Đọc bài Diễn văn nhan đề “Tự do, sự thật và hòa giải” của cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski, (BVN, 25.4.2010), bài diễn văn mà người viết ra nó không bao giờ còn có dịp đọc nó, dường như mắt tôi đã phải chớp rất nhiều lần, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, và rất buồn khi viết những dòng này.
Điều đầu tiên của sự xót xa là ký ức tôi lập tức xuất hiện hai câu thơ trong bài Khóc ông Stalin của Tố Hữu (xin mở ngoặc là vì lâu quá rồi nên có thể không chính xác hoàn toàn câu chữ): Thương cha, thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một thương ông thương mười (!). Khi Tố Hữu viết những dòng ấy, ông đang ở cái thời đã vào Trung ương trên Việt Bắc nhưng còn khá lâu mới “Làm bí thư hoài có bí thơ” nên có lẽ ông không biết hết những tội ác mà Stalin đã gây ra? Đó là những tội ác mà mới đây Tổng thống Nga Medvedev khẳng định tại Washington D. C. Khi còn là sinh viên, chúng tôi đã được dạy lịch sử Liên Xô, Trung Quốc… bằng 90% sự dối trá và phản lịch sử. Thì ra, cái dối trá đã được ươm mầm từ lâu lắm rồi…
Trong bài Tổng thống của dân, Mạc Văn Trang cho biết Ba Lan có diện tích xấp xỉ Việt Nam, dân số 38,6 triệu người, GDP năm 2007 là 604 tỷ USD. Thời điểm đó GDP của Việt Nam là 60 tỷ USD với dân số khoảng 85 triệu người. Nếu tính theo GDP đầu người/năm thì Ba Lan giàu hơn Việt Nam 20 lần. Sự giản dị và tiết kiệm của vợ chồng cố Tổng thống đã thành huyền thoại khi người dân gọi Kaczynski là “củ khoai tây”, còn vợ là “con chuột xám” (trang phục toàn những thứ ít tiền). Tại sao một Tổng thống của một đất nước giàu có hơn Việt Nam 20 lần, lại chấp nhận đi chiếc máy bay cũ kỹ để đến nỗi bị tai nạn thảm khốc? Câu hỏi đó ai cũng trả lời được và càng đau xót hơn khi nhìn thấy ở nơi khác, nước khác, quan chức tha hồ phè phỡn, vơ vét cho đầy túi tham hàng triệu USD, để mặc cho người dân ngắc ngoải, đau buồn. Một con người vì dân, của dân như Tổng thống Zaczynski luôn tôn thờ sự thật và, ông chết cũng chỉ vì sự thật.
21.768 người dân, binh lính, sĩ quan, linh mục, mục sư… Ba Lan đã bị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra Quyết định ngày 5.3.1940 với chỉ thị rất rõ ràng họ “không thể cải tạo”. Cái “uyển ngữ” tàn nhẫn trên đây đã được thi hành vào tháng 4.1940 bằng những phát đạn bắn vào gáy (!). Cuộc đời sao có thể lại có sự dã man đến thế? Lòng ích kỷ và mù quáng của quyền lực, của tư tưởng bảo vệ sự ích kỷ đó bằng mọi giá, bất chấp dân tộc, bất chấp con người nó hung hiểm và độc ác biết chừng nào! Nỗi đau của tôi được nhân lên gấp bội khi chính những thi hành án là những chiến sĩ hồng quân. Trong số họ không ít người là đảng viên cộng sản.
Trong bài Diễn văn trên, cố Tổng thống Ba Lan đã tôn vinh một sinh viên tên là Joseph Balka – người đã dám đòi công bố sự thật Katyn* năm 1949 – sau đó bị tù giam 3 năm vì những nhà cầm quyền của Nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan cho rằng sự thật đó làm ảnh hưởng đến quan hệ Ba Lan – Liên Xô. Xem ra, chuyện xưa và chuyện nay, bài học của quá khứ để soi vào hiện tại chẳng khác nhau là bao. 3 năm tù đày của người sinh viên đó, phải mất 40 năm mới chứng minh được (1989), và như cố Tổng thống Ba Lan đã khẳng định: “Sự thật – vũ khí cuối cùng để chống lại vũ lực – đã chiến thắng!”
Rất nhiều câu hỏi và ngẫm suy được đặt ra qua bài Diễn văn sẽ trở thành bất tử này. Tại sao Cộng hòa Nhân dân Ba Lan được xây dựng trên nền tảng của “sự dối trá Katyn” và Cộng hòa Ba Lan hôm nay được xây dựng theo nguyên tắc “sự thật Katyn” lại khác nhau nhiều thế? Tại sao lịch sử thế giới hiện đại do các nhà sử học Việt Nam xuất bản lâu nay lại không viết lại? Nếu chúng ta có lương tâm sử học – vì, nguyên tắc đầu tiên của nó là “kể lại chính xác về tất cả những gì đã xảy ra” bị bóp méo, xuyên tạc – thì tại sao chúng ta vẫn cứ chấp nhận? Sử học mà không có sự thật thì chẳng một ai tin, chẳng một ai dựa trên cái “nền tảng” lố bịch đó để xây dựng thành bài học, để định hướng thành chân lý. Tại sao bao nhiêu thế hệ sinh viên, trước, cùng thời và sau chúng tôi cứ phải nghe mãi những điều dối trá?…
Khép lại bài viết này trong tâm trạng hoang mang và bối rối vô cùng vì những gì tôi đã biết, đã đọc lâu nay chỉ có vài phần trăm sự thật; trong tai tôi cứ như đang “nghe” được câu mà Lech Kaczynski đã viết trong bài Diễn văn: “Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại sự công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp”.
Xin thắp một nén hương vì Lech Kaczynski!
* Thoạt tiên cụm từ này chỉ vụ thảm sát khoảng 4400 sĩ quan Ba Lan bị giam ở trại Kozelsk trong khu rừng Katyn gần làng Gnezdovo, cách không xa Smolensk. Về sau, nó bao hàm cả việc giết hại khoảng 22.000 công dân Ba Lan, tù binh ở các trại Kozelsk, Starobelsk và Ostashkov và tù nhân ở các nhà lao ở Tây Belarus, Tây Ukraina, bị bắn theo lệnh Stalin trong khu rừng Katyn và tù nhân ở Kalinin (Tver), Kharkov và các thành phố khác của Liên Xô (Theo Wikipedia).
HVT
Huế, 27.4.2010
HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập