Lập luận của ông Trần Sơn Lâm có thể tóm tắt như sau: (1) Bauxite Tây Nguyên làm đúng quy định thì lỗ to; (2) Mà bỏ thì cũng lỗ to; (3) Vậy thì cứ làm bằng mọi giá, “tập trung toàn lực các nhà khoa học kể cả trong nước và ở nước ngoài, viện nghiên cứu, công nghệ để chế biến bùn đỏ trở thành sản phẩm thương mại hóa được, kể cả mua công nghệ nước ngoài” (???!!!). Ông không cho biết trên thế giới đã có cái công nghệ chế biến bùn đỏ ấy chưa? Mà nếu có, thì việc sử dụng công nghệ ấy ở Việt Nam sẽ lời hay lỗ, xét về mặt kinh tế?
Chưa nghiên cứu gì, Đảng vẫn cứ hô: “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” và quyết liệt xây dựng nhà máy, bỏ ngoài tai bao nhiêu lời can gián của trí thức,để rồi bây giờ hậu quả nhãn tiền.Còn ông Trần Sơn Lâm, đến lúc này, mới hô hào nghiên cứu! Ông không biết rằng trong khi nghiên cứu – không biết lúc nào mới có kết quả – thì hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ vẫn cứ vận hành và lỗ vẫn cứ chất chồng. Trước khi bắt tay nghiên cứu “chế biến bùn đỏ trở thành sản phẩm thương mại hóa”, xin ông nghiên cứu cho đề tài này: Đằng nào cũng lỗ, nhưng dẹp hai nhà máy này ngay bây giờ, thì lỗ nhiều hay ít hơn là vẫn tiếp tục duy trì nó?
Nhớ lại lời ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trịTập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam(TKV), rằng khai thác bauxite là chuyện “năm ăn năm thua”, mới thấy dầu sao ông cũng là người thành thực, cả gan công khai coi chuyện quốc gia đại sự là một canh bạc may rủi. Nay thì chính ông và những người chịu trách nhiệm cao hơn ông, hẳn phải thừa nhận một thực trạng đã được giới trí thức cảnh báo trước: bauxite thua một trăm phần trăm! Nhưng ông Trần Sơn Lâm và những người chịu trách nhiệm cao hơn ông hình như vẫn muốn tiếp tục canh bạc! Con bạc khát nước nào mà chẳng có tâm lý nuôi hy vọng: Biết đâu canh bạc sau lại thắng?! Cái hy vọng đó làm họ mù và điếc, làm cho họ không thấy gì hết, không nghe gì hết, ngoài quyết tâm đánh bạc cho đến cùng, nghĩa là đến khi “tán gia bại sản”! Nhưng đây đâu phải là gia tài của riêng họ! Đây là máu mủ của nhân dân, là giang sơn gấm vóc của ông cha để lại, là tương lai của con em chúng ta!
Ai chịu trách nhiệm? Không ai cả! Nước ta nhìn đâu cũng thấy “xác chết” la liệt – từ kinh tế, đến văn hóa, từ chính trị đến đạo đức, từ giáo dục đến xã hội, v.v. – mà tuyệt nhiên không tìm ra thủ phạm. Và cái “tập thể” chịu trách nhiệm cao nhất bao giờ cũng vỗ ngực xưng công lao đối với nhân dân, bắt nhân dân phải “đời đời biết ơn”!
Và nhớ đến những người tiên phong phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên, ban đầu là những nhà khoa học, nhà văn hóa như Nguyễn Thành Sơn, Phạm Quang Tú, Nguyên Ngọc, rồi tiếp bước là trang Bauxite Việt Nam, sau đó là hàng ngàn công dân ký vào các kiến nghị. Nhiều người trong số đó bị quấy nhiễu, thậm chí bị tống giam. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên;trong bản án bảy năm tù và ba năm quản chế được tuyên cho Cù Huy Hà Vũ, đơn kiện này được xem là chứng cứ cho hành vi “bịa đặt, xuyên tạc sự thật lãnh đạo và quản lý của Nhà nước, Chính phủ, gây hoang mang trong nhân dân, kích động, cổ súy, hô hào chống Nhà nước” và “vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền” (xem ở đây). Nhà giáo Đinh Đăng Định bị buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”; và trong số những hoạt động đó của thầy là tội “phản đối dự án khai thác bauxite ở Nhân Cơ” (xem ở đây). Thầy bị tuyên sáu năm tù và chỉ được đặc xá khi bị ung thư giai đoạn cuối, để về nhà chờ chết!
Từ lâu, trên thực tế, nhà nước Việt Nam kiên quyết chủ trương “phản biện là phản động”! Mà đã bị dán nhãn “phản động”, thì tất nhiên phải dùng “bạo lực cách mạng” để trấn áp!
Nay “canh bạc” Bauxite Tây Nguyên đã ngã ngũ. Ai minh oan cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ? Cho thầy giáo Đinh Đăng Định?
Giang sơn gấm vóc của cha ông là đặc quyền của một nhúm người có quyền lực. Họ làm gì cũng được và mọi “công dân” chỉ được phép tuân lệnh! Yêu nước là phải yêu nước theo đúng nghị quyết! Dước ách thực dân, Tản Đà đã viết hai câu thơ thống thiết: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
Cụ Tản Đà ơi! Dân ta nay thấm thía lắm: Thì Bộ Chính trị là “người lớn”, những người còn lại là “trẻ con” chứ gì nữa!
Bauxite Việt Nam
Chính phủ cần phải tập trung các nhà khoa học, doanh nghiệp để tìm giải pháp tốt nhất cho hai dự án bauxite Tây Nguyên.
Ông Trần Sơn Lâm, Hội viên Tổng hội Địa chất Việt Nam, Nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ với Đất Việt như vậy.
PV: – Thưa ông Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Không những thế Bộ Công thương còn xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Có ý kiến cho rằng dự án đang phạm chính tiêu chí ban đầu đó là góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Do vậy tốt nhất là dừng hoặc cho không tài nguyên đi còn hơn. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Ông Trần Sơn Lâm: – Tôi cho rằng về dự án bauxite Tây Nguyên nếu làm theo đúng quy định của pháp luật thì lỗ to, như vậy không thể giải quyết được vấn đề lấy bauxite trở thành nguồn lực để hiện đại hóa đất nước như mục tiêu ban đầu mà chủ dự án đã trình bày và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.
Lỗ này lại phải bù lại từ tiền thuế của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản… và trực tiếp ảnh hưởng lên nền kinh tế của đất nước và phát triển xã hội.
Hoạt động kinh tế càng lỗ thì sẽ càngảnh hưởng đến phúc lợi, an sinh xã hội như y tế, giáo dục và đời sống của nhân dân, đặc biệt tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế hiện nay vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Do đó nhà nước phải có quyết sách nào đó để duy trì dự án và phát triển lên.
Tôi nghĩ cần tập trung toàn lực các nhà khoa học kể cả trong nước và ở nước ngoài, viện nghiên cứu, công nghệđể chế biến bùn đỏ trở thành sản phẩm thương mại hóa được, kể cả mua công nghệ nước ngoài.
Phải huy động các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế xắn tay cùng tháo gỡ vấn đề.
Không nên bán sản phẩm alumin mà phải đầu tư chế biến thành các sản phẩm nhôm, hợp kim nhôm để phục vụ cho nền kinh tế của đất nước và xuất khẩu. Tôi được biết trước khi hợp tác với Trung Quốc, các đối tác khác như Pháp và Úc đã đề xuất khai thác bô xít và chế tạo thành kim loại nhôm ở ngay tại nước ta.
Tôi nghĩ đất nước ta không thiếu những con người có tài và có tâm để thực hiện việc này.Đây cũng chính là thử thách để lựa chọn những người lãnh đạo.
Nếu bây giờ ta vẫn xuất khẩu quặng chưa tinh luyện, một mặt làm hao hụt lượng tài nguyên dự trữ của đất nước, mặt khác không thể thu hồi vốn nhanh để có thể đưa Việt Nam thành nước có nền công nghiệp hoá vào năm 2020.
Chúng ta hãy nhìn sang nước bạn Hàn Quốc, vào những năm 1970 họ cũng có nền kinh tế phát triển không cao hơn hẳn các nước Đông Nam Á nhưng chi hơn hai chục năm sauhọ đã trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại, kể cảsản xuất các lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân. Vì họbiết tập trung nguồn lực và huy động nhân tài với phương châm làm đến cùng.
Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đứng đầu thế giới, lên đến vài nghìn tỷ USD nên việc họ nhập quặng của ta để dự trữ tài nguyên cũng là việc làm bình thường trong kinh doanh. Ta đều biết Mỹ rất giàu tài nguyên nhưng họ đưa ra các đạo luật rất khắt khe để hạn chế việc khai thác bừa bãi, phá hủy môi trường.
PV: – Thưa ông nhưng có ý kiến cho rằng trữ lượng bauxite không như giải trình của dự án nên nếu đầu tư công nghệ chế biến tinh sẽ rất tốn kém. Như vậy tiếp tục làm theo kiểu đâm lao, theo lao thì nguy hiểm hơn. Ông có nghĩ như vậy?
Ông Trần Sơn Lâm: – Theo tôi được biết, trước đây Tổng công ty than và khoáng sản Việt Nam trình các cấp có thẩm quyền bảy (7) dự án khai thác, nhưng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, dư luận xã hội,Bộ Chính trị quyết định chỉ làm hai (2) dự án thí điểm như hiện nay.
Khi báo cáo trước Quốc hội, có bộ trưởng đã nói trữ lượng bauxite của Việt Nam là 10-11 tỉ tấn. Vấn đề này đã được PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sảnVN làm rõ trong các báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền trong đó nêu rõ con số 10-11 tỷ tấn chỉ là con số dự báo tài nguyên.
Cho đến nay, trên các tài liệu đã công bố, Việt Nam dự báo chỉ có 6,9 tỉ tấn tài nguyên bauxite, còn Mỹ nhận định trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ có 2,1 tỉ tấn. Tuy nhiên, khi thăm dò chi tiết, trữ lượng có thể thấp hơn nữa. Trong khi trữ lượng bauxite của cả thế giới chỉ có 38 tỉ tấn.
Vì vậy để có bức tranh tổng thể về tài nguyên bauxite, chúng ta cần tiếp tục công tác thăm dò tìm kiếm để xác định được con số tương đối chính xác, từ đó đưa đến việc có tiếp tục đầu tư lớn nữa không, hay ở mức trung bình hoặc giữnguyên ở hai dự án như hiện nay để con cháu chúng ta tiếp tục phát triển.
Vấn đề đầu tư công nghệ chế biến cho hai dự án hiện nay theo tôi nghĩ là một bước cần thiết cho ngành chế biến luyện kim trong nước, đầu tư ở mức nào thì phải tính toán tương ứng với lượng quặng ta khai thác được.
PV: – Vậy theo ông nên ứng xử như thế nào với hai dự án này?
Ông Trần Sơn Lâm: – Như trên tôi đã nói, bây giờ không thể bỏ hai dự án này được, vì đây là tài sản của toàn xã hội, của nhân dân. Vừa qua trên mặt trận giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao Thông cũng đã có các chỉ đạo quyết liệt trong việc thi công các con đường quốc lộ và đang thu được những thành công ban đầu, được dư luận hoan nghênh.
Vì vậy đối với dự án bauxite, bộ trưởng Bộ Công thương cũng phải có trách nhiệm đề xuất với chính phủ các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm hai dự án bauxite phát triển trên nguyên tắc phải bảo tồn và phát triển nguồn vốn đã đầu tư và phải có lãi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)