Theo báo Tuổi trẻ Online – Tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các sở ban ngành liên quan vào chiều 13-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất tổ chức Lễ trồng cây và đặt đá chủ quyền Trường Sa tại công viên Bạch Đằng (Nha Trang, Khánh Hòa) vào ngày 29-4.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ trồng 21 cây bàng vuông và đặt 21 viên đá san hô. Mỗi viên đá có trọng lượng từ 50 đến 70 kg, có khắc tên đảo, toạ độ, vĩ độ từng đảo. Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hoạt động này nhằm giáo dục ý thức giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Các viên đá san hô đựơc lấy từ các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, biểu tượng chủ quyền quốc gia trên biển. Cây bàng vuông là một loại cây tiêu biểu có sức sống mãnh liệt nhất trong các loại cây xanh ở Trường Sa.
Đây là hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 – 29-4-2010) và 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2010).
Như vậy, một câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại là 21 cây bàng và 21 viên đá chứ không phải là con số khác?
Theo tin được đưa ở trên thì 21 viên đá được lấy từ 21 đảo và điểm đảo, và mỗi viên đá “có khắc tên đảo, tọa độ, vĩ độ từng đảo”. Như thế có thể gián tiếp hiểu rằng: chúng ta lấy 21 viên đá san hô ấy từ 21 điểm đảo mà chúng ta chiếm đóng, 21 điểm thực sự là chủ quyền của Việt Nam. Qua đó, cũng gián tiếp tỉnh Khánh Hòa thừa nhận chỉ làm chủ được 21 đảo và điểm đảo trong quần đảo Trường Sa. Vậy liệu có quá ít?
Hiện tại chưa có một tài liệu chính thức nào nói về số đảo thực sự là chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tôi chỉ có thể tiếp cận một nguồn tài liệu duy nhất là từ wikipedia. Mà theo wikipedia, quần đảo Trường Sa có khoảng 100 đảo, Việt Nam chiếm đóng 26 đảo (gồm 7 đảo, 16 đảo chìm và 3 bãi đá ngầm), trong đó phải kể đến đảo Trường Sa, cũng là nơi đặt huyện lỵ của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, rồi còn các tên quên thuộc như Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Cô Lin, Gạc Ma, Tiên Nữ, Núi Le… Qua đó thấy có sự chênh lệch là 5 đảo và điểm đảo.
Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn với rất nhiều nước khác trong khu vực như Đài Loan, Philippine, Malaysia, Brunei. Mỗi nước tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo. Theo thống kê của tôi trên wikipedia thì Philippine chiếm 10 điểm (điểm ở đây xin hiểu là bao gồm đảo, đảo chìm và bãi đá ngầm), Malaysia chiếm 7 điểm, Trung Quốc chiếm 9 điểm, Đài Loan chiếm 2 điểm, Brunei không có số liệu, ngoài ra còn một số điểm đảo chưa có nước nào chiếm đóng. Có lẽ, số liệu này đã cũ, hiện tại bất cứ điểm nào không có sự hiện diện của quân đội là điều không thể.
Về quần đảo Trường Sa, một thực tế đặt ra là: Chúng ta đang đói, rất đói thông tin, đặc biệt là các thông tin về “quốc gia đại sự”. Còn nhớ, trong một kì họp Quốc hội, có Đại biểu chất vấn Chính phủ về tính hình chủ quyền thực sự của Việt Nam trên Biển Đông và cần thông báo rõ ràng cho ngư dân biết để khỏi phải bị bắt oan uổng. Thế nhưng câu trả lời nhận được chỉ là sự né tránh vào vấn đề chính. Sau đó, vị đại biểu ấy nhắc lại câu hỏi lần thứ hai nhưng cũng nhận được câu trả lời chẳng mấy khả quan hơn.
Vấn đề Trường Sa hiện nay vẫn nóng bỏng từng ngày, trong đó góp nhiều nhất cho sự nóng bỏng này là “anh chàng” Trung Quốc. Những hành động gần đây của nước này lại càng khiến ta không khỏi băn khoăn về mưu tính của họ. Ngẫm cũng thấy buồn cho Việt Nam, dường như số phận đã an bài tất cả, khi Việt Nam được đặt ngay dưới chân người khổng lồ Trung Quốc, chỉ cần người khổng lồ hắt hơi một cái là đã bị rung chuyển và “choáng váng”.
TH
Sinh viên ĐHKH Huế
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập