Hàng chục năm nay, BBC như là “tôn giáo” của tôi: Sùng kính (adore) và tin tưởng đến mức tôi cho rằng những gì BBC đã đăng tải đều là “vàng ngọc”. Thế nhưng, qua vụ cô “TS” Đỗ Ngọc Bích (ĐNB) thì tôi chợt nhận ra rằng BBC thời nay “tung hứng” chẳng khác gì bóng đá: Làm và nói lấy được bất kể kỳ vọng của người hâm mộ đang ở chốn nào.
Bà “TS” ĐNB đã được một công dân đáng kính của ĐH Yale khẳng định rằng không phải là TS. Tại sao BBC không xin lỗi? Một kẻ mạo danh lại có quyền nói tiếp, nói nhiều hơn trên diễn đàn là cớ làm sao? Theo các nguyên tắc của khoa học thì chỉ cần một lần mạo danh là đủ để phủ định tất cả cái được gọi là “sự thật” rồi.
Bà ĐNB (trong bài viết gần nhất tôi gọi là “chị” theo “lời kêu gọi” của GS Nguyễn Huệ Chi là “mềm mỏng, nhẹ nhàng”), bây giờ tôi nghĩ không cần mềm mỏng nữa bởi bà ta đã lộ diện là một kẻ vừa ngông cuồng vừa… không bình thường về trí tuệ.
Nếu bà họ Đỗ ngụy biện rằng trong bài viết của bà toàn câu hỏi thì bà trả lời sao với những đoạn văn sau đây: “Một thực tế là lịch sử Việt Nam từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn cho dù có tuyên bố “Sông núi nước Nam vua Nam ở” thì Việt nam luôn là một phần của Trung Quốc”; “Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc…”…
Còn rất nhiều nữa mà tôi không muốn trích dẫn bởi thật ra bà Đỗ “TS” ngây ngô và lạm dụng cái gọi là hiểu biết của bà khi trong bài viết trước bà cho rằng không ai đọc được nhiều “bản gốc” về lịch sử Việt Nam như mình nhưng trong bài thanh minh lại nói rằng “mới có hân hạnh bước chân vào lĩnh vực lịch sử Việt Nam chưa lâu” (?). Như thế có nghĩa là làm sao? Khoa học mà ăn nói lung tung như thế thì đúng sai phải kiểm định theo cách nào đây? Cách đây vài chục phút, một phóng viên từ Washington D.C. của đài RFA là Mặc Lâm có phỏng vấn tôi (qua điện thoại) rằng nếu những người như bà ĐNB mà dạy lịch sử Việt Nam cho người nước ngoài theo cách như thế thì có nguy hiểm không? Một ý tưởng làm tôi rùng mình vì nghĩ rằng nếu những người vừa có khuyết tật về nhận thức, vừa thiếu đất để đặt ghế ngồi về hiểu biết như bà ĐNB mà giảng dạy lịch sử thì quả là tai họa! Tại sao những người như bà ĐNB lại có thể nhơn nhơn giảng lại lịch sử cho cả dân tộc Việt Nam? BBC không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ việc này. Tất nhiên, tôi nghĩ rằng cỡ như bà ĐNB, một kẻ tạm gọi là “câm điếc” về kiến thức, không xứng đáng để tranh luận nên tôi chỉ muốn tranh luận riêng với BBC.
Cái sai thứ nhất, bà ĐNB không phải là TS ĐH Yale mà BBC lại đăng là TS. Cái sai thứ hai nghiêm trọng hơn là bất kể mọi phản hồi của cư dân mạng về sự thực nhân thân của bà ĐNB, BBC vẫn tiếp tục luồng thông tin một chiều hết sức chủ quan. Cái sai thứ ba là những sai phạm của bà ĐNB rành rành như thế mà sao BBC không biên tập, chỉ “phát” như robot? Tôi không thể hiểu nổi một cơ quan ngôn luận có bề dày về truyền thống “chính xác, trung thực” như BBC lại có thể liên tiếp vi phạm mọi “hợp đồng” của sự thật. Làm sao những biên tập viên kỳ cựu của BBC lại chấp nhận câu “trả lời” này của bà ĐNB trong khi ở bài viết trước bà ta thóa mạ dân tộc Việt Nam thậm tệ đến hết lời: “Cố gắng làm cho họ bớt thù hận, bình tĩnh, rộng lượng hơn một chút với một số bối cảnh ngoại giao Việt Trung hiện thời”? Chẳng lẽ “bình tĩnh, rộng lượng” có nghĩa là phải chấp nhận Việt Nam là “một phần” hay “da thịt” của Trung Quốc hay sao? Mâu thuẫn đến thế mà BBC bỏ qua thì quả thật, tôi không tài nào hiểu nổi? Phải chăng bà ĐNB có ô dù nào đó lớn đến mức nó trùm hết cả hàng trăm năm danh tiếng của BBC?
Nói thực, khi viết những dòng này tôi rất đau lòng vì, như tôi đã nói, BBC như là một tôn giáo của cuộc đời nhận thức – hiểu biết của tôi (tôi đã từng tôn vinh BBC trong nhiều bài báo). Thần tượng bị sụp đổ thì nỗi đau của người tôn sùng thần tượng tan nát cả ngàn lần. Nếu BBC như tôi tin và hiểu, tại sao không đính chính cho rõ ngọn ngành?
Huế, 20.4.2010
HVT
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập