Có thêm một “bố tổ” nữa thì cũng đã sao. Mà có thêm một “nội tổ” nữa thì cũng cứ được. Chỉ sợ ngày xưa cụ Hồ ghé đền Hùng nói với lớp cán bộ theo mình thuở ấy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, nhưng ngày nay lại có kẻ đang đêm đi xe xịn đến đền thờ “nội tổ” khấn với ngài: “Thưa nội Tổ, cách giữ nước hiệu quả nhất là nên giao rừng, giao đất, giao mỏ quý cho “nước bạn” trông giữ và khai thác, giao luôn cả biển và đảo cho họ tuần tiễu ngày đêm. Như thế có phải đỡ mất công sức mình không? Chúng cháu tiếng là ngồi nắm quyền chấp chính mà khỏe re, chỉ lo hú hí với các em hoặc đi casino sắp mở ở Bà Rịa – Vũng Tàu, khỏi phải suốt ngày đề phòng tự diễn biến, cực lắm”.
Bauxite Việt Nam
Chẳng phải tự dưng mình cắc cớ hỏi vậy. Con nít 10 tuổi hỏi đấy!
Tối hôm qua, mình đón cô út từ Nhà văn hóa Thiếu nhi về, nghe “nàng” thông báo: ”Thứ Sáu này con được nghỉ học. Giỗ Tổ Hùng Vương. À, hôm qua ba đọc báo có nói người ta giỗ tổ… Lạc Long Quân. Thế Việt Nam mình có mấy ông tổ hở ba?”. Mình tắc tị!
Ừ nhỉ? Nếu cứ như báo đài đưa tin thì Việt Nam mình có mấy ông Tổ nhỉ? Sở dĩ mình hỏi như thế là vì hai hôm liền 19/4 & 20/4, các báo đài đồng loạt đưa tin: Dâng hương Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Thế mới có chuyện con gái mình hỏi: Việt Nam mình có mấy… ông Tổ? He he…
Ai cũng biết chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 con từ bọc trăm trứng, năm mươi con theo Bố lên rừng, năm mươi con theo Mẹ xuống biển; từ đó mới hình thành nên người Việt. Đó là truyền thuyết. Truyền thuyết thì do dân gian truyền miệng từ đời này sang đời khác mà nên. Không phải được ghi lại bằng sử sách hay chứng tích gì.
Chắc chắn những ai là con dân Việt, đều biết câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Đó là ngày giỗ các Vua Hùng.
Vì sao ngày giỗ các Vua Hùng lâu nay được coi là giỗ Tổ? Các nhà sử học nói rằng, chính thời đại các Vua Hùng mới có sự hình thành NHÀ NƯỚC (VĂN LANG). Còn trước đó chỉ là các bộ tộc bộ lạc rải rác khắp vùng lúa nước ven Tây Thái Bình Dương này.
Từ đó, người ta coi Nhà nước Văn Lang là cội nguồn của nước Việt Nam ngày nay. Vì thế, ngày giỗ các Vua Hùng, mùng 10 tháng Ba lịch ta được coi là giỗ Tổ. Người dân Việt khắp nơi ghi nhận ngày giỗ Tổ đó dễ có đến cả mấy ngàn năm nay.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Đền Hùng, Bác Hồ căn dặn vệ quốc quân Đại đoàn Quân Tiên phong về tiếp quản Thủ Đô Hà Nội rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải giữ lấy nước.”; đó cũng là cách Nhà nước Việt Nam thời Cụ Hồ gián tiếp ghi nhận các Vua Hùng là người lập nước đầu tiên, xứng đáng là ông Tổ của Việt Nam ngày nay.
Đến con cháu các đời Vua Hùng thời nay lại lý luận bằng phương pháp luận… suy diễn rằng: nếu không có Lạc Long Quân thì làm gì có các Vua Hùng? Tại sao lại không có đền thờ Lạc Long Quân?
Có lẽ họ không phân biệt được truyền thuyết khác với lịch sử chăng? Cứ luận theo họ thì các Vua Hùng là ông Tổ của Việt Nam. Còn Lạc Long Quân truyền thuyết là bố các ông Tổ. Nói nôm na là Tổ… bố! Thế thì phải tạo ra đền thờ Tổ bố và tượng để thờ “Tổ bố” chứ!
Năm 2007, người ta tạo ra một… dự án rồi dựng nên một ngôi đền trong khu vực Chùa Hương. Gọi là đền thờ… cha của các vua Hùng: Lạc Long Quân.
Năm ngoái, sau 2 năm xây dựng người ta rùm beng làm lễ khánh thành đền thờ Lạc Long Quân (28/03/2009). Đủ các quan chức đến dự nha. Trước đó, ngày 07/02/2009, người ta đã cho đúc pho tượng ông Tổ bố tại khu vực đền Hùng, gọi là tượng “Quốc Tổ Lạc Long Quân” (chẳng biết căn cứ vào hình hài ở đâu để có tượng Tổ bố nhỉ?). Rồi làm lễ “dâng hương” Tổ bố ngày mùng 6-3 Âm lịch (19/4/2010).
Đền Thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã được khởi công từ ngày 26/3/2007 tức ngày 8/2 ÂL do Bộ Văn Hoá Thông tin tổ chức. Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng, với diện tích hơn 13ha. Công trình có tổng vốn đầu tư 139 tỷ đồng, gồm các hạng mục như cổng đền, cổng biểu tượng, nghi môn nội ngoại, sân hành lễ, Phương Đình (nhà bia) Tả Vu cùng khu nhà thờ hình chữ “Đinh” gồm đền thờ chính, tiền tế, đại bái và hậu cung. |
Tại sao lại là ngày mùng 6-3 thì chỉ có Trời mới biết? Từ nay người ta sẽ “ăn giỗ” ông Tổ bố (Lạc Long Quân) vào ngày mùng 6 tháng Ba lịch ta và “ăn giỗ” các ông Tổ con (Vua Hùng) ngày mùng 10 tháng Ba.
Hợp lý nhỉ? Chả nhẽ cúng Tổ bố lại sau ngày Tổ con? Nếu cứ theo báo chí và đài phát thanh nhà nước các cấp thì ngày mô, 6-3 hay 10-3 cũng giỗ Quốc Tổ cả! Rồi đây, người ta đưa ra Quốc hội hợp thức hóa và quyết luôn những ngày giỗ các Quốc Tổ. Khi đó bà con ta tha hồ mà được nghỉ lễ cả tuần! Sướng nhé!
***
Vậy thì có gì là đáng bàn nào? Tốn tiền bạc ư? Không thành vấn đề. Khi đã “phú quý” thì “sinh lễ nghĩa” thôi. Các cụ dạy thế. Lại thêm có đền có tượng từ nay có thêm điểm để hốt bạc… lẻ nhé! Làm ăn phải thế chứ! Thì cũng như Tây đó thôi. Cậu Rô-mê-ô và cô Giu-li- ét từ văn học bước ra cuộc sống và mang tiền về cho nước Anh thì đã sao?
Vấn đề ở đây là từ một truyền thuyết dân gian, nay nó được “hợp thức hóa” bằng các quyết định “hành chính nhà nước”.
Thế mới có chuyện con trẻ học lớp 3 lớp 4 lại cắc cớ hỏi bố mẹ. “Việt Nam mình có mấy ông Tổ?”. Mình đang lo ngày mai, con mình lại hỏi. “Tại sao chỉ cúng Lạc Long Quân mà không cúng Âu Cơ hở ba?”.
Ừ nhỉ! Không có Tổ bà thì lấy đâu có “trăm trứng” để mà có con đàn cháu đống ngày nay? Tổ bố có bằng thánh cũng đố rặn được trăm trứng! Biết đâu, nay mai Hội Phụ nữ Việt Nam lại lên tiếng đấu tranh và phê phán các ông rằng: “Đến như giỗ Tổ mà còn trọng nam khinh nữ”!
Ôi thôi thôi! Rắc rối quá đi! Mà khó trả lời con trẻ quá!
Các câu hỏi đó đâu phải nêu ra ở giữa cuộc hội thảo khoa học lịch sử để mà lý giải bằng các công trình khảo cứu sử học, trình bày chứng cứ khảo cổ, chứng mình bằng kỹ thuật các bon đồng vị?
Các câu hỏi đó cũng đâu phải nêu ra trên các tạp chí khoa học, các diễn đàn chính thức và không chính thức để mà các chuyên gia quốc tế quốc nội khắp nơi bàn luận mổ xẻ?
Có nhà quản lý văn hóa nào, có nhà sử học nào, có thầy giáo dạy sử nào,… sau khi chứng kiến tham dự các lễ hội “khánh thành” “dâng hương”, “rước tượng” Tổ nêu trên đã bao lần tự hỏi: Việt Nam mình có mấy ông Tổ?
Ông bố, là mình, sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh kéo dài hơn phần tư thế kỷ, mà không chết cũng chẳng bị thương đã là may mắn, nói chi đến có được trình độ uyên thâm về lịch sử, khảo cổ, chính trị học, lô gíc học,… để trả lời ngay cho đứa trẻ lên 10 bằng một câu đơn giản.
Thôi thì để khỏi “lo bò trắng răng”. Mình xin nợ con mình câu hỏi: Việt Nam mình có mấy ông Tổ? Nhưng chắc chắn các nhà sử học, các nhà quản lý cũng nợ các thế hệ trẻ thuộc dòng máu Lạc Hồng câu hỏi: VIỆT NAM ƠI, MÌNH CÓ MẤY ÔNG TỔ?
S. H.
HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.
Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho BVN nhưng trong khi đang biên tập để chuẩn bị đưa lên thì đã thấy trên một vài trang blog khác.