Địch và ta
Quan niệm về truyền thông của giới chức Việt Nam và nhiều người Việt Nam dưới ảnh hưởng của khái niệm địch và ta, làm cho không những truyền thông trong nước không phát triển mà còn mất đi cơ hội tận dụng những diễn đàn truyền thông bên ngoài.
Cuộc tranh luận về điều luật 258 bộ luật hình sự Việt Nam có thêm một diễn biến mới là nhóm chống điều luật này kêu gọi những đối thủ của họ công khai tranh luận trên diễn đàn truyền thông của nhà nước Việt Nam. Blogger Phạm Thanh Nghiên, một nhà bất đồng chính kiến tại Hải Phòng, và cũng là một trong những người tham gia ký tuyên bố chống điều luật 258 nói với đài Á châu tự do:
“Kể từ khi có Tuyên bố 258, sau một thời gian im lặng thì có một nhóm tự xưng là cộng đồng bloggers Việt Nam đã phản bác lại Tuyên bố 258. Và cũng có những cuộc tranh luận trên mạng. Tôi có đưa ra yêu cầu cùng nhau công khai thảo luận Tuyên bố 258 trên chính truyền thông Việt Nam, cụ thể là Đài Truyền hình Việt Nam, tôi nhấn mạnh chính Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan truyền thông Nhà nước chứ không phải một đài quốc tế nào vì như thế họ hay chụp mũ chúng tôi là đài phản động”.
Viết những chuyện chính trị thì lạng quạng là bị kỷ luật, thôi thì viết tầm bậy tầm bạ chuyện dân sinh thì không đụng chạm tới ai.
– Hùynh Ngọc Chênh
Tuy nhiên bà Phạm Thanh Nghiên cũng không hy vọng gì sẽ có một cuộc tranh luận như vậy diễn ra công khai trên truyền thông do đảng cộng sản kiểm soát.
Tranh luận hình như chưa bao giờ được đưa ra công khai trên báo chí nhà nước Việt Nam. Trên mặt báo thì ngoài các sự kiện xảy ra đó đây thì lúc nào cũng tràn ngập một không khí đồng thuận cao với chủ trương của đảng. Và không phải sự kiện nào cũng được đưa nếu nó không có lợi cho sự định hướng của đảng cộng sản.
Trong những năm qua nhiều nhà báo đã bị cầm tù hay mất việc. Nhiều lý do đã được đưa ra cho những sự bắt bớ hay đuổi việc ấy, nhưng nhiều người hồ nghi lý do chính là những nhà báo đó đã không theo đúng những gì đảng mong muốn. Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh, người được giải Netizen năm 2013, nói:
“Viết những chuyện chính trị thì lạng quạng là bị kỷ luật, thôi thì viết tầm bậy tầm bạ chuyện dân sinh thì không đụng chạm tới ai”.
Không trả lời phỏng vấn từ nước ngoài?
Có một điều gì đó giống như một sự sợ hãi bao trùm lên truyền thông nhà nước. Những sự kiện quan trọng như kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp của 72 nhân sĩ trí thức mà không có một dòng tin. Chỉ sau đó khá lâu là một sự đả kích nhóm 72 ấy với cùng một giọng đồng thuận cao trên những tờ báo nổi tiếng gần gũi với đảng nhất như Quân đội nhân dân, Sài Gòn giải phóng, v.v. Nhiều nhà báo cũng từ chối trả lời phỏng vấn từ nước ngoài. Một Tổng biên tập trả lời chúng tôi khi chúng tôi tìm hiểu chuyện kiểm duyệt một quyển sách, rằng anh ta là đảng viên cho nên không được phép trả lời đài nước ngoài.
Có lẽ lý do quan trọng của sự từ chối này là quan niệm về đài địch phản động như bà Phạm Thanh Nghiên nêu bên trên. Trong ngành tuyên truyền của đảng cộng sản, họ thường phân biệt những khái niệm địch và ta rất rõ. Và như thế, ngành truyền thông cũng phải được xếp hạng địch và ta, chứ không đơn thuần là những người, những tổ chức đưa thông tin. Và những cơ quan truyền thông không do đảng kiểm soát thường đựoc xếp vào loại phe đối nghịch với đảng, còn tệ hơn nữa thì bị xếp vào phe phản động.
Khi có sự hình thành nhóm chống đối tuyên bố 258 và ủng hộ đảng cộng sản, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận những người này. Một bạn trẻ được đề nghị phỏng vấn để ghi lại quan điểm của nhóm này về điều luật 258, một sự nghi kỵ bao trùm cuộc nói chuyện khi bạn trẻ ấy liên tục đưa ra cho phóng viên những câu hỏi thay vì trả lời về quan điểm của mình:
“Bạn có thể làm cách nào chứng minh cho tôi biết bạn là phóng viên?
Có gì đảm bảo cho tôi là cuộc phỏng vấn được chuyển tải trung thực mà không thêm bớt câu chữ, không thêm bớt từ ngữ?
Đài của bạn có kiểm tra bài viết trước khi đăng hay không?
Có phải là các bạn ủng hộ tuyên bố 258 mà dìm cái bài phản bác của chúng tôi?
Đài của bạn chỉ đăng những tin hót tin nóng phải không? Thì có gì khác gì báo lá cải đâu?”
Nỗi lo sợ sợ bị cắt xén phát biểu của mình có lẽ xuất phát từ sự không bao giờ công khai tranh luận trên báo chí Việt Nam, trong không khí truyền thông của xã hội Việt Nam. Và hơn nữa là một sự nghi ngại về đài địch về bất cứ cơ quan truyền thông nào không phải của đảng nắm giữ.
Gần kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, bạn trẻ ấy cũng nói rằng:
“Bây giờ tôi cũng hiểu ra một số vấn đề”.
Tuy thế sau cuộc nói chuyện, trở về với những người giống với mình, bạn trẻ đó lại cho rằng bạn đã thắng cuộc nói chuyện ấy, đã cướp được diễn đàn, đã quay người phóng viên tội nghiệp kia thay vì trả lời phỏng vấn…
Quan niệm rằng giới truyền thông không do đảng kiểm soát là kẻ thù chính là sự phân biệt địch ta trong sự tuyên truyền của đảng cộng sản bấy lâu nay. Cho nên thay vì để nêu quan điểm trên các diễn đàn truyền thông lớn trên thế giới, giới chức Việt Nam thường tránh né như người đảng viên tổng biên tập được nêu trên kia, hoặc xem truyền thông là một mục tiêu để tấn công, và phải chiến thắng nó, như bạn trẻ chống lại nhóm 258 kia.
Trong cấu trúc của một xã hội hiện đại, truyền thông được coi như đệ tứ quyền, bên cạnh Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Nó làm minh bạch xã hội, giúp các nhóm công dân khác nhau trao đổi ý kiến và quan điểm. Vậy thì tại sao lại coi truyền thông là kẻ thù?
Trong một diễn biến gần đây, ông Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đã vượt qua định kiến kẻ thù ấy, khi ông dành cho Biên tập viên Gia Minh của đài Á châu Tự do một buổi phỏng vấn về quan hệ Việt Nam Thái Lan. Một việc làm hết sức đơn giản để cho mọi người biết về thiện ý của người Việt Nam là như thế nào.
K. H.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/y-take-media-an-enemy-kh-10052013122935.html