Nhân sự kiện “Tiến sĩ Đỗ Ngọc Bích”, nghĩ về giáo dục văn hóa

Sau khi tìm ra lai lịch cô Đỗ Ngọc Bích chưa hề là Tiến sĩ, cũng chẳng phải đang giảng dạy tại Đại học Yale, nhiều bạn đọc đã viết thư phản hồi, cho rằng viết thêm về cô nữa chỉ là vớ vẩn, tự rước thêm mệt vào mình, vì cô đâu đủ tư cách làm một người đối thoại với học giả và công chúng. Nhiều bạn đâm ra trách BBC đã đánh mất sự tin cậy vốn có về những thông tin vốn được tiếng khách quan, trung thực của mình lâu nay. Nay biết sai mà không cải chính, thế có còn giữ được uy tín mà khách hàng trông đợi – thái độ tự trọng – hay không?

Lại nữa, sau khi khuấy cho dư luận rộn lên vì một bài viết nói ngược, trên BBC tiếng Việt hôm nay cô Đỗ Ngọc Bích đã có bài trả lời:Ý tưởng viết bài của tôi xuất phát chính từ cảm giác bực dọc, khó chịu khi phải đọc những lời phỉ báng, lăng mạ của các blogger trong nước và hải ngoại đối với Nhà nước Việt Nam hay nhân vật lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trên Facebook hay diễn đàn BBC, VOA tiếng Việt”. Á, thì ra cô muốn bênh Nhà nước Việt Nam trước phản ứng sôi nổi dấy lên thời gian vài năm gần đây của đông đảo dân chúng về mối quan hệ tỏ ra quá “nhũn” của Nhà nước chúng ta với ông bạn láng giềng Trung Quốc. Nhưng bênh như thế thì không biết lãnh đạo Nhà nước nghĩ thế nào chứ người dân chắc phải cười vỡ bụng: “kính chẳng bõ phiền”. Và các vị như ĐDQ thì hẳn phải mừng rơn như chết đuối vớ được cọc: Cô này nói Việt Nam ta cho mãi đến triều Nguyễn vẫn là một phần da thịt của Trung Quốc, và các nhà nước Việt Nam chưa bao giờ có ý thức về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1974, thế thì có khác gì những điều mình từng đăng trên báo điện tử ĐCSVN, rằng Trung Quốc đem hải quân ra diễn tập ở Hoàng Sa và Trường Sa là biển đảo của họ đâu?

BVN xin giới thiệu tiếp dưới đây 4 bài của hai học giả người Việt ở nước ngoài là GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), khoa học gia Thái Văn Cầu (Hoa Kỳ), hai học giả ở trong nước là nhà giáo Hà Văn Thịnh (Huế – Việt Nam) và nhà văn Hoài Nam (Nam Định – Việt Nam) trước khi xin được khép lại một tấn hài kịch không cần màn kết.

Bauxite Việt Nam

Cô Đỗ Ngọc Bích

Cô Đỗ Ngọc Bích

Bây giờ thì chúng ta đã biết rằng BBCVietnamese đã giới thiệu sai về cô Đỗ Ngọc Bích, tác giả của bài viết gây xôn xao mấy ngày qua. Theo một Giáo sư tại Đại học Yale (nơi mà cô nói là giảng viên) thì cô Bích chưa tốt nghiệp Tiến sĩ, và chưa bao giờ là giảng viên của Đại học Yale. Như vậy có khả năng là ai đó (có thể từ “nước lạ”) mạo danh cô Bích để viết bài khiêu khích người Việt, hay chính cô Bích muốn chơi nổi bằng một bài phỉ báng lịch sử Việt Nam. Nếu giả thuyết thứ 2 đúng thì có lẽ đây là một vụ Sokal trong truyền thông Việt ngữ và BBCVietnamese còn nợ công chúng một lời xin lỗi. Nhưng suy đi nghĩ lại tôi thấy chẳng có giả thuyết nào có lí hơn là chính cô Bích chấp bút bài viết đó và tự quảng bá mình, và motif thì cũng giông giống như sự kiện cô Lê Kiều Như muốn làm nổi với dâm thư Sợi xích.

(Xin nhắc lại giáo sư vật lí Alan Sokal chơi xỏ giới hậu hiện đại bằng cách viết một bài báo “rất kêu”, dùng toàn những ngôn từ đao to búa lớn và trừu tượng nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Bài báo được một tập san hậu hiện đại đánh giá cao và cho công bố. Sau đó, Giáo sư Sokal viết một bài khác cho rằng bài ông viết trên tập san hoàn toàn vô nghĩa, vì chính ông cố ý sáng chế ra những từ ngữ đó một cách vô nghĩa để làm như ta đây là trí thức hậu hiện đại! Một xì căng đan lớn làm bẽ mặt ban biên tập của tập san).

Câu chuyện chung quanh bài viết và nhân thân của cô Đỗ Ngọc Bích làm tôi suy nghĩ về giáo dục. Tôi chẳng quan tâm gì đến cái bằng Tiến sĩ của cô (mà cô chưa có) hay chức giảng viên của cô (cũng không có thật), nhưng tôi chỉ quan tâm đến ý kiến của cô liên quan đến những vấn đề hệ trọng về lịch sử, văn hóa và chủ quyền của Việt Nam. Nhiều người đã chỉ ra những sai lầm của cô Bích, nên có lẽ không cần phải lặp lại ở đây. Điều tôi quan tâm là tại sao cô ấy lại có một cái nhìn lệch lạc về sử Việt Nam đến như thế? Có phải nền giáo dục đã nhào nặn ra một con người mang họ Đỗ nhưng thiếu kiến thức trầm trọng về lịch sử và văn hóa nước nhà [cả sự tự trọng trong phẩm chất cần có của một công dân mà nhà trường không dạy – BVN].

Đọc vài thông tin trên mạng, tôi thấy cô Bích cũng có ăn có học không đến nổi tệ. Trên website của Đại học Hawaii thì thấy nói cô Bích sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Anh văn và xã hội học. Trước khi đến Hawaii cô từng dạy tiếng Anh trong Bộ môn Xã hội học và Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô cũng từng làm phụ tá cho một tổ chức phi chính phủ của Úc ở Hà Nội, phụ tá Giám đốc học vụ của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Như vậy, cô Bích từng có thời gian dài hít thở không khí của đất “ngàn năm văn vật”, và trong thời gian trưởng thành, chắc chắn cô từng đi qua những con đường lịch sử của thủ đô của Việt Nam mà hàng ngàn thế hệ đã bỏ xương máu để gìn giữ. Hình như cô cũng biết vài ba chữ tiếng Anh, nhưng khả năng như thế nào thì chưa rõ. Nói tóm lại, cô Bích hấp thu nền giáo dục – nói theo ngôn ngữ sau 1975 là – ưu việt Xã hội Chủ nghĩa (XHCN).

Chúng ta thử đọc một suy nghĩ quan trọng của cô Bích: “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc”. Chưa hết, cô ta lớn tiếng chất vấn “Chúng ta coi Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?” Trong thời kì xung đột (hay chiến tranh), những quan điểm như của cô Bích có thể xem là “nội thù”, là “phản quốc”, nhưng ở thời điểm hòa bình này thì có thể xem là “tranh luận”. Thật ra thì chẳng có gì tranh luận cả, vì cô ấy có trình bày chứng cứ khoa học hay luận điểm gì cho logic để mà tranh luận. Toàn bài viết của cô là những ý tưởng chấp vá, rời rạc, với cách hành văn vô kỉ luật, cứ như là học sinh trung học cóp nhặt đây đó để nặn ra cho được một bài “luận văn”. Câu hỏi cô ta lên giọng “Chính quyền Việt Nam cộng hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?” chứng tỏ cô ta chưa làm bài tập đến nơi đến chốn. Đã có người chỉ ra rằng Chính quyền VHCH lên tiếng về chủ quyền HS-TS từ năm 1951 ở một diễn đàn quốc tế tại San Francisco cô Bích à (nguyên văn tuyên bố của đại diện chính phủ VNCH, ông Trần Văn Hữu” “we affirm our right to the Spratly and Paracel Islands, which have always belonged to Vietnam”). Ấy thế mà cô Bích không biết xấu hổ; ngược lại, cô tự hào kí tên “Tiến sĩ” trước tên mình! Như tôi nói, nếu là trong thời chiến, chúng ta phải tự hỏi còn bao nhiêu kẻ “nội thù” và “phản quốc” như thế nữa ở Việt Nam?

Những luận điểm sai trái của cô Bích đã được nhiều người khác tận tình dạy bảo rồi, nên tôi không nhắc lại ở đây. Nhưng tôi thắc mắc là chẳng lẽ một nền giáo dục có người tự hào là “ưu việt” mà lại cấy vào đầu của một cô mang họ Đỗ những quan điểm kì lạ (và sai lầm) như thế. Đọc qua những cuốn sách giáo khoa về sử lớp 5 đến lớp 12, chúng ta thấy nội dung về cổ sử (tức 1.000 năm trước) chiếm một phần rất khiêm tốn so với sử cách mạng (vốn chỉ vài chục năm). Mà, ngay cả viết về cổ sử, sách giáo khoa cũng viết rất hời hợt, không hào hứng và “oai hùng” như sách sử thời tôi học trước 1975. Có lẽ những cuốn sách như thế đã sản sinh ra một thế hệ dốt sử, kém hiểu biết về văn hóa Việt. Có lẽ cách dạy sử như thế là tác nhân gián tiếp cho một số người Việt sang Trung Quốc múa hát ca ngợi viên tướng Mã Viện của Tàu.

Thế kỉ XXI là thế kỉ của văn hóa. Một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hay sắp) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỉ XXI, người ta sẽ hỏi “Anh là ai”, thay vì “Anh thuộc phe nào”, tức là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa. Nhưng câu hỏi “Chúng ta là ai” tuy đơn giản, câu trả lời thì không đơn giản chút nào, vì trả lời câu đó đòi hỏi đòi hỏi nhiều nghiên cứu về văn hóa, mà nền giáo dục đóng vai trò quan trọng.

Hi vọng rằng sự kiện “tiến sĩ Đỗ Ngọc Bích” đã gióng một hồi trống báo động về tình trạng xuống cấp trong giáo dục phổ thông, và nhất là lịch sử và văn hóa học. Quan trọng hơn, chúng ta hi vọng sẽ không thấy một quái thai khác xuất hiện trong tương lai.

NVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

This entry was posted in Giáo dục, phản biện and tagged . Bookmark the permalink.