Từ tọa đàm Biển Đông, nghĩ về cái “đói” của tuổi trẻ

“Những gì buổi tọa đàm khơi dậy được là rất lớn lao, có thể nói nó tạo tiếng vang trong dư luận giới trẻ, ít nhất là của một trường Đại học. Nhưng sau đó, một nỗi lo lại dâng lên khi những bài viết về sự kiện bị gỡ xuống. Tất nhiên, chưa ai bị phiền hà vì sự kiện này, nhưng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” của buổi tọa đàm liệu có được những người có quyền chức và trách nhiệm với đất nước chấp nhận và tiếp tục tạo điều kiện nhân rộng.

“Nếu cho rằng sự thật khiến người dân, người trẻ manh động thì ai đó đã lầm. Không phải cứ nghe đến những sai sót cũ, người trẻ sẽ ngoảnh mặt lại với công lao của Đảng. Không phải cứ nghe đến kẻ thù, người trẻ sẽ đòi kéo nhau ra biển tử chiến. Rất tiếc cho những ai lo xa, chúng tôi không phải là một lũ hữu dũng vô mưu như vậy. Mở đường cho hươu chạy đúng vẫn tốt hơn để nó chạy quàng chạy xiên vào bụi rậm”

KD

Tuổi trẻ Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa (Hà Nội 12/2007).

Tuổi trẻ Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa (Hà Nội 12/2007).

Có lẽ một buổi tọa đàm với vài trăm sinh viên Đại học đến dự không phải sự kiện lớn để được nhắc đi nhắc lại trong vài bài báo. Nhưng những niềm vui và nỗi buồn nó gợi ra thì quá lớn. Là người trực tiếp dự tọa đàm này, tôi xin chia sẻ một vài điều như sau.

Nhà báo Phương Loan viết sau buổi toạ đàm về sự “đói” thông tin của tuổi trẻ. Bài báo của chị rất hay nhưng nhanh chóng bị gỡ xuống sau khi đăng. Tuy vậy, nó đã kịp khiến người đọc lưu tâm đến một điều rất lạ: tại sao trong thời đại công nghệ thông tin, tuổi trẻ lại “đói” thông tin về biển, đảo? Trong các ý kiến tôi đọc được, có người trách thanh niên thờ ơ với thời cuộc nên không chịu tìm hiểu thông tin, có người đổ lỗi cho Nhà nước không dám nói sự thật cho người dân biết. Tôi không muốn truy tận gốc chuyện chuột chết đói trong chĩnh gạo này là do ai, chỉ xin thanh minh rằng, thanh niên không “đói” thông tin chung chung mà “đói” thứ khác.

Xin mạn phép được dùng hai từ tiếng Anh để giải thích rõ vấn đề này. Thanh niên có thể tiếp cận các “fact” (sự kiện) và cũng không ai ngăn cản thanh niên tiếp cận chúng. Cái mà thanh niên không thể tiếp cận là “truth” (sự thật). Những sự kiện cứ thế diễn ra, ai cũng có thể thấy chỉ qua vài cái nhấp chuột (Trung Quốc dàn quân trên biển, chiếm đảo, bắt bớ ngư dân). Thanh niên không đói những thông tin này, đó là điều tôi dám khẳng định.

Nhưng sự thật đằng sau những sự kiện đó: mưu toan của những kẻ bá quyền với đất nước ta thế nào, ứng xử của Nhà nước ta ra sao (nói thật, làm sao có thể trấn an dư luận bằng một vài câu tuyên bố lặp đi lặp lại của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao?), liệu chúng ta có buộc phải cầm súng, sự chuẩn bị tinh thần và lực lượng của chúng ta ra sao (tất nhiên, giới trẻ đâu có đòi hỏi được biết tên tuổi, mặt mũi số vũ khí có trong kho, chỉ cần biết chúng có thật hay không, Nhà nước sẵn sàng hay không sẵn sang), có hay không những chuyện mờ ám phía sau, những thỏa hiệp bất lợi cho đất nước, những sai lầm quá khứ đến hôm nay còn khiến chúng ta chưa khắc phục được?

Buổi toạ đàm và những lời chia sẻ của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã chạm phần nào vào những sự thật này. Đó là lý do tại sao, cứ mỗi một lần ông ngừng lời, cả ba trăm sinh viên trẻ đều nhất loạt vỗ tay như sấm. Thanh niên đói sự thật và cần biết sự thật.

Những gì buổi tọa đàm khơi dậy được là rất lớn lao, có thể nói nó tạo tiếng vang trong dư luận giới trẻ, ít nhất là của một trường Đại học. Nhưng sau đó, một nỗi lo lại dâng lên khi những bài viết về sự kiện bị gỡ xuống. Tất nhiên, chưa ai bị phiền hà vì sự kiện này, nhưng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” của buổi tọa đàm liệu có được những người có quyền chức và trách nhiệm với đất nước chấp nhận và tiếp tục tạo điều kiện nhân rộng.

Tướng Nguyễn Chí Thanh từng mắng một cán bộ tuyên huấn khi ông này lên án việc hát quan họ trong một buổi giao lưu văn nghệ của bộ đội (rằng thì là quan họ uỷ mị, lả lướt). Tướng Thanh nói đại ý: Nếu tinh thần bộ đội suy sụp chỉ vì những bài hát ca ngợi tình yêu, ca ngợi quê hương thì tinh thần ấy quá kém!

Nếu cho rằng sự thật khiến người dân, người trẻ manh động thì ai đó đã lầm. Không phải cứ nghe đến những sai sót cũ, người trẻ sẽ ngoảnh mặt lại với công lao của Đảng. Không phải cứ nghe đến kẻ thù, người trẻ sẽ đòi kéo nhau ra biển tử chiến. Rất tiếc cho những ai lo xa, chúng tôi không phải là một lũ hữu dũng vô mưu như vậy. Mở đường cho hươu chạy đúng vẫn tốt hơn để nó chạy quàng chạy xiên vào bụi rậm.

Đôi lời thiển cận, kính chia sẻ cùng độc giả!

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.