35 năm quá dài

Đáng lẽ chỉ viết vài câu như một “lời bình”, thì sự chân thực và cảm động của tác giả lời tâm sự sau đây lại khiến tôi cũng muốn trút những tâm sự của chính mình mà chưa có dịp nói ra. Có một chi tiết hết sức bất ngờ về cái ngày 30 tháng 4 ba mươi lăm năm trước: trong buổi mít tinh chào mừng ngày “đại thắng” ấy ở trước cửa Nhà Hát Lớn Hà Nội, khi vị chủ toạ (nhớ không nhầm là Thủ tướng Phạm) dõng dạc tuyên bố toàn thắng và ngưng lại đợi tiếng hò reo vỗ tay (như thường lệ), thì hàng vạn con người đứng dưới… im phăng phắc. Thủ tướng đợi khoảng nửa phút, không thấy gì, đành tự vỗ tay bốp bốp. Lúc ấy mọi người mới như tỉnh ra, và vỗ tay theo. Ấn tượng về sự lạ ấy còn ghi khắc trong tôi đến bây giờ.

Nhưng ngay lúc ấy, một linh cảm không vui đã nhói lên trong lòng tôi: từ lúc này, đất nước sẽ phải đối mặt với những gì không đơn giản chỉ là niềm vui hòa bình, thống nhất… Quả nhiên, những gì diễn ra sau đó, suốt 35 năm, đã chứng tỏ linh cảm của tôi không tồi. Trong vai một nhà báo của bên “chiến thắng”, tôi có mặt tại Sài Gòn từ tháng 7 năm 1975, và cũng đã có những câu hỏi không khác gì bạn văn Dạ Ngân của tôi đã có. Vì tôi cũng có hàng trăm người bà con ở phía “chiến bại”. Vì tôi cũng có mặt ở cái trại sáng tác Vũng Tàu của Dạ Ngân. Hơn thế nữa, tôi còn có được sự so sánh những cái hay cái dở của kẻ “chiến thắng” với những cái hay cái dở của kẻ “chiến bại”, và thấy ngay là hóa ra kẻ “thắng” có vô khối cái cần học ở “kẻ bại”, trong đó có cung cách làm ăn, dạy trẻ, đối nhân xử thế, mà càng về sau càng rõ. Bây giờ, thì biết bao cái ta đã làm theo cách những gì “kẻ bại” đã làm, kể cả những cái dở, chỉ có điều hay thì chưa chắc bằng, còn dở thì dở hơn!

Đó là một trong nhiều lý do khiến tôi rất nản với cái cách kỷ niệm 30/4 năm nào cũng thế, cho đến tận bây giờ, vẫn chỉ cốt ồn ào phân biệt “thắng, thua”, khiến vết thương của người “thua” không kịp lên da non, mà kẻ “thắng” nhiều khi thấy sượng (chứ chưa chắc trong lòng thực sự đã “kiêu” đâu!) Tôi lại vừa đọc được một đoạn viết về ngày chiến thắng của quân đội miền Bắc với quân đội miền Nam trong cuộc nội chiến của Mỹ. Sao cách xử sự của người “thắng” bên họ khác ta nhiều đến thế? Không hạ nhục, không cải tạo, tù đày… Tại sao? Chẳng lẽ chỉ có thể ngậm ngùi nói theo ông anh cùng họ (Hoàng): “Cái nước mình nó thế!”

Hoàng Hưng

Đã hơn một lần tôi tái hiện những ngày cuối tháng Tư lịch sử qua những bài viết từ góc độ của mình. Góc độ của một đứa con liệt sĩ bị mồ côi vào năm 10 tuổi, 14 tuổi vào bưng kháng chiến theo cái lý thù nhà nợ nước và sau đó là tất cả những năm tháng xây xước không thể nào quên. Một con người như vậy mà sống sót thì tâm trạng vào tháng Tư năm Bảy Lăm sẽ thế nào? Ngây ngất như thể tái sinh từ một cuộc đại phẩu, nhìn quanh thấy bên thắng và bên thua đều khóc ròng vì một nỗi mừng duy nhất: vậy là thôi súng ống bom đạn rồi, hòa bình rồi, không gì thiêng liêng hơn điều đó!

Mỗi năm kỷ niệm ngày đại thắng tôi lại chăm chú hơn với những thước phim tài liệu phát trên các kênh truyền hình. Càng lùi xa thời điểm ấy thì nhu cầu khám phá lại càng lớn. Cũng phải thôi, cái gì đã thành lịch sử đều trở nên hấp dẫn hơn với hậu thế và nó lớn vụt lên về kích cỡ cũng như những điều nó chưa được mở ra trong lòng nó. Tôi thấy rõ hơn từng giai đoạn tâm trạng của mình. Sau vui tràn thì phải là phơi phới chứ. Đáng lẽ phải là như vậy chứ. Tôi quá mẫn cảm hay dễ lạc quan hay quá “non nớt về chính trị” mà đinh ninh như vậy? Nhưng hình như đã có những sự thật khiến thời gian trăng mật với hòa bình ở trong tôi thật ngắn. Cuộc hôn nhân này có vấn đề gì sao?

Đầu tiên là những giọt nước mắt bàng hoàng của những người vợ lính cộng hòa trong gia tộc mình. Ở miền Nam gia tộc nào cũng có rất nhiều người của bên này và bên kia. Thì ra tiếng những đoàn xe GMC rung chuyển đường phố và những tiếng la ó thảng thốt tôi có nghe thấy trong nhiều đêm liền là tiếng của những người lính thất trận đang bị đưa đi đâu đó một cách bất thần, chính tôi cũng không thể biết. Tôi bắt đầu thấy vị thế hạt bụi của mình từ đó, khi mà mọi thứ với thân phận người đều do ở đâu đó rất cao rất xa làm nên chứ chúng tôi thì can dự được mấy. Trong chiến tranh sống và chết, chúng tôi được bình đẳng hơn nhiều. Sao không có thu xếp khác để có hòa giải thực sự và để dân tộc có sức mạnh mới hơn, thực sự?

Kế đến là những ngày muốn mua một mét vải cũng phải lén lút lách vào một cửa hàng vừa bị cải tạo đang phải bán chui bán nhủi những thứ đã giấu được. Lý thuyết hòa bình rồi cái gì chẳng có rơi từ ngọn cây thiên đường xuống, không còn manh giáp tươi hồng nào. Cứ thế, cải tạo công thương đợt hai rồi đợt ba và những đoàn ghe xuồng nông dân giong buồm lá dừa nước đi dài từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre xuống mạn dưới trong cơn tháo chạy địa chấn tập đoàn hóa hợp tác hóa. Một lần nữa từng gia tộc lại cưu mang và vá víu nhau, hạt gạo củ khoai cùng những nỗi niềm có tên là hậu chiến. Hòa bình thật sự được tính bằng năm hay tính bằng tháng mà lòng người loạn ly quá đỗi?

Chưa chi đã lại nghe thấy chiến tranh ở cả hai đầu đất nước. Giang sơn đã toàn vẹn chứ đâu phải năm 1946 mà không khí có vẻ “ngàn cân treo sợi tóc”? Lần này những người “non nớt chính trị” chúng tôi đã vỡ lẽ: thế giới giống như một cái xóm vậy thôi, những nhà giàu bao giờ cũng tìm cách ngồi lại với nhau để định đoạt và những kẻ thấp cổ bé họng luôn bị họ thu xếp theo kiểu nào đó. Thế thôi. Chuyện kẻ giàu sẵn và người chưa giàu, chuyện lòng tham và lòng nhân, chuyện thói đời và bi kịch của khát vọng tiến bộ… Vân vân và vân vân, một nhà văn trẻ ngộ ra, vừa ngỡ ngàng vừa choáng váng.

1982 có lẽ là thời điểm quan trọng nhất trong nhận thức của tôi về cuộc chiến đã qua, về hậu chiến đang bao trùm và về những cụm từ như chủ thuyết, quốc gia và dân tộc. Thật không thể nào quên Trại sáng tác văn học của Hội nhà văn Việt Nam bên một vũng biển vào loại đẹp nhất Việt Nam nhưng vừa có mấy chục cái xác thuyền nhân dạt vô. Rất nhiều xác của đàn bà úp sấp. Chắc các bạn đã hình dung được tâm trạng của lũ nhà văn nhạy cảm chúng tôi trong không khí đó. Thê lương hết cỡ. Xác một bé trai chừng mười tuổi được kéo lên ngay dưới nhà Trại, trên một gộp đá trong lúc chờ Công an tới đem đi. Có bao nhiêu người đang ở các trại cải tạo khắp trong Nam ngoài Bắc? có bao nhiêu con em các doanh nghiệp thành danh phải đi Kinh tế mới? Có biết bao phụ nữ và trẻ em sợ nước đã bước xuống thuyền ra biển để rồi làm mồi cho cá? Có bao nhiêu mạng người đã ngã xuống nữa ở hai đầu biên cương? Một dân tộc vừa bất hạnh và vừa cố chấp với nhau, có lẽ chính vì vậy mà nỗi bất hạnh mới dai dẳng đến thế.

Từ tháng Tư ấy tới lúc nông dân bỏ xứ chạy nạn tập đoàn là 5 năm, từ hiện tượng thuyền nhân đến khi chúng tôi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hô hào cỡi trói là 10 năm. Từng chặng 5 và 10 năm, đến giờ là 35 năm, chừng ấy thời gian là đã đủ cho nước Nhật thành cường quốc bên cạnh nước Mỹ, thời gian cũng đã đủ cho các em bé sinh ra vào thời khắc hòa bình ấy thành một người đàn ông trang lứa với nhà toán học Ngô Bảo Châu. Số người Việt Nam ra đi và không muốn quay về ngày mỗi tăng lên, kiều hối cũng tăng lên và lòng người vẫn chưa thôi ly tán.

Có cách kỷ niệm nào khác hơn không? Sao cho bên thắng không kiêu mà bên bại cũng không buồn đau mãi. Sao cho người Việt ở khắp nơi hướng con tim vào nhau và nhủ rằng: thôi thì lịch sử, hãy để mọi chuyện phán xét cho đời sau còn chúng ta, hãy cùng cầu siêu cho mọi vong linh trong thời chiến và cả trong thời bình sau ngần ấy năm qua.

Chỉ dám mong có vậy.

DN

Nguồn: http://thanngan.tk/

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.