà Tú kết luận với những lời khuyên: “Người ta nói Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm quả không sai…. Hạt thóc cần để nuôi sống loài người, và lại biết bao nhiêu công của, bao nhiêu sức lực mới giồng lên được. Vậy các con phải kính trọng và cám ơn các người làm ruộng, nhờ có họ chúng ta mới có cơm ăn.”
“Bà Tú dịu dàng nói thêm: Hạt cơm là hạt ngọc đấy hai cháu ạ. Ngày xưa có người học trò nhặt hột cơm trong đống phân trâu mà cất đi, sau Trời Phật phù hộ cho thi đỗ. Vậy hai cháu phải biết quý trọng hạt cơm trong bữa ăn, ăn đừng để phí phạm rơi xuống đất bẩn nhé.”
Có thể coi Thạch Lam đã viết cuốn sách này với tất cả tình yêu hướng về các nông dân và muốn chuyển tình yêu đó tới lớp trẻ đang lớn lên ở các thành phố. Một cuốn sách “giáo khoa” và “dậy đạo đức” như vậy, xuất bản lần đầu cũng in tới 6,000 cuốn, cho thấy nhu cầu giải trí của trẻ em vào năm 1940 giản dị và hiền lành như thế nào!
Lý tưởng sống tự do, tự chủ.
Con Chim Gi Sừng của Hoàng Đạo (số 15) giáo dục trẻ em về tình yêu quê hương và quyền sống tự do. Nhưng câu chuyện cũng nhấn mạnh cuộc đời phải tranh đấu, theo luật mạnh được yếu thua, là một luồng tư tưởng đang lan tràn trong xã hội Việt Nam thời đó, năm 1941 khi in cuốn sách này.
Con chim gi chứng kiến cảnh anh chim chèo bẻo hàng xóm bị rắn nuốt; hôm sau thấy cảnh con bọ ngựa chụp con chuồn chuồn ăn, con chim sẻ bay tới mổ ngay con bọ ngựa, tha lên nóc nhà, rồi một con mèo chộp bắt anh chim sẻ. Con chim tự hỏi: “Đời chỉ là một cuộc tranh đấu khốc liệt đến thế ư?” Sau câu đó là bốn hàng bị kiểm duyệt, cho thấy lý tưởng tranh đấu cho tự do đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền Pháp cắt xén! Đoạn sau viết: “một kẻ thù đáng sợ của mọi giống vật, dù ác hay lành: loài người!… loài vật chúng tôi cũng có lúc giết loài khác nhưng là thế bất đắc dĩ… Chứ đến người thì họ giết chị bạc má, bắt tôi để mà chơi thì thật là quái ác!” Con chim Gi Sừng bị nhốt đã đạp đổ những món gạo, nước mà hai cậu bé đặt vào trong lồng. Chim nói: “Các cậu ở ngoài tự do đi lại, có ai cấm đâu mà các cậu lại cấm tôi?” Hôm sau các cậu bé tưởng con chim chết rồi, đưa ra khỏi chuồng, chim bay tìm tự do!
Con chim làm quen với một đàn chim di cư, được cõng trên lưng đưa lên miền lạnh. Đến mùa tuyết rơi, chim Gi Sừng lạnh quá rớt xuống đất, được một cô gái cứu. Con chim nghĩ: “loài người không phải toàn là tàn ác cả như tôi tưởng.” Bay về phương Nam, theo anh sếu đi nữa, ra đến biển. Trở về quê cũ, mới thấy yêu quê hương: “Lúc ấy tôi mới nghĩ ra rằng quê cha đất tổ hình như có một linh hồn riêng, có thể làm rung động linh hồn ta hơn tất cả mọi nơi.”
Con Hươu Sao của Hoàng Đạo (số 31, in năm 1944) cũng dùng xã hội loài vật để nói về loài người. Trước cảnh người bị cọp ăn thịt, mẹ của Búp, con hươu sao, giảng: “Giống ác thú thường là ăn thịt lẫn nhau con ạ!” Trong đoạn kết, tác giả gói ghém một bài học: “Những con cọp dữ tợn cũng không sung sướng hơn loài người độc ác; họ tự giết lẫn nhau, giầy xéo lẫn nhau, tự làm khổ nhau!” Cuốn sách này ra đời và cuối trận Đại chiến Thứ hai, khi đế quốc Nhật và thực dân Pháp đang chia phần cai trị nước ta!
Chống độc tài giả danh “Thượng Hoàng Đạo Sĩ”. Trong vở kịch hai hồi Đạo Sĩ của Khái Hưng in năm 1944, là Sách Hồng Đặc Biệt không đánh số, ông Đạo Sĩ làm các loài thú, loài hoa khiếp sợ, ông ta tiêu biểu cho một nhà độc tài, còn muốn cướp quyền của tạo hóa. Nàng Tiên hóa phép bắt tên độc tài hiện nguyên hình thành con cáo chín đuôi, còn Nàng Tiên hiện hình thành đức Phật Thích Ca. Có thể đoán tác giả đã dùng chuyện ngụ ngôn này tố cáo âm mưu thiết lập một chế độ độc tài của “con cáo chín đuôi!”
Giảng dạy khoa học cho trẻ em
Lên Cung Trăng của Hoàng Đạo (số 7, in tháng 10 năm 1940). Chuyện bắt đầu vào ngày Tết trung thu, chú Học giảng cho chị em Hồng, Liên, Sang về mặt trăng. Đêm ngủ, Hồng nằm mơ thấy chú Học báo tin: “Có một nhà bác sĩ bên Mỹ đã làm xong một cái máy có thể đưa người ta đến tận cung trăng. Hiện thứ máy ấy đã đến Hải Phòng ngày hôm qua và độ ba giờ nữa thì khởi hành!”
Chú Học giải thích về hỏa tiễn và làm sao thoát khỏi trọng lực: “Chui trong một viên đạn bắn lên thì nguy hiểm. … chỉ còn việc làm một cái máy luôn luôn bắn đạn ra để dật (sic) lùi rất nhanh là có thể bay lên mặt trăng được. Nhưng sức nổ phải mạnh lắm … đi nhanh đến nỗi không bị sức hút vào của trái đất làm trở ngại nữa.”
Chú Học giải thích về cách làm hỏa tiễn: một cái máy tròn có lớp vỏ cách nhiệt, bên ngoài không gian lạnh đến -300 độ. Trong hỏa tiễn có máy hút và nhả không khí. Khi người đi ra ngoài hỏa tiễn phải mặc áo tơi có chứa không khí. Trên mặt trăng không ai nghe thấy người khác nói, không có một tiếng động vì thiếu không khí. Từ mặt trăng nhìn về trái đất thấy như một vầng trăng lớn, nhìn thấy cả Thái Bình Dương, nhận ra châu Á; bước đi thấy nhẹ, nhẩy lên thấy rất cao, vì sức hút của mặt trăng thấp hơn trái đất, người nặng 30 ký lô chỉ còn 10 ký lô thôi.
Vì thiếu không khí, trên mặt trăng cũng không thể có sinh vật, tuy nhiên thấy lớp cỏ cứng hay rêu trắng mốc. Tuy nhiên, tác giả tưởng tượng trên đó cũng có một “loài người!” Hồng đi đến bờ vực thấy có bậc thang đều đặn, đi xuống thấy một cửa hang nhỏ, một bọn người hiện ra, hình kỳ dị, mũi to, miệng rộng như loa kèn … Con người trên mặt trăng thấy “du khách” đã nhận xét: “Giống các cụ nhà ta quá nhỉ?” Họ giải thích: “Cha mẹ chúng tôi là người trần!” Du khách được mời vào bên trong, gặp một cô gái hình dạng giống loài người trái đất. Cô giải thích rằng cô sống trong động không ra ngoài, và có máy hút không khí đủ để cô thở! Đi thăm khu vườn Hồng thấy có đủ thứ cây cỏ, với một dòng suối duy nhất trên mặt trăng. Nhưng Hồng tỉnh dậy, mới biết tất cả chỉ là một giấc mơ!
Lên Cung Trăng có thể đã phóng tác một cuốn trong bộ sách Livres Roses của nhà xuất bản Larousse (Un Voyage en Fusée của Jean Hesse và Henri Peltier, in năm 1935). Chúng tôi không được đọc cuốn sách Pháp này, đoán rằng trong đó cũng kể chuyện con người lên mặt trăng.
Kết Luận
Điểm qua các Sách Hồng chúng ta thấy Tự Lực Văn Đoàn không chỉ muốn công kích để phá bỏ tất cả nền phong hóa cũ. Ngược lại, chính họ muốn góp công vào việc khôi phục những truyền thống tốt trong nếp sống cổ truyền. Đây là một khía cạnh mà các nhà phê bình và viết văn học sử thường bỏ qua không nhắc tới; vì họ không quan tâm đến nội dung các Sách Hồng.
Nói chung, Tự Lực Văn Đoàn muốn xây dựng một nền đạo lý và lối sống mới nhưng vẫn gìn giữ các quy tắc sống tốt đẹp trong di sản văn hóa dân tộc. Chúng ta đã thấy những quan niệm sống mới thể hiện qua Phong trào Nhà Ánh Sáng; qua những tác phẩm trong Con Đường Sáng, hoặc Mười Điều Tâm Niệm của Hoàng Đạo, Đẹp, Gánh Hàng Hoa hoặc Trống Mái của Khái Hưng. Mục tiêu xây dựng thể hiện rõ nhất trong các Sách Hồng với chủ đích giáo dục các thế hệ trẻ. Các chủ trương đó của Tự Lực Văn Đoàn tiếp tục thể hiện trong nửa sau thế kỷ 20 ở miền Nam Việt Nam. Nếu ở miền Bắc quan niệm đó cũng được tôn trọng nữa thì chắc chắn nếp sống của người Việt Nam vào thế kỷ 21 sẽ tốt đẹp hơn thực trạng ngày nay.
Đ.Q.T.
Tác giả gửi BVN
_____
* Bài này được Đỗ Quý Toàn thuyết trình ngày 29-9-2014 tại trong buổi ra mắt Kỷ Yếu Về Tự Lực Văn Đoàn và Sưu tập Số hóa Báo Phong Hóa, Ngày Nay, Văn Hóa Ngày Nay và những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn lưu trữ tại Thư Viện Việt-Học, Westminster, California.
** Những bìa sách dùng làm hình minh họa đã được nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền tu chỉnh lại bằng kỹ thuật số cho đẹp và rõ ràng hơn. Xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Trọng Hiền, một người đã sưu tầm và lưu trữ nhiều tài liệu về Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có gần đầy đủ các mẫu áo tân thời của thân phụ ông, Họa sĩ Nguyễn Cát Tường, tự Lemur.
PHỤ LỤC:
I. Phụ chú về Minh họa (Đỗ Quý Toàn viết thêm)
Trong các Sách Hồng, phần minh họa rất đáng chú ý, có thể là một đề tài riêng để khai triển. Họa sĩ nào vẽ những hình minh họa này, không thấy ghi và cũng không ký tên. Trong thời gian xuất bản các Sách Hồng, những họa sĩ cộng tác thường xuyên với nhà xuất bản là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường (tác giả các kiểu áo Lemur). Có thể họ cũng giúp minh họa các cuốn sách này. Chúng ta có thể thấy nét vẽ trong nhiều cuốn khác hẳn nhau.
Những hình in trong sách đều dùng bản khắc gỗ, vì kỹ thuật nhà in thời 1940 còn thô sơ. Cho nên các nét vẽ cũng rất giản dị, sơ sài và phần nhiều chiếm trọn một trang để việc “sắp chữ” dễ dàng hơn. Trong hai cuốn truyện viết bằng thơ của Tú Mỡ, Bà Túng và Vụ Kiện Trê Cóc các tranh minh họa còn viết kèm những câu thơ để cho thấy hình trong tranh đi với câu thơ nào trong truyện. Nhưng vì không thể sắp chữ vào trong bản gỗ cho nên phải viết bằng chữ Nôm cho người thợ khắc dễ làm việc! Và cũng có thể cho giống với những tranh dân gian thời trước, hợp với đề tài truyện kể.
Thí dụ, bức minh họa tại trang 9, trong truyện Bà Túng, trong đoạn Phật hiện ra như một ông lão thử lòng nhân từ của Bà Túng hình vẽ kèm câu thơ chữ Nôm: “Một ông cụ già nua tuổi tác.” Các câu sau: “Râu dườm dà (sic) tóc bạc phất phơ – Nói rằng lỡ bước xa (sic) cơ – Xin ăn một bữa, ngủ nhờ một đêm”.
II. Thư Tịch Sách Hồng Của Tự Lực Văn Đoàn có tại Thư viện Viện Việt Học do Ban Thư Viện thiết lập
Lời ngỏ: Vì hoàn cảnh chiến tranh, thời tiết nên những tài liệu văn học Việt Nam đã bị thất thoát hay hủy hoại đi nhiều. Viện Việt Học tại Westminster, California đang cố gắng thu thập những Sách Hồng đã được xuất bản, tái bản, nhưng chưa đầy đủ. Chúng tôi kêu gọi quý độc giả bốn phương ai có sách loại này xin cung cấp cho Ban Thư Viện chúng tôi một bản để có một bộ sưu tập đầy đủ ngõ hầu bảo tồn văn hóa Việt Nam (những quyển còn thiếu được đánh dấu *). Trân trọng cám ơn quý vị. Viện Việt Học (website: http://viethoc.com – email:info@viethoc.com)
Andersen, Christian. Con chim họa mi. Hoàng Đạo địch. Hà Nội: Đời Nay, 1944. (SHĐB)
Andersen, Christian. Cô bé đuôi cá . Hoàng Đạo dịch. Hà Nội: Đời Nay, 1944. (SHĐB)
Defoe, Daniel. *Cuộc đời ly kỳ và gian nan của Rô-Bin-Sơn. Hoàng Đạo dịch. Hà Nội: Đời Nay,
1941-1944. (4 tập — *còn thiếu tập 4.) (SH 11, 13, 17, và 22)
Bảo Sơn. *Đảo san hô. Tập I và II. Saigon: Phượng Giang, 1963. (SH không số)[*Chưa có]
Đào, Văn Thiết. *Tiếng chim ca. Tập 2. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH không số) [*Chưa có]
Bình Nguyên Lộc. *Người đàn ông đẻ. Saigon: Phượng Giang, 1963. (SH không số)[*Chưa có]
Đỗ, Đức Thu. *Bạn vàng. Saigon: Phượng Giang, 1963. (SH không số) [*Chưa có]
Hoàng Đạo. Con cá thần. Hà Nội: Đời Nay, 1939. (SH 2)
Hoàng Đạo. Con chim gi sừng. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 15)
Hoàng Đạo. Con hươu sao. Hà Nội: Đời Nay, 1944. (SH 31)
Hoàng Đạo. Lan và Huệ. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 10)
Hoàng Đạo. Lên cung trăng. Hà Nội: Đời Nay, 1940. (SH 7)
Hoàng Đạo. Sơn tinh. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH18)
Hồng Nguyên. Hoàng tử trăn. Saigon: Phương Giang, 1959. (SH không số)
Huyền Kiêu. *Đứa bé đi câu. Hà Nội: Đời Nay, 1943. (SH 30) [*Chưa có.]
Khái Hưng. Bông cúc huyền. Hà Nội: Đời Nay, 1943. (SHĐB)
Khái Hưng. Cái ấm đất. Hà Nội: Đời Nay, 1940. (SH 9)
Khái Hưng. Cắm trại. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 20)
Khái Hưng. Cây tre trăm đốt. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 19)
Khái Hưng. Cóc tía: kịch ba hồi. Hà Nội: Đời Nay, 1940. (SH 8)
Khái Hưng. Đạo sĩ. Hà Nội: Đời Nay, 1944. (SHĐB)
Khái Hưng. Để của bí mật. Saigon: Văn Nghệ, 1960. [Hà Nội: Đời Nay, 1941.] (SH không số)
Khái Hưng. Ông đồ Bể. Hà Nội: Đời Nay, 1939. (SH 1)
Khái Hưng. Quyển sách ước. Saigon: Văn Nghệ, 1960 (SH không số)
Khái Hưng. Thầy đội nhất. Saigon: Phượng Giang, 1960. (SH 32)
Khái Hưng. Thế giới tí hon. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 16)
Kipling, Rudyard. Sách rừng. Tập 1, 2, 3, 4. Huyền Hà dịch. Hà Nội Đời Nay, 1943. (SHĐB)
Lệ Oanh. Con đường mới. Saigon : Phượng Giang, 1963. (SH không số)
Lệ Oanh. Đứa trẻ khốn nạn. Saigon : Phượng Giang, 1956. (SH không số)
Lệ Oanh. Lá số tử vi. Saigon : Phượng Giang, 1956. (SH không số)
Lệ Oanh. *Phật của bé Hương. Saigon : Phượng Giang, 1963. (SH không số) [*chưa có]
Lệ Oanh. Hoàng tử chột và công chúa xứ anh đào. Phạm Lệ Oanh Saigon : Phượng Giang, 1956. (SH không số)
Linh Bảo. Chiếc áo nhung lam. Saigon : Phượng Giang, 1961. (SH không số)
Lưu, J. Ngọc Văn. *Tiếng chim ca. Tập 1. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH 23) [*Chưa có]
Roche-Mazon, Jeanne. *Tình bè bạn của chị Hằng Nga và chú chuột nước. Huyền Kiêu dịch. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH 24) [*chưa có]
Thạch Lam. Hạt Ngọc. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 12)
Thạch Lam. *Quyển sách. Hà Nội: Đời Nay, 1941. (SH 3) [*chưa có]
Thế Lữ. *Hai thứ khôn. Hà Nội: Đời Nay,1940. (SH 4) [*chưa có]
Thiện Sĩ. Con chim nói sự thực. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH 21)
Thiện Sĩ. Hai chị em. Hà Nội: Đời Nay, 1940. (SH 6)
Thiện Sĩ. Lên Chùa. Hà Nội: Đời Nay, 1940. (SH 14)
Tú Mỡ. Bà Túng. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH 26)
Tú Mỡ. Vụ kiện trê cóc. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH 27)
V. Minh. *Hai tháng của một hướng đạo sinh Việt Nam. Tập 1, 2. Hà Nội: Đời Nay, 1942. (SH 28-29) [*Chưa có.]