Thư ghi nhận và tri ân của làng Duy Tinh

Thư phản hồi

GHI NHẬN VÀ TRI ÂN

Kính gửi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Tôi đã đọc bài GIAN NAN CON ĐƯỜNG PHỤC CHẾ MỘT TẤM BIA THỜI LÝ của Giáo sư trên Bauxite Việt Nam (https://boxitvn.online/bai/19052 / http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/gian-nan-con-uong-phuc-che-mot-tam-bia.html), blog Nguyễn Xuân Diện (http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/09/nguyen-hue-chi-gian-nan-con-uong-phuc.html) và một số trang khác (http://www.diendan.org/viet-nam/gian-nan-con-duong-phuc-che-mot-tam-bia-thoi-ly). Tôi liền thông báo cho các cụ và mọi người trong làng về nội dung bài này. Các cụ giao trách nhiệm cho tôi viết thư cám ơn Giáo sư.

Nhân dân làng Duy Tinh chúng tôi rất vui mừng phấn khởi, xin được ghi nhận và tri ân công lao của Giáo sư cùng các cộng sự, có một việc làm cao đẹp vô cùng ý nghĩa cho làng Duy Tinh, nơi có tấm bia “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh” ngàn năm tuổi vừa được phục chế.

Từ nay, nhân dân làng Duy Tinh cũng như khách vãng cảnh chùa, được nhìn tận mắt: bên cạnh tấm bia cổ ngàn năm tuổi, phong sương vỡ sứt mất chữ, là tấm bia mới phục chế rõ ràng nét chữ, thấm đẫm hồn thiêng của tiền nhân.

Làng Duy Tinh lỵ sở của trấn Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) suốt 2 triều đại Lý – Trần, nơi anh hùng Lý Thường Kiệt đã ở, làm tổng trấn Thanh Hoa suốt 19 năm từ 1082 đến 1101. Hiện tại, là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa còn giữ lại được một trong bốn tấm bia từ thời nhà Lý. Hai tấm bia “An Hoạch Sơn Báo Ân tự bi minh” của chùa Báo Ân, Đông Sơn và “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh” của chùa Linh Xứng, Hà Trung hiện đều để ở Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vì hai chùa này không còn nữa. Còn tấm bia Chùa Hương Nghiêm thời Lý Nhân Tông tại núi Càn Ni, xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa đã bị đập nung vôi năm 1963!

Xin được tri ân Giáo sư Hoàng Xuân Hãn – nhà văn hóa lớn – năm 1943 Giáo sư đã về Thanh Hóa làm được một việc vô cùng ý nghĩa cho nền văn hóa nước nhà; Giáo sư đã gian nan vất vả trèo núi lội đồng, để khảo cứu và chụp lại các văn bia. Nhờ vậy, mà ngày nay ta mới được đọc các văn bia, dưới ánh mắt nhìn ấm áp của các vị tiên hiền.

Thưa Giáo sư,

Quá trình phục chế tấm bia, quả là một con đường gian nan vất vả; từ một di bút của Giáo sư năm 1992 khi về thăm chùa, đến nay – năm 2013 – mới thành sự thực, đã 21 năm! Một quãng thời gian dài đằng đẵng cho một đời người!

Làng Duy Tinh còn một tấm bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi” [Bia nói về việc trùng tu cầu chợ Phượng Hoàng – BVN] dựng năm 1628 thời Lê trung hưng, ghi lại công tích bà Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Minh Thụy. Những năm 60 của thế kỷ trước, cửa hàng Bách hóa huyện đã hạ làm bàn giặt hơn một thập kỷ! Nhưng rồi dân làng đã đòi lại được, hiện dựng tại chùa, nhưng chữ mờ hết cả. Xin GS có điều kiện về lại làng Duy Tinh để khảo cứu. Xin cám ơn!

Dân làng Duy Tinh biết, phật tử và thiện nam tín nữ thập phương đều biết:

– Tấm lòng và công sức của Giáo sư cùng các cộng sự, đã có công lớn trong việc phục chế bia “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự“. Không những làm cho làng Duy Tinh mà, hơn hết là làm cho nền Văn Hóa nước nhà được bảo tồn.

– Tấm lòng phật lượng quảng đại của sư cụ Thích Đàm Tâm, người đã trải những bước thăng trầm, cùng với chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh và làng cổ Duy Tinh gần 60 năm. Các phật tử và nhân dân đều tin vào tấm lòng của cụ; nên đã hằng tâm, hằng sản công đức tiền của cho việc trùng tu chùa và phục chế bia.

Nghe tin Giáo sư Huệ Chi thôi chủ trang Bauxite Việt Nam, chúng tôi rất bùi ngùi và cảm nhớ. Trong suốt hơn 4 năm qua GS cùng trang Bauxite Việt Nam đã khơi dậy phong trào dân chủ và tiếng nói phản biện cần có, của những người trí thức của nhân dân và thực sự vì nhân dân. 

Kính chúc Giáo sư Huệ Chi và các cộng sự luôn mạnh khỏe, có nhiều niềm vui, cống hiến nhiều hơn nữa cho nền Văn Hóa nước nhà.

Chúc trang Bauxite Việt Nam dưới sự điều hành của Giáo sư Phạm Xuân Yêm phát triển mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, hướng tới một nền dân chủ thực sự.

Nguyễn Quý Phong

  Lễ khánh thành bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (1-8-2013)

  

Dâng hương trước bia mới khánh thành

 

Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

 

Thưa ông,

 

Nhận được lá thư phản hồi của ông nhân đọc bài viết của tôi thuật lại quá trình phục dựng bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh tính tự đăng trên các trang mạng, tôi rất cảm động. Việc ông chuyển bài viết đó cho bà con ở làng Duy Tinh – nơi trực tiếp trông nom giữ gìn chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh với nhiều di vật vô giá trong đó có tấm bia, trong ngót một nghìn năm qua – để bà con cùng đọc, làm tôi càng mừng vui bội phần. Tâm nguyện của người viết bài là mong được nhiều người biết đến ngôi chùa thiêng và tấm bia quý có lịch sử dài hơn 8/10 thời gian xây dựng nền độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt – Việt Nam chúng ta mà may mắn đến nay vẫn không lâm kiếp tro bụi, để bà con người Việt cũng như người nước ngoài khắp bốn phương ghé vào thăm viếng mỗi khi có dịp hành hương qua xứ Thanh.

Nhưng người viết cũng muốn gián tiếp nêu lên một bài học kinh nghiệm về việc giữ gìn tôn tạo di tích của địa phương Duy Tinh, cốt sao kinh nghiệm ấy được nhân lên ở nhiều nơi khác, hy vọng rồi đây không chỉ một bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà nhiều bia cổ khác ở nhiều vùng miền khác đã bị hủy hoại theo thời gian, chẳng hạn Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh… cũng sẽ được phục dựng lại. Bởi lẽ người xưa gửi gắm tiếng nói vào đá bằng văn tự là mong mỏi con cháu các đời sau sẽ đọc để hiểu được tư tưởng, tâm huyết và nhiều điều mình từng trải nghiệm. Về phía hậu sinh chúng ta, nhờ đó cũng có thêm một phương tiện hữu hiệu giúp nhìn sâu vào quá khứ lịch sử, hình dung ra diện mạo, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam ở những thời kỳ xa xưa. Bên cạnh kiến trúc, hoa văn, tượng đá tượng đồng, các hình thức văn tự biểu đạt tiếng nói của cha ông rất cần được lưu lại, trân trọng giữ gìn, chính là vì vậy. Được bà con trong làng đọc, truyền bá rộng rãi cho nhau một việc làm đáng ghi nhớ của chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà đứng đầu là sư bà Thích Đàm Tâm, nhằm cùng nhau bảo vệ di tích từ nay về sau tốt hơn nữa, điều đó còn gì quý bằng.

Tối hôm qua tôi đã nhận được hai bản dập hai mặt tấm bia mới do Ban quản lý chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh vừa gửi ra nhờ xem lại những chỗ thợ khắc còn khắc sai hoặc thiếu, nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Tôi và các cộng sự sẽ dành thì giờ làm trọn việc này.

Về phần ông, tôi cũng mong ông cùng bà con dân làng hãy lên tiếng đề xuất với Ban quản lý và sư bà Thích Đàm Tâm tiến hành một số việc đáng được ưu tiên tiếp tục, chẳng hạn cân nhắc việc khắc bản dịch ra tiếng Việt văn bản tấm bia (đã được dịch trong bộ Thơ văn Lý – Trần Tập I, công bố năm 1977) trên một phiến đá lớn tương xứng với tấm bia gốc vừa phục chế (như GS Chu Hảo trong đoàn đi nghiệm thu hôm 17-8 có đề nghị), hoặc nếu tính toán số tiền trùng tu hiện vẫn còn khá, thì lên kế hoạch cho khắc lại các phiến đá bó vỉa nền chùa bằng hoa văn rồng Lý đang có mẫu lưu lại, thay cho những phiến đá chạm khắc hoa sen mới trùng tu vài chục năm trước không đúng với nền của ngôi chùa cổ, hẳn sẽ còn góp phần làm cho giá trị ngôi chùa được nâng lên xứng tầm hơn.

Cảm ơn ông đã chia sẻ về việc tôi thôi đảm nhiệm việc điều hành trang BVN một thời gian. Xin báo với ông, người thay tôi là GS Phạm Xuân Yêm, chuyên gia uy tín về ngành vật lý, hiện cư ngụ tại Pháp, rất biết cách bảo vệ trang mạng, và từ lâu đã nổi tiếng về tấm lòng ưu ái đối với đất nước. Việc trang Bauxite Việt Nam mở rộng quan hệ trong ngoài để cùng chung sức nhau tạo nên một tiếng nói truyền thông bao quát hơn, cập nhật hơn và cũng hiệu quả hơn, trong điều kiện thế giới đã trở thành phẳng như hiện nay, và trong tình hình phong trào dân sự trong nước đang dâng lên như hiện nay, là điều hợp tình hợp lý.

Kính chúc ông dồi dào sức khỏe và qua ông xin cho tôi và anh chị em cộng sự phục chế tấm bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh tính tự được gửi đến đồng bào trong làng Duy Tinh và rộng hơn trong toàn xã Văn Lộc, những tình cảm quý mến chân thành.

Hà Nội ngày 6-9-2013

Nguyễn Huệ Chi

This entry was posted in Thư bạn đọc, Thư gửi bạn đọc. Bookmark the permalink.