Phạm Nguyên Trường dịch
Nhà chức trách Nga tuyên bố rằng họ can thiệp vào Ukraine vì có những mối đe dọa mang tính phát xít do các nhà chức trách mới tại Kiev gây ra. Arseniy Yatseniuk, một nhà kĩ trị theo khuynh hướng bảo thủ, đang dẫn dắt chính phủ Ukraine. Cuộc cách mạng ở Ukraine được dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội và mọi xu hướng chính trị tham gia. Người ta đã nống lên rằng những người chiến đấu với cảnh sát chống bạo loạn trong những tuần cuối cùng của cuộc cách mạng, khi chính quyền ở Ukraine sử dụng những biện pháp như bắt cóc, tra tấn, và bắn vào dân chúng, là lực lượng cực hữu. Các thành viên của đảng cánh hữu, Đảng Svoboda, chỉ giữ vài chức vụ trong chính phủ mới, trong khi các đảng chính trị thông thường và những người có những quan điểm khác giữ nhiều chức vụ hơn hẳn. Cuộc bầu cử trong mùa xuân này sẽ chứng tỏ rằng cánh cực hữu chỉ được một số lượng hạn chế cử tri trong xã hội Ukraine ủng hộ. Trong các cuộc thăm dò ý kiến được tổ chức nhân cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến vào ngày 25 tháng 5 tới, các nhà lãnh đạo của cánh cực hữu ở Ukraine chỉ được từ 2 đến 3 phần trăm công dân Ukraine ủng hộ mà thôi. Không có người nào trong số các ứng cử viên hàng đầu có chút gì đó tương tự như những người dân tộc chủ nghĩa. Nếu cuộc bầu cử được tổ chức, người chiến thắng có thể sẽ là một ông trùm sôcôla hay một cựu võ sĩ quyền Anh hạng nặng, cả hai đều còn lâu mới là những người dân tộc chủ nghĩa.
Tất nhiên, mục đích của sự can thiệp của Nga là để đảm bảo rằng các cuộc bầu cử đó không bao giờ xảy ra. Dùng sự hiện diện của các chính trị gia cánh hữu trong chế độ dân chủ ở nước láng giềng làm lý do cho một cuộc xâm lược quân sự, đây là điều cực kì lạ lùng đối với một chế độ độc tài công khai ngả sang cánh hữu, như chế độ của Vladimir Putin. Dù có nói thế nào thì chính sách xã hội của chính Putin cũng ngả sang hữu hơn chính sách của những người Ukraine mà ông ta chỉ trích. Nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát Ukraine dựa trên ý thức hệ Á-Âu (Eurasian ideology), dứt khoát bác bỏ chế độ dân chủ tự do. Người sáng lập của phong trào Á-Âu (Eurasian movement), Alexander Dugin, trên thực tế là một tay phát xít, ông ta từng kêu gọi một cuộc cách mạng các giá trị trong khu vực kéo dài từ Bồ Đào Nha đến Siberia. Người chịu trách nhiệm về chính sách đối với Ukraine là Sergei Glayzev, trước đây lãnh đạo đảng dân tộc cực hữu đã bị cấm vì chiến dịch tranh cử mang tính phân biệt chủng tộc. Putin đã tự đưa mình vào vị trí lãnh đạo chiến dịch chống lại đồng tính luyến ái toàn cầu. Điều này rất có lợi về mặt chính trị, vì phe đối lập Nga hiện đang bị vu cáo là tiến hành lobby cho tình dục đồng giới ở tầm quốc tế, một điều tự bản chất của nó là không thể nào xảy ra, nếu hiểu được tâm linh cố hữu của nền văn minh truyền thống của Nga.
Nga đã xâm lược và chiếm đóng bản đảo Krym với thái độ làm nhiều người, trong đó có một số nhà quan sát Nga, nhớ lại tinh thần hồi cuối những năm 1930. Luận cứ được mang ra sử dụng là nhà nước Nga có quyền bảo vệ người Nga. Làm như thế là đặt dân tộc tính, theo hình dung và đề xuất của Moskva, cao hơn biên giới quốc tế và luật pháp quốc tế. Thật vậy, nhà chức trách Nga đã thể hiện rõ rằng học thuyết của họ như sau: vì họ bảo rằng Ukraine không còn là một quốc gia nên Ukraine không còn là một quốc gia; và trong thế giới của những mối quan hệ quốc tế, chỉ có dân tộc tính và lịch sử được nhìn từ Moskva là quan trọng. Trong cái logic này, “quyền” duy nhất của các cá nhân là được Điện Kremlin coi là thành viên của một dân tộc[1] và sau đó tùy hoàn cảnh mà có bị xâm lược hay là không. Việc người Nga ở Ukraine, trên thực tế, được hưởng quyền tự do rộng rãi hơn so với người Nga ở Nga không phải là vấn đề cần quan tâm, vì trong chương trình này, người dân không phải là những cá nhân mà chỉ đơn giản là những luận cứ số liệu nhằm mở rộng lãnh thổ. Cung cách bác bỏ quốc gia và luật pháp theo hướng có lợi cho dân tộc tính và cuộc xâm lăng như vậy không phải là bằng chứng cho thấy nước Nga hiện nay chống chủ nghĩa phát xít.
Krym dưới chính quyền Ukraine là một tỉnh tự trị, ngoài người Nga và người Ukraine còn có cả người thiểu số Tatar. Tháng 5 năm 1944, toàn bộ người Tatar ở Krym, đàn ông, đàn bà và trẻ con, đều bị Bộ Nội vụ Liên Xô trục xuất. Những người hiện sống ở Krym là những người bị trục xuất còn sống sót và con cháu họ, từ nơi lưu đày khắc nghiệt ở Cộng hòa Xô-viết Uzbekistan trở về và tái định cư ở nước Ukraine độc lập. Cuộc hồi hương của họ là một trong những trường hợp kì diệu của sự hội nhập đa văn hóa ở châu Âu thời hậu Xô-viết. Kết quả là người Tatar ở Krym là những người ủng hộ Ukraine, theo nghĩa là họ thích luật pháp của Ukraine hơn bất cứ sự lựa chọn nào khác. Cuộc xâm lăng của Nga vào vùng đất quê hương họ lập tức tạo ra ý nghĩa mới về sự đe dọa, nó nhắc nhở nhiều người Tatar về kinh nghiệm của sự thanh lọc sắc tộc. Nhà của họ ngay lập tức bị đánh dấu. Cách đây mấy ngày, người ta đã phát hiện được xác một người Tatar ở Krym bị cắt ra từng khúc. Trước “cuộc trưng cầu dân ý”, phụ nữ và trẻ con Tatar ở Krym đã bị đưa sang phần đất liền Ukraine. Sau đây tình hình có thể còn xấu hơn.
Câu chuyện diễn ra ở Krym vào ngày Chủ nhật vừa qua chỉ là một trò hề. Không thể tiến hành trưng cầu dân ý dưới họng súng của quân chiếm đóng. Không thể tiến hành trưng cầu dân ý với chỉ hai lựa chọn mà thực chất là như nhau. Không thể tiến hành trưng cầu dân ý khi tất cả bộ máy tuyên truyền đều nằm trong tay nhà nước. Không thể tiến hành trưng cầu dân ý khi toàn bộ các đài truyền hình khu vực đều bị đóng cửa, còn các phóng viên thì bị đánh đập và đe dọa. Thậm chí trong những điều kiện như thế, lời tuyên bố cho rằng 75% dân chúng tham gia và hơn 96% bỏ phiếu đồng ý sáp nhập vào Nga cũng không đứng vững được. Sau nhiều năm khảo sát, chúng tôi biết rằng phần lớn người Krym không ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Một công trình khảo sát lớn cho thấy năm 2011 có 33% người ủng hộ ý tưởng này, năm 2013 chỉ còn 23%. Người Tatar ở Krym tẩy chay cuộc “trưng cầu dân ý”, nhiều người Ukraine cũng làm thế, vì nó bị chính phủ Ukraine tuyên bố là phi pháp và vi hiến. Số người tham gia ở thành phố Sevastopol là 123%.
Nhưng cũng có một số người ca ngợi “cuộc trưng cầu dân ý” này. Moskva gửi lời mời các đảng cực hữu của châu Âu và đã tìm được những chính trị gia sẵn sàng đóng vai“người quan sát”. Enrique Ravello từng là thành viên của Đảng Tân Quốc xã CEDADE và hiện là thành viên của cương lĩnh cực hữu Plataforma per Catalunya. Luc Michel từng là thành viên Liên đoàn Tân Phát xít với tên gọi là Liên đoàn Hành động Dân tộc và châu Âu (Fédération d’action nationaliste et européenne) và hiện ủng hộ cho tổ chức hỗn hợp giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Bolshevik, một tổ chức được nhiều người theo phái Á-Âu (Eurasianist) ở Nga biết đến. Béla Kovács là một thành viên của đảng cực hữu Hungary gọi là Jobbik và là thủ quỹ của Liên minh các Phong trào Quốc gia châu Âu (Alliance of European National Movements). Liên minh này mô tả vụ can thiệp của Nga ở Ukraine là phản ứng trước âm mưu của phái tân bảo thủ thế giới, được coi là nỗ lực mới nhất nhằm thống trị thế giới của người Do Thái.
Trong khi xâm lược và chiếm đóng bán đảo Krym, Nga – theo tường thuật của các nhân chứng – có đưa một số công dân của mình tới, nhằm gây ra tình trạng bất ổn tại các thành phố phía đông Ukraine như Kharkiv và Donetsk. Ở cả hai thành phố này, trong những diễn biến dường như là đã được sắp đặt từ trước, một người nào đó đã hạ cờ Ukraine từ một tòa nhà công cộng và thay thế bằng cờ Nga. Ở Kharkiv người làm việc này là một công dân Nga, anh ta còn để cho người ta chụp hình mình trong bộ đồng phục của Đức Quốc xã. Có lẽ đây chỉ đơn giản là lựa chọn thời trang mang tính cá nhân. Ở Donetsk, người treo cờ là Pavel Gubarov, một người dân tộc chủ nghĩa Nga (và là công dân Ukraine), anh này tuyên bố rằng mình là người cai trị nhân dân. Sau khi bị chính quyền Ukraine bắt, anh ta được vô tuyến truyền hình Nga đưa lên như một anh hùng và một vị thánh tử đạo. Trong khi đó ở Donetsk, Gubarov được mọi người coi là một tên phát xít và là thành viên của tổ chức phát xít gọi là Thống nhất Quốc gia Nga (Russian National Unity).
Nếu có ai bên cánh tả vẫn còn coi Putin là nghiêm túc khi ông ta diễn tả vụ chiếm đóng Ukraine của Nga là hành động chống phát xít, thì bây giờ có thể là thời điểm để xem xét lại.
Timothy Snyder là giáo sư sử học ở Đại học Yale (Yale University) và là tác giả cuốn Những vùng đất đẫm máu: Châu Âu giữa Hitler và Stalin.
P. N. T.
[1] Tác giả chơi chữ: nguyên văn Volk, tiếng Đức nghĩa là dân tộc, nhưng lại đồng âm với từ “chó sói” trong tiếng Nga – ND
Nguồn:http://www.procontra.asia/?p=4080