Thư ngỏ
Kính gửi: – Ông TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng
– Ông Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng
Thưa Quý Ông,
Đất nước qua hàng ngàn năm lịch sử, mỗi khi dành được độc lập, thoát khỏi ách nô lệ của phương Bắc, các triều đại phong kiến nước ta đều rất coi trọng việc gìn giữ vẹn toàn non sông, bờ cõi. Điển hình như Vua Lê Thánh Tông, Người luôn nhắc nhở bề tôi: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy một phân núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”. Khi quan Thái bảo Lê Cảnh Huy được cử đi đàm phán về biên giới với nhà Minh năm 1473, Vua đã chỉ dụ: “Một thước núi một tấc sông của ta không được vất bỏ, ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu không nghe còn có thể sai quan sang sứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước một tấc đất của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di” (Theo ĐVSKTT kỷ nhà Lê).
Ngày nay tuân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đảng và nhà nước cũng luôn coi trọng sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giữ vững chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là nghĩa vụ vô cùng trọng đại mà mỗi đảng viên, cán bộ đến từng người dân phải nghiêm túc, triệt để thực hiện. Ấy thế mà đến nay thông qua các nguồn tin trên mạng xã hội nhiều vị CM lão thành, nhiều nhân sỹ trí thức, các phóng viên cùng những người dân quan tâm đế vận mệnh đất nước đã phản ánh: Trên 3.000 km2 đất đai tại các địa bàn xung yếu như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Công Tum… đã cho người nước ngoài thuê dài hạn tới 50 năm, trong đó Trung Quốc và Đài Loan (chủ yếu là TQ) chiếm 87%. Họ đầu tư vào các vị trí “nhạy cảm” ven biển miền Trung như Cảng nước sâu Cửa Việt, cảng nước sâu Vũng Áng là hai cảng lớn chỉ cách căn cứ Hải quân Du Lâm (Hải Nam) khoảng 300 km. Tại khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh họ mua lại dự án thép Formosa khổng lồ của một công ty Đài Loan với diện tích trên 3.000 ha, thời gian 70 năm, số lao động TQ trên ba nghìn người. Ngót vạn người TQ có mặt ở Hà Tĩnh để đầu tư, kinh doanh, buôn bán. Họ đang tìm cách mở con đường huyết mạch từ Hà Tĩnh sang Lào và nối dài sang tận Campuchia. Nhiều người nhận định: Hà Tĩnh có thể sẽ là điểm cắt đôi nước Việt, chặn đứt con đường thông thương hai miền Nam – Bắc khi cần. Ở Nam Định cũng đang thu hồi đất để giao cho tập đòan sản xuất sợi TQ thuê 16.000 ha, 46 năm,với vốn đầu tư gần 70 triệu USD tại hai huyện Vụ Bản và Nghĩa Hưng cùng với dự kiến xây dựng cảng nước sâu Nghĩa Hưng, và sẽ có hàng vạn người TQ cho các dự án này. Một điểm rất không bình thường là trong tất cả các điểm đã thuê, các dự án, các công trình trúng thầu họ đã ngang nhiên biến thành lãnh địa của TQ, VN gần như đã mất chủ quyền tại những nơi đó. Ngoài ra, các cơ sở đầu tư, kinh doanh dịch vụ của TQ tại VN thì tỉnh, thành phố nào cũng đầy rẫy những khu phố Tàu, làng Tàu, xã Tàu, “bước ra ngõ là gặp Tàu”. Người của họ sang VN và cư trú hợp pháp có, bất hợp pháp có, nhiều vô kể, gần như vượt khỏi tầm kiểm soát của ta.
Trong quá trình hội nhập vấn đề hợp tác đầu tư, giao lưu thương mại với các quốc gia là chuyện bình thường. Nhưng riêng với TQ, bằng việc cưỡng chiếm Hoàng Sa, bằng việc đang tìm mọi cách xâm chiếm biển Đông, bằng việc ngăn cản, bắt bớ, cướp phá dã man tàn bạo ngư dân ta trên vùng biển truyền thống của mình, bằng việc phá kinh tế của ta không từ một thủ đoạn nào, họ đã không cần che dấu mục đích duy nhất là làm cho VN suy yếu, phụ thuộc và, cuối cùng biến nước ta thành một bộ phận của TQ. Tất cả người VN, kể cả người dân bình thường nhất không ai không hiểu rõ điều đó. Câu hỏi đặt ra: Chẳng lẽ lãnh đạo các địa phương lại không hiểu? Dư luận đánh giá rằng: Vì những lợi ích kếch sù của cá nhân và phe nhóm đã khiến họ quay lưng lại với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Và vô tình họ đã tiếp tay cho mọi hành vi xâm hại đất nước mình dân tộc mình. Thử hỏi những gì đã, đang và sẽ diễn ra ở những vùng đất rộng lớn kia? Sau 50 năm, 70 năm nữa liệu có thu hồi lại được không hay nó đã nghiễm nhiên trở thành lãnh thổ TQ ngay cả trước thời hạn đó? Nếu ngày mai đây chiến tranh Trung-Việt xảy ra như đã từng xảy ra năm 1979 thì những vị trí nêu trên sẽ đóng vai trò gì trong cuộc chiến? VN rồi sẽ có bao nhiêu vùng theo kịch bản bị áp đặt tương tự xứ Crưm của Ucraina? Vấn nạn về cái gọi là “nạn kiều” bởi đội quân thứ 5 khổng lồ sẽ khủng khiếp biết chừng nào so với bài học “nạn kiều” mà VN đã trải qua những năm 1978, 1979?… Rõ ràng Trung ương quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng các cấp dưới đã làm sứt mẻ một mảng lớn mà hậu quả chắc chắn sẽ vô cùng tai hại. Liệu có ai sẽ phải chịu tội ‘tru di” như lời dụ của Vua Lê Thánh Tông?
Một thực tế rất dễ nhận ra: người dân ai nấy đều có chung một nỗi lo canh cánh trong lòng, nếu tình trạng này không được chặn đứng một cách quyết liệt thì tương lai không xa sẽ nước mất, nhà tan. Dân tộc VN, một dân tộc anh hùng đã đánh thắng mấy tên đế quốc to, mà đành phải cúi đầu trước chủ nghĩa bá quyền thời hiện đại. Biết đâu các thế hệ tương lai dân Việt lại không phải chịu thảm cảnh “sát phu, hiếp phụ” chính mác Tàu nhằm đồng hóa dân ta như đã từng xảy ra trong lịch sử!
Thưa Quý Ông,
Là một người đã bước vào thế hệ “cổ lai hy”, một công dân bình thường nhưng luôn nghĩ suy, lo lắng cho tương lai đất nước, đứng trước thực trạng như đã trình bày trên, tôi khẩn thiết mong đảng, Quốc hội cần có hình thức xử lý thích đáng những người làm trái quan điểm, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của TW; kiên quyết thu hồi lại các vị trí đặc biệt xung yếu đã cho nước ngoài thuê cũng như các dự án đầu tư ở các địa điểm nhạy cảm về an ninh, quốc phòng; siết chặt quản lý người nước ngoài theo đúng quy định của luật pháp VN, xử lý nghiêm các hành vi gây không ít nhiễu loạn nhằm phá hoại kinh tế của thương lái TQ. Để chấm dứt tận gốc những việc sai trái như đã xảy ra nhà nước nên xem xét quy định về điều kiện đầu tư với từng đối tác của các quốc gia khác nhau có quan hệ đến an ninh, quốc phòng của VN và, hạn chế tối đa quyền hạn của cấp tỉnh trở xuống đối với những vấn đề nhạy cảm như đã trình bày. Sự tồn vong của đất nước, của dân tộc, của chế độ phải được coi là tối thượng!
Xin gửi tới Quý Ông lời chào trân trọng.
Ngày 28 tháng 3 năm 2014
Trung Ngôn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN