Để khép lại chủ đề “Tiến sĩ Đỗ Ngọc Bích”, BVN xin giới thiệu với bạn đọc cảm nghĩ của bạn Hoài Nam, liên tưởng đến hai trong nhiều điểm mà ĐNB đã nêu lên trong bài viết gần đây đăng trên BBC Vietnamese.
Sự thật rằng danh xưng Tiến sĩ, danh xưng giảng viên và dịch giả của Viện Đại học Yale là do chính bà ĐNB tự phong hay do BBC Vietnamese phong thì nay vẫn chưa thật rõ, nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng và cũng chẳng bận lòng đến ai.
Một điều dù nhỏ, mà đã làm thành chuyện bận lòng không đáng để nhiều người hao tâm tổn trí và phải tốn nhiều bút mực như hiện tượng ĐNB, xét cho kỹ âu cũng là chuyện nên tìm ra vài nguyên nhân để người khác không lặp lại. Điều đáng nói ở đây là qua bài viết của bà ĐNB, có dấu hiệu của một sự thoái hóa não trạng trong vấn đề ý thức dân tộc, ý thức văn hóa. Một khi ý thức dân tộc và văn hóa bị biến chất thì quả đáng tội nghiệp, vì người như thế sẽ tự vô thừa nhận mình. Mong cho bà ĐNB không đến độ tệ hại như vậy.
Bauxite Việt Nam
Mấy hôm nay dân tình trên mạng đồng loạt bức xúc vì bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” [1] trên BBC của bà Đỗ Ngọc Bích, với lời giới thiệu là Tiến sỹ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ.
Xin nói rõ luôn lời giới thiệu của bà Bích trên BBC là dối trá! Blogger Nguyễn Văn Tuấn [2] đã chỉ ra rằng bà Bích mới đang là NCS (chưa có bằng PhD) tại Đại học Hawaii [3]. Blogger này cũng nhận được một email của Phó Giáo sư khoa Nhân học ở Đại học Yale, do người bạn chuyển tới, xác nhận rằng bà Bích không làm gì cho trường này cả [2]. Mào đầu như thế thì khó mà trao đổi tiếp với bà Bích lắm, nhưng dù sao cư dân mạng cũng đã bàn luận khá kỹ càng. Trước tiên là thư ngỏ của Đinh Kim Phúc [4], sau đó tới phân tích về vấn đề tổ tiên người Việt so sánh với người Trung Quốc [2] của Nguyễn Văn Tuấn, rồi bàn luận nhìn từ góc độ toàn cầu hóa của blogger Hiệu Minh [5], và bài khóc bà Đỗ Ngọc Bích [6] của blogger nongthino. Ngoài ra còn có rất nhiều comment cho những bài viết trên tại các trang như talawas [7], quechoa [8],… phần lớn không đồng tình với bà Bích. Chuyện đó cũng không cần nói thêm.
Bài viết này muốn đề cập hai luận điểm bà Bích đưa ra trong bài viết của mình, đó là “Việt Nam là một phần của Trung Quốc”, và “Việt Nam vô ơn”. Sở dĩ tôi chọn hai luận điểm này bởi đây chính là lập luận của một số người Trung Quốc (TQ), mà với một người nếu thiếu tư duy logic một chút, không dễ gì quật lại.
Luận điểm “Việt Nam là một phần của Trung Quốc”, tôi đã được nghe không dưới một lần: hai lần gián tiếp, qua hai người bạn và một lần tương đối trực tiếp, qua tranh luận trên một diễn đàn tiếng Anh. Nếu hiểu Việt Nam là một phần của TQ theo cái cách TQ là một phần của Mông Cổ, là một phần của 8 cường quốc hồi gần cuối nhà Thanh, hay gần đây nữa thì là một phần của Nhật Bản!
Nếu coi việc xâm lược và đô hộ đất nước ta đồng nghĩa với việc nước ta là môt phần của TQ, thì chính TQ (hay ít nhất là vùng Đông Bắc, địa giới cũ của cái gọi là quốc gia Mãn Châu Lý) là một phần của Nhật Bản – đây là sự thực lịch sử, và xảy ra gần hơn rất nhiều so với cái thời nước ta bị giặc Tàu đô hộ.
Có thể thấy khá rõ tâm lý vừa nhục vừa tức giận của TQ đối với Nhật Bản, đặc biệt mỗi khi giới chức Nhật tới thăm ngôi đền tưởng niệm binh sỹ chết trận trong thế chiến thứ 2. Đó là sự nhục nhã của một kẻ lớn xác và huyênh hoang đã bị một anh chàng nhỏ nhắn nhưng rắn chắc quật cho không ngóc lên được. Có lẽ cái nhục lớn nhất của kẻ to xác là toàn bị đe dọa, bị thống trị bởi các dân tộc nhỏ hơn mình, từ Mông Cổ, Mãn Châu tới Nhật Bản.
Về luận điểm “Việt Nam vô ơn” mà bà Bích nhắc khéo qua ý Việt Nam ta “nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)”. Trước hết ta thừa nhận có sự giúp đỡ lớn của TQ trong giai đoạn này, nhưng việc coi đó là gì và ứng xử ra sao thì lại là chuyện khác!
Thứ nhất, ân oán phân minh, không thể nhập nhằng. Suốt chiều dài lịch sử, các triều đại phong kiến TQ luôn luôn tìm cách xâm lược, đô hộ, bóc lột đất nước Việt Nam. Không có triều đại phong kiến nào của Việt Nam mà nhân dân ta lại không phải đứng lên chiến đấu chống lại cuồng vọng của triều đình phương Bắc. Mà hễ có chiến tranh là có máu đổ, người chết, nhà tan.
Nhân tiện góp ý với bà Bích khi bà cao ngạo hỏi đã có bao người Việt được đọc Đại Việt sử ký, Đại Việt sử lược,… nguyên bản, rằng ít lắm, thậm chí không có ai, bà ạ. Chúng tôi không có cái may mắn đó bởi phần lớn trong số các tác phẩm ấy, và nhiều tác phẩm khác nữa đã bị quân xâm lược phương Bắc tịch thu, đốt đi mất rồi, khi chúng muốn tiêu hủy văn hóa nòi giống Việt. Với cùng một lý do mà chúng tôi giờ đây không còn được chiêm ngắm tứ đại khí của Tổ quốc gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng chùa Quỳnh Lâm [9], và vô số di sản vật thể khác của cha ông.
Ấn tượng về sự bạo tàn của các chế độ phong kiến TQ, do lịch sử, đã ăn sâu vào máu thịt và xương tủy người Việt Nam mất rồi (có thể trừ bà Bích ra). Điều đó xảy ra rất tự nhiên chứ không cần ai điều khiển hết. Nói vậy không phải để khơi gợi hận thù, mà để hiểu rằng, 20 năm giúp đỡ nhau (tạm bỏ qua chuyện cũng giúp chính mình) là chuyện ân, nhưng không bao giờ xóa đi tiềm thức hàng ngàn năm đâu. Điều này cũng là tự nhiên thôi chứ không cần ai điều khiển cả. Hơn nữa, ký ức rất gần của quan hệ Việt – Trung là cuộc tấn công ngắn ngủi nhưng tàn bạo của TQ vào các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979, là các cuộc xâm lấn biên giới dai dẳng 1984-1989, là vụ TQ tàn sát các chiến sỹ hải quân Việt Nam tại đảo Gạc Ma 1988, và các vụ bắt – bắn – cướp ngư dân gần đây. Cho nên chúng, và những kẻ như bà Bích, đừng có chỉ chăm chăm cắt rời 20 năm kia ra khỏi dòng chảy lịch sử để nói rằng người Việt phải (mãi mãi?) nhớ ơn TQ! Chiến tranh thế giới thứ II, một phần lớn đất đai TQ bị người Nhật đô hộ. Người TQ có tự mình đánh đuổi được người Nhật không? Không! Người TQ thoát khỏi người Nhật là nhờ sự giúp đỡ cực kỳ lớn lao về vũ khí, đạn dược, lương thực… của Đồng minh mà tiêu biểu là Mỹ và Anh. Tất nhiên sự giúp đỡ này cũng là một phần chiến lược của Đồng minh trong nỗ lực chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít. E rằng nếu thiếu đi sự giúp đỡ của Mỹ, chưa biết khi nào TQ mới thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản. Nhưng lâu nay phần lớn chúng ta đều biết TQ nhìn nhận về Mỹ như thế nào? Nhắc đến Mỹ là nhiều người TQ ghét, giới chức TQ cũng liên tục đấu đầu với Mỹ trong cái tham vọng tìm lại ánh hào quang bá chủ ngày xưa. Nay có lẽ TQ ghét Mỹ chỉ kém Nhật mà thôi. Vậy thì TQ vô ơn hay không?
Một ví dụ khác là quan hệ giữa Liên Xô và TQ. Cuối Thế chiến II, mặc dù được Đồng minh trợ giúp rất nhiều nhưng số phận của TQ chỉ sáng sủa hơn khi đạo quân Quan Đông với hơn 1 triệu lính tinh nhuệ của Nhật Bản bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt. Những ngày đầu của nhà nước TQ hiện nay, họ cũng nhận được sự trợ giúp vô cùng lớn lao từ Liên Xô trong công cuộc tái thiết đất nước.
Lưu ý rằng trong cả 2 ví dụ trên, trước khi xảy ra việc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều không gây ra nhiều đau khổ cho TQ như những gì mà TQ gây ra cho Việt Nam suốt cả ngàn năm. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, việc tố cáo Việt Nam vô ơn là hoàn toàn láo toét.
Tôi đưa ra hai ví dụ đó không phải để chỉ trích TQ vô ơn mà để những ai còn hơi mơ hồ hiểu rõ rằng ở tầm vĩ mô, lợi ích quốc gia là tối cao. Các chính sách đối ngoại qua các thời kỳ đều nhằm, và phải nhằm vào mục đích ấy. Có khi lợi ích được đảm bảo thông qua hợp tác, có khi buộc phải đấu tranh, đó là sự bình thường của lịch sử. Không ai có quyền trích một mẩu lịch sử cỏn con ra để chỉ trích cả một dân tộc khác. Và với Việt Nam thì TQ lại càng không!!!
HN
ĐN Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
====
Tài liệu tham khảo:
[1] Đỗ Ngọc Bích. Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100417_do_ngoc_bich.shtml
[2] Nguyễn Văn Tuấn. Tổ tiên người Việt là người Trung Hoa? http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/04/to-tien-nguoi-viet-la-nguoi-trung-hoa.html
[3] Danh sách sinh viên Postgraduate của Đại học Hawaii (có tên bà Đỗ Ngọc Bích).
http://www.hawaii.edu/amst/textonly/grad_students.htm
[4] Đinh Kim Phúc. Thư ngỏ gửi vị Tiến sĩ Đại học Yale.
https://boxitvn.online/bai/2958
[5] Hiệu Minh. Nỗi đau toàn cầu hóa.
http://hieuminh.org/2010/04/18/noi-dau-toan-cau-hoa/
[6] nongthino. Khóc bà TS. Đỗ Ngọc Bích!
http://nongthino8.multiply.com/reviews/item/132
[7] Talawas. Và tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
http://www.talawas.org/?p=19128
[8] Nguyễn Quang Lập (đăng lại). Khóc bà Đỗ Ngọc Bích! + Nỗi đau toàn cầu hoá.
http://quechoablog.wordpress.com/2010/04/19/khoc-ba-do-ngoc-bich/
[9] Vietlyso. Tứ đại khí Việt Nam. http://www.vietlyso.com/forums/showthread.php?t=7188