Thể theo nguyện vọng của độc giả Hồng Khiêm, cán bộ tham tán Bộ Ngoại giao đã nghỉ hưu, BVN đăng bức thư của ông (HK) gửi tướng Nguyễn Trọng Vĩnh bày tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng và đức độ của vị tướng già đáng kính: “Cháu định xin gặp Bác từ lâu chỉ để nói lên lời kính phục và cảm ơn Bác tự đáy lòng vì Bác đã dám dũng cảm nói lên cho toàn dân biết những điều mà nhân dân không biết và không dám có ý kiến. Nhưng cháu đã không dám đến. Cháu xin lỗi Bác về điều đó…”. Ngoài ra, vì lý do cá nhân, người viết thư xin không ký tên thật đầy đủ của mình. Trân trọng mời tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và quý vị cùng đọc bức thư của HK.
Bauxite Việt Nam
Kính gửi Bác Nguyễn Trọng Vĩnh!
Bác với cháu không họ hàng, thân thích gì, chỉ là người dân nước Việt Nam thuộc hai thế hệ khác nhau. Khi Bác nhận chức Đại sứ ở Trung Quốc thì cháu mới bước vào ngành ngoại giao, tức là tân binh. Như vậy Bác đã là thủ trưởng của cháu. Và bây giờ, đọc những phát biểu của Bác, từ bài “Tôi rất tự hào về Đảng ta…” cho đến các đánh giá của Bác về Trung Quốc và các kiến nghị của Bác về đối sách và sự phát triển của đất nước, cháu thấy Bác vẫn là người thầy đáng kính đáng phục không chỉ về ngoại giao mà cả về tấm gương cách mạng. Cháu định xin gặp Bác từ lâu, chỉ để nói lên lời kính phục và cám ơn Bác tự đáy lòng vì Bác đã dám dũng cảm nói lên cho toàn dân biết những điều mà nhân dân không biết và không dám có ý kiến. Nhưng cháu đã không dám đến. Cháu xin lỗi Bác vì điều đó.
Nhưng ai mà biết được những bậc tiền bối dám nghĩ dám nói như bác Võ Văn Kiệt hay Bác còn sống với nhân dân, đất nước được bao năm để còn nhìn thấy sự nghiệp của Đảng và đất nước sẽ còn có những khúc quanh như thế nào, nếu cháu không nói được với Bác một lời nào lúc này thì áy náy vô cùng.
Thưa Bác, tháng Năm vừa qua, nhân sự việc nhà cầm quyền Trung Quốc mang giàn khoan đến đặt trái phép trên thềm lục địa của nước ta, cháu có dịp đọc tất cả các bài viết trên mạng về vấn đề này, cả những bài viết của Bác trước đó về Trung Quốc và quan hệ của VN với Trung Quốc, cháu mới nhận ra một điều rằng hóa ra ở nước ta từ rất lâu nhiều người đã nhận thức rõ ý đồ và hành động của Trung Quốc chứ không phải bây giờ, và đã lên tiếng, cảnh báo nhưng xã hội không được biết và lãnh đạo không lắng nghe.
Từ sự kiện tháng 5 đó, cháu mới chắp nối lại các sự kiện, tìm hiểu lại lịch sử, nhất là hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước sau chiến tranh, cộng với vốn hiểu biết và kinh nghiệm công tác của bản thân, cháu thấy rằng những điều các bác nói là rất đúng. Độc lập và chủ quyền lãnh thổ của đất nước đã bị xâm phạm và đang tiếp tục bị đe dọa.
Cháu hoàn toàn nhất trí với Bác về sự cần thiết kiện Trung Quốc như là biện pháp pháp lý hòa bình trong cuộc đấu tranh lâu dài để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đông đảo dư luận của xã hội cũng hoàn toàn ủng hộ (bằng chứng cho điều đó là hơn 98% số người được thăm dò ý kiến trên các trang mạng, kể cả trang mạng của Thủ tướng chính phủ, hơn 5.000 người ký tên ủng hộ trên trang mạng boxit.vn. Là một nước nhỏ, yếu so với Trung Quốc, chúng ta không muốn đương đầu với Trung Quốc bằng quân sự, trừ khi bị buộc phải tự vệ, mà ưu tiên trước hết là biện pháp chính trị, ngoại giao. Đấu tranh pháp lý chính là một phần của đấu tranh chính trị, ngoại giao. Trước tình hình Trung Quốc đã chà đạp lên mọi cam kết, kể cả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, lộ rõ âm mưu, ý đồ đối với ta mà ta vẫn sợ Trung Quốc không dám hành động, vẫn nhẫn nhục cầu hòa thì khác nào ta tự trói tay mình, trao vũ khí cho giặc và tự thủ tiêu đấu tranh. Phản ứng của VN vừa qua chính là đã cho Trung Quốc một tín hiệu để cứ lấn tới. Chỉ vài ngày sau chuyến đi “khôi phục quan hệ” của đặc phái viên Tổng bí thư Đảng ta, Trung Quốc đã tổ chức du lịch rầm rộ ra Hoàng Sa và tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa – chính nơi các chiến sĩ ta trong khi bảo vệ đảo đã bị biến thành những cái bia sống cho lính Trung Quốc năm 1988. Phải chăng ký ức đó không đau thương trong xương thịt Việt Nam? Hay là đợi đến mai kia trên xương máu chiến sĩ Việt Nam, Trung Quốc xây xong sân bay và căn cứ quân sự án ngữ toàn miền Nam nước ta thì Đảng và Nhà nước ta mới chính thức phản đối?
Theo cháu, muốn đối phó với nguy cơ đó thì phải đấu tranh. Đấu tranh có thể bằng nhiều hình thức, nhưng không đấu tranh là chết – đấy là chân lý i-tờ của những người cách mạng, những người cộng sản mà các bác với chúng cháu đã được học. Để đấu tranh, điều tiên quyết là Đảng với tư cách là lực lượng duy nhất có quyền và trách nhiệm lãnh đạo xã hội phải có chiến lược vì nước vì dân cả trong đối nội lẫn đối ngoại, gọi sự vật đúng tên của nó như thời kỳ đầu đổi mới, đoàn kết dân tộc, xác định bạn thù và tập hợp lực lượng.
Chúng ta thuộc lòng và hay thích nhắc câu Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đối với cách mạng nước ta, trải qua mấy cuộc kháng chiến chống đế quốc ngoại xâm và hàng nghìn năm đô hộ của phương Bắc, cái bất biến không nên nhầm tưởng là Đảng hay chế độ (chính Bác đã có lúc tuyên bố giải tán Đảng để bảo vệ lấy nước, vì nước còn thì Đảng mới còn, nước mất nhà tan – nhân dân ta đã nói và vì thế mới hăng hái hy sinh bảo vệ nước dưới sự lãnh đạo của Đảng). Cái bất biến mà Bác Hồ nói khi căn dặn cụ Huỳnh trước khi lên đường đi Pháp đàm phán không phải gì khác chính là độc lập dân tộc – tiêu chí đầu tiên mà Bác đặt bên dưới quốc hiệu của nước Việt Nam: độc lập, tự do, hạnh phúc – độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân! – mà cho đến nay chúng ta vẫn còn đang phấn đấu.
Trong thế giới đan xen phức tạp ngày nay, ai xâm phạm độc lập, chủ quyền của ta là đối tượng, là thù của ta, ai giúp ta bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh cho ta là đối tác, là bạn của ta. Từ đó và căn cứ vào việc phân tích tình hình thế giới, khu vực mà tập hợp lực lượng thì mới có thể bảo vệ được độc lập. Nếu ta xác định lãnh thổ, biển đảo là mục tiêu ưu tiên trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thì đương nhiên ta phải trao đổi, hợp tác với các nước trong khu vực cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Sau đó, phải hợp tác với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới mà ta với họ có cùng hoặc trùng hợp lợi ích về an ninh (như Nhật, Ấn Độ, sau đó là Úc, còn vòng ngoài là Mỹ). Trong cả hai cuộc kháng chiến chống đế quốc ngoại xâm, ta đều có ít nhất một nước lớn giúp đỡ, và đã chiến thắng. Nếu ta không tìm chỗ dựa và tập hợp lực lượng, mà cứ bị lệ thuộc, nhân nhượng, đi đêm hoặc cầu hòa với kẻ đánh ta, thì đương nhiên ta bị cô lập, sẽ bị trói lại, chùm trăn mà đánh, không có ai bênh. Các nước lớn bao giờ cũng dễ bắt tay với nhau hơn, sau lưng ta. Đừng ảo tưởng dâng đất, dâng đảo cho giặc mà được yên thân.
Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc là xương máu hy sinh của bao nhiêu thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Nếu Đảng và Nhà nước không xác định rõ hoặc có ảo tưởng bạn thù, không hành động kịp thời để nguy cơ đối với đất nước càng ngày càng lớn, là bỏ lỡ cơ hội, là có tội với dân tộc, với lịch sử, đúng như các Bác đã phân tích trong các kiến nghị của mình. Mong rằng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta lắng nghe những ý kiến đó của cán bộ, nhân dân mà hành động, đừng biến ngư dân thế hệ này làm cột mốc sống về chủ quyền trên biển đồng thời chuyển gánh nặng đòi lại lãnh thổ đất nước cho các thế hệ sau như hai trong số những người lãnh đạo đã phát biểu công khai trên đài truyền hình mà nhân dân được nghe.
Kính chúc Bác – vị tướng già và đối với cháu là thủ trưởng dồi dào sức khỏe, mài dũa trí tuệ, sống lâu để hàng ngày làm việc, đóng góp tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm có ích cho đất nước, cũng chính là cho sự nghiệp vẻ vang của Bác Hồ mà Bác đã trọn đời chiến đấu. Mong rằng có nhiều bậc lão thành cùng với Bác nêu cao tấm gương trung với nước cho các thế hệ sau, thì đất nước và dân tộc sẽ có cơ hội trường tồn.
Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2014.
N.H.K.
Tác giả gửi BVN