Bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của Đỗ Ngọc Bích ngắn, dưới 4 trang, nhưng đề cập đến những vấn đề lớn, cần hàng trăm trang giấy để thảo luận nghiêm túc và từng là đề tài cho luận án Tiến sĩ.
Trong phạm vi giới hạn của phản hồi, người viết tập trung vào ba điểm chính:
1. Việt Nam là một phần của Trung Quốc;
2. Đóng góp của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam;
3. Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa;
1. Việt Nam là một phần của Trung Quốc
Đỗ Ngọc Bích viết:
“Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở,” thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc.”
Lịch sử Việt Nam bao gồm một chuỗi dài chống ngoại xâm [1].
Ngoại bang hơn một lần áp đặt ách đô hộ trên nước Việt Nam, lần đầu kéo dài gần 1000 năm, lần sau 80 năm. Dù đến từ phương Bắc hay phương Tây và dù dùng thủ đoạn nham hiểm, tinh vi, hay xảo quyệt đến đâu chăng nữa, quân xâm lược cuối cùng luôn luôn là kẻ thủ bại.
Có thể nào chúng ta vội quên chiến thắng trên sông Bạch Đằng, hội nghị Diên Hồng, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, chiến dịch Điện Biên Phủ?
Thực tế khách quan trên chứng minh chân lý: Đất nước Việt Nam là của dân tộc Việt Nam!
2. Đóng góp của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam
Đỗ Ngọc Bích viết:
“Trung Quốc đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ‘đánh bại’ người Mỹ và ‘lật đổ’ chính thể Việt Nam cộng hòa…
Cho dù Trung Quốc giúp Việt Nam là vì tính toán chính trị của họ, được giúp đỡ để chiến thắng cũng là điều tốt mà ‘mình nên nhớ’” .
Không ai phủ nhận là Trung Quốc đã đóng góp tài lực và nhân lực trong chiến tranh Việt Nam.
Không ai mong đợi mọi đóng góp hoàn toàn không vụ lợi. Điều cần thiết là vụ lợi bên cho không được gây thiệt thòi cho bên nhận. Bằng không, hành động đóng góp trở thành có dụng ý xấu!
Mục đích duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam khi phát động cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ là để nắm quyền lãnh đạo toàn nước.
Mục đích của Trung Quốc khi “giúp” Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam lộ rõ qua dữ kiện lịch sử. Sau đây là sơ lược vài điểm cụ thể:
– Trung Quốc đàm phán riêng với Pháp tại Hội nghị Geneve năm 1954 và có thỏa thuận bất lợi cho Đảng Cộng sản Việt Nam [2].
– Khi giúp xây dựng đoạn đường sắt tại khu vực Hữu Nghị quan năm 1955, Trung Quốc cố tình di chuyển mốc biên giới vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam [3].
– Trong thời gian cuối của chiến tranh Việt Nam năm 1975, Trung Quốc gợi ý với chính quyền Việt Nam cộng hòa là Trung Quốc sẵn sàng giúp họ chặn đứng bước tiến của quân đội Nhân dân Việt Nam [4].
Chứng cứ trên cho thấy Trung Quốc giúp Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh vừa qua nhằm để phục vụ ý đồ riêng tư của họ, bất chấp nguyện vọng và quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một trong các tư liệu được trích dẫn, do Nhà nước Việt Nam phổ biến, nói về quan hệ Việt-Trung trong giai đoạn 1949-1979.
Chúng ta thử liên hệ dữ kiện từ tư liệu này đến quan tâm hiện thời của các bậc lão thành cách mạng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, v.v. về dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên, rừng đầu nguồn ở biên giới cực Bắc, hay hành động đâm chìm tàu cá, bắt giữ ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.
Và rồi tự hỏi, trong quan hệ với Việt Nam, hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây có khác biệt với hành động của Trung Quốc giai đoạn 1949-1979?
Lịch sử có giá trị khi mọi người biết tìm hiểu và học hỏi từ nó; sáng suốt nhận định mưu đồ đen tối của ngoại bang và tay sai của họ.
Nếu không, là công dân Việt Nam, chúng ta lại gián tiếp giúp ngoại bang gây ra thiệt hại to lớn cho Tổ quốc. Không thể trách người đọc nghĩ rằng chúng ta đang là Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống trong giai đoạn hiện đại.
3. Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa
Đỗ Ngọc Bích viết:
“Chính quyền Việt Nam cộng hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ?”
Thực tế lịch sử cho thấy trong hơn 200 năm qua, Việt Nam không ngừng thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Điều này được ghi nhận qua tư liệu trong và ngoài nước, bao gồm công lệnh, bản đồ, sách báo [5], v.v.
Nếu Trung Quốc có cơ sở vững chắc cho đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa dựa trên công pháp quốc tế, tại sao họ phải dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa?
Tại sao Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra cộng đồng quốc tế ? [6].
Tóm lại, các dữ kiện lịch sử và đương thời cho thấy bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của Đỗ Ngọc Bích chứa đựng những lập luận sai lầm nghiêm trọng, thiếu tính chất khoa học, liên quan đến đất nước và con người Việt Nam!
Tệ hại hơn nữa, tuy tựa bài nói về tinh thần dân tộc, nội dung bài chủ yếu đề cao một ngoại bang từng gây mất mát, tàn phá cho đất nước qua bao thế hệ.
Đây là một tư duy nguy hiểm mà chúng ta ai ai cũng cần nhận thức rõ.
TVC
Chú thích:
[1] Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, V. 1, 1971.
[2] La Chine et le reglement du premier conflit d’Indochine – Geneve 1954. Francois
Joyaux, 1979.
Đồng thời xem thêm: Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 Năm Qua. Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, 1979.
[3] Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, 1979.
[4] “More Evidence of Beijing’s Betrayal”. Vietnam Courrier, V. 17, 1981.
[5] Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. Monique Chemillier-Gendreau, 2000.
Đồng thời xem thêm: Cuộc tranh chấp về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Các vấn đề pháp
Lý. Luận án Tiến sỹ. Từ Đặng Minh Thu, 1975.
Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa. luận án Tiến sỹ. Nguyễn Nhã, 2002.
[6] “China, Vietnam, Malaysia spar on sea law”, www.upi.com, 13/5/2009.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.