(Dân trí) – Họ làm ăn, quản lý kém cỏi, tham ô, tham nhũng… thì họ phải chịu chứ sao lại kêu gọi người dân “đóng góp” trả nợ thay cho họ? Bác có muốn “học tập Hàn Quốc” thì học tập chứ em thì không, bác Lý ạ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Theo báo Tuổi trẻ, (bài “Dân góp tiền để xử lý nợ xấu?”), sáng ngày 1/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và thảo luận về nội dung báo cáo này.
Tại đây, bác Chủ nhiệm Ủy ban Luật pháp Quốc hội Phan Trung Lý đã rất bức xúc khi đọc cả bản báo cáo mà “không thấy dòng nào nói về trách nhiệm”. Bác Lý còn đề nghị phải phân tích thật cụ thể, ví dụ công ty mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.600 tỷ…
Đây là những ý kiến rất xác đáng và có trách nhiệm cao của một vị đại diện cho dân.
Thế nhưng khi nói về nợ xấu, bác Lý đặt câu hỏi: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”.
Với tư cách một cử tri Hà Nội, một công dân Việt Nam và cũng có thể là một “nạn nhân” của “nợ xấu”, em thấy cách đặt vấn đề của bác không ổn, bác Lý ạ.
Tất nhiên là đối với nước ta, tài sản của ngân hàng cũng có thể là tài sản nhà nước, của nhân dân.
Vì vậy, việc chung tay chia sẻ, gánh vác với ngân hàng cũng là sẻ chia khó khăn để đất nước phát triển.
Chuyện “chung lưng, đấu cật” này ở Việt Nam từng là truyền thống.
Ở tuổi năm sáu mươi như bác và em (Đại biểu Phan Trung Lý sinh năm 1954 tại Nghệ An), chúng ta đã từng chứng kiến nhiều hành động hi sinh cao cả khi Tổ quốc cần. Đó là các phong trào “Thóc không thiếu một cân” ở Thái Bình quê em hay dỡ nhà lót đường cho xe ra mặt trận của miền Trung quê bác.
Rồi trong những ngày đầu dành độc lập, nhân dân đã góp hàng vạn cây vàng cho Chính phủ…
Nhưng chuyện đó hoàn toàn khác với chuyện “đóng góp tiền vàng để giải quyết nợ xấu” hiện nay bởi mấy lẽ.
Thứ nhất về nguyên lý, ai làm người đó chịu. Ngân hàng làm ăn yếu kém, thất thoát (chắc bác quá biết về những đổ vỡ khủng khiếp của ngành ngân hàng thời gian qua) thì ngân hàng phải chịu, lãnh đạo ngân hàng phải chịu….
Nói trắng ra, họ tham ô, tham nhũng, kém cỏi… để lại khối nợ xấu không lồ thì họ phải chịu, sao lại kêu gọi người dân “đóng góp” thay cho họ?
Thứ hai, khi ngành ngân hàng có mức thu nhập cũng “khủng khiếp”, hỏi họ đã chia sẻ gì cho người dân hay họ chỉ chăm chăm tăng lãi suất để hưởng lợi nhuận cho ngành mình, cho bản thân mình?
Thứ ba, bác lấy Hàn Quốc làm một gợi ý cũng không ổn bác ạ.
Em nói không ổn bởi Hàn Quốc là một xã hội minh bạch, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế tài chính, ngân hàng. Họ có thể cũng có tham nhũng nhưng cho đến nay, hình như không (hoặc chưa) có những vụ tham ô, tham nhũng, thất thoát với số tiền cả tỉ tỉ đồng như ở Việt Nam ta. Hệ thống ngân hàng Hàn Quốc có lẽ cũng không có cái gọi là “lợi ích nhóm”…
Nói thật lòng, bác Lý ạ, nếu như các ngân hàng Việt Nam hoạt động minh bạch, biết vì doanh nghiệp, vì cộng đồng, không có (hoặc có nhưng ít) tham ô, tham nhũng mà chỉ bởi những yếu tố khách quan hay thậm chí cả năng lực thì mỗi người dân Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với họ.
Thế nhưng với những gì đã diễn ra, lại kêu gọi người dân “đóng góp” quả là rất phi lý.
Bác có “học tập Hàn Quốc” thì học tập chứ em thì không, bác Lý ạ.
Không chỉ có thế, với tư cách cử tri, đề nghị bác trong vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Luật pháp Quốc hội hãy làm gì đó thật thiết thực để trước mắt là thu hồi số tài sản tham nhũng về cho đất nước và sâu xa hơn là bài trừ tham nhũng có hiệu quả.
B. H. T.
Nguồn:http://dantri.com.vn/blog/cau-hoi-cua-bac-phan-trung-ly-co-le-khong-on-951091.htm