Trung Quốc và Mỹ đang nhìn nhau như thế nào, và vì sao hai nước đang trên đường tiến tới xung đột?

Foreign Affairs, March/April 2014

Trần Ngọc Cư dịch

Minxin Pin điểm sách Debating China: The U.S.- China Relationship in Ten Conversations (Tranh luận về Trung Quốc: Quan hệ Mỹ-Trung trong mười cuộc đối thoại). Do Nina Hachigian biên tập. Oxford University Press, 2014, dày 272 trang. Giá 21,95 USD.

Một trong những phát biểu rập khuôn rõ nét nhất trong chính trị quốc tế hiện nay là: Mỹ và Trung Quốc có quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Điều không rõ nét cho lắm là bản chất của mối quan hệ đó. Mãi cho đến gần đây, hầu hết các nhà quan sát đã sẵn sàng chấp nhận một cách mô tả dù chính xác nhưng thiếu chải chuốt là: hai nước này không là bạn mà cũng chẳng phải là thù.

Thoạt nhìn, cách gọi tên này có vẻ hợp lý. Mỹ và Trung Quốc rõ ràng không phải là đồng minh. Hai nước không chia sẻ các lợi ích an ninh hoặc các giá trị chính trị to lớn để gạt qua một bên các vấn đề khác. Quan niệm về trật tự thế giới của hai nước lại xung khắc nhau từ cơ bản. Trong khi Bắc Kinh đang hướng tới một thế giới đa cực hậu-Hoa Kỳ [a post-American, multipolar world], Washington lại ra sức duy trì cái trật tự phóng khoáng [the liberal order] do Mỹ lãnh đạo ngay cả khi quyền lực tương đối của mình đang suy giảm. Đồng thời, nhiều vấn đề tại Đông Á, như những căng thẳng về Đài Loan và những tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo, đang khiến cho lợi ích của Mỹ và Trung Quốc va chạm trực tiếp hơn. Nhưng hai nước vẫn không thực sự coi nhau là thù địch. Hai nước không coi nhau là mối đe dọa ý thức hệ và an ninh khó nguôi ngoai. Và sự thể hai nền kinh tế quyện chặt vào nhau khiến cả hai nước có quyết tâm tránh xung đột cho bằng được.

Nhưng thế giới đã thay đổi sâu sắc kể từ khi nhãn hiệu “không phải bạn mà cũng chẳng phải thù” được lần đầu dán lên quan hệ Mỹ-Trung cách đây hai thập niên. Sự bành trướng quyền lực khác thường của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tàn phá các nền kinh tế của Mỹ và châu Âu đã tăng cường cái ý thức cho rằng phương Tây đang trên đà xuống dốc và phần còn lại của thế giới đang trỗi dậy. Khoảng cách quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã rút ngắn trước cuộc khủng hoảng tài chính, lại được thu hẹp hơn nữa kể từ đó đến nay. Năm 2007, kinh tế Hoa Kỳ lớn gấp bốn lần kinh tế Trung Quốc; vào năm 2012, nó chỉ còn lớn gấp đôi.

Bất cứ một chuyển biến đáng kể nào trong cán cân quyền lực giữa hai quốc gia chắc chắn sẽ thay đổi thái độ và lối ứng xử đối với nhau. Vì thế, ta không nên ngạc nhiên khi có thêm nhiều căng thẳng gần đây trong quan hệ Mỹ-Trung. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, bằng cách đưa ra những lập trường cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với các nước láng giềng. Chương trình hiện đại hóa quân đội nhanh chóng và các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc đã làm cho người Mỹ và đồng minh của họ tại Đông Á lo lắng. Và Bắc Kinh đã coi cách đáp trả của Washington trước sự cứng rắn gần đây của mình – bằng cái gọi là chiến lược xoay trục hướng về châu Á – như một âm mưu không mấy che đậy của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của quyền lực Trung Quốc.

Giữ được một sự nắm bắt hợp lý về quan hệ Mỹ-Trung vốn thường xuyên thay đổi đủ là chuyện khó, và hiểu được những bất đồng sâu sắc giữa hai nước trên nhiều vấn đề hệ trọng trong việc gìn giữ các quan hệ bình ổn giữ hai nước lại là một thách thức còn khó khăn hơn. Một tuyển tập mới xuất hiện, gồm những tiểu luận được nhà nghiên cứu chính trị Nina Hachigian biên tập, cố gắng thực hiện cả hai nhiệm vụ này. Sáng kiến nằm đằng sau cuốn Debating China: The US-China Relationship in Ten Conversations (Tranh luận về Trung Quốc: Quan hệ Mỹ-Trung trong mười cuộc đối thoại) là giản dị nhưng khôn khéo: cứ mỗi một trong mười cuộc đối thoại, có một chuyên gia Mỹ hàng đầu về châu Á được sắp xếp để tranh luận với một chuyên gia Trung Quốc cùng tầm cỡ về một vấn đề song phương chuyên biệt. Hachigian điều khiển loạt đối thoại này bằng cách đưa ra những câu hỏi then chốt mà các tham dự viên phải quan tâm giải quyết; các tranh luận viên trao đổi ý kiến và rồi, trong vòng thứ hai, tập trung vào những bất đồng của họ. Kết quả là một cuốn sách tóm tắt và khảo sát lập trường của mỗi bên về mọi vấn đề từ nhân quyền đến thay đổi khí hậu. Nhìn chung, dự án này làm sáng tỏ nhiều vấn đề nhưng cũng làm cho người đọc cảm thấy nao núng; những người lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ-Trung sẽ không thấy gì đáng phấn khởi trên những trang sách này.

LỄ NGHĨA VÀ SAI TRÁI

Trên một số vấn đề, các tranh luận viên Mỹ và Trung Quốc chia sẻ khá nhiều quan điểm. Chẳng hạn, họ nhìn nhận rằng quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên tồi tệ vì thiếu tin cậy lẫn nhau, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc đang trỗi dậy. Một điều đáng chú ý nữa là, ngay cả một số học giả Trung Quốc cũng nhìn nhận rằng nhiều nguyên nhân xung đột mang tính cơ cấu sẽ tồn tại bao lâu mà hệ thống chính trị nội bộ của Trung Quốc vẫn còn giữ nguyên.

Nhưng những bất đồng sâu sắc, thậm chí rất cơ bản, đã cộm lên trong những trao đổi về các vấn đề như tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, nhân quyền, Đài Loan, và an ninh khu vực. Những tranh luận viên của hai nước đã nhìn những vấn đề này từ những góc nhìn xung khắc nhau và đặt nghi vấn đối với những tiền đề cơ bản của nhau. Học giả Trung Quốc Zhou Qi nhấn mạnh rằng Trung Quốc không đồng quan điểm với phương Tây về nhân quyền vì trật tự Khổng giáo đặt cơ sở trên lễ nghĩa xã hội [societal rites] – “những qui tắc ứng xử hợp với lễ nghĩa đã được định sẵn” – chứ không phải là những quyền cơ bản của cá nhân. Andrew Nathan, một giáo sư của Columbia University, đã thẳng thừng bác bỏ lập luận này; ông cho rằng quan điểm của Qi ngụ ý có một chủ nghĩa biệt lệ Trung Quốc [a Chinese exeptionalism] cho phép Bắc Kinh khỏi tuân theo các qui phạm phổ quát.

Rõ ràng là, cái phần tiết lộ nhiều nhất trong tuyển tập này là cuộc đối thoại về tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc giữa hai học giả có quan điểm xung khắc không thể hòa giải được: Xu Hui, một giáo sư mang quân hàm đại tá tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, và Christopher Twomey, giáo sư tại Trường Hậu-tiến sĩ Hải quân Mỹ [the Naval Postgraduate School]. Trong hai thập niên qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã phát triển một loạt khả năng quân sự mới, gồm tàu ngầm tấn công không tiếng động, tên lửa hạt nhân cơ động, và máy bay chiến đấu tiên tiến. Twomey chất vấn tại sao Trung Quốc cần bành trướng sức mạnh quân sự nhiều như thế khi môi trường an ninh của mình đã trở nên tốt hơn. Ngày nay, Trung Quốc không hề đối diện nguy cơ bị nước khác xâm lấn đất đai, và không một nước láng giềng nào có sức mạnh ngang hàng với Trung Quốc. Bằng một lô-gic tương tự, Xu đáp rằng lẽ ra Hoa Kỳ “phải từ bỏ cải tổ quân đội từ lâu rồi” vì người Mỹ không những có ưu thế công nghệ quân sự tuyệt đối mà cũng không gặp phải một nước láng giềng hùng mạnh nào đe dọa họ.

Các tranh luận viên không những bất đồng về triết lý: trong một số trường hợp, họ chỉ thấy sự kiện dưới góc độ khác nhau mà thôi. Các tham dự viên Trung Quốc thường xuyên bác bỏ thông tin hoặc lối lý giải lịch sử của các học giả Mỹ, như khi Jia Qingguo, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, không đồng ý với Alan Romberg của Trung tâm Stimson về nghi vấn, liệu Đài Loan có bao giờ đã là một phần lãnh thổ thực sự của Trung Quốc hay chưa. Về một số vấn đề nhạy cảm nhất, gồm các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, các học giả Trung Quốc có xu thế đi theo đường lối của Đảng Cộng sản, ít khi đưa ra nhận định gì sâu sắc về các động lực thúc đẩy hành vi của Trung Quốc.

Một điều hữu ích được rút tỉa từ các cuộc trao đổi này là, một số tranh cãi song phương có thể dễ được hòa giải hơn một số khác. Nếu dùng tuyển tập này để phán đoán, chúng ta thấy rằng Washington và Bắc Kinh chắc chắn có thể khắc phục những bất đồng về chính sách kinh tế, thay đổi khí hậu, và các trách nhiệm toàn cầu không liên quan tới an ninh quốc phòng, vì những vấn đề này ít bị nhiễm độc bởi sự nghi kỵ từ cơ bản và mỗi bên đều có lợi ích riêng trong việc hợp tác. Nhưng cũng có một điều hiển nhiên đến độ nhức nhối là, các bất đồng khác sâu sắc hơn sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc định đoạt bản chất của mối quan hệ song phương Mỹ-Trung – và những tranh chấp này vẫn không được giải quyết trong một tương lai có thể thấy trước. Hoa Kỳ và Trung Quốc phải gác qua một bên việc cố gắng giải quyết các xung đột liên quan đến tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, an ninh Đông Á, Đài Loan, và các giá trị chính trị và thay vào đó chỉ nên tìm cách chế ngự các xung đột này là hơn.

Thật ra, giá trị đích thực của cuốn Debating China chính là cái mức độ nó cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang đi theo một chiều hướng ngày càng kèn cựa nhau hơn. Nếu cả hai nước vẫn tiếp tục đường lối hiện nay, thì nhãn hiệu không-phải-thù-mà-cũng-không-phải-bạn trước đây sẽ không còn thích hợp, và mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới này sẽ không còn được định nghĩa là một sự hợp tác; nó sẽ mang tính cách một sự kình địch được chế ngự [managed rivalry].

KHÔNG THỪA NHẬN CÁC GIẢ ĐỊNH CỦA NHAU

Người ta có thể tìm ra một cách lý giải cho xu thế đáng lo ngại này trong các giả định, lập luận, và nguyên tắc mà các tham dự viên Trung Quốc sử dụng trong việc hậu thuẫn cho lập trường của mình – và trong các phản ứng của học giả Mỹ. Giả định cơ bản nhất nằm trong lập luận của các học giả Trung Quốc là, sở dĩ Washington phải thay đổi chính sách của mình tại châu Á là vì Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh hơn. Nhiều tranh luận viên Trung Quốc nhắc đến tiên đoán được trích dẫn rộng rãi của Quĩ Tiền tệ Quốc tế cho rằng kích thước của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt qua kích thước của nền kinh tế Hoa Kỳ vào khoảng giữa năm 2020 và năm 2025. Dựa vào sự tăng trưởng ngoạn mục này, Wu Xinbo, một giáo sư tại Đại học Fudan [Phúc Đán], kêu gọi chấm dứt cái “cơ cấu trong đó Mỹ có vị trí trung tâm từ thời Chiến tranh Lạnh” tại Đông Á. Yuan Peng, một học giả Trung Quốc hàng đầu về chính sách đối ngoại Mỹ, cho rằng vì sự trỗi dậy của các nước đang phát triển làm đảo lộn trật tự thế giới hiện hữu, Trung Quốc phải nắm lấy cơ hội để “thay đổi những cơ chế quốc tế không hợp lý… gồm các tổ chức, chế độ, và pháp luật quốc tế cũng như khu vực.”

Thật không đáng ngạc nhiên, những lập luận như thế này về một sự chuyển đổi trong cán cân lực lượng và tính tất yếu về sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể thuyết phục các học giả Mỹ. Theo quan điểm của họ, trật tự thế giới hiện hữu không những phục vụ lợi ích của Trung Quốc, mà lại còn có khả năng đáp ứng vai trò và quyền lực ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Trong khi đó, một số học giả Mỹ cảnh giác rằng không có gì chắc chắn về tương lai của Trung Quốc. Như nhà nghiên cứu chính trị Kenneth Lieberthal tranh luận, sự phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc không được bảo đảm cho lắm, nếu xét đến những hạn chế mà các vấn đề dân số và sự khan hiếm tài nguyên đang áp đặt lên quốc gia này.

Một chủ đề khác nói lên sự xung khắc là, mỗi bên tin rằng nhiều hành động và chính sách của bên kia thiếu tính chính đáng [legitimacy]. Đối với các học giả Mỹ, tính quyết đoán trắng trợn trong các đòi hỏi chủ quyền, viện trợ không ràng buộc đối với các nước đang phát triển giàu tài nguyên, và chính sách mậu dịch hám lợi của Trung Quốc đang phá hoại trật tự thế giới tự do [the liberal world order]. Nhưng chỉ trích này lại sặc mùi đạo đức giả đối với các học giả Trung Quốc; họ vạch ra rằng các nước phương Tây, kể cả Mỹ, cũng phạm những lỗi lầm này khi chúng bắt đầu trỗi dậy. Họ còn tranh luận rằng thái độ quyết đoán mới đây của Trung Quốc là phù hợp với tư cách của một đại cường. Ngoài ra, họ còn cho rằng, Mỹ bảo trợ cái trật tự toàn cầu hiện nay không phải vì lòng vị tha mà vì lòng vị kỷ trắng trợn.

Điều được phơi bày trong cuốn Debating China gây lo ngại nhiều nhất cho Washington là, các nỗ lực nhằm nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc đã rơi vào tai những người điếc. Như các học giả Trung Quốc cho thấy, cả giới bình dân lẫn giới tinh hoa Trung Quốc đều tin rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ sẵn sàng từ bỏ vai trò bá quyền toàn cầu của mình và cho phép Trung Quốc trở thành một đại cường đúng với vai vế của nó. Wu thẳng thắn nói rằng “Trung Quốc không thích vai trò lãnh đạo tự xưng của Hoa Kỳ… Bắc Kinh còn nghi ngờ rằng vai trò quân bình lực lượng trong dự định của Washington chỉ nhằm vào việc chặn đứng một Trung Quốc đang trỗi dậy, nhằm phá hoại các lợi ích quốc gia chính đáng của Trung Quốc tại [Đông Á].” Các học giả Mỹ đã phản ứng lại tư duy này bằng một thái độ vừa khó tin vừa bực bội. Họ không hiểu vì sao Bắc Kinh có thể lên án Washington cố gắng chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc khi Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường cho Trung Quốc, đã huấn luyện hàng trăm ngàn sinh viên ưu tú của Trung Quốc tại các đại học Mỹ, đã đầu tư hàng tỉ đôla trong công nghiệp chế tạo Trung Quốc và hậu thuẫn Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Họ nhiều lần nhắc nhở các đồng nghiệp Trung Quốc rằng tại Hoa Kỳ không có một hậu thuẫn chính lưu nào cho việc ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng các học giả Trung Quốc vẫn không chịu tin; họ coi bất cứ một hậu thuẫn nào của Mỹ dành cho Trung Quốc là hoàn toàn vị kỷ.

SỰ KHÓ XỬ CỦA NHÀ CHÍNH TRỊ THỰC TẾ

Trong suốt ba thập niên qua, chính sách Mỹ đối với Trung Quốc đặt cơ sở trên hai giả định, một là chủ nghĩa thông thoáng [liberalism] và cái kia là chủ nghĩa thực tiễn [realism]. Giả định đầu tiên, đặt cơ sở trên chủ nghĩa thông thoáng, quan niệm rằng một khi Trung Quốc hội nhập vào trật tự quốc tế hiện hữu thông qua mậu dịch và đầu tư, quốc gia này thuần túy vì những lý do tự lợi chắc chắn sẽ chấp nhận trật tự này và góp phần duy trì nó. Giả định thứ hai, đặt cơ sở trên chủ nghĩa thực tế, cho rằng Mỹ phải duy trì các liên minh và sức mạnh quân sự có khả năng giúp mình chặn đứng và, nếu cần, chống trả lại bất cứ hành động nào của Trung Quốc có thể đe dọa phá hoại trật tự thế giới hiện hữu – Mỹ phải duy trì thái độ này cho đến khi Trung Quốc trở thành một thành viên như thế (và thậm chí sau khi Trung Quốc đã trở thành một đối tác có trách nhiệm).

Những tương tác đáng lo ngại được biểu hiện trong cuốn Debating China khiến người ta nghiêng về quan điểm chính trị thực tế. Cái giả định đặt cơ sở trên chủ nghĩa tự do dường như chỉ có giá trị khi Trung Quốc còn tương đối yếu và thiếu khả năng để trực tiếp thách thức cái trật tự do Mỹ lãnh đạo. Nhưng điều mà nhiều người theo chủ nghĩa tự do đã bỏ qua là sự khứng chịu hiện nay của Trung Quốc đối với trật tự này sẽ không dẫn đến việc chấp nhận nó. Căn cứ vào những xung khắc giữa các đặc tính nòng cốt của hệ thống quốc tế hiện nay (tức, tính thông thoáng và cách ứng xử dựa vào luật lệ) và các đặc tính nòng cốt của chế độ đối nội Trung Quốc (chính trị khép kín và việc sử dụng quyền lực độc đoán), người ta không mấy tin tưởng giới chóp bu Trung Quốc sẽ coi trật tự phương Tây là chính đáng, ngay cả khi họ nhìn nhận tính thực dụng của trật tự này.

Do đó, đồng thời với việc Trung Quốc tiếp tục trở nên giàu mạnh hơn nữa, nước này sẽ tìm cách hoặc thay đổi trật tự thế giới hiện hữu hoặc, nếu một nỗ lực như thế tỏ ra quá rủi ro hay quá tốn kém, sẽ kiến tạo một trật tự song hành phù hợp với sở thích mình hơn. Một trật tự như thế không nhất thiết đối đầu với trật tự do Mỹ lãnh đạo, theo cung cách khối Sô-viết đã làm trước đây, nhưng nó sẽ có những qui luật riêng, nhằm đẩy phương Tây ra ngoài, và cho phép Trung Quốc giữ vai trò thống lĩnh. Thật vậy, các đầu tư của Bắc Kinh trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và ngân hàng phát triển BRICKS đã được lên kế hoạch (một định chế tài chính hỗn hợp sẽ được thành lập bởi Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) cho thấy rằng Trung Quốc đã khởi sự đi theo đường lối này. Việc Trung Quốc lập khu nhận diện phòng không gây nhiều tranh cãi tháng Mười Một vừa qua, chồng lấn lên các khu nhận diện phòng không của Nhật Bản và Nam Hàn, đã nhanh chóng gia tăng nguy cơ xung đột với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này. Và việc này đã chứng minh thêm cho lời cảnh báo của những người theo chủ nghĩa thực tế khi họ tin rằng Trung Quốc sẽ không ngần ngại thách thức trật tự thế giới phương Tây một khi nó có đủ khả năng làm như thế.

Cách đáp trả hữu hiệu nhất đối với một hành vi như thế sẽ là tiếp tục chính sách đề phòng chiến lược (policy of strategic hedging) – một đường lối bổ túc cho chính sách hợp tác, bằng cách “củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trên biển và bằng cách đảm bảo rằng các quốc gia trong khu vực không dễ bị quyền lực đang lớn mạnh của Trung Quốc dọa nạt” – như cách giải thích của học giả Michael Greene thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Chính sách đề phòng chiến lược sẽ có khả năng trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc và làm cho Bắc Kinh phải đắn đo nhiều lần về việc đẩy mạnh lợi ích của mình bằng hành động o ép. Trong khi đó, chủ nghĩa thông thoáng không đưa ra được một phương án thay thế khả thi nào cho chính sách này, nhất là vào thời điểm các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc rất am tường về chính trị thực tiễn và các chiến thuật quân bình lực lượng. Dĩ nhiên, một chính sách đề phòng, như xoay trục hướng về châu Á, chỉ khẳng định thêm mối ngờ vực từ lâu của Bắc Kinh, rằng luận điệu cổ vũ tự do của Washington chỉ là ngụy trang cho một quyết tâm sắt đá nhằm duy trì vĩnh viễn vai trò bá quyền của Mỹ.

Nhưng đó là điều mà Hoa Kỳ phải sẵn sàng trả giá. Cho đến nay, những nhà làm chính sách Mỹ đã dựa trên một đường lối có hai mũi, đề phòng và hợp tác, dựa trên hai ý niệm, thực tế và phóng khoáng đối với Trung Quốc. Nhưng một khi sức mạnh Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng, việc duy trì một thái độ quân bình như thế sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ cả.

 

M. P.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Hoa Kỳ, Trung Quốc. Bookmark the permalink.