Bài 1. Kinh tế Việt Nam 35 năm nhìn lại: Bao cấp và khủng hoảng
Đây là bài đầu tiên trong một loạt ba bài tóm lược ba thời kỳ chính: Khủng hoảng, Đổi mới và cuối cùng là Phát triển.
35 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi từ kinh tế XHCN trở thành kinh tế thị trường với đầy đủ những thuộc tính mà một nền kinh tế cạnh tranh cần có. Trong nền kinh tế ấy, khi biến động cung cầu hay bất ổn tài chánh xảy ra thì vấn đề lạm phát xuất hiện là một điều tất yếu.
Thế nhưng với kinh tế vận hành theo cung cách XHCN thì hai chữ lạm phát không phải là mối lo của những người hướng dẫn và lèo lái nền kinh tế bao cấp ngay cả trong giai đoạn đất nước thống nhất, không còn mối lo về chiến tranh đi chăng nữa.
Nam Bắc sát nhập
35 năm qua nó có 10 năm duy ý chí, xây dựng XHCN và đưa đất nước đến khủng hoảng. Kế tiếp là 10 năm đi tìm lối thoát và còn lại 15 năm hội nhập.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn sát nhập với miền Bắc, cả hai nền kinh tế hợp lại trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Lúc đó miền Bắc gần như kiệt quệ sau hàng chục năm chiến tranh. Gánh nặng của chế độ bao cấp miền Bắc mang vào cộng với nền kinh tế của Miền Nam lúc đó gần như quỵ hẳn sau khi bị hàng loạt biến động như đánh tư sản, giãn dân lên vùng kinh tế mới và phong trào vượt biên ngày một nhiều hơn đã khiến cho Việt Nam gần như suy sụp hoàn toàn.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn cho Văn phòng Thủ tướng nhớ lại hoàn cảnh lúc bấy giờ:
“Sau giải phóng 1975 phải nói là nền kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn. Bởi vì lúc đó mình vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, nền kinh tế bị kiệt quệ với rất nhiều cơ sở vật chất bị tàn phá. Từ đường xá giao thông đến các nhà máy xí nghiệp ở phía Bắc, rồi đồng ruộng phía Nam rất nhiều nơi không canh tác được. Bom đạn và cả chất độc hóa học đã trút xuống rất nhiều trong cuộc chiến.
Nền kinh tế Việt Nam vốn dựa vào nông nghiệp, ngay bản thân nền nông nghiệp cũng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Sau năm 75 thì cả hai miền tuy nhập lại cùng một nước nhưng hệ thống kinh tế thì khác nhau và những rối loạn ban đầu sau chiến tranh về mặt xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Về mặt đối ngoại lúc bấy giờ sau năm 75 thì các nước phương Tây theo chính sách của Mỹ cấm vận Việt Nam cho nên rất dè dặt trong chuyện phát triển quan hệ với Việt Nam; về cơ bản Việt Nam vẫn duy trì liên hệ với khối Liên Xô, với Đông Âu và một phần Trung Quốc và vì vậy cho nên nền kinh tế rất khó khăn.
Những năm sau còn khó khăn hơn bởi vì vài năm đầu sau 75 vẫn còn một chút những tiềm lực cũ của miền Nam còn đó nhưng sau này khi không còn những nguồn bổ trợ vào thì những tiềm lực đó giảm sút dần. Kinh tế miền Nam được hỗ trợ rất lớn từ Mỹ cũng như các nước phương Tây trước đây và vì vậy nền kinh tế chung của đất nước càng khó khăn hơn. Cộng thêm với hệ thống kinh tế theo hệ thống XHCN cũ từ miền Bắc đưa vào đã đẩy nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng rất nặng nề vào những năm 70 và đầu 80”.
Lạm phát đến ba chữ số không làm cho chính quyền mới lo âu. Men chiến thắng gần như làm cho hầu hết cán bộ sống trong hào quang của kinh điển XHCN thỏa mãn hoàn toàn. Cảm giác khó khăn về kinh tế được khỏa lấp bởi những lý thuyết duy ý chí khiến đời sống người dân trở thành gần như tuyệt vọng. Lúc đó không ai trong chính quyền thừa nhận có lạm phát trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cũng không ai dám đưa vấn đề ra để phân tích, bàn luận công khai. Người dân miền Nam không thể làm quen với chế độ tem phiếu nên ngay sau khi đợt đổi tiền lần thứ nhất xảy ra cả miền Nam sống trong tâm trạng ngột ngạt chưa từng có.
Đối phó với tình trạng này là một ý tưởng hết sức duy ý chí được đưa ra. Cụm từ Giá-Lương-Tiền hình thành từ đấy đã mau chóng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam rơi sâu hơn nữa vào cơn khủng hoảng.
Ngăn sông cấm chợ
Hệ thống kinh tế theo hệ thống XHCN cũ từ miền Bắc đưa vào đã đẩy nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng rất nặng nề vào những năm 70 và đầu 80.
Bà Phạm Chi Lan
Nông dân có lẽ là thành phần chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sản phẩm của họ sau một thời gian trầy trật làm ra không thể tiêu thụ một cách công bằng. Bất cứ nông phẩm nào cũng bị nhà nước thu mua và đồng tiền người nông dân cầm đuợc trong tay không hề tương xứng với mồ hôi công sức bỏ ra trên cánh đồng của họ. Là một nước nông nghiệp nhưng lại thiếu gạo ăn đến nỗi phải ăn độn bằng nhiều thứ thực phẩm mà trước đây miền Nam vẫn dùng cho gia súc. Đói kém hoành hành toàn xã hội đã khiến cơ thể kinh tế của Việt Nam vốn èo uột trong thời gian chiến tranh lại càng khó chữa trị hơn trong thời gian hậu chiến.
Biện pháp ngăn sông cấm chợ được mang ra thi hành càng khiến đời sống thêm bội phần khó khăn. Hàng hóa không thể luân chuyển trên thị trường khiến cung và cầu không gặp nhau và từ đó viễn ảnh một sự sụp đổ kinh tế ló dạng trên nhiều mặt khiến nhà nước phải nhìn nhận cần phải đổi mới toàn diện mới mong tồn tại.
Bà Phạm Chi Lan thừa nhận:
“Xuất phát từ những động lực chính như nghèo đói khó khăn chồng chất ở các nơi làm cho những người điều hành ở các địa phương người ta cảm thấy bức xúc và tìm mọi cách để vượt qua khó khăn. Chắc mọi người còn nhờ câu chuyện của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ngoài Vĩnh Phúc ra còn có một số nơi khác như Long An ở phía Nam. Và từ đó những sáng kiến đổi mới được ghi nhận khắp nơi và được báo cáo lên thì lãnh đạo nghiên cứu và nhân rộng ra trở thành mô hình đổi mới tại Việt Nam”.
Sau đợt đổi tiền năm 1986, lạm phát thực sự trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Đây không phảỉ là năm đầu tiên có lạm phát nhưng nó đã tồn tại và âm ỉ từ nhiều năm trước. Quan niệm sai lầm về đổi tiền đã làm cỗ xe kinh tế chệch bánh. Các nhà hoạch định kinh tế XHCN đã xem phương án đổi tiền như một vũ khí mạnh mẽ nhằm chống lại lạm phát, căn cứ trên lập luận rằng sức mua của đồng tiến mới sẽ bằng 10 lần sức mua của đồng tiền cũ khiến cho giá trị đồng bạc Việt Nam ngày càng tuột dốc thảm hại. Sau đổi tiền, lạm phát tăng đến mức không còn đếm được là bao nhiêu phần trăm cho chính xác. Chỉ số CPI lên tới 92% và nhanh chóng chiếm lĩnh con số 775% trong suốt hai năm sau đó.
Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu cảm tưởng của ông trong giai đoạn này như sau:
“Nếu ghi nhớ về 35 năm của nền kinh tế Việt Nam thì mình có thể ghi nhớ trên hai trục thời gian và không gian. Nói về thời gian thì 35 năm qua nó có 10 năm duy ý chí, xây dựng XHCN và đưa đất nước đến khủng hoảng. Kế tiếp là 10 năm đi tìm lối thoát và còn lại 15 năm hội nhập vào luồng kinh tế thị trường của thế giới”.
Bài 2. Sau 35 năm, nhìn lại thời kỳ đổi mới kinh tế VN
Những đề nghị của Nhóm Thứ Sáu
Đây là bài tóm lược thời kỳ đổi mới với những đề nghị của Nhóm Thứ Sáu. Gần đây, VietnamNet cho công bố bài viết về Nhóm Thứ Sáu, với câu chuyện của những chuyên viên nhiều ngành nghề khác nhau của chế độ cũ đã góp sức để vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn đầu sau ngày thống nhất đất nước.
Mỗi ngày Thứ Sáu trong tuần, nhóm chuyên viên này tụ họp nhau lại để hàn huyên trên nhiều lĩnh vực mà vấn đề chính vẫn là kinh tế. Các thành viên trong nhóm gồm nhiều thành phần khác nhau, có người là chuyên viên giáo dục, có người là công chức chánh ngạch và có cả những người vừa đi cải tạo về vì là công chức cao cấp của chế độ Sài Gòn. Không phân biệt bằng cấp và tuổi tác, họ ngồi lại với nhau trong tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và cùng tìm hướng đi cho đất nước.
Lúc đó tôi có đề nghị đổi cái danh xưng Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành Thống đốc Ngân hàng. Riêng cái việc thay đổi danh xưng là thay đổi tư duy ghê lắm.
Ô. Huỳnh Bửu Sơn
Dự án quan trọng nhất của Nhóm Thứ Sáu là đề nghị thay đổi cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Huỳnh Bửu Sơn, một thành viên trong nhóm Thứ Sáu kể lại:
“Hệ thống ngân hàng nhà nước có một cấp. Nó vừa là Ngân hàng trung ương, vừa là Ngân hàng thương mại. Tôi gọi nó là vừa quản lý vừa kinh doanh, vừa đá bóng vừa thổi còi. Ngoài ra nó còn làm thêm công việc quản lý ngân sách như là một kho bạc.
Cho nên khi tách nó ra thành hai cấp: một cấp quản lý, một cấp kinh doanh thì có những ý kiến rất là khác biệt, vì họ cảm thấy nếu mà tách ra như vậy thì vấn đề bảo đảm bí mật ngân hàng, rồi đáp ứng đúng cái định hướng thì rất là khó. Nhưng dù sao thì cái chuyện tách quản lý và kinh doanh là nguyên tắc phải làm nên cứ tiếp tục đi tới thôi”.
Tuy được tiếng là cởi mở nhưng không phảỉ ai trong Hội đồng Bộ trưởng cũng ngay lập tức có tư duy đổi mới triệt để, ông Huỳnh Bửu Sơn kể lại:
“Lúc đó tôi có đề nghị đổi cái danh xưng, hồi đó gọi là Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi đề nghị đổi giống như các nước là Thống đốc Ngân hàng. Riêng cái việc thay đổi danh xưng là thay đổi tư duy ghê lắm. Tôi còn nhớ ông Đồng Sỹ Nguyên, trong Hội đồng Bộ trưởng ổng nói: “Gọi tên Thống đốc nghe sặc mùi đế quốc quá!”
Hòa nhập nền kinh tế thị trường
Kết quả sơ khởi sau khi Ngân hàng Nhà nước được phân cấp là nhiều biện pháp về tiền tệ được đưa ra bao gồm mạnh tay nới lỏng tỷ giá vào cuối năm 1988. Bước đột phá này là đòn bẩy làm cho nền kinh tế Việt Nam thấy ra được thế nào là nền kinh tế thị trường. Bước đầu tiên này cũng dẫn đến sự cạnh tranh và chấm dứt tình trạng bao cấp trên nhiều lĩnh vực, mở ra thời kỳ đổi mới và hội nhập sau này.
Bắt đầu giai đoạn đổi mới, Nhà nước đã cố gắng điều chỉnh những tư duy từng dị ứng với chủ nghĩa tư bản để từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Mặc dù trên nguyên tắc, lý luận bài xích chủ nghĩa tư bản của Mác Lê vẫn nằm trong các buổi họp chi bộ nhưng trên thực tế thì mọi kỹ thuật của kinh tế thị trường được mang ra áp dụng hàng ngày. Doanh nghiệp tư nhân được nới lỏng dần và chỉ trong vài năm con số doanh nghiệp chính thức hoạt động lên đến hàng triệu cơ sở.
Anh em có đề nghị là khi Việt Nam có chính sách đổi mới thì nên xây dựng một khu chế xuất. Lúc bấy giờ, cái đó nó thích hợp hơn những đề xuất khác. Trong bối cảnh như thế chúng tôi bắt tay vào làm một cách chính thức khu chế xuất Tân Thuận.
Ô. Phan Chánh Dưỡng
Thu hút đầu tư vẫn là mối lo hàng đầu nhà nước cần phải gấp rút tiến hành nếu muốn phát triển. Trong tình hình sơ khai của một nền kinh tế chập chững học theo lối tự do kinh doanh thì việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quả là vô vàn khó khăn. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhìn nhận là người có công đầu với vấn đề này khi chấp nhận lắng nghe tiếng nói của Nhóm Thứ Sáu, nhóm của những chuyên viên chế độ cũ, ở lại Việt Nam trong những tháng ngày khó khăn nhất. Khu chế xuất Tân Thuận là đề xuất của nhóm được xem là bước nhảy đầu tiên vào thế giới tư bản nhằm mời gọi đầu tư nước ngoài để cải tạo và phát triển tiềm năng kinh tế tư doanh.
Khu chế xuất Tân Thuận mở đầu cho hàng loạt khu chế xuất sau này. Một thành viên trong nhóm là ông Phan Chánh Dưỡng kể lại:
“Trong nhóm anh em có những người đã từng đi du học nước ngoài, và có những người trong thời kỳ trước 75 đã từng tham gia xây dựng khu công nghiệp Biên Hòa, cũng có biết những khu chế xuất của thế giới, trong đó có Đài Loan, cho nên anh em có đề nghị là khi Việt Nam có chính sách đổi mới thì nên xây dựng một khu chế xuất. Với gợi ý đó, tôi mới nghiên cứu các vùng chung quanh và trên các cơ sở ý kiến của anh em viết một cái tiền khả thi để trình bày nội dung của một khu chế xuất là như thế nào, mục tiêu của khu chế xuất để giải quyết vấn đề gì.
Lúc bấy giờ, cái đó nó thích hợp hơn những đề xuất khác. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá rằng có thể đây là mô hình thích hợp nên cuối cùng Trung ương cho làm thí điểm coi thử ra sao. Trong bối cảnh như thế chúng tôi bắt tay vào làm một cách chính thức khu chế xuất Tân Thuận”.
Những khó khăn cơ bản
Khu chế xuất Tân Thuận xuất hiện không phải là phép lạ để trong một thời gian ngắn kéo hẳn nền kinh tế lên cao. Bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn cho Văn phòng Thủ tướng nhận xét giai đoạn đổi mới sau khi nhiều nỗ lực của doanh nhân cố gắng hội nhập vào thương trường với những háo hức lẫn khó khăn ban đầu:
“Những khó khăn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn là những khó khăn cơ bản của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống kinh tế thị trường, mà hệ thống kinh tế thị trường vẫn chưa hoàn thiện cần phải phát triển thêm nữa. Mặt khác trong giai đoạn đầu này thì nó vẫn còn có những cái chưa định hình thật rõ.
Một khó khăn khác là xuất phát từ một nước đang phát triển với một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, muốn phát triển lên thì quá trình phát triển đòi hỏi rất nhiều đầu tư, rất nhiều nỗ lực. Vài chục năm đổi mới vừa qua chưa đủ để Việt Nam vượt lên hơn. Khó khăn nữa là Việt Nam mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tham gia ASEAN vào năm 95 nên còn rất mới”.
Những khó khăn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn là những khó khăn cơ bản của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống kinh tế thị trường.
Bà Phạm Chi Lan
Hội nhập kinh tế toàn cầu là khẩu hiệu kéo dài hơn hai mươi năm nhưng mãi đến khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO thì Việt Nam mới hoàn toàn tự tin rằng mình đã chính thức bước vào cuộc chơi với đầy đủ hệ lụy lẫn lợi thế. Cuộc chơi này không đơn giản thắng thua mà còn là phát triển hay tụt hậu. Nói đến WTO là nói đến xuất khẩu và những trao đổi sòng phẳng trên thương trường quốc tế. Sau ba năm gia nhập WTO, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đàm phán với tổ chức này cho biết:
“Việc gia nhập WTO một mặt tạo ra cơ hội đồng thời cũng tạo ra những thách thức. Điều quan trọng là tận dụng cơ hội thế nào và vận dụng thách thức thế nào. Hàng năm đều có đánh giá và hiện nay đang làm đánh giá 3 năm để chuẩn bị đầu tư trong những đơn vị kinh tế. Tất nhiên trong ba năm đó gặp những chuyện khó khăn như khủng hoảng, tuy nhiên cơ hội rõ nhất là vấn đề đầu tư. Đầu tư kể cả tư nhân và nước ngoài tăng rất rõ. Thứ hai là mở rộng thị trường xuất khẩu, đó là hai cái mình thấy rõ nhất.
Chính vì vậy mà trong năm 2007 và 2008 gặp lạm phát không nói làm gì, năm 2007 tốc độ tăng trưởng đạt được rất cao, xuất khẩu cũng vậy. Thách thức thì vẫn còn khá nhiều. Áp lực cạnh tranh rất là lớn và tác động rất nhanh, rất mạnh đến Việt Nam, tuy nhiên, khả năng đối phó trước những biến động ấy của mình vẫn còn hạn chế”.
Hạn chế mà Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đưa ra là một phần của những khó khăn mà Việt Nam cần phải giải quyết. Những khó khăn hạn chế khác đang từng lúc từng nơi vây quanh sức phát triển của Việt Nam [đòi hỏi phải tìm cách phá vỡ].
Bài 3. 35 năm nhìn lại kinh tế VN: Sự phát triển và những khó khăn
Hội nhập – dấu ấn 2005
Năm 2005 là năm đánh dấu những bước hội nhập rõ nét nhất của nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ sở kinh tế tư doanh nở rộ như nấm sau mưa. Hiện tượng đầu tư vào bất động sản, nhà máy sản xuất hay các hoạt động kinh doanh bề thế được người dân dốc túi đổ vào việc làm ăn khiến nền kinh tế hồi sinh. Kiều hối lần lượt đổ về trong nước ngày một nhiều hơn là nguyên nhân chính thúc đẩy và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn đổi mới.
Trong vòng nhiều năm tình trạng nhập siêu xảy ra liên tục, nhưng năm 2005, lần đầu tiên nhập siêu có dấu hiệu giảm nhẹ, tuy nhiên chưa phải là nằm trong vòng kiểm soát như Nhà nước công bố. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới lo ngại vấn đề nhập siêu của Việt Nam sẽ là nhân tố chính khiến nền kinh tế bị lệ thuộc và lạm phát sẽ theo đó mà tăng dần lên.
Việt Nam có khá ít kinh nghiệm hội nhập cho nên có thể khi chúng ta hợp tác với nước ngoài chúng ta không có đề án tạo hiệu quả tối ưu cho đất nước. Chính vì thế mà 20 năm vừa qua, sự phát triển của chúng ta lớn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ô. Phan Chánh Dưỡng
Việt Nam trông cậy chính vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nhưng sau nhiều năm hội nhập, tình hình thực tế cho thấy rất nhiều vấn nạn đang hình thành. Ông Phan Chánh Dưỡng một thành viên trong Nhóm Thứ Sáu cho biết:
“Việt Nam có khá ít kinh nghiệm hội nhập cho nên có thể khi chúng ta hợp tác với nước ngoài chúng ta không có đề án tạo hiệu quả tối ưu cho đất nước. Chính vì thế mà 20 năm vừa qua, sự phát triển của chúng ta lớn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu”.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam là một câu chuyện thần kỳ. Chỉ vài năm sau đổi mới, gạo xuất khẩu đã vượt lên con số nhiều triệu tấn và người nông dân trong thời kỳ đổi mới có vẻ như đang hưởng được lợi nhuận khi gạo xuất khẩu ngày một tăng cao. Thực ra đời sống của người nông dân không hết bấp bênh khi Nhà nước chưa có một chính sách hợp lý bảo vệ giá bán ra của người có lúa.
Nhiều tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long than phiền vì Nhà nước cố hết sức ấn định những quy tắc nhằm gò bó việc thu mua tàng trữ lúa xuất khẩu một cách máy móc. Hành động này khiến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam tuy năm sau nhiều hơn năm trước nhưng trị giá vẫn không có một bước nhảy vọt nào ngay cả trong giai đoạn khó khăn lương thực nhất mà thế giới gặp phải.
Thiếu đầu tư vào công nghệ thu hoạch và bảo quản là hai khâu trực tiếp làm giảm thiểu lợi nhuận cho người nông dân. Trong khi Việt Nam là một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp, nếu Chính phủ tiếp tục bỏ ngõ các vấn nạn này thì một thời gian không lâu nữa biến đổi khí hậu và các cản trở vừa nêu sẽ là vật cản rất lớn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Trông cậy vào xuất khẩu là một chính sách không thay đổi từ trước tới nay. Xuất khẩu vẫn đang là thế mạnh của Việt Nam ngay cả trong thời kỳ kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Tuy nhiên về lâu về dài, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm vì Việt Nam chỉ khai thác nguồn tài nguyên thô và gia công nhiều hơn là sản xuất các sản phẩm cao cấp. Công nhân làm thuê là một vấn nạn và Nhà nước không thể không lưu ý tới như trong một thời gian rất dài vừa qua.
Những khó khăn
Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất là vấn đề lương bổng của công nhân. Hàng ngàn vụ đình công mỗi năm của công nhân tại các khu chế xuất không thể được coi là chuyện nhỏ mà nó là mối lo tiềm ẩn. Ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia tài chính đang hoạt động tại Việt Nam cho biết nhận xét của mình về vấn đề này:
“Tiền lương thấp như vậy và chính sách Nhà nước đối với những nhà đầu tư như vậy nó giúp cho Việt Nam được cái gì và làm hại cho Việt Nam những cái gì thì phải xét lại. Cả đất nước có hàng triệu nhân viên làm việc trong những xưởng như vậy thì nó là vấn đề rất lớn. Việc này là việc Nhà nước cần phải quan tâm thật sự, làm sao tạo được môi trường tốt hơn cho người lao động Việt Nam, tránh những việc xô xát với các chủ đầu tư. Đây là vấn đề cực kỳ lớn”.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà tư vấn kinh tế hiện đang làm việc tại tiểu bang California thì cho rằng:
“Tôi nghĩ mình nhìn xa hơn một chút thì cơ bản về chiến lược phát triển Việt Nam đi làm gia công cho thiên hạ và dùng chiến lược lấy lợi tức làm ưu điểm cạnh tranh thì cái đó sẽ đi đến giới hạn của nó. Nó đưa đến tình trạng công nhân Việt Nam giống như bị các doanh nghiệp ngoại quốc bóc lột và càng ngày người ta càng bất mãn.
Đến khi họ thấy rằng dường như có sự cấu kết giữa chính quyền và các doanh nghiệp ngoại quốc, hoặc là sự thờ ơ của chính quyền trước những cái nạn bóc lột quá trắng trợn của các doanh nghiệp ngoại quốc thì họ sẽ có phản ứng.
Phản ứng đó nó không giống các quốc gia khác khi có tranh chấp về nghiệp đoàn, mà nó phản ứng về chính trị, tại vì hệ thống chính trị nó điều khiển nền kinh tế nên nó chịu trách nhiệm về các tệ nạn xã hội. Tôi cho rằng đó là một nghịch lý, nó làm cho người ta thấy cái được gọi là định hướng XHCN là một sự giả tạo”.
Tôi nghĩ mình nhìn xa hơn một chút thì cơ bản về chiến lược phát triển Việt Nam đi làm gia công cho thiên hạ và dùng chiến lược lấy lợi tức làm ưu điểm cạnh tranh thì cái đó sẽ đi đến giới hạn của nó.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Vấn đề tập đoàn và tổng công ty cũng là câu hỏi lớn nhất đang chờ nhà nước quyết định. Các đơn vị quốc doanh này được nhà nước xem là xương sống của nền kinh tế và ưu đãi chúng trên nhiều lĩnh vực. Từ vay vốn cho đến thuế khóa, tất cả đều ưu tiên đến mức các tập đoàn và tổng công ty đua nhau kinh doanh ngoài chức danh cũng như khả năng của nó.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết nhận xét:
“Nếu mình nói lệch hướng thì cũng không đúng, nhưng nếu tự do làm theo kiểu đó mà không căn cứ vào cái năng lực, đội ngũ, cái sở trường sở đoản của anh thì anh nhảy ra càng rộng thì anh càng chết sớm. Đó là một cái mà tôi thấy cần phải xem xét.
Cái xem xét thứ hai đó là vấn đề vốn lớn quá mà anh không sử dụng, nhiều khi anh chôn vốn của nhà nước hết sức là nguy hiểm. Tôi nói ví dụ như cái Vinashin, trong thời gian chỉ có hai năm nhưng tiêu tốn 20 ngàn tỷ đồng, mà như vậy thì anh đem lại lợi nhuận gì?
Bây giờ người ta hỏi tới chuyện đó thì anh nói hỏi đến những cái thất thoát những cái gọi là không hiệu quả của anh, hay là cái sắp bị đổ vỡ thì anh nói là anh vẫn tồn tại vẫn tốt. Nếu Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ thì còn gì là hoạt động kinh doanh? Có nhiều thứ nhưng tôi cảm thấy hai thứ đó là quan trọng nhất”.
Bà Phạm Chi Lan thì cho rằng:
“Doanh nghiệp nhà nước là một khu vực rất lớn, chừng 1500 doanh nghiệp nhưng họ nắm giữ một nguồn lực rất lớn của đất nước. Hoạt động của họ thì phần lớn lại không có hiệu quả cao và vì vậy nó làm cho nền kinh tế kém hiệu quả. Khi nguồn lực được phân bổ quá nhiều cho Nhà nước thì lại trở thành hạn chế đối với khu vực tư nhân. Bây giờ Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình ở mức thấp thì thách thức mới lại nảy sinh hoàn toàn không nhỏ.
Các nhà đầu tư kinh doanh vẫn thường nêu về ba nút thắt cổ chai của Việt Nam làm hạn chế tăng trưởng của Việt Nam mà Việt Nam cũng thừa nhận. Đó là hệ thống thể chế chưa hoàn thiện, thứ hai thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và thứ ba là kết cấu hạ tầng cũng còn rất yếu và không có hiệu quả”.
Ông Huỳnh Bửu Sơn, một thành viên trong Nhóm Thứ Sáu nhìn lại cách điều hành của Ngân hàng nhà nước hiện nay sau nhiều năm đổi mới và đưa ra nhận xét:
“Có những cái hiện nay còn đang vướng, thí dụ như Ngân hàng nhà nước, khi ra luật, tức là từ pháp lệnh qua luật thì đã đặt nặng chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ cho khu vực quốc doanh vẫn là chủ đạo. Tính độc lập trong việc xây dựng chính sách tiền tệ chưa có nếu so với các khu vực khác. Lĩnh vực ngân hàng tuy có đổi mới sớm hơn nhưng tương thích với cơ chế thị trường thì lại chậm hơn”.
Tình hình hiện nay
Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa có một cái nhìn tổng kết về 35 năm kinh tế Việt Nam gói gọn trong 15 năm cuối, ông nói:
Thời gian 15 năm qua tương đối có thay đổi, tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn trên không gian, so sánh với các quốc gia khác ở trong khu vực thì Việt Nam vẫn là một nước tụt hậu.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
“Thời gian 15 năm qua tương đối có thay đổi, tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn trên không gian, so sánh với các quốc gia khác ở trong khu vực thì Việt Nam vẫn là một nước tụt hậu và cái thành quả 15 năm vừa rồi nó có cái hiện tượng là nạn bất công quá nặng.
Nói đến viễn ảnh sau 35 năm thì có một số tăng trưởng nhất định nhưng đào sâu cái hố dị biệt về lợi tức và nhận thức nó đưa đến những cái bất ổn trong xã hội Việt Nam. Chưa nói đến hiện tượng vô cùng quan trọng nữa là càng ngày càng gắn bó và càng lệ thuộc vào Trung Quốc kể cả về mặt kinh tế lẫn an ninh. Tôi cho là một tổng kết không lấy chi làm lạc quan”.
Dù sao thì Việt Nam vẫn phải tiến tới bằng mọi giá sau 35 năm phát triển. Khó khăn còn nhiều trong đó không thể không kể tới đó là con sâu tham nhũng trong những dự án ODA. Là nguồn nhân lực cao cấp cung cấp cho sản xuất. Là tư duy của cán bộ trong công tác cùng nhận thức đúng đắn của các nhà hoạch đinh kinh tế vĩ mô. Cũng không thể không nói tới một yếu tố hết sức quan trọng nữa đó là sự cởi bỏ thật sự những rào cản tuy vô hình nhưng vô cùng chắc chắn, đó là tận dụng tư duy của trí thức trong và ngoài nước ở mọi lĩnh vực, vì suy cho cùng thì bất cứ ở lĩnh vực nào trí thức cũng hướng tới mục tiêu “nước mạnh dân giàu”.
Câu chuyện về Nhóm Thứ Sáu có lẽ là một bài học cho chính quyền các cấp trong công tác sử dụng tài nguyên lớn nhất của đất nước đó là tài nguyên con người. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ có những bước đột phá mới, tận dụng lợi thế hiện nay để thực sự tiến xa hơn trên thương trường thế giới nhằm cải tạo mức sống người dân đúng như chế độ vẫn ngày ngày cổ vũ.
ML
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/