Suy nghĩ nhân ngày 30-4: Niềm hy vọng

Tờ lịch 30/4/1975

Tờ lịch 30/4/1975

Thưa quý Bác, quý Anh Chị,

Ngày 30 tháng 4 năm 2010 đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử hiện đại.

Hơn một phần ba thế kỷ đã trôi qua từ ngày thống nhất. Lòng người, bất kể nhân thân, nếu có quan tâm đến vận mệnh đất nước, vẫn chưa yên.

Hơn ba triệu người Việt Nam nằm xuống trong chiến tranh vừa qua. Sự mất mát về sinh mạng quá lớn lao, nhất là khi nhìn vào thành quả và thực trạng xã hội ngày nay!

Thay vì đau buồn hay nản chí, chúng ta tìm hiểu quá khứ và nhận thức rằng một khúc quanh lịch sử mới đang đợi chờ.

Giới viết sử năm 2075 sẽ khách quan phán xét công và tội của người khởi xướng và ý nghĩa thật sự của cuộc chiến giai đoạn 1960-1975.

Trong khi đấy, do tư lợi cá nhân, những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thấp thoáng hiện hình ở đầu thế kỷ XXI sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước đe dọa, hống hách của ngoại bang, trong khi mạnh tay đàn áp, trừng trị người yêu nước.

Tổ quốc mong chờ đóng góp của chúng ta để đương đầu với hiểm nguy ngày càng hiện thực: khai thác bôxit ở Tây Nguyên, thao túng rừng đầu nguồn ở biên giới cực Bắc, sách nhiễu ngư dân trên Biển Đông, v.v.

Là con cháu của Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trương Định, Nguyễn Thái Học, v.v., mong mỗi người một tay, đồng lòng, chung sức, đáp lời kêu gọi của sông núi.

Chúng ta sống như ông cha ta đã sống.

Cụ thể hóa trước mắt, chúng ta cần phản ứng cương quyết và rõ ràng liên quan đến tham vọng và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông – cửa ngỏ ra thế giới bên ngoài và là con đường dẫn đến tương lai của Việt Nam.

Người viết mạn phép đưa ra bốn đề nghị, nếu đồng bộ tiến hành, có thể giúp ổn định vị thế của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông (bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa):

1. Làm việc chung giữa người Việt trong nước và người Việt ngoài nước

2. Làm việc chung giữa các lứa tuổi khác nhau

3. Thúc đẩy Nhà nước Việt Nam nhanh chóng và thiết thực cung cấp nhân lực và tài lực cho những nghiên cứu nghiêm túc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ tư liệu tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, v.v.; đồng thời thúc đẩy Nhà nước Việt Nam công khai vấn đề tranh chấp Biển Đông trước cộng đồng quốc tế

4. Tranh thủ ASEAN, Mỹ, Nhật, v.v. bằng cách chứng minh là nếu tham vọng của Trung Quốc không bị chặn đứng, không những Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng không thuận lợi về quyền di chuyển trên biển, trên không và tạo tiền lệ xấu

Không ai có thể thay đổi lịch sử.

Qua học hỏi lịch sử và đặt quyền lợi dân tộc và đất nước trên hết khi làm việc chung, chúng ta có khả năng cao không lặp lại sai lầm của lịch sử.

Qua hợp tác, chúng ta giúp Nhà nước tránh thảm họa đến từ một ngoại bang cực kỳ xảo quyệt và thông minh, để cùng bước tới trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng.

Mỗi đề nghị bên trên tự nó là chuyện đội đá vá trời.

Hồi tưởng lại khoảnh khắc ngày 30 tháng 4 năm xưa, thế vào vui mừng hay xót xa, người viết nhìn thấy ánh sáng của hy vọng.

Chữ ít, tình nhiều.

TVC

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

[*] Ông Thái Văn Cầu là một khoa học gia về không gian tại Hoa Kỳ, một cộng tác viên thường xuyên của trang BVNBVN chú thích.

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.