“Chúng ta, những người tự coi là rất văn minh, rất khoa học, chúng ta biết nước là nguồn gốc của sự sống, nhưng chúng ta không biết, biết bằng hành vi cụ thể chứ không phải bằng lý lẽ to tát, rằng không có rừng thì cũng chẳng có, chẳng còn nước, nghĩa là cũng chẳng còn có sự sống, chúng ta không biết cái chân lý sơ đẳng và đơn giản ấy. Nhìn thấy rừng là con mắt ta hau háu nhìn thấy gỗ, gỗ, gỗ… Và hết gỗ rồi, bây giờ, thấy tài nguyên khác. Hau háu, hung hăng, hỗn hào chặt phá, và hết chặt phá, chẳng còn gì để chặt phá nữa thì đào bới…”
Những dòng trên đây của nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết (Nước mội, rừng xanh, và sự sống) đã đăng trên Bauxite Việt Nam tưởng quá đủ để giải thích tại sao người ta hăng hái quá mức trong việc lập dự án làm thủy điện. Chỉ trong 9 tỉnh mà có đến 393 dự án thủy điện! Cái mùi tiền quyến rũ đến nỗi người ta bất chấp môi sinh. Còn nhớ trận lụt năm ngoái, riêng Phú Yên đã mất gần trăm sinh mạng trong khi áp thấp nhiệt đới chỉ gây mưa 330 li, so với năm 1991 mưa đến 1300 li, gấp hơn ba lần, nhưng không có thiệt hại gì đáng kể.
Bộ Công thương kiến nghị bỏ 38 dự án thủy điện và điều chỉnh quy mô của 35 dự án thủy điện khác là một động thái cần thiết nhưng hoàn toàn chưa đủ để an tâm thủy điện sẽ không biến thành thủy hại, để vĩnh viễn không vì thủy điện mà bao nhiêu người dân phải chết oan.
Cần thành lập một hội đồng khoa học cấp quốc gia để xem xét mọi vấn đề liên quan đến thủy điện. Trước mắt, cần ban hành quy chế phối hợp xả lũ giữa các nhà máy thủy điện có liên quan. Cần rà soát nghiêm ngặt quy trình phê chuẩn các dự án thủy điện.
Chỉ vài tháng nữa là đến mùa mưa bão.
Bauxite Việt Nam
TP – Báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá quy hoạch các dự án thủy điện tại 9 tỉnh trọng điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cộng với báo cáo của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy nhiều nguy hại trong đầu tư các dự án thủy điện. Có trường hợp lợi dụng dự án thủy điện để phá rừng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện có 393 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 7.381 MW. Qua báo cáo của UBND các tỉnh và kiểm tra thực tế tại 9 tỉnh gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, Bộ Công Thương kiến nghị loại bỏ 38 dự án thủy điện đã phê duyệt quy hoạch và các dự án tại vị trí tiềm năng thủy điện, đồng thời yêu cầu điều chỉnh quy mô của 35 dự án thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến môi trường – xã hội hoặc không phù hợp với các quy hoạch khác.
Số nhà đầu tư nhằm vào các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu du lịch để xin đầu tư thủy điện không phải ít. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh ở Quảng Nam có tới 5 dự án thủy điện nhỏ xin đầu tư.
Các vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Khu bảo tồn thiên nhiên Bi Doup – Núi Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ở Đăk Lăk, Lâm Đồng cũng có nhiều dự án thủy điện nhỏ xin đầu tư. Cá biệt, tại Đăk Nông có dự án Đăk Sin 3 công suất 9,6 MW nằm đè lên dự án thủy điện Đăk Keh 4 thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc của tỉnh Bình Phước.
Tại tỉnh Lai Châu, có tới 11 dự án thủy điện gây ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Ngay cả khu du lịch thác Đam Bri ở Lâm Đồng cũng được nhà đầu tư quan tâm xin đặt công trình thủy điện.
P. T.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=192375&ChannelID=3